Truyện ngắn PHẠM QUỐC TOÀN
Hà Nội bắt đầu vào mùa hạ. Đàn sâm cầm bay về trên các rặng cây xanh chung quanh hồ Tây xây tổ ấm. Điềm lành khi các loài chim đổ về đậu ngọn cây cổ thụ ven Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn linh thiêng. Một tỷ phú Ấn Độ và người vợ trẻ hoa khôi mới cưới sau tuần lễ trăng mật đã rời khách sạn 5 sao trên đường Thanh Niên - Hồ Tây bay tới đảo Ngọc hưởng tuần trăng mật thứ hai. Thời tiết đảo Ngọc thật đẹp, biển hiền hòa, nắng vàng ươm nhè nhẹ trải đều...
Nhà giáo sành điệu văn chương, thời trai trẻ dạy môn ngữ văn tên Chử Văn Bình cùng với Cẩm Sơn, một người bạn viết văn từ Tràng An - Hà Thành đáp chuyến bay trưa của Vietnam Airlines hạ cánh đảo Ngọc. Đúng là quả đất tròn, tình cờ hai người bạn văn chương gặp lại nhà tỷ phú Ấn Độ lúc máy bay vừa hạ cánh. Nhà tỷ phú vui vẻ “Việt Nam và Ấn Độ là bạn quý” và hẹn sẽ sắp xếp để có thể gặp lại nhau trong một cuộc cà phê sáng tại đảo Ngọc.
Nhà văn Cẩm Sơn và giáo Bình lên chiếc xe buýt điện Vinbus miễn phí, 20km - hết đường xe buýt là tới thành phố “Đêm không ngủ”. Nhà riêng của người anh họ nằm ở trung tâm “Đêm không ngủ”, chỉ cách cột đồng hồ đảo Ngọc 5 phút đi bộ. Dọc đường, xe buýt điện miễn phí Vinbus không còn chỗ trống, có chục điểm dừng, mỗi điểm dừng không quá 3 phút cho khách lên xuống, nhanh gọn và tiện lợi. Khen cho chủ đầu tư đã tính toán lộ trình khoa học, phục vụ chu đáo mọi du khách. Lên xe buýt giáo Bình được một cô gái trẻ né chỗ mời ngồi cạnh. Hỏi em tên gì, từ đâu tới? Em cười, má lúm đồng tiền, tiếng Việt khá sõi: “Dạ, cứ gọi em là Anna Thanh, người Anh Quốc, cha mẹ gốc xứ Bạch Dương, em làm luận án tiến sĩ ngành du lịch đến đảo Ngọc với đề tài nghiên cứu “Kinh doanh du lịch tổng hợp vùng nhiệt đới”. Em lên sân bay đón bạn gái, nhưng máy bay delay - chậm chuyến, hạ cánh trễ nên em về khách sạn nghỉ ngơi. Anh có thể kết bạn, số điện thoại của em 090…”. Cẩm Sơn ngồi đối diện, nhanh tay chụp cho hai người kiểu ảnh, cả hai mải chuyện mà không hay biết hình ảnh của họ đã được thu vào chiếc điện thoại thông minh cầm tay.
Thành phố “Đêm không ngủ” chủ yếu phục vụ khách du lịch và những ai yêu đảo Ngọc. Nhiều khách sạn sang trọng, bể bơi và hàng chục khu vui chơi giải trí cao cấp, khu văn hóa Việt, tòa nhà làm bằng cây Tre độc đáo, nhiều khu dịch vụ mua sắm, chủ yếu bán hàng lưu niệm và các đặc sản của đảo Ngọc. Trước căn nhà mặt phố dùng làm khách sạn kinh doanh phục vụ du khách của người anh họ Chử Văn Thái là những cây xoài - giống xoài địa phương không sum suê lá mà trĩu quả ngọt. Chủ nhân chỉ mất 5 phút đã có hai đĩa xoài chín cây vàng ruộm vừa hái bày lên bàn thơm nức, đặt bên cạnh bình trà Bắc và mấy ly cà phê nóng. Phong cách tiếp khách quý của chủ nhà chuyên nghiệp, thân mật, nhẹ nhàng, lịch lãm.
