Tác phẩm PQT THÍCH THIỆN TÂM

THÍCH THIỆN TÂM

Truyện ngắn PHẠM QUỐC TOÀN

Hơn chục năm trước vùng đất hắn sinh thành, mưa trắng trời hơn hai ngày. Mưa miền rừng Trường Sơn lạ lắm. Hắn là lính thông tin binh đoàn 559 đã có những ngày chống chiếc gậy Trường Sơn hành quân trên các con đường chiến lược 12, 20 ra tiền tuyến. Đó là những tọa độ lửa - Cổng Trời, Đèo Mụ Dạ, Dốc Cha Lo… thấm lắm những cơn mưa rừng xối xả, mưa thối đất, thối trời, thối cả cây cỏ. Mưa kèm theo gió giật, sấm chớp. Những cơn gió giật tiếng rú riết róng, những tia chớp lửa ngoằn ngoèo sáng rực xuyên bầu trời nặng trĩu mây đen. Hồi chưa làm đập thủy điện trên thượng nguồn, vùng quê này mưa và lũ - cuốn theo cơ man nào là gỗ, củi và có cả bò rừng, bò nhà, heo nhà trôi sông về vùng hạ lưu.

Thich_Thien_Tam

Đập thủy điện bên tỉnh bạn xả lũ khẩn cấp. Chủ tịch UBND huyện nhà chỉ nghe Chủ tịch UBND huyện bạn nói nhanh qua điện thoại cầm tay: “Gấp quá rồi, đập sẽ vỡ toang, bên này phải xả lũ, bên đó ông hỗ trợ cho sơ tán dân”. Nói chưa dứt lời thì tắt máy, gọi lại chỉ còn tiếng con dế mèn… tò te tò te. Thôi chết rồi, nguy cấp! Chỉ nửa buổi chiều, nước sông đục ngầu cuồn cuộn đổ về. Hai cây cầu gỗ, cầu tre bắc qua sông trôi về hạ bá. Thường ngày, con sông hiền hòa là vậy, bãi dâu nông tằm kéo kén, đêm đêm dân làng hát ví, múa sắc bùa, vui lắm. Vậy mà nay Thủy Tinh nổi giận, Sơn Tinh không kịp trở tay. Trống, kẻng, tù và “rống riết” ba hồi chín tiếng: Lũ về. Nhà nào cũng chủ động chuyển tài sản lên cao, có thuyền dự phòng chạy lũ. Lòng dân yên lành, người người đoàn kết, nhà nhà bên nhau, chính quyền nhanh chóng và quyết liệt vào cuộc, các vùng lân cận ứng cứu - hỗ trợ kịp thời, nên lúc nào cũng tránh được những cơn đại hồng thủy thời nay. Người ta nói do nạn phá rừng đầu nguồn, do đào núi khai thác đất đá và cát vô tội vạ, do làm thủy điện thiếu quy hoạch nên mới ra nông nỗi, lợi bất cập hại.

Làng Hợi nằm ven sông vùng núi Đông Trường Sơn thuở xưa nghèo lắm, nghèo tơi tả, nghèo rớt mùng tơi. Cả làng, cả xã, cả tổng siêng năng cày cấy, một nắng hai sương, úp mặt cho đất, phơi lưng cho trời mà vẫn nghèo. Tháng Ba hay tháng Tám gọi là giáp hạt, nhiều nhà ăn sắn thay cơm, một hạt gạo cõng mười hạt bắp, chục miếng khoai lang. Làng Hợi có món đặc sản Sâm đất, dân nơi khác mới nghe tưởng nó là thảo dược quý lắm. Thực ra đó là thứ khoai lang chạc, giống khoai lang củ nhỏ li ti, giống nhỏ mà cũng không kịp lớn, chủ yếu ăn lá, củ khoai lang chỉ lớn bằng con giun đất, dân làng ăn thay cơm cứu đói. Nay thì lá rau khoai lang trở thành đặc sản phục vụ du khách trong các khách sạn năm sao. Làng Hợi nằm dưới chân dãy Trường Sơn, lúc nông nhàn vào rừng kiếm mật ong, đục măng nứa, măng tre, săn bắt con chồn con cáo đem ra chợ huyện bán lấy tiền mua gạo.

