Nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển
“Mọi sự so sánh đều khập khiễng”! Dẫu vậy, tôi vẫn mượn thành ngữ “Say nghề như điếu đổ” áp vào đồng nghiệp của tôi - Nhà báo Phạm Quốc Toàn. Những năm dài ở báo Quân đội Nhân dân Phạm Quốc Toàn đã sáng danh là cây viết bình luận quốc tế sắc sảo, đạt nhiều Giải báo chí cao. Những năm làm Tổng Biên tập Báo Bà Rịa- Vũng Tàu, từ năm 1987, sự say nghề từ nơi anh đã giúp báo Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh “lên hạng” trong khối Báo Đảng địa phương cả nước. Và theo đó Đại hội VIII & Đại hội IX anh “lên ngôi” Phó Chủ tịch HNBVN, kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Người Làm báo – Ấn phẩm lý luận nghiệp vụ của Trung ương HNBVN.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển tặng đồng nghiệp Phạm Quốc Toàn tác phẩm " Bác Hồ của Nhân dân" cua Nguyen Uyen, nhà XB Chính trị Quốc gia Su That, 2020
Phạm Quốc Toàn là cây bút, viết không ngơi nghỉ về cái mới, cái hay; phê phán cái ngang trái; bình luận nhanh nhạy những sự kiện quốc gia và quốc tế. Ấy là sự đắm say với nghề báo. Hơn thế, Phạm Quốc Toàn còn ngây ngất với việc viết sách. Chỉ tính từ tập sách đầu tay “Tản mạn về đời” do NXB Văn học ấn hành năm 2012 cho tới quý I – 2021, anh đã cho in tới 16 đầu sách, ấy là chưa kể tập sách thứ 17 của anh đang nhấp nhẩy ra lò. Mỗi năm “xuất xưởng” 2 đầu sách dày dạn, được bạn đọc đón nhận. Thật đáng kinh ngạc! Không say, không ngây ngất với nghề dễ đâu có được. Say nên Phạm Quốc Toàn luôn phô với tôi và bạn bè về sản phẩm của mình ngay từ khi còn trong bọc kén (bản thảo); tặng nhau sách còn vương vấn mùi mực in như của nả làm ra quý hơn cả ngọc ngà! Ngần ấy tập sách được tạo nên từ sự kiên trì lao động của quá khứ và hiện tại, chiu chắt từ kinh nghiệm của cuộc đời từng trải dạn dày với hạnh phúc và cả những đắng cay nghiệt ngã, cẩn trọng với chữ nghĩa như gìn giữ tình anh em ruột thịt sáng trong; hy vọng và lạc quan tràn đầy trong từng trang sách như những lính gác trung thành giúp cho Phạm Quốc Toàn lúc nào cũng viết đúng, viết trúng, viết hay, cuốn hút người đọc.
Nói thì dễ vậy, làm thì với muôn bề khốn khó mới có được. Từng ngồi với nhau trên giảng đường Đại học Khóa báo chí - Xuất bản đầu tiên từ những năm 1969 – 1973. Từng mến mộ khuôn mặt trẻ tươi, đôi mắt cương nghị thăm thẳm về cách nhìn. Từng yêu mến âm giọng trầm ấm đậm chất Nghệ Tĩnh trong sắc phục lính mỗi khi anh đăng đàn về những điều cần có của báo chí, của nhà báo! Yêu quý nhau hơn, trọng nhau hơn vì anh chỉ một lòng một dạ với cái nghề, cái nghiệp mà thiên hạ cho là: “Giời đày”, “Nguy hiểm”, “Thống khổ suốt ngày đêm”, “Khắt khe”, “Nghiệt ngã”, “Càng béo con chữ/ Càng gày niêu cơm”!...
