Tác phẩm PQT VƯỢT BÃO

VƯỢT BÃO

Truyện ngắn PHẠM QUỐC TOÀN

Nam Bộ sụt sùi mưa. Cả vùng đồng bằng rộng lớn mấy năm liền ít có lũ, mà không lũ là không có phù sa bồi đắp cho ruộng vườn thì sẽ mất dần châu thổ. Không lũ do tác động của biến đổi khí hậu, thượng nguồn ít mưa. Không lũ, vì trên tuyến sông Mekông xây nhiều đập thủy điện lớn bé chặn dòng chảy tích nước. Lại còn dự án kênh đào hướng tới việc chia sẻ nguồn nước bên nước bạn láng giềng? Năm nay mưa nhiều, lũ đã về, dòng nước bạc mênh mông cuộn chảy, ruộng vườn lại có thêm phù sa, lúa màu và cây trái tươi tốt. Đón lũ, ai cũng vui rộn ràng, phấn chấn, trẻ em nô đùa tung tăng bơi lội trên kênh rạch.

Vuot_Bao

Nơi Tám Hạnh sinh thành nằm bên bờ sông Tiền, cơn mưa chiều lây nhây. Trước đây, Nam Bộ cũng như Sài Gòn thường mưa nhanh, tạnh ráo nhanh, ào cái là hết cơn mưa. Ngày nay, do biến đổi khí hậu cơn mưa cũng khác xưa. Nhiều lúc, mưa cứ rề rà cả ngày. Mưa thối trời, bùn đất nhão nhoẹt. Trời quang mây tạnh, nắng vàng như trải thảm hoa cúc trải dài trên triền sông. Bỗng chốc, mây đen vần vũ kéo tới. Trời nổi gió. Mưa ào ạt tới. Có bữa, mưa từ biển, từ rừng cứ như vác chum vại trút nước. Sân bay Tân Sơn Nhất dập dềnh nước sau trận mưa xối xả, máy bay không thể hạ cánh, đành phải đáp tạm các sân bay lân cận.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hữu và cây viết ký sự Triêu Dương vác dàn máy ảnh cực xịn về vùng quê bên sông Tiền, ông trời lại đổi tính thay nết. Trời đang sụt sùi mưa, bỗng mây đen kéo đi đâu hết. Bầu trời cao lồng lộng. Nắng đẹp, sóng nước sông Tiền trải dài lấp lánh màu vàng ruộm tít tắp. Trần Hữu sải bước dài trên cầu Rạch Miễu, lẩm nhẩm với Triêu Dương mà như nói với chính mình:

- Nắng đẹp quá ông ơi. Đi chụp ảnh với ông đận nào đang mưa cũng bỗng trời quang hửng nắng, tuyệt quá!

- Chẳng phải do vía Triêu Dương đâu bác. Dãy nhà hàng mé sông là biểu tượng sự an lành, mưa chứ đến bão cũng chào thua.

Khu du lịch sinh thái ven sông là một câu chuyện dài, gắn với tên tuổi người con gái sông Tiền họ Trương - Trương Tám, thường gọi Tám Hạnh, với những giai thoại “Gánh hủ tiếu bà Mười”, một tầm nhìn, bản lĩnh và tâm phúc. Ẩn kín trong sâu thẳm con tim là cuộc đời và sự nghiệp nhiều gập ghềnh, sự chịu đựng và hy sinh, những cuộc rượt đuổi ngoạn mục. Trên con tàu cập bến bờ Tám Hạnh có không ít tủi cực cay đắng. Bão táp vẫn vững tay chèo lái. Cuộc đời của mẹ - bà Mười bán hủ tiếu như một huyền thoại. Người phụ nữ nơi miệt vườn kênh rạch, trong bối cảnh xã hội nhiều xô đẩy, ai cũng có những nỗi niềm riêng. Mẹ vẫn thường dặn dò Tám Hạnh đứa con gái cưng:

- Lớn lên dù làm gì và ở đâu, con cũng ráng làm cái gì đó cho miệt vườn sông Tiền, mọi người có việc làm. Mở xưởng may, nhà máy nước đá, xưởng chế biến nông sản, xay xát gạo, phải ráng làm.

Càng trưởng thành, Tám Hạnh càng thấu hiểu tấm lòng trọng nghĩa tình, bao dung của mẹ, một cuộc đời tần tảo cháy bỏng khát vọng xây dựng quê hương. Vào lúc công việc kinh doanh du lịch đối ngoại ở xứ Dừa đang thuận thì Tám Hạnh báo cáo xin nghỉ việc để đầu quân về xứ biển mở nghiệp kinh doanh du lịch. Và hơn 15 năm sau, người phụ nữ đầy bản lĩnh ấy như con chim khi đủ ông cánh đã chọn ngày trở về với quê hương. Gần 8 năm sau, đất cù lao sông Tiền đã hiện hữu khu du lịch nghỉ dưỡng xếp hàng đầu khu vực. Tám Hạnh không nói nhiều, lặng lẽ làm, đầy ắp sự trẻ trung và phong cách kinh doanh của một nữ doanh nhân đã nói là làm.

Ấn tượng đầu tiên khi đến khu du lịch ven sông Tiền là màu xanh của cây cối, các loài hoa kiểng, tiếng chim hót líu lo, nơi lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên. Đó là khu vườn hoa lan, Aloe Vera, khu “Kỳ hoa dị thảo” được sưu tầm công phu. Hoa đẹp, mỗi loại hoa có những đặc trưng riêng. Sen là loài hoa đặc trưng của Đồng Tháp Mười mà Tám Hạnh yêu thích: thuần khiết, thanh tao, dáng vẻ khoan thai, từ bi, biểu tượng cho niềm hân hoan và hứng khởi, bình yên. Trước đây, đôi bờ sông Tiền chẳng có cây cầu nối bờ vui như bây giờ. Từ năm 2009, cây cầu sông Tiền sừng sững vươn cao đã làm thay đổi diện mạo quê hương, dệt nên bao câu chuyện dài về tình yêu đôi lứa.