Dân làng Hợi sống trên đất vàng, tỉnh và huyện đưa vào Nghị quyết với bao lợi thế và tiềm năng mà không biết khai thác. Ngôi nhà gỗ của hắn có chục cái cột cái, cột phụ con mọt đục ruỗng quá nửa, bộ kèo gỗ được xẻ ra từ cây dó cổ thụ, chặt từ vườn nhà. Chung quanh nhà thưng che gần 50 tấm ván gỗ được xẻ từ cây dó ấy. Sau năm 1975 - 1976, có mấy thương lái từ Huế đến gạ đổi cái nhà khác đẹp hơn, mới hơn, chắc chắn hơn, lợp mái ngói, còn phụ bù thêm 500 đồng bằng mười tháng lương viên chức của cha hắn. Mẹ lắc đầu, từ chối thẳng thừng: “Nhà này là của ông bà để lại, choa giữ làm kỷ niệm, bán là có tội”.

Hơn hai chục năm sau dân làng Hợi mới biết kèo nhà, bộ ván che quanh ngôi nhà mọt chính là dó trầm hương đốt lên khói bay nghi ngút thơm nức. Kèo nhà và ván thưng bao quanh có thể chuyển đổi thành vàng, thành đô la. Không riêng nhà hắn, tư duy của cả làng Hợi thời ấy đều vậy, chẳng ất giáp gì đống vàng ẩn chứa đằng sau cây dó trầm! Dân làng Hợi chỉ biết dó trầm là loại cây gỗ mềm bổ làm củi cháy đượm, thơm ngào ngạt. Con sâu bò loằng ngoằng đục thân cây dó bọn trẻ con gọi là “chằng hiu” đem nướng than củi bếp để ăn, thơm ngậy làm mồi nhâm nhi ly rượu đưa lên đặt xuống, hết sẩy!

Nay thì làng Hợi đã thực sự đổi đời nhờ biết chuyển hóa nhanh thời kinh tế thị trường, trồng cam trồng bưởi, trồng chè, dó trầm phát huy lợi thế trời cho. Người khôn của khó. Miếng vườn hơn sáu sào trung bộ mà ông bà cha mẹ để lại, gộp cả vườn ông bác ruột giao lại trông coi khi chuyển về quê gốc vùng đồng bằng hạ lưu con sông quê. Miếng vườn ấy được giao lại cho chú thím - cha mẹ hắn. Cả nhà - chi nội chi ngoại cũng chẳng quan tâm gì. Cha mẹ về cõi tiên, hắn giao lại cho vợ chồng chú em trồng chè, trồng bưởi và cây dó trầm - cả trăm cây, tiềm năng thu lợi lớn nhãn tiền. Mấy nhà lân cận lợi dụng nhà vắng chủ lấn vườn cả ba phía hơn ngàn mét vuông. Hắn và vợ chồng chú em mặc kệ, lòng tốt để thờ, chỉ nghĩ giản đơn: Vườn rộng ở sao hết (!). Hơn chục năm trước anh em trong họ bàn đi tính lại đồng ý để vợ chồng hắn, vợ chồng chú em trai Cẩm Sơn hắn về quê dựng lên ngôi nhà trong chính vườn cũ để thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ cũng là chốn đi về của hắn hiện tại và lúc về già trăm tuổi. Mọi việc diễn ra đúng ý cõi tâm linh.

Làng Hợi ngày nay đẹp lắm, sầm uất, không heo hút như xưa. Đường làng ngõ xóm bỗng trở nên phong quang, nhộn nhịp, xe máy, ô tô đậu kín đường. Hàng quán bán buôn nhộn nhịp, ẩm thực phong phú, mùa nào thức ấy. Con đường liên xã do ngân sách Nhà nước đầu tư là con đường đẹp “Nông thôn kiểu mẫu”. Các chủ vườn trồng hàng cây mận hảo, hoa dâm bụt thẳng tắp đẹp như tranh vẽ. Quê hắn tuy là vùng núi rừng nhưng thuận giao thương, đại lộ Hồ Chí Minh, trục quốc lộ 15 song song với đường xe lửa Bắc - Nam nên hàng hòa vào ra, xuôi ngược rất thuận tiện. Thương lái người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, có cả thương lái người Nhật Bản; thương lái mạn Thừa Thiên - Huế ra, xứ Thanh xứ Lạng vào, qua lại buôn bán mua dó trầm, mua cam bưởi, mua luôn cả đồi sim rừng chín mọng ngâm rượu quý.

