(P.Q.T - 26.6.2018) - Tháng 6 năm 2018, nhà báo, nhà văn Phan Quang xuất bản tập tiểu luận “Qua tên gọi bốn con đường” (Nhà Xuất bản Văn học, 2018). Tập tiểu luận tuyển chọn một số bài tác giả Phan Quang viết gần đây, liên quan đến đời sống văn hóa, báo chí, văn nghệ … theo cái nhìn “Nóng hổi tính thời sự” của người viết dựa trên trải nghiệm bản thân, bám sát thời cuộc, có tham chiếu tư liệu trong nước, ngoài nước khi cần. Những vấn đề mà Phan Quang luận bàn trong tập tiểu luận “Qua tên gọi bốn con đường” đa dạng, thâm thúy mà sâu sắc: Lòng yêu nước Việt Nam đậm tính nhân văn; Nghĩ về bản lĩnh báo chí Việt Nam; Chữ quốc ngữ trong văn hiến Việt Nam; Quá khứ trước mặt ta; Tự hào và trách nhiệm; Chúng ta nợ quá khứ nhiều; Những ngày tháng ấy ai làm sao quên; Tôn vinh danh nhân biết mấy cho vừa; Văn học, nghệ thuật và báo chí trong cuộc sống ngày thường; Người bạn muôn đời; Nghĩ về cốt cách Việt Nam; Nhà văn người Bỉ và anh bộ đội cụ Hồ; Tiểu thuyết tư liệu, miền đất hứa của văn học đương đại… Điều nổi bật từ sự luận bàn của Phan Quang là trải qua bao biến thiên động trời với hàng ngàn năm, văn hóa Việt vẫn giữ được cốt cách kiên cường và khoan dung, không ngừng phát triển và ngày càng đậm tính nhân văn. Cùng với thời gian, nền văn hóa Việt ngày càng phong phú, đa dạng, biết tiếp thu có chọn lọc tinh hoa các nền văn hóa khác làm giàu thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Mất văn hóa là mất tất cả, văn hóa là nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chỉ riêng vấn đề “Chữ quốc ngữ trong văn hiến Việt Nam”, Phan Quang phân tích: “Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà thành phố mang tên Hồ Chí Minh ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn tên hai con đường chạy song song, đường phía bên trái mang tên nhà nho Hàn Thuyên, đường phía bên phải mang tên giáo sĩ Alexandre de Rhodes. Cũng không phải không hàm chứa ý nghĩa cao cả mang ý nghĩa tượng trưng, khi chính giữa hai con đường ấy có đại lộ dài hơn, rộng hơn mang tên Lê Duẩn; ba con đường như thế đồng hành để cuối cùng đại lộ Lê Duẩn băng qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đàng hoàng tiến vào thẳng cổng chính dinh Độc Lập, biểu tượng của quốc gia Sài Gòn trước năm 1975, trước nữa là phủ toàn quyền Đông Dương” (Sách đã dẫn, trang 73)
Dựa vào các tài liệu trong nước và nước ngoài, sự trải nghiệm của nghề báo, nghiệp văn, nhà văn hóa - chính khách thông tuệ 90 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi nghề, Phan Quang hiểu tường tận hai nhân vật của lịch sử, một tây một ta: Hàn Thuyên & Alexandre de Rhodes. Với nhà cách mạng Lê Duẩn thì ông đã viết riêng một cuốn sách “Tầm nhìn Lê Duẩn”. Nhà nho Hàn Thuyên đỗ tiến sĩ từ năm 1247, Binh bộ Thượng Thư dưới thời vua Trần Nhân Tông, là người đầu tiên đưa chữ Nôm vào thơ văn, biến chữ Nôm thành ngôn ngữ phổ biến trong văn chương và đời sống xã hội Việt Nam.