***

Một bạn trẻ ngồi cạnh Tư Nghĩa châm nước trà nói xen vào:

- Bác Tư ơi, bác coi phim Người Tình chưa?

Bác Tư xéo mắt qua con nhỏ:

- Mày đáo để lắm bé Năm ạ. Đó là câu chuyện tình lãng mạn bắt đầu từ một chuyến phà qua sông đó con.

Tư Nghĩa nhấp thêm ngụm trà xanh:

- Có lẽ tui và Tám Hạnh cảm nhau từ những buổi đọc thơ trên những chiếc thuyền nan sông Tiền.

Tư Nghĩa như bộc bạch lòng mình về chuyện Người Tình trên một con phà qua sông. Hơn 15 tuổi, khi nàng qua sông trên một con phà thì thấy một thanh niên điển trai nhưng có vẻ già dặn tiến lại gần nàng. Đột ngột trái tim như mách bảo: Đây là người tình. Lúc đó lòng nàng và chàng cùng run rẩy, mơ hồ tin rằng họ là của nhau. Một thứ tình cảm kỳ lạ, vừa yếu đuối, vừa mạnh mẽ, vừa cam chịu, vừa đau đớn, vừa khai mở như định mệnh sắp đặt.

Tư Nghĩa đăm chiêu mà dí dỏm:

- Tám Hạnh là hoa khôi sông Tiền. Cô ấy tuổi cọp mà hiền khô, miệng tươi như hoa. Thuở nhỏ, cách nhau đến 5 tuổi nhưng Tư và Tám thân thiết bên nhau. Đánh chài, nhảy dây, mò cua bắt ốc, theo mẹ đi bán hủ tiếu. Rồi yêu nhau lúc nào cũng chẳng biết nữa.

Đêm hẹn hò, họ không kiểm soát được tình cảm, như có luồng điện cảm ứng, cộng hưởng đã trao thân gửi phận. Trong con người Tám Hạnh có một mầm sống tinh khôi lớn từng ngày. Tám kể hết sự tình với mẹ. Mẹ trầm ngâm suy nghĩ, chẳng nói chẳng rằng. Một đêm nọ, mẹ thì thầm: “Đời con gái là vậy. Tùy tình cảm của hai đứa, con nói cho Tư nó biết, chuyện đã lỡ”.

Biến cố ngoài ý muốn khi cuộc đời còn non trẻ. Tám kể với mẹ nhưng lại dấu kín Tư. Đúng tuần trăng thượng tuần, bầu trời trong xanh, lấp lánh những vì sao, Tám hẹn Tư cùng bơi chiếc thuyền nan ra sông Tiền. Tám thì thầm bên tai Tư, nghẹn lời:

- Anh ơi, mình… mình… chia tay nhé, má biểu em đi lấy chồng. Chúng em… sắp làm đám cưới. Từ ngày mai, chúng ta không gặp nhau nữa.

Tám ngừng lời, Tư Nghĩa không hiểu điều gì đã xảy ra, cũng chẳng nói chẳng rằng, nhặt mấy hòn sỏi trên mạn thuyền ném xuống sông, đàn cá tung bọt nhảy lên đớp mồi. Một cơn gió nhẹ thốc qua, thuyền nan chòng chành.

Tư Nghĩa gặng hỏi:

- Mà vì sao chớ? Sao bỗng dưng em lại đi lấy chồng ngang xương vậy?

Tám buông tay chèo yên lặng. Một đám mây đen kéo tới. Gió từ mạn phà bờ bắc nổi lên. Ông trăng chui vào đám mây đen, mây bạc như chao đảo, trôi nhanh trên bầu trời. Tư và Tám cho thuyền cập bến. Hai người như hai cái bóng đi về hai phía. Tám lặng lẽ ra mé sông ngồi một mình, lòng buồn rười rượi. Đầu óc quay cuồng bao ý nghĩ: “Tình yêu là vậy sao? Mà sao mình lại chia tay Tư để đi lấy chồng, nói vậy mà Tư cũng tin”. Quá nửa đêm, Tám lững thững quay về nhà, chui vào giường, nước mắt giàn giụa, thao thức trắng đêm. Sáng hôm sau, Tám nhảy xe đò lên Sài Gòn, đến ở với dì Mười Hai, suốt ngày ru rú trong nhà.

Đêm đó Tư Nghĩa không về nhà, lang thang bước thấp bước cao đi về con rạch lúc nào không hay. Chính quyền Sài Gòn bắt lính. Gia đình có truyền thống đi theo kháng chiến đánh Tây. Lần này Tư chẳng trốn quân dịch như năm trước, bụng bảo dạ: “Tám lấy chồng. Thôi thì đi cho khuất mắt, ra trận, hòn tên mũi đạn, mấy phát súng là xong đời”. Tư sắp được làm cha mà vẫn không biết. Tự ái đàn ông, khi nghe người yêu nói lời chia tay đi lấy chồng, thế là chấm hết.