Tuổi cây dó trầm càng nhiều, giá mua càng cao. Lại còn chuyện các thương lái phương Bắc bày đặt đục vào thân cây - đục chi chít rồi cho vào đó mấy giọt hóa chất kích thích cho con sâu “chằng hiu” mau lớn(!) cây dó mau có trầm. Người ta nói kích thích kiểu đó là phản khoa học, sai quy luật tự nhiên, trầm không tốt như trầm tự nhiên, hơn thế còn độc hại, nhưng một số cư dân làng Hợi cứ thấy cái lợi trước mắt là nhào zô làm. Thương lái khôn lỏi, mua xong cây dó trầm, trả tiền sòng phẳng nhưng họ vẫn chưa đốn hạ mà gửi lại vườn gia chủ, khi cây lớn cao hơn cho trầm, thương lái mới trở lại chặt cây dó trầm mang đi. Chục năm tuổi, dăm bảy triệu đồng mỗi cây dễ như bỡn. Vài chục năm tuổi mỗi cây dó trầm giá dăm bảy chục triệu, được giá có khi lên gần trăm triệu. Nhà có vài ba trăm cây dó trầm, có người thu về tiền tỷ, nhiều tỷ. Nhà lầu, xe hơi, cổng chào lợp ngói vùng làng quê ven sông vẫy gọi, cuộc sống cứ vậy mà tấn tới. Cha ông nói phi thương bất phú, nay thì hàng hóa giao thương xuôi ngược, tiền đẻ ra tiền. Dân làng Hợi thông minh, hiếu học. Một vài chàng trai con em làng Hợi, học đến kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ trong nước, ngoài nước bỏ nghề được đào tạo về làng Hợi mua hoặc thuê một vài chục ha đất làm trang trại trồng bưởi và dó trầm, bài bản và tính toán khoa học, chẳng mấy lúc đã thành triệu phú, tỷ phú. Nghề nhang trầm - nhang sạch truyền thống nơi này được khôi phục, tham gia hội chợ, bán buôn trong Nam ngoài Bắc. Bưởi ngon đặc sản đã từng đoạt giải vàng trong bán đấu xảo toàn Đông Dương năm 1936 phát huy thương hiệu. Dó trầm, bưởi và cam đặc sản, đũa ăn làm từ cây cau rừng trở thành sản phẩm OCOP tại các hội chợ.

*** 

Làng Hợi quê hương đã sinh ra hắn. Dòng sông quê nhà mùa lũ thì hung dữ, hết lũ lại lững lờ hiền hòa trôi xuôi tắm mát cho dân làng tạo nên một phong cách sống của làng Hợi, mạnh mẽ và quyết liệt, nhưng tâm phúc - nhân đức. Một ông anh cùng họ, vừa Nho học vừa Tây học, gốc bến Tam Soa, nơi hợp lưu của ba con sông tạo nên một “Địa linh nhân kiệt”. Cụ nội của ông ấy là quan Thượng thư trong triều Nguyễn kinh thành Huế, cả nhà rời bỏ kinh thành gồng gánh nhau lên chiến khu Việt Bắc. Được ông anh ấy đặt biệt hiệu cho hắn là Tâm, người có Tâm, chữ TÂM viết hoa. Nếu có pháp danh nhà Phật thì xin phép gọi là THÍCH THIỆN TÂM. Nếu đi làm ngoại giao thì sẽ là nhà ngoại giao chính hạng xuất sắc, không phải kiểu đối ngoại màu mè mà thực sự muốn Người với người là bạn”. Một chính khách uy tín đã viết, rằng hắn ít nói, thường chỉ ngồi lặng lẽ lắng nghe, nhưng khi cất lời thì quyết liệt, mạch lạc, không gì có thể lọt khỏi tai, không gì là không biết.

