Tôi biết vài năm trở lại đây, nhà báo Phạm Quốc Toàn, nung nấu ý định viết một quyển sách về một người anh, một đồng nghiệp và là người bạn vong niên mà anh hằng quí mến, kính trọng. Và đúng dịp Xuân Kỷ Hợi - 2019, ý định ấy đã thành hiện thực. Tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” (Nhà Xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 2019) đã ra mắt bạn đọc.
Trong con mắt nhà báo Phạm Quốc Toàn, sau mấy chục năm quen thân, nhà báo - nhà văn họ Phan là một chính khách hội đủ đức và tài. Cổ nhân đã dạy “Văn dĩ tải đạo”, lại có câu “Văn dĩ ngôn chí”. Suốt nửa thế kỉ theo nghề báo, trải qua nhiều cương vị khác nhau, thăng trầm cùng thời cuộc, trải nghiệm về thế thái nhân tình, Phạm Quốc Toàn muốn nhà báo lão thành, có uy tín trong xã hội nói hết, nói kĩ về đạo đức, nhân cách làm người, trước hết là đạo đức của người cầm bút. Đồng thời, anh lại cũng muốn ông Phan nói rõ, nói kĩ tầm quan trọng của ý chí phấn đấu vươn lên không ngừng của một thanh niên khi bước vào làng báo, làng văn.
Quả thật, Phạm Quốc Toàn có tham vọng không nhỏ khi chọn đất “bến sông Nhùng” để trồng cây tùng trong rừng báo chí đương đại. Trong làng báo Việt Nam hiện nay đúng là có một số nhà báo “viên mãn” thật. Chỉ cần lướt qua vài chục trang sách Từ bến sông Nhùng là ta dễ dàng nhận ra Phan Hoàng là ai. Tuy nhiên, Phạm Quốc Toàn đã không ghi tên thật bởi anh không muốn cuốn sách thành “người thật việc thật” (mặc dù loại sách này cũng rất quí, rất đáng trân trọng). Anh dùng thể loại tiểu thuyết, bút pháp văn học để ngòi bút có một khoảng trời tự do vừa đủ để vùng vẫy, để “ngôn chí” và “tải đạo”, nhờ thế mà nhân vật chính Phan Hoàng càng giống nguyên mẫu, nét đẹp tiềm ẩn vốn có tỏa sáng hơn. Tôi có một kỉ niệm nhỏ với ông Phan. Năm 2010, nhân kỉ niệm 85 năm ngày sinh cố Tổng biên tập Tuấn Minh, tôi và gia đình ông tổ chức làm cuốn sách về vị thủ lĩnh đức độ, tài năng này. Và ông Phan có góp một bài cho cuốn sách. Bài viết quá hay! Chỉ quanh chuyện ông Tuấn Minh chủ trì cuộc họp Ban chấp hành Hội nghề nghiệp, mà ông khắc họa được bản lĩnh và phong cách Tuấn Minh. Duy có cái “Tít” là tôi băn khoăn, muốn sửa mà lại ngại. Sau vài ngày đắn đo, tôi quyết định sửa “Tít” bài. Từ Tp Hồ Chí Minh, tôi email bài của ông Phan ra Hà Nội cho một đồng nghiệp nhờ đưa lại cho tác giả. Không biết vị “già làng” đọc cái “Tít” mới có thầm chê người biên tập không, nhưng tin phản hồi từ ông là: Tùy nhóm chủ biên quyết định.
Trên đuong vể Hải Lăng, Quảng Trị.