Sau bữa cơm chiều với các món đặc sản biển, cả nhà phóng xe đạp điện ra hồ Trung Tâm, dạo quanh thành phố “Đêm không ngủ”, xem nhạc nước, chiêm ngưỡng những màn pháo hoa đẹp níu kéo du khách. Chử Văn Thái ngắm nhìn các nàng người mẫu hoa khôi diễn viên múa minh họa làm nền cho màn nhạc nước thốt lên, các nàng như các Thúy Kiều, Thúy Vân của cụ Nguyễn Tiên Điền.
Sáng hôm sau, ba anh em đi dạo bờ biển đảo Ngọc, giáo Bình chia sẻ:
- Tối qua bác Thái khen các vũ công sân khấu nhạc nước đẹp như chị em Thúy Kiều làm cho em thao thức mãi với những kỷ niệm đã hơn nửa thế kỷ trước. Ngày đó em chọn đề tài nhân vật Thúy Kiều làm khóa luận tốt nghiệp Đại học. Đọc đi đọc lại đến thuộc lòng tác phẩm Truyện Kiều. Sau khi tốt nghiệp ra trường, nhiều năm giảng dạy, các trích đoạn của Truyện Kiều em càng kinh ngạc, thán phục về sự thấu hiểu con người và tài thơ của đại thi hào Nguyễn Du: Xót người tựa cửa hôm mai/ Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ/ Sân Lai cách mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Giáo Bình xúc động dừng lại giây lát, ngắm nhìn con sóng ven đảo Ngọc vỗ bờ, giọng nói như chùng xuống, nhỏ nhẹ và xúc động:
- Dưới ngòi bút của cụ Nguyễn Tiên Điền những điển tích trong văn hóa cổ Trung Hoa trở về trong câu lục bát mềm mại lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn người con gái Việt Nam. Không thể tìm thấy ở đâu những câu thơ hay hơn nói về lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, đấng sinh thành!
Giáo Bình thổ lộ cùng người anh họ:
- Bác Thái đã biết, chú Bình này mê Truyện Kiều từ ngày học cấp 3. Bác Cẩm Sơn đây thì còn vinh hạnh hơn, vừa uống trà Long Tỉnh với nữ ký giả họ Lý và nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh mà vịnh Kiều, bàn về ngôn ngữ cụ Nguyễn ở nơi Thúy Kiều trầm mình, sông Tiền Đường tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Người bạn viết văn Cẩm Sơn đi cùng giáo Bình bay ra đảo Ngọc trưa nay tủm tỉm cười, kiểu nụ cười ý tứ sâu xa của nhà thơ Xuân Sách với “Chân dung nhà văn” thuở nào, người cũng rất mê Kiều. Không biết Cẩm Sơn cười về hai anh em nhà họ Chử Văn đang nhắc tới Truyện Kiều hay ông dí dỏm cười về cô bạn Anna Thanh có dòng máu xứ Bạch Dương trong huyết quản.
***Â
Buổi chiều, ba anh em lại phóng xe đạp điện đi ngược qua hướng biển và khu biệt thự sinh thái Vinhomes Park. Ngắm nhìn cảnh đẹp đảo Ngọc lung linh dưới ánh nắng chiều cuối mùa hạ, Chử Văn Thái như dốc bầu tâm sự, thán phục ông chủ đầu tư họ Phạm. Đó là ông vua làm giàu từ nghề bán mì tôm bên trời Âu nhờ tầm nhìn rộng lớn đã xây cất lên những dãy phố đẹp, bài bản, quy củ. Hơn hai chục năm trước, ông chủ đầu tư này quả quyết bán hết tài sản, thu gom vốn liếng về nước dựng xây cơ đồ, ở xứ người chắc gì đã yên? Quả thực, mấy năm sau, đất nước mà ông đã gây dựng sản nghiệp buổi ban đầu chìm ngập trong đạn bom xung đột. Bãi tắm thoai thoải với thảm cát trắng mịn màng, những hàng dừa xanh vừa tầm tay trĩu quả, ẩn mình giữa các thảm cỏ xanh và cây dừa là dãy Resort. Cả nhóm đi dạo biển, chụp hình bãi tắm đảo Ngọc, sau đó ghé vào cà phê Bim Bim ven biển. Khí hậu biển đảo Ngọc thật tuyệt vời, đúng là thiên đường nghỉ dưỡng. Đất nước Việt đẹp như tranh vẽ. Hãy cứ đi và đến những vùng biển, vùng rừng trên dải đất hình chữ S này, hỏi có chịu thua kém bất cứ ai trên hành tinh này?