Tư và Tám chia tay nhau từ ngày đó. Và 45 năm xa cách đã xảy ra bao biến cố cuộc đời, họ mới gặp lại... bắt đầu từ một câu chuyện tình cờ. Một nhân viên khu du lịch sinh thái, cháu Hoàng My, trong khi kể chuyện về những người con của của ấp, của làng, chuyện gia đình đã vô tình nhắc đến bác Tư Nghĩa; rằng bác Tư hiền khô mà xui xẻo bị bệnh ung thư, bệnh viện đã trả về để gia đình lo hậu sự.

Tám Hạnh ngồi đối diện nghe Hoàng My nhắc đến Tư Nghĩa linh cảm đến điều gì đó hệ trọng, hỏi thêm Hoàng My gia cảnh bác Tư. Hoàng My kể vanh vách “ông già Tiếp liệu” Tư Nghĩa. Năm 1966, Tư Nghĩa đi lính cho quân đội Việt Nam Cộng hòa. Lúc đầu bác Tư vào đơn vị tác chiến, rồi bị điều qua đơn vị trinh sát. Tư đã “chạy” khỏi công việc này, xin về đơn vị tiếp liệu, hậu cần, liên quan đến quân trang, quân dụng, lương ăn, thuốc men quân y. Cơ sở Cách mạng móc nối với bác Tư để bác làm tiếp liệu có điều kiện đưa được hàng quân nhu thiết yếu lên cứ bộ đội giải phóng. Bác Tư có năm người con sinh sống dưới quê.

Từ ngày Hoàng My kể chuyện về Tư Nghĩa, Tám Hạnh giấu sự thầm kín trong lòng. Một bữa, cận Tết Nguyên đán bà gọi Hoàng My lên phòng làm việc, nói về nhà mời bác Tư lên chơi, ăn cơm Tất niên. Lúc đó, sức khỏe Tư Nghĩa đã rất tệ, nhưng ông vẫn gắng đi, lâu nay đã rất kính trọng chủ nhân khu du lịch làm đổi đời quê hương. Vừa đụng Tư Nghĩa ở cửa phòng, cả Tám Hạnh và Tư Nghĩa đã nhận ra nhau. Câu chuyện mối tình đầu một thuở như một cuốn phim lãng mạn hiện về trong sâu thẳm ký ức hai người.

***

Sau biến cố chia tay Tư Nghĩa năm 1966, Tám Hạnh bị sốc, rất sốc. Mẹ của Tám Hạnh là “bà Mười hủ tiếu” người phụ nữ cứng cỏi đi theo Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp, rồi tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tấm gương sáng của mẹ giúp Tám Hạnh đứng vững. Tám qua Mỹ Tho rồi lên Sài Gòn chống chọi với số phận nghiệt ngã. Bên cạnh mẹ còn có dì Mười Hai như người mẹ thứ hai vậy. Dì thay mẹ gánh nỗi cực nhọc cho Tám và Tám vẫn thường thì thầm một mình: “Con cảm ơn dì. Con hạnh phúc vì đã có dì”.

Đêm nằm, dì ôm đứa cháu gái thân thương:

- Con buồn nhiều không?

Tám cũng ôm chặt lấy dì:

- Buồn vì Tư chẳng níu kéo con. Con nói với Tư là con đi lấy chồng vậy mà cũng tin. Nếu Tư yêu con thì anh ấy sẽ có cách giữ con. Đằng này, Tư cứ im lặng. Con cho “phăng” luôn.

Dì Mười Hai nựng yêu Tám:

- Trong chuyện này tại cả con nữa, con nói ra cho Tư nó biết, đành một nhẽ. Cả hai đứa đều sai, cái tôi lớn quá, không trách ai được.

Dì cháu ôm nhau thủ thỉ kể chuyện ông bà ngoại, chuyện mẹ Mười trốn nhà đi Việt Minh rồi ngủ thiếp đi. Dù đã thề cố quên tất cả, nhưng với Tám, giấc mơ cùng bơi thuyền, đi câu cá với Tư Nghĩa lại chập chờn. Thức dậy, đầu óc Tám mông lung, mà sao lạ nhỉ, khi Tư đặt lên môi nụ hôn cháy bỏng, đàn cá sông Tiền cứ gõ gõ vào thuyền rồi chúng nhảy lên trắng xóa. Con cá mà cũng biết tình yêu, cùng cảm nhận với ta. Nghĩ vậy, Tám mỉm cười trong đêm khuya thanh vắng.

Sau Tết Đinh Mùi, Tám Hạnh dọn đến ở hẳn với dì Mười Hai bên con phố hẹp Sài Gòn. Dì thay mẹ chăm sóc Tám cho đến ngày sinh nở. Chín tháng mười ngày, cu Tâm oa oa cất tiếng khóc chào đời. Tâm rất ngoan, bụ bẫm, lớn lên trong vòng tay của bà. Một tuổi, bé Tâm chạy lon ton thật đáng yêu!

Để tránh sự dị nghị, mẹ và dì dượng Mười Hai đổi vai, coi dì là mẹ ruột, dượng là ba ruột của cu Tâm, khai sinh họ Lâm của dượng - Lâm Bá Tâm. Bà ngoại đóng vai dì, Tám đóng vai chị. Thi thoảng, chị qua thăm cu Tâm, hai chị em quấn quýt bên nhau. Máu nào thịt đó, Cu Tâm thương yêu chị Tám vô cùng, một vài ngày vắng chị là Tâm lại nhõng nhẹo đòi đi tìm cho bằng được.

