Tác phẩm PQT BÚT KÝ: ẤN ĐỘ HÙNG VĨ VÀ THÂN THIỆN

BÚT KÝ: ẤN ĐỘ HÙNG VĨ VÀ THÂN THIỆN

Quyến rũ và phân cực

Đất nước Ấn Độ, cường quốc Nam Á, diện tích lớn  thứ 7 thế giới nhưng số dân lại đứng đầu - hơn 1,5 tỷ người. Ấn Độ có vị trí địa lý rất đặc biệt, lưng dựa vào dãy Himalaya sừng sững, phía Nam tiếp giáp với Ấn Độ Dương, biển A Rập phía Tây Nam và vịnh Bengal ở phía Đông Nam. Ấn Độ có 2 con sông lớn, sông Ấn và sông Hằng, bao huyền thoại làm nên nền văn minh Ấn phát triển rực rỡ từ 5.000 năm nay.

Dòng nguòi vào thăm di tích đền cổ Taj Mahal.
Dòng người vào thăm di tích đền cổ Taj Mahal.

Ngày 21/12/2023, 19 giờ VietJet Air cất cánh rời sân bay Tân Sơn Nhất, sau hơn 4 giờ, máy bay nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay quốc tế Indira Gandhi. Về múi giờ, Ấn Độ sớm hơn Việt Nam 90 phút. Sân bay đẹp lộng lẫy và hiện đại, rộng khoảng 2.000ha, đầy đủ các bảng hướng dẫn bằng tiếng Anh. Người Ấn Độ thân thiện, hình thức đẹp, cao lớn, mắt đen, lông mi dài, da ngăm đen, đàn ông để râu quyến rũ hoành tráng. Thông thường, nam nữ người Ấn ăn vận bộ đồ truyền thống, tà áo saree duyên dáng, khi chào hỏi chắp tay trước ngực cung kính, lễ phép.

Thủ tục nhập cảnh nhanh, cảm nhận không chút phiền hà, có lối đi ưu tiên dành cho người cao tuổi. Sân bay Việt Nam, người cao tuổi hay thấp tuổi xếp chung một hàng dọc, thua Ấn Độ điểm này. Thủ tục làm visa vào Ấn Độ đơn giản, nhẹ nhàng, thực hiện qua mạng điện tử.

Thời đểm chúng tôi có mặt tại thủ đô New Delhi khá lạnh, nhiệt độ về đêm xuống thấp 10-12 độ C, độ ẩm thấp, ít gió, không mưa phùn gió bấc kiểu xứ ta nên khá dễ chịu. Đây cũng là thời điểm đẹp, thích hợp cho khách du lịch từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Sau thời gian này, Ấn Độ vào mùa khô hạn, nắng nóng có lúc, có nơi hơn 50 độ C, khí trời hầm hập như nung lửa.

Thiếu niên Ấn Độ xinh đẹp tạo dáng để du khách chụp ảnh cho mình.
Thiếu niên Ấn Độ xinh đẹp tạo dáng để du khách chụp ảnh cho mình.

Tại Ấn Độ, check in vào khách sạn hành lý và người phải đi qua máy soi chiếu cứ như là đi qua cửa an ninh sân bay, có dấu hiệu khác lạ là… được lục soát, không nói nhiều. Đổi lại, nhân viên phục vụ - kể cả các chú bảo vệ, dùi cui lăm lăm trong tay, to cao hùng dũng - nhưng vẻ mặt tươi tắn, nụ cười thường trực, khách có nhu cầu gì là hỗ trợ, cả việc chụp ảnh kỷ niệm, sẵn sàng làm nền chụp ảnh cùng khách. Chúng tôi dành trọn một ngày hội họp, tham dự Diễn đàn Kỹ thuật và Kinh tế toàn cầu do Hội đồng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tổ chức. Nhìn cung cách tổ chức sự kiện mang tính toàn cầu, mới thấy người Ấn năng động, giỏi giang, cách kiếm tiền cũng thật bài bản, lịch lãm, chuyên nghiệp.