Khen cho nhà đầu tư khéo chọn đảo Ngọc. Đất trời và lòng người hòa hợp, còn hạnh phúc nào hơn.
***Â
Truyền thuyết Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung là niềm tự hào không chỉ của dòng họ CHỬ mà là sự hãnh diện của đất nước Đại Việt về tình yêu thủy chung, đạo hiếu làm người, người con đại hiếu thảo - một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam. Người ta nói Chủ Đồng Tử là nhà hành đạo cứu nhân độ thế, kỹ trị công thương, doanh nhân đầu tiên của Đại Việt - làm giàu và giao lưu với thế giới bên ngoài.
Ông cụ cố nội nhà Chử Văn học rộng tài cao nổi trội. Cụ cố có đội tàu biển, vận tải hàng hóa đường thủy ngoài Bắc, vào Trung. Là người kinh bang tế thế có thể vô tư giúp đời, giúp người làm việc thiện; làm ra hạt gạo củ khoai giúp người nghèo, góp sức bảo vệ bờ cõi biên cương. Làm giàu nhờ kinh doanh thương mại, thương lái, làm thầu xây dựng, chăn tằm dệt vải, đắp đê xây đập chống lũ lụt, sản xuất lúa gạo, muối, rau, củ quả phát chấn cho người nghèo. Tuyên ngôn cuộc sống của cụ cố nội nhà họ Chử Văn là không làm hại người, thuê người giỏi dạy cho người nghèo biết chữ, biết nghề mưu sinh. Cụ đào tạo các danh y, thuê người tài bắt mạch, kê đơn bốc thuốc, trọng Nam dược. Ai theo chiếu Cần Vương phò vua diệt giặc cụ đều khuyến khích.
Thân phụ của giáo Bình là ông Chử Văn Nghĩa. Lúc nhỏ ông được gia đình - thân phụ là doanh nhân - nuôi ăn học, là một trong hai người học cao nhất vùng. Ông nhiệt huyết tham gia phong trào “Rào làng kháng chiến” chống ngoại bang; xung trận trong nhiều hoạt động đánh giặc Tây giữ chốt, giữ làng. Tuổi thiếu thời, ông tiếp xúc với các chiến sỹ yêu nước, các Đảng viên Cộng sản tham gia phong trào chống sưu cao thuế nặng, chống giới chủ bóc lột, phá kho thóc bọn bóc lột cứu đói dân lành. Ông vào Đảng Cộng sản rất sớm, làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc ở quê nhà. Trước trận quyết chiến Điện Biên Phủ, ông Chử Văn Nghĩa hoạt động ở vùng đồng bằng bị giặc Tây bắt, đòn roi tra tấn dã man nhiều ngày, ông vẫn giữ vững chí khí chiến đấu, thà chết không khai báo. Kẻ thù treo ông lên cửa cổng dòng sông quê bắn chết, dây treo bị đứt, ông trôi theo dòng nước khoảng 8 km thì người dân vớt được và đưa lên mai táng ở rừng tre làng. Khí tiết Cách mạng, lòng yêu nước kiên trung của ông ngời sáng.
Dòng họ Chử tự hào về truyền thống gia đình, về quê hương vùng đất địa linh nhân kiệt. Địa phương làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, tấm gương chiến đấu, hy sinh vì nghĩa lớn. Con trai cụ là Chử Văn Bình trong một lần lên tỉnh Tuyên Quang, ghé thăm một nữ nhà thơ, tác giả của diễn ca lịch sử đất Việt, nữ nhà thơ có khả năng đặc biệt gọi hồn - điều mà khoa học chưa có lời giải - ông Chử Văn Nghĩa đã dặn con trai: “Bố đánh giặc là để giữ nước, là bổn phận và nghĩa vụ của mọi người. Bố không muốn và càng không đòi hỏi tặng các danh hiệu, các con cháu đừng làm gì cả, thế là bố vui”. Quả là một nhân cách lớn, truyền thống nối tiếp truyền thống nhiều đời nay của dòng dòng họ Chử Văn.