Những ngày ở Sài Gòn, Tám có mẹ và dì bên cạnh. Máu doanh nhân trong con người Tám nhen nhóm từ đó. Tám tạm gác mọi chuyện, đứng ra quản lý các gói thầu nhà hàng Mỹ, câu lạc bộ người Mỹ, thu gom rác thải. Ai thầu gì mình thầu luôn cái đó. Đấu thầu, trúng thầu và bán thầu... làm mọi thứ, miễn là sinh lợi và có đạo đức, không lừa dối ai. Niềm vui trong công việc đã giúp Tám vượt qua nỗi buồn riêng dai dẳng. Hình ảnh con sông Tiền hiền hòa lắng đọng phù sa, những miệt vườn sông rạch cây trái và kỷ niệm tình yêu đầu đời dưới đêm trăng, trên con thuyền ba lá tạm lùi phía sau.

Tám Hạnh bươn chải mưu sinh trên đất Sài Gòn hoa lệ, ra tận Ô Cấp - Vũng Tàu là hậu cứ ăn chơi của lính Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Vũng Tàu biển bạc trời xanh, những con sóng bạc đầu giúp cho Tám nguôi ngoai những kỷ niệm buồn. Tổ chức điều động mẹ Mười tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, tiểu thương ở Ô Cấp. Bên mẹ và dì Mười Hai, Tám có thêm những người bạn mới, quen thân với nhiều anh chị ở thị xã Vũng Tàu. Biển cả mênh mông, có lúc biển yên sóng lặng mà lắm khi biển cũng rất dữ dội, lòng biển sâu thẳm. Tám yêu biển, nhiều lần ngồi trước biển lại nghĩ đến mối tình đầu với Tư Nghĩa, nghĩ về quê hương, về công việc mẹ Mười chẳng quản hiểm nguy.

Mẹ lập gia đình, thân phận cuộc đời khổ trăm bề, nín nhịn, chịu đựng, càng chăm chút cho con gái, lao vào công việc mà tổ chức tin cậy giao phó. Mẹ không chỉ sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc, điểm tựa tinh thần mà còn là tấm gương sáng cho con gái noi theo - bản lĩnh, nghị lực, đức hy sinh, cống hiến cho đời.

Hàng chục năm đã trôi qua, lời mẹ dặn con gái vẫn như còn văng vẳng bên tai. Thời kỳ còn là học sinh tiểu học và trung học, mẹ gửi Tám để đi làm, bán tạp hóa, bán đồ ăn, bán vàng, giữ trẻ cho một gia đình có 15 người con. Mẹ dạy có bao nhiêu làm bấy nhiêu, không mượn nợ để làm; cuộc đời chớ để nợ tiền bạc và nợ tình. Mẹ dặn với xã hội, kinh doanh phải trung thực, lấy chữ tín làm đầu. Với bạn bè, khi đến nhà bạn cần xem hũ gạo của bạn còn hay hết; chọn bạn mà chơi. Chớ giận hờn bạn, khi giận bạn phải tìm cách mà gỡ cho mau. Mẹ lấy chồng, tính tình không hợp, mẹ đã chịu đựng, hy sinh, vượt qua ngang trái.

Ngày 30 tháng Tư năm 1975, bộ đội giải phóng từ các hướng tiến vào Sài Gòn, miền Nam được giải phóng. Mẹ Mười và các đồng đội của mẹ vui nổ trời. Bao xương máu và mất mát hy sinh đến ngày toàn thắng. Tám không nghe bạn rủ rê ra nước ngoài mà quyết chí ở lại tham gia xây dựng đất nước, quê hương.

***

Năm 1977, Tám Hạnh trở lại Thành phố biển Vũng Tàu khởi nghiệp. Nói trở lại Vũng Tàu là vì trước đó mẹ Mười đã hoạt động phong trào tại đây. Tám đã cùng mẹ gắn bó với xứ biển, quen thân nhiều dì, nhiều chú và có cả những người bạn thân thiết ở Thắng Tam, Thắng Nhì, Bến Đình, Bến Đá. Năm 1978, con trai Lâm Bá Tâm 11 tuổi, Tám gửi qua Mỹ, Thành phố New York nuôi dưỡng, học tập. Môi trường và điều kiện học tập của con trai thuận lợi. Hàng tuần, hàng tháng, được ba mẹ nuôi người Mỹ khích lệ, con trai điện thoại, viết thư cho mẹ Mười. Ba mẹ nuôi của Tâm đã cất công qua Sài Gòn gặp bà Mười Hai giữ kết nối cho con nuôi. Ông bà có ba người con ruột và rất yêu cậu con trai, dạy cho con luôn hướng về nguồn cội.

Ở Vũng Tàu, có lẽ là số mệnh, người đàn ông tên Văn phải lòng Tám Hạnh, cưới Tám làm vợ. Cô chấp nhận số phận, dù trái tim chẳng rung động. Tiệm điện lạnh Công Năng gắn bó với cuộc đời và số phận, gắn công việc dịch vụ dầu khí của cô gái xứ dừa. Vùng đất, vùng biển hội tụ cả hai loại hình kinh tế thời thượng: Du lịch & Dầu khí. Sức hấp dẫn của những lời mời gọi và tình thân bạn bè từ những năm trước, khiến cô gái sông Tiền nhạy cảm, có tầm nhìn, thích khám phá không thể không gắn bó với vùng đất, vùng biển này.