Ngày sau sự kiện này, chúng tôi có dịp đi bộ, rong ruổi xe hơi trên các tuyến phố New Delhi. Truyền thông Ấn lan tỏa New Delhi là thành phố xanh, không sai. Ấn tượng chung là cây xanh khá nhiều, xe lướt nhanh trên các tuyến phố, hai bên là rừng cây với nhiều chim và muông thú. Bác tài đưa chúng tôi đi “dạo” phố cho biết thế nào là đô thị xanh, chặt hạ cây xanh tại New Delhi là tội ác dù với bất cứ lý do gì. Tại một góc phố ở New Delhi có cây xanh nhô ra đường, cản lối đi, người Ấn Độ đã không chặt bỏ mà chăm chút cho nó uốn lượn, đẹp mà sang - chúng tôi dừng lại chụp ảnh thật mê hoặc.

Tại Ấn Độ, người ta thấy sự tương phản giữa cực này và cực kia khá rõ, âu rằng đó cũng là một trong những đặc trưng văn hóa vùng tiểu lục địa này. Sân bay quốc tế Indira Gandhi theo kiến trúc Anh quốc, hiện đại là vậy nhưng bãi đỗ xe bên ngoài sân bay lại nhếnh nhác, lổn ngổn đất đá. Các tuyến phố nhiều thảm cây xanh, nhưng vỉa hè chật hẹp, xe máy các loại để ngổn ngang.

Xe máy, xe hơi, xe buýt các loại do Ấn Độ sản xuất, loại cũ rích màu sơn bạc phếch và loại xe đời mới cáu cạnh đan xen nhau. Xe mới kiểu dáng khá đẹp, nhưng giá rẻ, chất lượng khiêm tốn. Xe túc túc, xe lam, máy cày, xe ngựa, xe bò kéo cổ xưa, xe buýt chở khách nườm nượp. Kính xe trong suốt khẳng định tính công khai, minh bạch, kể cả xe của cảnh sát.

Người Ấn nghiêm cấm  dán lên  kính xe  màu đen, dù đó là xe gì. Còi xe thì bấm inh ỏi, người điều khiển phương tiện xe gắn máy để đầu trần - không thấy ai đội nón bảo hiểm. Người ta nói, đất nước này có khoảng hơn 300 triệu người đổ ra đường mỗi ngày, ăn ngủ  trên đường, dù nắng hay mưa, đêm hay ngày.

Ấn Độ là quốc gia công nghiệp hóa và hiện đại, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh phát triển. Rau xanh, các loại củ quả sạch, nếp sống xã hội tự giác không sử dụng hóa chất trong nuôi trồng, chế biến thực phẩm. Điểm này, Ấn Độ hơn hẳn Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia khác. Quân đội có quân số thường trực đông top 3 thế giới, trang bị nhiều loại vũ khí tiên tiến, hiện đại. Ấn Độ cũng là một trong những cường quốc hạt nhân; chinh phục vũ trụ.

Tiến sĩ Trương Thành Công (trái) và tác giả trước Cổng Ấn Độ - India Gate.
Tác giả (bên phải) và bạn đồng hành Tiến sĩ Trương Thành Công trước Cổng Ấn Độ - India Gate.

Nói là phân cực, bởi cực này là một cường quốc phát triển hiện đại, tráng lệ, nhưng cực kia lại có bao số phận nghèo kém. Đến Ấn Độ, du khách cảm nhận được những   bác tài chạy xe lạng lách rất cừ khôi, phóng như bay không cần quan tâm tới tốc độ,  luật lệ. Xe chạy đường trường chỉ với vận tốc 40-50km/h, không có gì mà quáng quàng, vội vã. Chúng tôi di chuyển từ thành phố này tới thành phố kia hơn 200km có khi mất 4-5 tiếng. Mà lạ thay, hơn một tuần ở Ấn Độ, kẹt xe như cơm bữa nhưng chúng tôi chưa hề nhìn thấy vụ tai nạn, va quẹt nào, thế mới  tài? Tôi hỏi bác tài xe buýt tên gọi thân mật là Gan, ông nói: “Chúng tôi quen rồi. Đi đường trường trên cao tốc, không ai dám chạy ẩu, sợ bị ghi hình phạt nguội - sạt nghiệp luôn”.