Tại đảo Ngọc, như đã có lời hẹn trong cuộc gặp tại sân bay, giáo Bình và Cẩm Sơn nhận được cuộc gọi của vợ chồng tỷ phú Ấn Độ. Vị tỷ phú đến từ quốc gia Nam Á mời khách quý đến khách sạn biển 5 sao dùng cà phê sáng. Giáo Bình, nhà văn Cẩm Sơn, doanh nhân Thái cùng tới. Tỷ phú Ấn Độ bày tỏ ý nguyện thuê mướn, hoặc mua các biệt thự liền kề cải tạo làm khách sạn. Mọi việc được thỏa thuận. Thế mới biết Chử Văn Thái kiến thức kinh doanh sâu rộng, phán đoán tình huống nhạy bén.
***Â
Hai anh em họ Chử Văn có hai cách tiếp nối truyền thống của dòng họ thật tuyệt. Giáo Bình yêu văn thơ - theo nghề văn chương lưu giữ giá trị tinh thần quý báu. Người anh giỏi kinh doanh tạo ra giá trị vật chất. Theo nghiệp văn chương, giáo Bình có cách tiếp cận sáng tạo, cách truyền thụ kiến thức và tình yêu văn học cho học sinh không cứng nhắc mà luôn đổi mới. Những việc này giáo Bình thường đưa ra cuộc họp chuyên môn bàn thảo, lắng nghe ý kiến chung của đồng nghiệp. Giáo Bình khiêm nhường trình bày chính kiến thấu lý đạt tình. Rốt cuộc, qua kiểm nghiệm thực tế và thời gian, mọi người đều ủng hộ quan điểm và cách tiếp cận, vận dụng nhiều ca dao tục ngữ cho bài giảng của nhà giáo Chử Văn Bình. Giáo Bình là chuyên gia trẻ tuổi lúc đó - đầu những năm 80 của thế kỷ XX - được giới thiệu làm chuyên gia giúp ngành giáo dục nước bạn Campuchia, sau thảm họa diệt chủng.
Nhà giáo yêu nghề, từ các trường học ngoài Bắc và cả khi chuyển vào phương Nam, sống và làm việc hết mình, mấy lần chi bộ Đảng gợi mở giáo Bình vào Đảng, nhưng anh tự thấy mình còn phải tiếp tục phấn đấu cho thật xứng đáng. Giáo Bình khéo trả lời: “Các bác cho em thêm thời gian phấn đấu, rèn giũa tính gương mẫu”. Rốt cuộc, cho tới ngày nghỉ hưu, dù sống và làm việc xứng đáng là “Một nhà giáo tiêu biểu”, các đồng nghiệp nói vui giáo Bình vẫn là “Đảng viên ngoài chi bộ (!)”.
Giáo Bình bình thản khi được hỏi về điều này:
- Đảng viên, Đoàn viên hay là gì đi nữa cũng không quan trọng. Cốt nhất là mình làm tròn phận sự, không phiền lụy đến ai, được đồng nghiệp quý mến, học trò tin yêu, không đi ngược lại truyền thống ông cha, vậy là thỏa lòng rồi.
Đúng là cha nào con nấy, chuẩn chỉ, nghĩ sao nói vậy. Vợ chồng giáo Bình sống nghĩa tình. Chữ nghĩa nhiều nhưng của cải tích cóp khiêm nhường. Ngôi nhà đang ở khi mua giá còn rẻ, rộng rãi thoáng mát. Sau này, bỗng một ngày, xe lu, xe ben ào ào kéo đến thực hiện dự án nâng cấp đường cống thành đại lộ thênh thang. Cha ông tổng kết: “Người tính không bằng trời tính” là vậy! Vợ chồng giáo Bình dự tính chuyển đổi biệt thự có của dư của để ông bà giáo chức hưu trí du lịch đây đó, nhưng ngẫm lại tiếc những kỷ niệm xưa ở chính nơi này nên dự án chuyển đổi án binh bất động. Giáo Bình có một gia đình viên mãn, con trai và con gái, con rể và con dâu theo gương bố mẹ, ông bà nội ngoại chăm học, chăm làm, sống đẹp. Mái ấm luôn ắp đầy tiếng cười.