Sự nghiệp gắn liền với cuộc sống gia đình, nỗi niềm riêng. Đức ông chồng của Tám là mẫu đàn ông làm lụng, thạo cơ khí điện lạnh. Ông ấy không nhiều chữ nghĩa, nhưng trời phú cho năng khiếu làm thợ. Về làm dâu, Tám mới tá hỏa biết được ông đã có hai người vợ, sáu người con. Tám buồn, đóng cửa ôm gối nằm khóc. Lão chồng đã ém nhẹm điều rất hệ trọng đã có gia thất riêng. Tám Hạnh gần như sụp đổ. Mẹ cũng không hay biết sự thật này. Tám quả quyết nói với chồng:

- Chuyện đã ra nông nỗi này, lỗi là do anh. Tôi yêu cầu không cho mẹ tôi biết. Anh và tôi vẫn sống chung một nhà nhưng ly thân. Anh không đụng vào tôi, tôi cũng không đụng vào anh. Mong anh hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh này.

Thế mới biết bản lĩnh và sự quyết đoán, mạnh mẽ của người con gái xứ Dừa. Từ đó, nhìn vẻ bên ngoài mọi người đều nghĩ cuộc sống của vợ chồng Tám hạnh phúc. Nào có ai ngờ đằng sau đó là sự hy sinh và chịu đựng. Bản lĩnh chấp nhận số phận, Tám sống nghiêm túc, tạm gác sang một bên chuyện riêng tư, tập trung cho kinh doanh. Ông Văn là mẫu đàn ông ham làm nhưng tính tình cục cằn. Tám nín nhịn chỉ vì nghĩ đến mẹ, chờ thời lập nghiệp.

Cuộc khởi nghiệp mang tính độc lập tự thân đầu tiên của Tám Hạnh tại Vũng Tàu là làm điện lạnh. Cơ sở điện lạnh Công Năng, do ông Văn và Tám làm chủ, nằm trên con đường buôn bán sầm uất của Vũng Tàu. Tám Hạnh táo bạo kết nối, hợp tác với Xí nghiệp Liên doanh làm dầu khí cung cấp các sản phẩm điện lạnh, rau củ, cá, thịt, thức ăn nguội cho các giàn khoan. Tám ký hợp đồng đào tạo thợ cơ điện lạnh cung cấp lao động kỹ thuật cho giàn khoan vùng mỏ Bạch Hổ. Với lớp đào tạo thợ kỹ thuật điện lạnh, Tám “quất” ông chồng lo vụ hướng dẫn học viên thực tập. Về lý thuyết điện lạnh, do hồi đó tìm không ra thầy, Tám chữa cháy bằng cách mua sách vở, tài liệu về nhà tự nghiên cứu, tự soạn giáo án và giảng bài. Vốn là nữ sinh trung học Gia Long thông minh, sắc sảo nên Tám đã nhanh chóng tự học và thành giảng viên, giảng viên chuyên nghiệp cũng nể phục. Nhờ có năng khiếu ngoại ngữ từ thời học tiểu học, trung học, Tám tiếp tục củng cố tiếng Anh, giao tiếp Anh ngữ thông thạo.

Thời kỳ đất nước đổi mới, tỉnh Bến Tre phát động phòng trào “Nhà nước và nhân dân cùng hợp tác phát triển kinh tế”. Lúc đó, Tám Hạnh đang làm việc tại Vũng Tàu, một lãnh đạo ở Bến Tre là em con cô con cậu đề nghị:

- Chị Tám về quê với em đi, giúp em “hợp tác” làm kinh tế. Từ khi phát động “công - tư hợp tác” đến nay chưa có ai hưởng ứng.

Được mẹ khích lệ, Tám rời Vũng Tàu về Bến Tre, xây dựng xưởng làm nước đá. Hai chị em con cô cậu xắn tay kinh doanh nước đá và làm xuất nhập khẩu. Tiếng tăm Tám Hạnh đến tai chủ tịch tỉnh. Chủ tịch ghé thăm xưởng nước đá của Tám và nêu ý kiến:

- Cô Tám làm nước đá vậy mà hay. Nhưng nay cô Tám về tỉnh làm Công ty Du lịch. Xưởng nước đá và công việc xuất nhập khẩu giao lại người khác làm.

Thẳng thắn, cương trực, nghĩ sao nói vậy, Tám trả lời:

- Thưa anh Hai, rất cảm ơn anh nhưng em không dám. Làm du lịch khó lắm, em chưa học hành gì, anh Hai giao người khác.

Chủ tịch tỉnh quả quyết:

- Tôi chỉ là thầy giáo, nay làm Chủ tịch, có biết gì đâu, nhưng làm miết rồi quen. Không biết thì học. Cô Tám gắng lên.

Tối về, Tám kể lại chuyện này với mẹ, bà nói ngay:

- Chủ tịch đã nói, cố gắng lên con. Có khi làm du lịch trên tỉnh mà lại tốt cho con về lâu dài. Chưa biết thì học hỏi người đi trước. Tám Hạnh chấp nhận ý kiến của Chủ tịch tỉnh giao lại xưởng nước đá và công việc kinh doanh xuất nhập khẩu cho Châu Thành về tỉnh làm Giám đốc Du lịch đối ngoại. Ý tưởng có từ lâu, nhưng sự dấn thân của Tám Hạnh kinh doanh du lịch bắt đầu từ đó. Và hiệu quả kinh doanh thấy rõ từng ngày.

Hội Liên hiệp phụ nữ ở Vũng Tàu thành lập công ty du lịch mời Tám về đầu quân vào thời điểm đang khó khăn. Cá tính tự lập cao, thích khám phá, Vũng Tàu lại đang là vùng đất đổi mới, hấp dẫn. Năm 1990, sau ba năm về làm việc ở Bến Tre, Tám Hạnh xin nghỉ việc, âm thầm chuyển ra Vũng Tàu. Một lãnh đạo tỉnh Bến Tre gọi Tám Hạnh đến văn phòng của ông, quan điểm rõ ràng:

- Này cô Tám, cô đang khởi sự công việc rất tốt mà sao lại bỏ đi, nghe sao được?