Trở lại ngòi bút Phạm Quốc Toàn. Hai vị đồng nghiệp Phan & Phạm quả là “Đồng khí tương cầu”. Có thể nói tác giả Từ bến sông Nhùng không chỉ thuộc nguyên mẫu dùng làm nhân vật chính mà cao hơn là sự đồng điệu giữa họ với nhau, mặc dù tuổi tác họ cách nhau gần hai con giáp. Bao niềm vui nỗi buồn về đời và nghề, bao trăn trở về nhân tình thế thái cùng những bức xúc trong làng báo, làng văn … họ đều tâm sự sẻ chia. Chính sự tri âm tri kỉ đã tạo nên sự gắn kết, sự đồng điệu giữa họ. Và điều này là chỗ dựa vững chắc để ngòi bút Phạm Quốc Toàn tự tin và có lúc đạt tới sự thăng hoa khi tái hiện một nhà báo, nhà văn ngoài đời thành nhân vật Phan Hoàng sinh động và hấp dẫn.
Chọn cách “tiểu thuyết hóa” một nguyên mẫu đã là cách khôn ngoan của Phạm Quốc Toàn. Khi nhìn toàn cảnh chân dung, sự kiện, tác giả có thêm một nét riêng khác là chọn “chương hồi” cổ điển nhưng không theo thứ tự thời gian mà theo chủ đề, khiến cho điều mình muốn nói tập trung hơn, trở đi trở lại cho rõ ý và ngòi bút cũng sắc sảo hơn. Có hai chương, theo tôi là tâm huyết nhất và cũng đau đáu, thời sự nhất của nhân vật (cũng là của tác giả) đó là chương “Phóng viên, bạn là ai?” và chương “Đạo đức nghề nghiệp”.
“Thì hiện tại” chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ thông tin. Ngoài báo in, báo nói, báo hình truyền thống là báo mạng điện tử. Đúng là “người người làm báo, nhà nhà ra báo”, bầu trời rộng mênh mông, tự do thoải mái (!) Nhà chức trách vò đầu tìm cách chặn những tin, bài và ảnh độc hại nhưng chặn đường này nó kiếm đường khác; chặn cổng nọ, nó nhờ cổng kia: Thật khó! Trong hoàn cảnh ấy, trả lời câu hỏi “Nhà báo, bạn là ai” rất quan trọng, bức thiết. Và việc xác định “Đạo đức người làm báo” càng bức thiết hơn. Đọc Từ bến sông Nhùng, ta thấy hai chủ đề quan trọng nói trên luôn luôn được nhắc đến, được phân tích kĩ càng bằng cấu trúc “Vòng tròn đồng tâm” để rồi tập trung lí luận và thực tiễn làm rõ chủ đề chính trong hai chương giữa cuốn sách.
***
Cuốn sách dày gần 400 trang mở đầu bằng hai số đẹp: “chín mươi và bẩy mươi”. 90 là tuổi đời và 70 là tuổi nghề của nhân vật chính Phan Hoàng. Chàng trai sinh ra “Từ bến sông Nhùng”, lên đường tranh đấu từ rất trẻ, chân lội khắp mọi miền đất nước và đi nhiều nơi trên thế giới để hành nghề “báo” và “văn”, loại nghề cực nhọc cả thể xác lẫn trí tuệ, tình cảm. Sống tận tụy, có trách nhiệm với nghề báo, nghiệp văn suốt bẩy mươi năm mà đến ngày lễ diễn ra ở “Nhà Đài” ngày 6 tháng 9 năm 2018, vị Tiên chỉ làng Báo, làng Văn tròn chín mươi Xuân vẫn tinh tường, mạnh giỏi, gia đình hạnh phúc thì quả là Xưa nay hiếm!