Phan Quang đặt vấn đề, góc độ một nhà nghiên cứu văn hóa: Quá trình hình thành chữ quốc ngữ kéo dài hơn 300 năm, tính từ ngày những giáo sĩ phương Tây đầu tiên đặt chân lên đất Việt cho đến khi tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời. Các nhà nghiên cứu đều có chung nhận định: Ai là người đầu tiên và có công đầu trong việc định hình chữ quốc ngữ? Xin thưa, chữ quốc ngữ là công trình sáng tạo tập thể, mỗi người góp một ít, những vị đi trước mở đường, những người kế tiếp hoàn thiện, nâng cao dần. Và trong số những giáo sĩ phương Tây có công góp phần hoàn thiện chữ quốc ngữ ở Việt Nam, thế kỷ XVII - được vinh danh và nhắc đến nhiều nhất - đó là giáo sĩ Dòng Tên, nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes. Ông sinh năm 1591 tại miền Nam nước Pháp trong một gia đình gốc Do Thái. Từ nhỏ ông đã ước mơ được đi tới vùng đất phương Đông nhiều cảnh đẹp, giàu tài nguyên. Và ông đã cập bến đàng Trong Việt Nam trên một chuyến tàu buôn Bồ Đào Nha lúc 33 tuổi, sống và làm việc ở Việt Nam tất cả 7 năm. Alexandre de Rhodes có đầy đủ tư chất, kiến thức của một nhà ngôn ngữ học. Sau khi được thụ phong giáo sĩ, thông minh & chăm chỉ học hành, ông sử dụng thành thục 13 ngôn ngữ. Alexandre de Rhodes được giới nghiên cứu đánh giá nằm trong nhóm những người chủ chốt sáng tạo ra chữ quốc ngữ - tiếng Việt ngày nay.
Người đời, giới sử học còn có những ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về Alexandre de Rhodes. Nhưng đối với người Việt Nam như Phan Quang kết luận: “Bất kỳ ai có đóng góp ít hay nhiều cho sự phát triển của văn hóa Việt, chúng ta đều hàm ơn, và hậu thế sẽ thành kính tôn vinh những người nước ngoài có cống hiến trên mặt trận ấy, tùy theo công lao đóng góp của họ, cho dù nhân thân họ là người thế nào” (Sách đã dẫn, trang 73).
Phan Quang phân tích một cách khoa học, có lí có tình, ở Việt Nam, với truyền thống dân tộc, truyền thống văn hiến hàng ngàn năm, dù các thế lực ngoại bang rất muốn, họ đã không thể dùng chữ Pháp hay chữ Hán thay chữ quốc ngữ; các chí sĩ yêu nước và báo chí cùng với văn học có vai trò to lớn tiếp tục hoàn thiện, truyền bá chữ quốc ngữ. Và chính quyền cách mạng là bệ phóng vững chãi để chữ quốc ngữ mãi mãi là tinh hoa văn hóa của người Việt, đất nước Việt - con Lạc cháu Hồng. Phan Quang kết luận: “Chỉ cần tên gọi bốn con đường, từ đường Lê Duẩn lội ngược thời gian qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Alexandres de Rhodes lên đường Hàn Thuyên, cùng với tên gọi của tòa nhà Thống Nhất giữa lòng Sài Gòn - Chợ Lớn nay là Thành phố Hồ Chí Minh chói lọi tên vàng, chừng ấy thôi đủ cho mọi người nhìn thấy ý chí kiên cường cùng truyền thống khoan dung của người Việt, bắt đầu thể hiện thành văn từ thời Lí Thường Kiệt với “Nam quốc sơn hà…” qua “Bình Ngô đại cáo” đến “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh, cũng như hình dung rõ quá trình giao lưu, tiếp biến và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt từ chữ Hán, sang chữ Nôm, rồi từ mẫu tự Latinh sáng tạo nên chữ quốc ngữ ngày nay”(Sách đã dẫn, trang 87).
Năm 2018, nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa, nguyên Chủ tịch Hội Phan Quang bước qua tuổi 90, với hơn 70 năm tuổi nghề, là dịch giả tài hoa, cây bút mẫn cán, sắc sảo, uyên bác, thông tuệ nhiều lĩnh vực. Phan Quang lao động cần mẫn, sáng tạo, chỉn chu, rất có trách nhiệm với từng trang viết. Sau tập tiểu luận “Qua tên gọi bốn con đường”, Phan Quang đang ấp ủ, thai nghén, tiếp tục cho ra mắt bạn đọc những tác phẩm mới. Phan Quang là tấm gương sáng cho các thế hệ theo đuổi “Nghề báo - Nghiệp văn” của nước nhà hôm nay và mai sau.
TP. HCM, 26.6.2018
PHẠM QUỐC TOÀN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|