Khi Tám Hạnh đã quyết không ai có thể khuyên can. Tám trình bày với lãnh đạo tỉnh hoàn cảnh gia đình:

- Chuyện đã vậy, còn gia đình chồng con nữa, anh Hai thương em, cho em đi, rồi có ngày em sẽ trở về. Em đi là để trở về, dù có ở chân trời góc bể nào.

Lãnh đạo tỉnh đứng dậy, bắt chặt tay Tám Hạnh ngắn gọn:

- Hứa hẹn rồi, đừng quên. Cô Tám cứ đi, nhưng nhớ quay về, bất cứ lúc nào, tỉnh sẵn sàng đón nhận. Mấy ngày sau Tám Hạnh có mặt tại Thành phố Vũng Tàu, vào việc ngay, không phụ lòng tin của các anh chị ở Hội phụ nữ, góp phần tháo gỡ các “nút thắt” cho hoạt động du lịch ở đây. Thời điểm này, lãnh đạo Vũng Tàu khích lệ sự đổi mới và năng động trong công chức, viên chức. Tám Hạnh như được thổi thêm hồn, chắp thêm đôi cánh sáng tạo. Tám lặng lẽ quan sát, tự tổng kết rút bài học, tự tin vào cuộc, trưởng thành cả trong tư duy và hành động.

Nhiều người bất ngờ về quyết định của Tám Hạnh, nhưng ngẫm lại mới thấy cô gái xứ Dừa đã có sự lựa chọn chính xác. Vũng Tàu chính là môi trường thuận lợi đào luyện nghề dịch vụ du lịch, thương mại, đất sống của những khu “Resort” trong tương lai, là sự va đập cuộc sống, khám phá và thử thách giúp mình mau trưởng thành. Làm dịch vụ dầu khí, Tám gom góp ít vốn, vay mượn thêm xây dựng khách sạn; tạo dựng khu biệt thự đẹp trên sườn núi nhìn ra biển.

Có người khuyên Tám Hạnh nên tập trung một lĩnh vực chuyên sâu, cùng lúc triển khai nhiều thứ dễ thất bại. Lời khuyên ấy có lý, nhưng một Tám Hạnh nhiều khát vọng lại nghĩ khác, Tám tâm sự:

- Có hai thế mạnh là du lịch và dầu khí, cần triển khai hai lĩnh vực, cái nọ hỗ trợ cái kia. Đích lâu dài là du lịch, đưa du lịch về sông Tiền.

Mẹ và bạn chí cốt nói với Tám ngắn gọn:

- Không ai hiểu mình bằng chính mình, thấy đúng thì làm.

Được lời như cởi tấm lòng, Tám tìm gặp chị Hai Anh, luật gia có quan hệ rộng. Với Tám, chị Hai vừa là bạn, vừa như là chị gái. Tám trình bày dự định và đề nghị hỗ trợ:

- Dù bận cách mấy chị cũng cố gắng sắp xếp tư vấn cho em về pháp luật, chị chỉ vẽ cho em.

Hai Anh nắm chặt tay Tám:

- Em yên tâm, vững bước mà đi.

Chiều cuối năm 1990, Tám phóng xe về Sài Gòn chăm mẹ vừa trải qua đợt điều trị bệnh. Vừa về nhà, Tám có điện thoại từ chị Hai Anh, có người cần gặp.

Điện thoại phía bên kia:

- A lô, chị Tám Hạnh đấy phải không?

- Chị đây, có chuyện gì không? Tám vui vẻ trả lời.

Giọng nói nhẹ nhàng, lịch lãm từ phía bên kia:

- Xin lỗi, nghe danh chị đã lâu, rất tiếc chưa được diện kiến. Chủ nhật ta gặp nhau?

- 18 giờ chiều Chủ nhật, mời em tới nhà hàng Ái Huê. - Tám Hạnh phấn chấn trả lời:

- Cảm ơn, hẹn gặp lại.

Một lát sau, chị Hai Anh điện thoại trở lại:

- Em có biết vừa hẹn ai không?

Tám vô tư:

- Em có biết ai đâu, chỉ biết giọng nói lịch lãm, ga lăng.

Giọng Hai Anh nghiêm trang:

- Đó là anh Vũ, Thư ký văn phòng cơ quan chủ quản, chúc em ngủ ngon.

Tám bỏ máy mà đầu óc cứ quay cuồng. Tại sao văn phòng lại biết việc mình làm? Luật gia Hai Anh vẫn vậy, không nhiều lời, mọi thứ rõ ràng, chu đáo.

Chiều Chủ nhật, 17 giờ 30, Tám tới nhà hàng như đã hẹn. Một lát sau chị Hai Anh và anh Vũ cùng một người bạn nữa có mặt. Tám Hạnh thoáng nhìn, anh Vũ tóc đã hoa râm, nhiều hơn Tám khoảng chục tuổi.

Anh Vũ chủ động:

- Cô Tám, hôm nay không gọi chị nữa nha, chịu không? Chúc cô Tám buổi tối tốt lành.

Tám nhìn chị Hai, giọng lí nhí:

- Em thành thực xin lỗi, trên điện thoại tối qua em đã lỡ lời xưng chị, anh thứ lỗi sự vô phép.

Vũ mỉm cười nhẹ nhàng:

- Không sao, gặp nhau lần đầu, không câu nệ.

