Nhà báo Phạm Quốc Toàn - Tác giả & Tác phẩm
Tôi nhận được cuốn sách mới “CHUYỆN TÌNH PHỐ CỔ” (NXB Văn Học, 2022) của tác giả Phạm Quốc Toàn, nhà báo uy tín; cây bút sắc sảo, viết nhiều thể loại; được bạn đọc tin yêu; đồng nghiệp báo chí và văn học quý mến. “Chuyện tình phố cổ” tập hợp 10 bút ký được viết trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022, dù là bút ký nhưng vẫn thấm đậm tính thời sự, ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, món quà tinh thần nhiều ý nghĩa.
Tập hợp các bút ký trong “Chuyện tình phố cổ”, với bút pháp tân văn mà rất nhuẫn nhuyễn tính văn học, Phạm Quốc Toàn luận bàn, bằng những câu chuyện sống động của đời sống thường ngày về tình thầy trò, thủy chung chồng vợ, tình yêu gia đình; nghĩa tình đồng đội, đồng nghiệp, đồng chí, tình bằng hữu… Đọc “Chuyện tình phố cổ”, người ta cảm nhận cuộc sống này thật đẹp, sáng trong, đáng yêu vô cùng.
Với bút ký “Thầy tôi, vẻ đẹp nhân cách” (Sách đã dẫn, trang 20), Trưởng khoa báo chí suốt chặng đường dài 30 năm, không học hàm học vị - đất nước chiến tranh liên miên là vậy - nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn là một mẫu mực về tài năng và đức độ, một nhân cách của văn hóa Tràng An. Hàng ngàn nhà báo được đào tạo từ khoa báo chí, nhiều người đã thành danh, tuổi đã cao, có người phải chống gậy vẫn đều đặn về thăm thầy, kính trọng thầy giáo cũ của mình, người đã có công luyện rèn bao người trở thành ký giả - người cầm bút trên chiến hào Quảng Trị “máu và hoa”, trên các công trình dựng xây đất nước. Phẩm chất, nhân cách của người thầy dạy nghề báo lấp lánh như ánh sương mai, tinh khiết – ngọt ngào.
Là trò được thầy đào tạo, nhưng chính trò ấy cũng trở thành thầy. Bút ký “Nghề hay – Tình đẹp” (Sách đã dẫn, trang 33) là một trong những câu chuyện cảm động như thế. Trò Tấn của thầy Lạn, sau này là Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn được học và tự học trở thành người đứng đầu một trong những trung tâm đào tạo báo chí hàng đầu ở Việt Nam. Hơn thế, Tạ Ngọc Tấn còn là người đứng đầu trung tâm đào tạo cán bộ cao cấp chiến lược của Đảng, một cây bút tài hoa, viết nhiều và viết hay, một nhà báo – nhà giáo – nhà lý luận nghĩa tình.
Hai bút ký “Dã quỳ đón nàng thơ”, “Ngắm mai vàng nhớ bạn” (Sách đã dẫn, trang 141, 155) dù xếp gần cuối sách nhưng chính đó lại là hai hạt ngọc lấp lánh cả về tình yêu, tình bạn, tình đồng nghiệp, đồng đội của các nhà báo. Những thảm hoa mai vàng khi xuân về tết đến; thảm hoa dã quỳ màu vàng rộm trên các triền núi cao nguyên làm cho tình yêu nẩy nở; tình bạn đơm hoa; tình đồng nghiệp kết trái. Tác giả vẽ nên những chân dung – hình ảnh sống động về tinh thần vượt khó, vượt lên chính mình, sẵn sàng sẻ chia, đồng cam cộng khổ, vượt mọi thác ghềnh. Bác sỹ quân y Bùi Văn Tứ, cô giáo Bích Vân, dân phố vẫn gọi “Tứ xe lăn”, “Vân bóng chuyền” một nắng hai sương, vất vả lo toan, tình làng nghĩa xóm ắp đầy – là bạn của một nhà báo bằng da bằng thịt, những hình ảnh “Bông hoa giữa đời thường” thật đẹp.