Phó Giáo sư TS Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình giải nghĩa với tôi “Say như điếu đổ” : Say đắm, yêu thích, mê mẩn, ngây dại, ví như người hút thuốc lào say ngây ngất, đê mê, đến nỗi đánh đổ cả điếu mà không biết! Ông còn đai thêm: Đây là Từ điển giải nghĩa...hay thế. Tôi không hút thuốc lào nên không cảm nhận hết. Nhưng đắm say, ngây ngất, đê mê với nghề viết thì đúng là Phạm Quốc Toàn. Say mê mẩn, ngây dại thì không. Tôi có cảm nhận Phạm Quốc Toàn đi đâu, đến đâu, thăm gì, gặp ai, xem gì, đọc gì đều để tâm tác nghiệp, để đong thêm vốn, để ních vào kho tư liệu ẩn cất trong tâm trí. Nghĩa là con tim, khối óc, đôi mắt tinh tường đều hướng đến việc nhìn nhận, suy xét, xúc cảm rồi lưu vào bộ nhớ, thậm chí ghim vào ký ức, ấy là cách tiếp nhận thông tin. Theo đó là xử lý thông tin từng được nuôi dưỡng từ lòng kiên định một lòng vì nước, vì dân, vì sự tốt lành của xã hội để tạo nên bài viết, tạo ra tập sách. Chả thế mà, bắt đầu bằng gặp gỡ, thăm hỏi qua lại với báo chí Thái Lan. Trái tim dễ rung động cùng bạn bè đồng nghiệp, Phạm Quốc Toàn trở nên thân thiết với ông Bandhit Rajavtanadhanin, Chủ tịch Liên đoàn Báo chí ASEAN, Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan, bện nên sợi chỉ đỏ kết nối báo chí và nhân dân hai nước Việt – Thái suốt mấy chục năm nay. Tập bút ký “Xứ sở chùa Vàng”, NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành năm 2015 của anh là minh chính về nghĩa tình, trái tim nhạy cảm.
"Một cây bút say nghề như điéu đố" cua tác giả Nguyễn Uyển, đăng trên báo Vũng Tàu Chủ nhật, 4-2020
Thiên hạ “độc mồm” bảo: “Nhà báo nói thêm”! Sự độc mồm không chỉ để chê bai, mà còn răn đe, nhắc nhở nhà báo phải viết cho đúng! Ngỡ ra gần 55 năm Phạm Quốc Toàn viết báo chưa khi nào vấp ngã vì bài viết. Đọc các tập Tiểu luận “Tản mạn về đời”; “Đời & Nghề” (NXB Văn học- 2013) và thậm chí cả Tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” (NXB Văn hóa-Văn nghệ - 2019) vỡ ra quan niệm thấu thiết của Phạm Quốc Toàn về nghề báo, nghiệp văn, về trách nhiệm cao cả của người cầm bút không khi nào lơi lỏng. Cái lớn nhất của nhà báo không chỉ là đam mê, là tay nghề mà trước hết là cái tâm, cái đức. Đạo đức nghề nghiệp là trên hết, là đường lớn; viết báo là để nhân lên cái hay, cái đẹp của xã hội, của nhân dân và đất nước thân yêu của mình. Bởi thế, khi đọc hết tập “Từ bến sông Nhùng” tôi nhận ra dung lượng mở của thể loại tiểu thuyết chứa đựng tính tổng quát khá cô đặc cả đời nghề của nhân vật nhà báo lão thành, cả lịch sử bề thế của tổ chức HNB VN. Hơn nữa, khiến người đọc nhận rõ người làm báo phải có nghề, nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức nghề nghiệp, phải thực sự có trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội cao cả.
Sự nghiệp cầm bút của Phạm Quốc Toàn vẫn tiếp diễn, vẫn nối dài những trang viết, những tập sách, nhưng chỉ với gần 55 năm trong nghề báo, anh dồn nén hết cho cái hay cái đẹp, cho cái mới nẩy sinh phát triển, cho những điển hình tiên tiến lan tỏa, nhân rộng thêm ra. Anh luôn nhìn người bằng sự đóng góp thiết thực cho dù đấy là nhỏ. Nhỏ đấy, vặt vãnh đấy nhưng là sự tích tụ, góp mật - có ích cho đời như con ong luôn là cái để ta bắt lòng; lòe loẹt đấy nhưng chỉ là sự bắt mắt và nhanh chóng qua đi, như cốt lõi trong tập tản văn“Cá Chép hóa Rồng” (NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2019). Là những tập Truyện kí “Phi Thường” (NXB Hội Nhà văn, 2016; “Búp Sen Hồng (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016); “Trần Lê Đông, từ làng quê Trung Lễ đến mỏ dầu Bạch Hổ” (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2020); “Khơi nguồn vằng trắng” (NXB Văn học, 2021) là những tấm gương tiêu biểu luôn biết vượt lên thác ghềnh, cắt tắt qua những khúc quanh, những đoạn đời nghiệt ngã, huy động mạnh mẽ sự nhất tâm của tập thể để làm đẹp cho đời.