Chị Hai ngồi cạnh, bụng bảo dạ: “con nhỏ này táo tợn, nhưng cũng có lúc nhờ vậy mà được việc”. Buổi tối hôm đó thật thú vị, nhiều câu chuyện cởi mở và tâm đắc, chuyện làm ăn, chuyện của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân. Sau này mới biết, tên Tám Hạnh được nhiều người nhắc đến. Thế là anh Vũ thư ký chủ động hẹn cuộc gặp, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ cuộc sống sinh động muôn màu muôn vẻ. Cuối buổi trò chuyện, Tám mạnh bạo đề xuất với anh Vũ kiến nghị cấp trên ban hành chính sách cho tư nhân mở doanh nghiệp làm du lịch, thúc đẩy kinh tế tư nhân làm giàu cho đất nước, cho chính mình. Anh Vũ lắng nghe và nói:

- Việc đó trên đã nghĩ tới và đã bàn. Tôi sẽ báo cáo thêm kiến nghị của cô Tám.

Tám Hạnh rất vui vì những suy nghĩ của mình đã được tỏ bày với cấp cao. Cơn mưa rào ập đến, gió nhẹ làm cho bầu không khí Sài Gòn mát mẻ, dễ chịu. Căn biệt thự cũ, kiến trúc Pháp thêm nồng ấm.

Sau đó một thời gian, Nghị định cho phép các doanh nghiệp tư nhân hoạt động nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch lữ hành chinh thức ban hành. Đi kèm với chủ trương này là các quy định thông thoáng, cởi trói thúc đẩy tư nhân làm kinh tế, sánh hàng với kinh tế nhà nước cùng tiến bước.

Do đã có chuẩn bị trước về đường hướng, nữ doanh nhân Tám Hạnh chính thức cho ra đời LH Group, lấy hoạt động du lịch làm mũi nhọn đột phá. Phía trước là thời cơ và thuận lợi, đồng thời cũng đầy cam go và thử thách. Bản lĩnh để thắng tiến, hướng đến bến bờ vinh quang, hay nhụt chí để lùi bước, cam chịu thất bại?

Tám Hạnh chọn hoa sen làm biểu tượng của “LH Group”. Một bông sen hồng biểu tượng cho loài hoa đẹp, nhiều ý nghĩa của vùng đất châu thổ nhắc nhở chủ nhân của nó hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, giữ vững đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nhân.

Đầu năm 1989, sau bữa cơm chiều, Tám Hạnh và ông Văn đi dạo biển, chuyện rất hiếm hoi đối với họ. Mặt trời như một cái nia đỏ ối trôi dần xuống biển. Tám nói với chồng sống cùng nhà nhưng ly thân:

- Em làm vợ gần 20 năm. Tuổi xuân của em vèo cái là trôi đi. Em không giận anh thì thôi, sao anh lại có thể giận em. Dù sao em cũng cảm ơn anh, vì anh đã giữ đúng lời hứa, sự thỏa thuận của chúng ta. Và ngần ấy năm, anh cũng đã giúp đỡ em trong công việc. Không thể kéo dài hơn cuộc sống như 20 năm nay. Anh đồng ý cho em ly hôn, tốt cho anh và tốt cho em.

Hai người lặng lẽ đi bên nhau, không ai nói với ai câu nào. Sự cục cằn ngày nào có sẵn trong người đàn ông này không phát ra. Một đàn chim hải âu từ núi bay về tổ. Phía bên kia đường hai con chim cu cất tiếng gáy chiều. Ông Văn lên tiếng, giọng buồn xo:

- Thôi cũng được, cô cứ viết đơn. Mất cô tôi hụt hẫng. Rồi tôi sẽ ra đi, không vượt qua được chính mình.

- Anh đi đâu? - Tám gặng hỏi.

Ông Văn nói cộc lốc:

- Tôi chết!

Nghe vậy Tám Hạnh cảm thấy sợ, như có luồng điện nóng ran chạy dọc sống lưng. Với ông Văn chẳng có điều gì là không dám làm. Tám nghĩ ngợi: “Số phận thật nghiệt ngã”.

Thời gian sau hai người đến tòa án làm thủ tục ly hôn. Tám Hạnh không đòi hỏi gì về tài sản. Một khoản tiền không nhỏ Tám Hạnh đã dành dụm bằng sức lao động của mình. Với ông Văn, sau khi ly hôn, sức khỏe sút kém, buồn phiền, bệnh tật. Tuy đã ly hôn nhưng Tám Hạnh vẫn đi về lo thuốc thang, chăm sóc ông. Tám nói với mọi người: “Không có tình yêu, nhưng đó là cái nghĩa của người phụ nữ”. Hai năm sau, ông Văn qua đời. Một tuần, trước khi giã từ mọi thứ, ông Văn nắm tay Tám Hạnh, nước mắt giàn giụa:

- Tôi xin lỗi! Em nhớ chăm sóc sức khỏe cho mình.

Ông trút hơi thở cuối cùng trở về với cát bụi. Cuộc tình duyên của Tám Hạnh dang dở, chịu hy sinh mọi bề. Phụ nữ bao giờ cũng chịu thiệt thòi. Tòa án xử ly hôn, tài sản chia đôi, nhưng Tám Hạnh chẳng tính toán, coi tiền bạc của cải là thứ phù du. Lấy chồng một ngày rồi ly thân, còm cõi 20 năm chứ có ngày một ngày hai gì đâu. Đổi lại, Tám càng bản lĩnh, cao thượng, nhân hậu, chịu đựng và hy sinh.