Chử Văn Thái tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ngay tại đảo Ngọc. Xuất ngũ rồi trở về quê hương được mọi người mến mộ về tài giao tiếp “kinh bang tế thế” - tài làm cỗ đãi người - nhất cả vùng. Lắng nghe, chắt lọc nhiều ý kiến tư vấn trong đó có tư vấn của chú em họ giáo Bình, Chử Văn Thái đã trở lại đảo Ngọc, chọn nơi đây làm điểm rơi cuộc đời, bước vào đời doanh nhân- dù cho vốn liếng đầu tư còn rất khiêm tốn. Xuất ngũ chỉ hai bàn tay trắng, hai anh em họ Chữ Văn sát cánh bên nhau tay trong tay khởi nghiệp. Có thời điểm, khi di chuyển vào thành phố Sài Gòn hoa lệ lập nghiệp, cả nhà hơn chục con người, có cả thông gia - đêm chui vào một chiếc mùng lớn để ngủ qua đêm, nghe đàn ễnh ương… ca hát. Cổng vào nhà thuê trọ heo hút, chỉ cơn mưa nhỏ đã phải lội nước bì bõm. Giáo Bình tới chơi để đôi dép đẹp vừa mua ngoài hiên nhà đã bị bọn cắp vặt thó luôn.
Sông có khúc người có lúc. Ở hiền gặp lành. Con trai trưởng Chử Văn Thái nay là Chủ tịch một doanh nghiệp trực thuộc một tập đoàn chuyên về y tế “Chăm sóc sức khỏe - sắc đẹp”. Công ty này, những năm qua đã đồng hành với nhiều chương trình thiện nguyện, nhiệt thành tham gia công tác xã hội “Tiếp lửa vinh quang”, tài trợ các giải đấu thể thao có thương hiệu.
Ông bạn nhà văn Cẩm Sơn lắng nghe và thấu hiểu những việc đạo hiếu và tâm linh mà con cháu dòng họ Chử Văn đã làm, đang làm, sắp làm. Vùng làng quê đồng bằng sông Hồng của dòng họ Chử Văn nổi danh anh hùng thời trận mạc và thời đổi mới. Làng có hai vị Tướng - Tướng không quân đánh giặc trên bầu trời và Tướng hải quân diệt thù dưới nước. Nơi đảo Ngọc, chương trình xây dựng nhà Từ Đường dòng họ Chử Văn được hai anh em Bình và Thái bàn đến. Anh em dòng họ dù là chi trên hay chi dưới, dâu hay rể cùng vào cuộc, coi đó là việc tâm linh hệ trọng, thiêng liêng không ai đứng ngoài. Những bài học tâm linh và phẩm hạnh rút ra từ truyền thuyết Chử Đồng Tử và nhân vật Thúy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã nằm lòng đều được anh em, dòng họ vận vào, xây dựng, củng cố nghĩa tình anh em dòng họ thêm bền chặt, hướng về cội nguồn.
Giáo Bình cùng bạn văn Cẩm Sơn chia tay hòn đảo Ngọc diệu kỳ trong sự phấn khích. Dòng họ CHỬ Việt Nam “Kết nối - Phát triển - Thịnh vượng” tỏa rộng nhiều địa phương phía Bắc. Đền thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử được lập ở nhiều nơi. Các địa phương khác có khá đông bà con họ Chử sinh sống, làm việc. Hằng trăm người con họ Chử là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ… là các bậc trí thức tinh hoa.
Họ Chử Văn trong đó có hai anh em Chử Văn Bình và Chử Văn Thái chỉ là một trong hàng ngàn nhánh sinh thành của họ Chử nước Việt.
Vinh quang và niềm tự hào của dòng họ Chử Văn cùng non sông đất nước giàu đẹp, hạnh phúc và mến yêu!
Tháng 7 năm 2024
< Lùi | Tiếp theo > |
---|