Tên cúng cơm của hắn là Dương Nguyệt, tuổi Trâu vàng. Con trai mà đặt tên Nguyệt vốn dành cho con gái có ý mong cho hắn hiền lành, tuấn tú, sống đức độ, có trước có sau. Ông bác ruột là nhà nho học nổi tiếng có ý khác, tên Dương Nguyệt có khi sẽ khổ một đời. Ông nội là quan đầu huyện, đi thi Hương đứng đầu huyện được bổ làm Tri huyện Thọ Hoàng, nhưng ông từ chối “Đây chỉ dạy học, bốc thuốc”. Sau khi vào Nam dự định đi theo cụ Phan Bội Châu xuất dương tìm đường đánh Tây không thành ông trở lại quê nhà lên núi Vũ Quang theo cụ Phan Đình Phùng tham gia phong trào Cần Vương. Ông nội bàn thêm, Dương là mặt trời lúc bình minh, ánh Triêu Dương đem nắng ấm ngày mới cho đời, cho người. Nguyệt là mặt trăng, dịu dàng kết nối kiểu ông tơ bà nguyệt. Nóng và lạnh chung nhau trong một con người là sự xung khắc, cuộc đời cần mẫn, lam lũ để tự mở đường mà thăng tiến?

Ngẫm nghĩ về cuộc sống riêng của hắn chẳng mấy trọn vẹn, nhiều khi chuyện cứ từ đẩu từ đâu mà bị vạ lây. Nhìn tướng mạo ung dung tự tại như ông nội và thân phụ nho học, thích ngao du đây đó, bạn bè ca tụng hắn có số hưởng, ngoại thất thập mà sức đi, sức làm việc vẫn ngon lành. Đi tới đâu, họp hành hay tụ hội bất cứ việc gì hắn cũng đẻ ra sản phẩm. Hành quân xe hơi vài tiếng, khi tới địa địa điểm đã hẹn, hắn xuống xe vào lớp là lên bục đăng đàn… chẳng cần giáo trình, tài liệu mà lời nói mạch lạc, gọn gàng, chặt chẽ. Vài vị cấp trên ngồi nghe đứng dậy bắt tay: “Em chịu bác, trí nhớ thật bền”. Nói được, viết được, chữ nghĩa như bắt trong túi mà ra, thơm ngon như xơi kẹo Cu Đơ vừa ra lò nóng hôi hổi nơi quê nhà.

Nói “có số hưởng”, nghe bùi tai vậy nhưng sự nghiệp, cuộc sống có được cứ phải một nắng hai sương như cuộc đời của ông bà, cha mẹ. Thời trai trẻ, chỉ là một viên chức loàng xoàng nơi xứ người, tưởng hắn có ai to lắm chống lưng nên đã chơi xỏ, gán cho hắn tội theo địch đồng nghĩa với phản quốc. Một tên cha căng chú kiết dựng chuyện viết bài đăng báo rồi mang mấy trăm ấn phẩm… lá cải về phố thị nơi hắn ở phát không cho mọi người. Vu oan giá họa, nghe mà hãi, mà kinh. Hắn nói: “Chơi xỏ, choa đây đếch hãi, bời lòng ta sáng trong”. Giờ chót, bạn hắn khích vào:

- Việc của ông phải kiện chứ!

Thế là hắn kiện, một vụ kiện chững chạc, đàng hoàng, không đao to búa lớn. Một tuần sau, cấp trên mời hắn đến văn phòng trao thông báo kết luận:

- Năng động, năng lực xuất sắc và phẩm chất tốt.

Hắn chẳng có tội tình gì - dù chỉ là tý xíu, chỉ là trò bẩn của đám ma mãnh, xấu chơi. Thanh tra, kiểm toán mấy đận chẳng tơ hào của công một đồng xu. Bạn hắn chỉ đường cho hắn kiện tiếp, làm cho bọn ma mãnh ra bã. Hắn trả lời thẳng băng:

- Ông ạ, thế là đủ, dành thời gian làm việc có ích, tốt cho đời, cho người!

Đúng là một Dương Nguyệt, một THÍCH THIÊN TÂM viết hoa.