Với tác giả họ Phạm, nhà báo, nhà văn họ Phan là một người toàn bích, không tì vết. Tác giả giành cho ông những lời tốt đẹp. Một thứ nhiệt huyết, chân thành ngợi ca và ấm áp lan tỏa các trang sách. Phạm Quốc Toàn có điều kiện để hiểu về nhân vật gạo cội trong làng báo. Anh là học viên khóa một Đại học báo chí, làm làm phóng viên nhiều năm, gánh nhiều trọng trách trong nghề truyền thông ở địa phương và Trung ương. Nhiều ngọt ngào và cay đắng trong cái nghề “công ít lỗi nhiều” anh đều nếm trải. Cùng với vốn sống phong phú về nghề nghiệp, kiệm lời mà quảng giao, nếp nhà của Phạm Quốc Toàn cũng có điểm giống ông Phan. Lại nữa, cái gan xứ Nghệ, phong độ ứng xử của chàng trai nơi Cán xoong cũng nhiều nét tương đồng với nhà báo đa tài họ Phan vùng Gió Lào cát trắng. Trong nhiều năm quen biết, sống và làm việc với ông Phan (nguyên mẫu), Phạm Quốc Toàn thấy những bức xúc của mình về đời, về nghề giống người bạn vong niên. Nếu cần người chỉ ra những mảng sáng, tối trong làng báo, thì ông Phan là một trong số người thích hợp nhất, bởi một lẽ đơn giản: Ông là tấm gương sáng nói đi đôi với làm, làm nhiều hơn nói. Cuộc đời cầm bút suốt 70 năm có được thành tựu là do ông tự học, tự rèn để tư duy luôn đổi mới, ngòi bút luôn sáng tạo, giàu chất nhân văn. Ông chắt chiu từng bài học về nghề, nhất là bài học từ những bậc thầy. Chi tiết Bác Hồ mắng ông “Chỉ có chuyện bác đi bộ mà sao chú nói lắm thế” là chi tiết nhớ đời, đắt giá trong nghề kí giả của ông Phan.
Phạm Quốc Toàn đặt nhân vật chính Phan Hoàng vào một hoàn cảnh đặc biệt, từ miền quê xuất thân đến môi trường làm việc. Nơi chôn nhau cắt rốn của ông Phan là đất “Địa linh nhân kiệt”, và nhờ thế mà chàng trai “thông minh vốn sẵn tính trời”. Nơi Phan Hoàng công tác chủ yếu là hai cơ quan truyền thông hàng đầu của đất nước. Là một trong những cây bút chủ lực của tòa soạn, với môi trường ấy, Phan Hoàng có nhiều điều kiện để học hỏi, rèn luyện, mở mang trí tuệ vươn tới tầm chính khách nhưng cũng không ít thử thách cam go.
Lấy nhà báo, nhà văn Phan Hoàng làm trung tâm, xuyên suốt để rồi theo thời gian, tác gỉa tạo ra một không gian, thời gian rộng lớn cho các nhân vật khác xuất hiện, chủ yếu trong báo giới. Ta gặp ở đây những nhà báo lớn, uy tín, là những bậc thầy cả về nhân cách và tài năng; gặp những nhà báo trẻ có tài mà khiêm cung học hỏi; lại thấy khá nhiều nhà báo làng nhàng, nước lợ, kiếm chiếc thẻ Nhà báo là để cầu danh cầu lợi…, và cũng gặp một số nhà báo cơ hội, “ăn theo, nói leo”, “xanh vỏ đỏ lòng”! Từ ngày nghỉ hưu, Phạm Quốc Toàn viết rất khỏe. Điều đặc biệt là, hễ có thời cơ là anh lôi những “ngụy kí giả” ra ánh sáng. Với vốn sống giàu, rất đa dạng về các mẫu người trong làng báo, Phạm Quốc Toàn đã có những trang viết sinh động về đồng nghiệp. Chuyện của anh là chuyện thật ngoài đời cho nên đọc Từ bến sông Nhùng (cũng như các sách anh đã xuất bản), ta thường phải dừng lại, ngước mắt đăm chiêu và tự hỏi: “Phải nó đây không?”. Có một điều quan trọng là dù khen hay chê thì ngòi bút Phạm Quốc Toàn rất mực thước, nhân văn, công bằng, xây dựng.
Giá trị hiện thực và nhân văn của cuốn sách chính là từ cái tâm của tác giả./.
Nhà báo PHẠM ĐÌNH TRỌNG
----------------
------------------
Linh mua sách
< Lùi | Tiếp theo > |
---|