Lớp đại học báo chí khóa 5, vẫn gọi là báo 5 có cặp đôi nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm và Bích Hiền. Họ rời giảng đường để trở lại với cao nguyên vàng rộm màu vàng hoa dã quỳ. Trên cương vị mới, Thanh Đạm làm Tổng biên tập Báo Lâm Đồng, sau đó là Chủ tịch Hội Văn học tỉnh Lâm Đồng, chủ biên tập chí văn nghệ LANG BIAN. Anh sống trong tình yêu đẹp với Bích Hiền. Bạn báo, bạn văn, bạn thơ kết nối nhiều nơi, cũng là bạn thân của cố nhà thơ Lưu Trọng Phú – Báo Bà Rịa – Vũng Tàu. Những trang viết về tình bạn, tình đồng nghiệp của nhà báo thông qua những đồng nghiệp đắm say với nghề, với công việc, cũng hết mình với bạn hữu, đồng môn, dưới ngòi bút giàu cảm xúc của Phạm Quốc Toàn giàu yêu thương và sống động.
Bút ký “Chuyện tình phố cổ” (Sách đã dẫn, trang 87), được tác giả chọn làm tựa đề cho cả tập sách. Cặp đôi trai tài gái sắc đất Hà Thành, sinh ra và lớn lên bên hàng me xanh, cây hoa sữa phố cổ Hàng Gai, Hàng Trống… trốn nhà gia nhập đại đội thanh niên xung ra tuyến lửa khi họ mới mười bảy, đôi mươi. Họ là cán bộ đoàn phố cổ, là bạn gặp nhau trên cung đường ra trận rồi yêu nhau. Giữa hai trận bom, họ chỉ kịp tặng cho nhau nhánh hoa rừng còn sót lại bên hố bom sâu. Tình yêu phố cổ giản dị như cuộc chiến đấu mỗi ngay kề bên cái chết. Và sau năm 1975, Đại thắng mùa xuân họ thêu dệt nên nhưng trang hạnh phúc đến tuyệt vời. Cô tiểu đội trưởng thanh niên xung phong, cựu biên tập viên nhà xuất bản Thanh Niên Tô Thị Hà và cựu đại đội trưởng Nguyễn Khắc Năng thủy chung và trọn vẹn, vượt qua mọi gian nan, thử thách xây đắp nên hạnh phúc để có một gia đình hạnh phúc viên mãn, trong bộn bề công việc xã hội…
“Chuyện tình phố cổ” là tập sách thứ 20 của Phạm Quốc Toàn được các nhà xuất bản uy tín ấn hành, người có thâm niên hơn 20 năm làm Tổng biên tập báo Đảng địa phương, 10 năm làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Vào tuổi 75, ngòi bút Phạm Quốc Toàn vẫn cần mẫn và sung sức. Nhà thơ Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cảm nhận về cây bút Phạm Quốc Toàn: “Ở Phạm Quốc Toàn, văn và báo không phải hai trong một. Chúng là hai thực tế cá tính độc đáo, lạ lẫm, với sức ẩn dụ, cuốn hút khác nhau đến lạ lùng. Ông gõ cửa văn chương muộn hơn nhưng cái mầm văn chương, cái cây văn chương ấp ủ và sinh trưởng trong ông từ rất lâu đến giờ bung ra thì đã sum xuê, đã là quả ngọt”. Cây đại thụ báo chí và văn chương Việt Nam đương đại Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam viết trên báo Nhà báo và Công luận: “Phạm Quốc Toàn là một tài năng báo chí và văn học. Ông đi nhiều, viết khỏe, viết nhanh, viết trúng, quảng giao rộng, nhưng là người kiệm lời, con người của sự khiêm nhường và ắp đầy nghĩa tình”.
Ngày 19/6/2022, kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nhà báo Phạm Quốc Toàn – Tác phẩm & Tác giả”, ra mắt “Chuyện tình phố cổ” và trưng bày - giới thiệu nhiều cuốn sách của ông từ bút ký, truyện ký, tiểu phẩm, truyện ngắn và cả tiểu thuyết. Xin được chúc mừng cây bút Phạm Quốc Toàn – Ngọn bút của mùa Xuân - tuổi 20, không ngưng nghỉ!
Hà Nội, 16/6/2022
D.T.H
< Lùi | Tiếp theo > |
---|