***

Quê hắn nhiều cam bưởi và cây dó trầm. Cam bưởi nơi này ngon tuyệt hảo, nhưng khi mang giống đi nơi khác trồng, khác hẳn. Lớn lên hắn được các cụ cao niên kể lại, từ cuối thế kỷ XIX người dân địa phương vào rừng săn bắt, hái lượm phát hiện ra loại bưởi ngon đem về trồng. Bưởi đường có hình cầu tròn, bề ngang và chiều cao gần bằng nhau, cuống quả không lồi, đế quả hơi lõm, vỏ không trơn khống ráp. Loại bưởi này có mùi thơm nhẹ tự nhiên hơi đặc trưng, vị ngọt thanh, như vua Hàm Nghi đã khen: “Xứng danh đặc sản của An Nam”. Chỉ tiếc một số dân làng Hợi thời kinh tế thị trường ham lợi trước mắt đã mang phấn hoa bưởi chua thụ phấn cho bưởi đường chính hiệu, bưởi sai quả, quả bưởi to và đẹp, nhưng chất lượng giảm sút, tự mình đánh mất thương hiệu. Cây dó trầm vùng quê này cho nhiều trầm, giá đắt, đưa qua xã trên, làng dưới, dó trầm chỉ làm củi hoặc làm cột chống là chủ yếu, dó không có trầm, giá bán chỉ bằng 1 phần 10, 1 phần 20 dó trầm bên làng Hợi. Giới khoa học nói là thổ nhưỡng nào thì hợp với loại cây đó. Trăm năm trước, con sông quê hiền hòa đưa hoa bưởi, hoa cau, bông cây dó trầm từ núi sâu rừng thẳm về xuôi, mùi thơm ngào ngạt. Cả làng, cả tổng gọi đó là con sông THƠM!

Con sông chảy qua miền quê này gọi là dòng sông chảy ngược - ngược ngàn, ngược với chính nơi con sông khởi nguồn từ mạn Đông dãy Trường Sơn. Làng xã của hắn có ba ông bạn, cũng là ba anh em, dù chẳng máu mủ ruột thịt gì sất nhưng rất thân, rất quý nhau - ba lứa tuổi cùng tài hoa làm một nghề, nghề cạo giấy - làm thơ và viết văn. Họ học cao, thông tuệ nhưng ông nào cũng ngang phè và… nghèo.

Cả ba ông đều ghét thói bon chen, không chạy chức chạy quyền, lam lũ, sống bằng sức lao động cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng chữ nghĩa. Ông cả lớn tuổi nhất là sinh viên sư phạm, chữ đẹp vẫn thường được các sếp giao nhiệm vụ viết chữ để các sếp tặng Huân, Huy chương, bằng khen, giấy khen sau 50 tuổi, bệnh tật dằng dai. Thời đánh giặc ở mặt trận Trị Thiên - Huế nghe nói bị dính chất độc diệt cỏ dioxin của giặc Mỹ, càng cao tuổi bệnh Zona thần kinh càng nặng, đau đớn thể xác và qua đời khi chưa qua ngưỡng tuổi bảy mươi. Ông anh họ thứ hai, đi lính biên phòng, ngày ấy gọi là công an vũ trang, chuyển ngành đi học Đại học báo chí, lập thân, lập nghiệp ở cố đô Huế. Ở cố đô ai cũng nhắc tới anh. Bạn bè xứ Huế vẫn nói vui anh là “Người đưa tin”, mà tin gì trên rừng dưới biển, nông thôn hay phố thị đều rành. Ăn ở phúc đức hiền hậu vậy mà chưa tới tuổi 70, anh nằm ngủ rồi lặng lẽ ra đi không một lời từ biệt vợ con. Đến hắn là thứ ba, không bia rượu, không thuốc lá, không nghiện ngập thứ gì, vẫn cứ sống lai rai - không nhà đất dôi dư, không của nả để dành. Về hưu, có người kêu tặng trăm mét vuông đất nơi phố thị, hắn từ chối nhận. Con nói với cha: “Tiêu chuẩn mình đã có, không nhận cho nó lành”. Chí phải, mừng là con cái hắn cũng giống cha hắn như đúc, không ham của nếu nó không phải của mình.

Cha mẹ hắn sinh năm lần, bốn trai một gái. Ông cụ bệnh tim mạch, tạ thế lúc mới ngoài 50 tuổi. Bà cụ đi về thế giới người hiền lúc mới 55 tuổi. Anh trai đầu và em gái kế mất rất sớm. Ba anh em còn lại kèm cặp nhau vào đời. Chú em trai út cũng đã tạ thế khi chưa đến tuổi ba mươi. Vậy là nay hắn chỉ còn lại chú em trai Cẩm Sơn, hai anh em bên nhau, cùng nhau bươn chải cuộc đời.