Từ trái qua: Nb Nv Phạm Quốc Toàn, Nb Nv Nguyễn Uyển ... tại lễ ra mắt sách "Từ bến sông Nhùng" của Phạm Quốc Toàn, 3-2019
Nhân văn là đức hạnh của Phạm Quốc Toàn. Anh mộc mạc, thẳng thắn, chân tình, không đao to búa lớn, “đánh” nhưng mở lòng. Với anh, sai đúng, xấu tốt, phải trái, cao thượng và thấp hèn...luôn rành mạch, rõ ràng dù họ là ai. Đức tính ấy là cốt cách trong con người anh, hiển hiện trong các tập tiểu luận “Tản mạn về đời”, “Đời & Nghề”, hiển hiện trong tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” mà trong những bài viết về anh, tôi đã không dưới một lần nhắc tới. Nhưng, có lẽ đức hạnh nhân văn rõ nhất ở tập tản văn “Con voi chui qua lỗ kim” (NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2018). Không gian các bài đề cập chỉ là những sự kiện, vụ việc xảy ra trong một năm (2017). Vấn đề nêu trong các bài viết có khi là đại sự của quốc gia, của Quốc hội, của Đảng và Nhà nước nhưng cũng có việc chỉ là chuyện thường nhật cái tốt và cái xấu đan cài trong cuộc sống. Bằng lối viết chân tình, tươi mới mà hóm hỉnh tác giả không chỉ tái hiện sự việc, sự kiện mà còn xen lời bình - vốn là thế mạnh của anh - rất đỗi tinh tế khiến người đọc phải lắng lại để suy ngẫm, để tự cắt nghĩa, lý giải. Cho nên nhỏ nhẹ đấy nhưng thâm sâu, dễ động lòng những kẻ có tật! Cho nên gọi đó là tản văn cũng đúng, nói đó là tiểu phẩm cũng chẳng sai. Tính chiến đấu quyết liệt nhưng mềm mại, hệt như “mật ngọt” chết ruồi! Song cái thâm thúy, hóm hỉnh vẫn là mượn thành ngữ “Con voi chui qua lỗ kim” để vạch trần nguyên cớ khó chống tham nhũng bởi những ông Kễnh, thậm chí có tổ chức, nhóm lợi ích ẩn phía sau “chống lưng”. Khen và chê là hai thái cực của tập sách. Khen Quốc hội đổi mới trong chất vấn và trả lời chất vấn đầy tính tương tác, phản biện đi tới cùng sự thật ngay tại nghị trường; Phạm Quốc Toàn coi đó là phép rèn năng lực của các Bộ trưởng! Chê việc “chống lưng” để “Con voi chui qua lỗ kim” là kẻ thù lớn nhất của tham nhũng, tác giả chỉ rõ mọi sự phải công khai hóa, rằng: Sự minh bạch thông tin, công khai hóa là khắc tinh của “chống lưng”!...Viện dẫn như trên cũng chỉ là nét chấm phá về cái sự “Say nghề như điếu đổ” của nhà báo Phạm Quốc Toàn...Nhân văn l
Một đời say, suốt đời ngụp lặn với nghề báo - nghiệp văn. Anh không chỉ là người có năng khiếu bẩm sinh mà còn là tấm gương của nhà báo có học vấn thâm sâu, thấu đáo về nghề, về chính trị - văn hóa - xã hội. Một người ham đọc, ham học, ham đi, ham tới và ham viết. Một đời làm đúng. Viết đúng. Viết hay. Say nghề như điếu đổ. Đó là Phạm Quốc Toàn đồng nghiệp thân thiết của chúng tôi!
Hà Nội, tháng 4/2021
N.U
< Lùi | Tiếp theo > |
---|