Đi tham quan đền Taj Mahal tại thành phố Agra cách New Delhi 235 km, chúng tôi di chuyển hết 5 tiếng. Buổi chiều hôm đó, tại điểm tham quan do có hẹn tôi tách đoàn tìm về khách sạn Clarks Shirag. Đường về khách sạn 5km, bác tài xe túc túc lạng lách đường tắt, người và xe đông nghìn nghịt, có khi tưởng chừng hai xe túc túc đâm nhau nhưng kỳ lạ, đâu vào đấy ngon ơ, chỉ chưa đầy 15 phút tôi đã về tới điểm hẹn. Lên xe tôi hỏi giá xe, chủ xe hét 500 Rupee, tôi trả giá 100 Rupee (1 Rupee bằng 293 VND), chủ xe OK và nở nụ cười rất tươi. Nói thách khi giao dịch mua sắm là chuyện thường ngày ở Ấn Độ.

New Delhi (nằm trong Delhi) là “bộ não” của Ấn Độ, Trung tâm hành chính quốc gia, xinh đẹp xây dựng từ năm 1915, bởi các  kiến trúc sư hàng đầu Anh quốc. Cổng Ấn Độ - India Gate là biểu tượng của Ấn Độ, từng là Đài tưởng niệm chiến tranh toàn Ấn. Cổng Ấn Độ nằm bên bờ sông Yamuna hiền hòa, danh thắng lịch sử hoành tráng, vẻ đẹp hiện đại mà cổ kính, địa chỉ không thể không tới khi du ngoạn quốc gia Nam Á này.

Xa xa là các con phố của một Delhi cổ xưa với nhiều danh thắng văn hóa đẹp. Nơi đó, bên cạnh những tòa nhà tráng lệ là khu nhà ổ chuột tồi tàn - không thể tồi tàn hơn, với nhưng con rạch nước đen ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên. Báo chí New Delhi tự hào công bố, Ấn Độ có khoảng 160 tỉ phú USD, chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc. Họ chiếm lượng của cải khổng lồ, sống giàu sang, bên cạnh nhiều triệu người sống cuộc đời lầm than - sự phân cực giàu nghèo, sang hèn không ở đâu như ở Ấn Độ…

An lạc và bao dung

 

Trên đường tới những thánh địa “Đại Hồng Phúc” còn có một điểm đến kỳ thú gắn với lịch sử Phật giáo, đó là thành Vương Xá, núi Linh Thứu. Đây là nơi Đức Phật đã truyền kinh Pháp Hoa, Trúc Lâm tịnh xá và trường Đại học Phật giáo Nalanda, nơi nhà sư Huyền Trang (nhà Đường-Trung Hoa) từng đến học và giảng dạy hơn 1.300 năm trước.

Tác giả bài viết (trái) và doanh nhân Hoàng Đức Thảo trước Tháp Đại Giác-Bồ Đề Đạo Tràng.
Tác giả bài viết (trái) và doanh nhân Hoàng Đức Thảo trước Tháp Đại Giác-Bồ Đề Đạo Tràng.

Tới đất Phật càng thấy sự hùng vĩ, kỳ thú-ý nghĩa nhân gian của Đức Phật và đất nước Ấn Độ vĩ đại, sự phát triển rực rỡ của nền văn minh sông Ấn, sông Hằng. Phật giáo gắn với sự an lạc, bao dung của đời sống hiện đại hôm nay vốn rất xô bồ, tranh chấp, cuồng chiến. Đói nghèo, đại dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh và hòa bình - Theo Phật pháp, sinh tử đời người nơi cõi tạm mong manh trong gang tấc. Sau các chuyến thăm, chiêm nghiệm  “Đời và đạo” tại thủ đô New Delhi; thăm thành phố Jaipur, Agra, đền Taj Maha, cung điện Gió… chúng tôi về Bồ Đề Đạo Tràng.

Các nhà sư và phật tử trên núi Khổ Hạnh.
Các nhà sư và phật tử trên núi Khổ Hạnh.