Sống đạm bạc, bạn bè thân hay sơ mà cần giúp là làm hết mình. Hai đồng ngũ, học xong trung học phổ thông cùng ngày, nhập ngũ ra trận cùng ngày, sau này từ chiến trường ra Hà Nội vào Đại học cùng ngày. Hai con gái của bạn học xong Đại học cần tìm việc làm, nhưng gõ cửa công ty, đơn vị nào cũng lắc đầu. Hắn trằn mình giúp bạn, giúp một cách khảng khái như việc của chính mình. Nay hai cô cháu đã trưởng thành, việc làm ổn định, gia đình viên mãn. Hai người bạn khác có hai cậu con trai ham chơi hơn ham làm, hắn đã vô tư đỡ đầu, khẳng định chỗ đứng đúng nghề đào tạo.

Một người bạn thân, hiểu tính của hắn đã thẳng thắn:

- Ông chỉ được cái ôm rơm rặm bụng!

Một người bạn thân khác khích bác thêm:

- Ông nai lưng ra làm vậy hẳn có ích gì, có khi thêm rắc rối về sau!

Hắn trả lời bạn:

- Giúp ai được việc gì trong khả năng của mình thì nên làm. Tính toán thiệt hơn mà làm gì. Người khác vui là mình vui.

Có một ký giả gốc Quảng Trị, lớn lên ở Quảng Bình, di cư ra mạn Bắc đã có nhiều năm làm việc nơi làng quê của hắn đã viết tác phẩm Khôn dại - Dại khôn nhận xét: Bản tính thương người, sống hết mình với người như thể đã ăn sâu vào con người hắn - Không ruột thịt mà khác chi ruột thịt. Văn hóa, ẩm thực nơi hắn sinh thành, ngày ăn hai bữa chính là sáng và tối, bữa trưa ăn phụ - cốt ăn cho no để còn ra đồng hoặc lên rú kiếm kế sinh nhai. Bữa cơm hằng ngày có món nhút, nhút bèn môn, nhút ngọn đỗ, nhút mít non, nhút xơ mít, nhút thập cẩm. Ngày nay, gà tắc, gà nấu xáo được coi là đặc sản của ẩm thực. Tính cách của hắn giống với tính cách người làng Hợi xưa nay, trung thực, chất phác, không suy tính thiệt hơn với bất cứ chuyện gì, làm được việc gì có ích là đam mê làm, làm bằng được.

Một trường Trung học phổ thông, hằng năm vào ngày 20 tháng 11 tổ chức cho các trò thi viết về “Mái trường thân yêu”. Cô thầy biết hắn yêu văn chương, yêu các trò đã ướm thử hắn cách lan tỏa - truyền lửa vào cuộc thi, truyền lửa cho việc học văn, dạy văn - viết văn. Hắn đề xuất và kết nối với Ban Biên tập tờ báo nọ dành diện tích trang báo thỏa đáng đăng bài của các trò, mời đại diện Ban biên tập đến trường sinh hoạt thơ - văn, luận bàn cuộc thi viết, vận động mạnh thường quân ủng hộ chi phí phát thưởng bài hay, khuyến khích các mầm văn chương sinh sôi nảy nở. Việc làm đó thật ý nghĩa, góp phần khơi nguồn đào tạo các nhà sư phạm, nhà lý luận phê bình, nhà văn, nhà báo trong tương lai. Thời gian dần trôi, nhưng ý nghĩa của việc làm đó thật đáng khích lệ, lan tỏa và sống mãi với thời gian.

***

Thân phụ và thân mẫu qua đời sớm. Hắn rất yêu cha mẹ. Cha là viên chức cấp huyện, lương thấp, bổng lộc chẳng có gì. Ngày ấy cả huyện, cả tỉnh đều vậy chứ không phải như các quan chức thời nay. Cơ quan phân phối cho chiếc xe đạp Thống Nhất, thời đó là quý lắm, ông không nhận mà nhượng lại cho cán bộ dưới quyền thuộc gia đình chính sách. Cơ quan phân cho ông miếng xà bông giặt, chiếc khăn lau mặt, ông nói mọi người chia hai, chia bốn để ai cũng có chút lộc trời mà dùng.