Từ sân bay Indira Gandhi, hơn 1 giờ bay chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Gaya. 16 giờ tới khách sạn Residency, Bodhgaya, Gaya, cách tháp Đại Giác 10 phút đi bộ. Cạnh lễ tân khách sạn là quầy bán quần áo đi lễ chùa, giá bán cao. 18 giờ, chúng tôi cùng đi bộ vào tháp Đại Giác. Đoàn người xếp hàng vào hành  lễ buổi tối đông nghịt, số đông là các nhà sư vận quần áo màu nâu đỏ - sắc phục các sư chùa Ấn Độ, Tây Tạng- Trung Quốc, Myanmar. 21 giờ, tan lễ, tiếng còi vang lên, mọi người lần lượt rời khỏi tháp Đại Giác. Hai ngày sau, 25 và 26/12 từ 4 giờ sáng chúng tôi thức dậy để đi về  cổng Tháp, trật tự xếp hàng vào bên trong, hành lễ chính thức diễn ra 60 phút, từ 4 giờ 30 đến 5 giờ 30 sáng.

Cung chánh điện có không gian hẹp, dòng người trật tự đi vào bên phải, cung kính dừng lại 5-7 phút đặt lễ trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rồi vòng qua lối phải đi ra ngoài. Phật tử hoặc các nhà sư từ xa đến có lễ vật gọn nhẹ lần lượt đặt dưới bệ tượng. Vòng đeo tay, tượng Phật, hoặc một số vật dụng cá nhân khác cần được “thỉnh linh”, nhà sư trụ trì hỗ trợ. Các lễ vật sau khi đặt dưới bệ đức Phật, nhà sư trụ trì lại có thể ban lộc cho người xếp hàng vào sau. May mắn, nhóm chúng tôi lần lượt được phát lộc thiêng mỗi người một chiếc áo Phật; một tấm khăn quấn thân và một tấm khăn vắt vai đức Phật.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH-CN Việt Nam, Tổng Giám đốc BUSADCO  Hoàng Đức Thảo, người vừa được sắc phong Giáo sư, Tiến sĩ danh dự từ 2 trường Đại học của Hoa Kỳ rất vui: “Nhờ có duyên và tâm kính mà tại Cung chánh điện tháp Đại Giác, mọi người đã may mắn có lộc thiêng, đức Phật Thích Ca Mâu Ni ban cho!”. Hoàng Đức Thảo còn may mắn xin được giống cây bồ đề con lấy từ cây bồ đề gốc dưới chân tháp Đại Giác-Bồ Đề Đại Tràng mang về ươm trồng tại Hoàng Gia Trang Phú Mỹ, BR-VT.

***

Từ 4 giờ sáng đến 21 giờ đêm, dòng người tu hành, phật tử và du khách thập phương mang đồ lễ, hoa tươi, trái cây, khăn áo... trật tự xếp hàng dọc, khách nữ cửa bên phải, khách  nam cửa bên trái. Điện thoại gửi từ quầy lễ tân bên ngoài cổng. Túi xách, ba lô hành lý gọn nhẹ đều được đưa vào máy soi chiếu kiểm tra an ninh. Tôi hỏi một sư thầy lý do cấm mang điện thoại vào tháp Đại Giác, ông vui vẻ, cởi mở:

- Sư thầy trụ trì không muốn người hành lễ sử dụng điện thoại chụp ảnh hoặc xem tin tức trên mạng, kết nối thông tin với bên ngoài, mất đi sự cung kính Đức Phật.

Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Đức Phật đã giác ngộ dưới cây bồ đề. Cách đây hơn 2.613 năm, ngài Tất Đạt Đa Cổ Đàm, 35 tuổi. Sau một lần ra khỏi hoàng cung chứng kiến nhân gian khổ ải đã từ bỏ cuộc sống vương giả để dấn thân đi tìm con đường giác ngộ. Và Ngài đã giác ngộ dưới gốc Bồ đề, đạt thành chánh quả, trở thành đấng Thích Ca Mâu Ni, Phật giáo chính thức được khai sinh. Bodh Gaya là nơi quan trọng bậc nhất trong cuộc đời của Đức Phật; thánh địa thiêng liêng nhất trong các thánh tích Phật giáo, được sư quan tâm từ lòng thành kính đặc biệt của phật tử trên khắp thế giới. Sư cô Nguyên Châu, Ni sư Diệu Hiền, thành viên chính thức của nhóm đến từ núi Dinh, TX.Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu, lần đầu tiên hành hương về đất Phật, nhẹ nhàng như một lời tâm sự từ tấm lòng thành kính:

- Điều kỳ diệu đối với bất cứ ai được một lần dừng chân nơi Bồ Đề Đạo Tràng, hoặc lễ bái, hoặc tụng kinh, hoặc kinh hành, hoặc khởi lòng đối với Đức Phật đều có chung một cảm giác bao dung, an lạc niềm hoan hỷ dâng trào. Đó là sự gia trì của Đức Phật cho hàng đệ tử của Ngài, hay cho bất cứ những ai có một chút nghĩ tưởng đến ân đức của Phật.