Họp tổng kết cuối năm, ông dặn văn phòng cất dành chục ký gạo, chục mét vải trắng may mùng, có rau dưa thực phẩm gì đó thì để lại. Sáng sớm hôm sau, theo lịch công việc, ông vượt đường rừng đạp xe lên tỉnh họp một ngày rồi trở về ngay. Ông dặn mọi người ở nhà gắng làm xong công việc tổng kết, thời buổi chiến tranh, chuyện sinh hoạt chỉ nên chín bỏ làm mười, bình xét tổng kết cũng chỉ nên tương đối, anh chị em cùng cơ quan đoàn kết, thương yêu đùm bọc lấy nhau mà sống, mà vượt qua những khó khăn trước mắt và lâu dài. Nào có ai ngờ, đó là lời tâm sự cuối cùng của ông với mọi người ở cơ quan.

Bốn giờ sáng hôm đó, chú bảo vệ cơ quan không thấy ông dậy để đạp xe lên tỉnh họp, gọi mãi ông không trả lời. Vào tận giường ngủ, tá hỏa ông đã không còn, hai tay buông xuôi, mắt nhắm nghiền. Đưa ông qua bệnh viện huyện thời chiến cũng sơ tán gần đó thì tim đã ngừng đập. Cả cơ quan òa khóc, thương tiếc và đau buồn, vĩnh biệt người cán bộ tận tụy, giàu tình thương yêu mà ông dành cho mọi người. Mấy cân gạo, chút ít thực phẩm và mấy mét vải trắng ông dặn để lại là những thứ cần để lo hậu sự cho ông trong thời chiến. Hắn đang trong quân ngũ nhận được tin cha từ trần, bàng hoàng và đau buồn, thời chiến đi lại rất khó khăn, khi hắn về đến quê thì cha đã an táng được ba ngày. Hắn và người vợ trẻ đang công tác ở huyện bạn gào khóc bên nấm mộ cha, khi hoàng hôn buông xuống thì hai vợ chồng mới rời nghĩa trang.

Thân mẫu của hắn là người phụ nữ hiền thục, tận tụy lo cho các con, để chồng yên tâm đi công tác xã hội. Chuyện trong làng, trong xóm cấp trên về kiểm thảo giao cho bà phát biểu nói ông A tội hủ hóa, ông B tội trộm cắp, Bà nói thằng: “Tôi không thể vu cho họ vì không thấy họ hủ hóa với ai, ăn cắp của ai…” Vậy là cấp trên đành chịu, tức anh ách mà không làm gì được. Bà sống thực, sống tốt, cày sâu cuốc bẫm quanh năm. Thửa ruộng hơn hai sào Trung bộ, mỗi năm thu hoạch hai vụ lúa chỉ đủ ăn 7 - 8 tháng, những tháng còn lại trong năm lấy ngô, khoai, sắn bù vào. Ông mất, bà buồn rầu cả năm, phát bệnh rồi cũng theo ông về với thế giới người hiền, sau ngày ông về trời chưa đến ba năm.

Vậy là cả hai thần tượng… vĩ đại, hai người thân yêu nhất cuộc đời hắn là cha và mẹ đã ra đi mãi mãi. Chú em trai út ít trong nhà mà hắn rất yêu thương cũng bỏ hắn mà đi. Đến cô con gái út thật cưng tuổi Nhâm Tuất, do bệnh trọng cũng vĩnh viễn ra đi. Hắn đau xót và buồn lắm, cái đau - cái buồn cứ nhằm vào hắn, nhưng cuộc sống không cho phép dừng lại. Phía trước còn vợ hiền và con ngoan, còn anh em ruột thịt, còn bà con lối xóm, hắn càng phải vững chãi như cây tùng, cây bách giữa đời để làm trụ vững cho cả nhà.

Nhà Phật dạy rằng cuộc đời của bất cứ ai cũng khó lòng mà trọn vẹn. Ông trời không cho ai tất cả và ông trời cũng không lấy của ai tất cả. Một người bạn của hắn làm đến hàm Bộ trưởng, một người khác làm đến chủ tịch Tỉnh… Lúc bạn có chức nhỏ, hắn vẫn ghé nhà chơi, đàm đạo chuyện thời cuộc, thế sự. Lúc bạn quyền cao chức trọng, gọi điện thoại cứ phải qua văn phòng, cô thư ký hắn cạch luôn… bye bye hoàng hôn… choa đây… đếch cần! Máu gàn sống cứ thẳng băng như người làng Hợi sâu đậm trong cá tính hắn. Bạn lên chức to, nhưng chuyện quan trường nửa chừng đứt gánh, vướng vòng lao lý. Lúc thường, có chút chức quyền hai bạn sống xa vời vợi. Lúc nguy thì bạn bè chung quanh rời xa, bọn nịnh bợ chốn quan trường cũng đã xa chạy cao bay. Chính họ đã phải trả giá vì lối sống quan cách, xa bạn, xa dân, nhanh quên thuở hàn vi.

Hắn không may mắn nhiều chuyện trong cuộc đời, nhưng trong đoạn cuối cuộc đời, lại có những cái được. Hắn có đông bạn bè, bè thì khỏi nói, bạn quý cũng không ít, trong và ngoài nước. Hắn có những người bạn tâm giao, có thể dốc hết bầu tâm sự. Cái được của hắn là có bạn - bạn tin cẩn. Công việc của hắn tuổi bát thập làm không hết, không giống một số người nghỉ hưu là chấm hết, không còn ma nào nhìn, không còn giao tiếp với ai và cũng không có ai tâm giao để dốc bầu tâm sự đường ngắn đường dài. Ngày kỷ niệm truyền thống, kỷ niệm ngày Đại thắng, Quốc khánh, ngày nhà giáo… nhiều giỏ hoa đẹp từ đồng nghiệp và các trò cứ xếp dài tới bến. Tuổi bát thập vẫn là Phó Chủ tịch Hiệp hội xã hội - nghề nghiệp. Một số cơ quan giáo dục - đào tạo Trung ương và địa phương mời cộng tác, viết bài, giảng dạy, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện.

Một bạn già bảo hắn:

- Ông thật vui, đời vậy khác gì Tiên.

Hắn sống lành ở hiền, thể tất, năng động mà kiệm lời, ủng hộ cái mới và những điều thuận lẽ phải của đời! Hắn có một đồng môn, bạn thân thiết với nhiều người. Dù không phải là dân làng Hợi, chào đời trước hắn những mấy năm, nhưng thuở hàn vi hai người bạn, hai anh em, miếng lương khô bẻ đôi, hạt gạo cắn nửa. Bạn ngay thẳng, ghét xu nịnh, sống nghèo giống hắn từ bản tính đến việc làm. Cấp trên ít tuổi hơn mang ly rượu đến cụng: “Anh chúc em khỏe mãi!”. Người bạn hắn thản nhiên như không: “Ông ít tuổi hơn tôi, ông phải làm em. Nào ông anh chúc chú em đại thọ trăm tuổi(!). Mấy người bạn cùng bàn phát khiếp, miệng lẩm bẩm tay kia thù dai nhớ lâu, tay này rổi khó sống lắm đây!…

Hắn - chàng trai lớn lên bên con sông làng Hợi. Lớn lên vào bộ đội, vào đường Trường Sơn, hắn có tư chất của anh bộ đội Cụ Hồ nhập vào tâm. Hắn viết lách và đăng đàn coi đó là một nghề với sự đam mê hiếm có, cùng làm việc trong một tập thể với nhiều anh tài Nho học và Tây học, trách nhiệm, không xu nịnh - cứ thẳng băng. Thẳng thắn là đức tính tốt, nhưng nhiều khi hỏng việc, bởi cha ông đã dạy: “Một điều nhịn chín điều lành”. Biết vậy nhưng cái gì đã thành tư chất, dễ gì mà sửa.

Rốt cuộc Khôn dại - Dại khôn trên cuộc đời này là vậy. Tiền nhiều rồi cũng vứt đó, chết cũng không thể mang theo, cái cúc áo cũng phải bỏ lại. Hắn viết tự truyện, kể lại bao niềm vui và cả những trăn trở, cảm nhận, ghi lại và tổng kết những bài học ích cho đời, cho người, cho chính mình!

Tháng 5 - 2024

Chia sẻ liên kết này...

Add comment