Chung quanh tháp Đại Giác có 3 vòng đi bộ, vòng trong-đi qua cây bồ đề  phía sau tháp, nơi đức Phật đã ngồi thiền thành đạo, vòng giữa và vòng ngoài cùng trong khuôn viên. Sau khi đã vào đứng dưới tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mọi người ra ngoài đi bộ 3 vòng, vòng trong, vòng giữa và vòng ngoài cùng mắt hướng về tòa tháp, tấm lòng thanh tịnh, nhẹ nhõm như được truyền thêm năng lượng sống. Dòng người thành kính như không ngớt cứ lần lượt đi quanh tháp. Bên ngoài khuôn viên, hàng ngàn các nhà sư và  phật tử ngồi thiền đặt hoa và đọc kinh, bày tỏ sự thành kính đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Giữa năm 2002, ngôi chùa Mahabodhi-Đại Giác ngộ tự đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới-công trình tâm linh kiến trúc bằng đá. Tại vùng Bodh Gaya có nhiều chùa chiền mang dáng dấp kiến trúc của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam có chùa Phật Quốc tự của sư thầy Huyền Diệu; chùa Độ Sanh của một sư thầy người Mỹ gốc Việt; chùa Viên Giác của một sư thầy người Đức gốc Việt và có một tịnh xá Kỳ Hoàn của  thầy Thích Giác Viên, đến từ Bà Rịa-Vũng Tàu; chùa của thầy Thích Nhật Từ, Viện trưởng Viện Phật học Việt Nam.

Chúng tôi dành một buổi sáng đi bộ lên núi Khổ Hạnh thăm lại nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu ép xác khổ hạnh. Vẫn là dòng người thành kính leo bộ lên núi. Người cao tuổi, bệnh tim mạch có thể thuê dịch vụ cáng lên núi, thay cho đi bộ, giá 800 rupee/người. Sau đó chúng tôi tới làng Sujata Garh, quê hương của nàng Sujata Garh-người đã cứu sống, dâng ca sữa ngọt ngào cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi Ngài xuống núi bị ngã trên sông, hậu quả của những ngày tu… ép xác khổ hạnh từ trên núi cao. Tất cả như một bộ phim truyện lôi cuốn, hấp dẫn  giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp hành đạo của Đức Phật.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ, dạy cuộc sống tạm trên đời là cần sự an lạc và bao dung, không làm điều ác, không gây thù chuốc oán, không sát sinh, con người yêu thương đồng loại, cuộc sống bác ái, sống thiện lương. Đức Phật lý giải cái khổ vì sinh lão bệnh tử, khổ vì yêu mà không được ở gần nhau, ghét nhau mà cứ phải gặp nhau, mong muốn mà không đạt được. Nếu ai có thể tu tập, có thể thoát khỏi vòng luân hồi, biết đủ, sân si, đạt được trạng thái niết bàn. Phật giáo kêu gọi “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình”, là sự tự thân phấn đấu để đạt được sự giác ngộ, không phải cầu viện sự trợ giúp từ thánh thần. Phật giáo chân chính không xiển dương các hình thức cúng kiếng vật chất mê tín để cầu sự giải thoát. Cúng dường thể hiện lòng tôn kính đức Phật và chư tăng, không  biến tướng, mưu lợi.

Phật giáo Việt Nam được du nhập khá sớm và thể hiện nét văn hóa đặc sắc, chiếm được vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa-tinh thần của người Việt, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phật giáo Việt Nam đạt được đỉnh cao khi phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử được sáng lập bởi Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Không gán ghép mê tín dị đoan cho Phật giáo. Mùa xuân đi vãn cảnh chùa, chiêm bái tượng Phật, dâng hương hoa cúng dường, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, trên quê hương Việt mến yêu…

PHẠM QUỐC TOÀN


Chia sẻ liên kết này...

Add comment