Ly thân và ly hôn, Tám Hạnh đều dấu mẹ, sợ mẹ buồn. Thi thoảng, mẹ lại gặng hỏi: “Chúng mày lấy nhau lâu rồi mà không sinh con, cho mẹ đứa cháu ngoại cho vui cửa nhà”. Tám cười trừ: “Con cái là trời cho. Cái số nó chưa đến mẹ ơi”. Năm 1992 mẹ bị bệnh, Tám dành tất cả tình cảm cho mẹ. Mẹ qua đời, dặn chuyện chồng vợ lo cho con cái, chuyện học hành của cháu ngoại Lâm Bá Tâm ở nước ngoài; về quê làm cái gì đó cho bà con quê hương, chuyện làm việc thiện, để lại phúc đức cho đời.

Năm tháng gắn bó với thành phố Vũng Tàu, Tám Hạnh có được một niềm vui lớn, đó là cô con gái Văn Ngọc. Năm 1987, mẹ Mười bị bệnh, Tám đưa mẹ ra bệnh viện Vũng Tàu điều trị, nằm nội trú ở khoa nội. Một bữa nọ, bác sĩ bệnh viện cho người lên nói với Tám Hạnh và mẹ Mười hỗ trợ bác sĩ gửi một bé gái sơ sinh. Mẹ và Tám vui vẻ nhận chăm sóc cháu gái. Một vài ngày sau, cũng là vô tình, Tám Hạnh biết bé gái đó, sau khi sinh tại bệnh viện, mẹ của cháu đã bỏ rơi, để lại tâm thư nhờ các bác sĩ nuôi dưỡng, chăm sóc. Hoạt động kinh doanh bước vào thời kỳ khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều doanh nhân điêu đứng. Nhưng với Tám Hạnh, khó khăn không lùi bước. Những điều mẹ dạy hồi còn đi học theo suốt cuộc đời doanh nhân của Tám, trung thực, lấy chữ tín làm đầu cả lúc khó khăn nhất. Bán vải, bán hàng tạp hóa, bán đồ gốm và bán thức ăn, thức uống, việc gì Tám cũng đã trải qua. Tám Hạnh vượt bão ra biển lớn, tìm hướng kinh doanh mới.

***

Nửa đầu thập niên 90 thế kỷ XX, do tác động của khủng hoảng tài chính khu vực và thế giới, các doanh nghiệp của Việt Nam rất khó khăn. Lượng khách du lịch sút giảm, sản xuất đình trệ, làm ăn thua lỗ. Tám Hạnh như không thể gượng dậy, một mình ngồi trầm ngâm trong tiệm cà phê Ô Cấp. Giọt lệ chảy dài trên má, Tám nấc lên thành tiếng khi nghĩ đến mẹ và những người thân yêu.

Con gái Văn Ngọc ngày ngày bên cánh tay bà ngoại được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo. Bà cháu, mẹ con thêm mạnh mẽ, cứng cáp. Sau này, khi Văn Ngọc lập gia đình và sinh cho bà đứa cháu ngoại kháu khỉnh, đi đâu bà cũng khệ nệ khuân về cho cháu nào búp bê, nào áo, váy, cặp tóc, vòng, nhẫn, bao nhiêu là bánh kẹo.

Tám Hạnh quyết định tạm giao quyền quản lý doanh nghiệp của mình cho các cộng sự. Bà mở hướng vượt bão ra bên ngoài, Singapore, Hồng Kông, Hoa Kỳ. Một lần nữa Tám Hạnh thể hiện bản lĩnh, sự mạnh mẽ và quyết đoán với tư cách người thuyền trưởng của con tàu ra khơi. Tám Hạnh đã có con gái Văn Ngọc và cậu con trai Lâm Bá Tâm tốt nghiệp đại học, kỹ thuật viên cao cấp.

Trên chuyến bay mở hướng khởi nghiệp Sài Gòn - Singapore, Tám Hạnh ngồi cạnh một hành khách trẻ, người của hãng hàng không này. Người khách đó là Phan Chí, từng làm thư ký của một lãnh đạo cao cấp. Chặng bay từ Tân Sơn Nhất đến Singapore đủ cho Tám Hạnh bộc bạch công việc làm ăn, bày tỏ những dự định tìm kiếm thương trường. Singapore dưới thời Lý Quang Diệu và cả sau này thật sự là quốc gia khởi nghiệp cho lớp trẻ, một trung tâm tài chính - ngân hàng; trung tâm hoạt động dịch vụ sôi động, cung cách làm ăn chuyên nghiệp. Quốc đảo gần Việt Nam, một điểm đến lý tưởng.

Tám Hạnh cởi mở với Phan Chí:

- Trong lúc khủng hoảng, chị thấy làm nhà hàng, kinh doanh ẩm thực, kết hợp với du lịch được lắm. Cứ tạm thời thử sức đưa ẩm thực Việt qua Singapore, rồi tùy cơ ứng biến.

Phan Chí góp thêm ý kiến:

- Bạn bè em cũng đã mấy lần bàn chuyện này nhưng chưa quyết được. Không đầu tư bài bản dễ thất bại.

Tám Hạnh hỏi Phan Chí:

- Vốn của em được bao nhiêu?

Phan Chí tủm tím cười:

- Tất tật 8.000 đô.

Tám Hạnh cười vui:

- 8.000 đô đủ cà phê dăm ba bữa!

Một tuần sau, hai người gặp lại, kéo thêm vài người bạn mới. Phan Chí giới thiệu cho chị Tám ông bạn Kumar người Singapore gốc Ấn, biết quản lý nhà hàng. Mọi chuyện đã được quyết định. Mở nhà hàng Việt, món ăn Việt. Chi phí đầu tư Tám Hạnh lo, mua hẳn nhà hàng, không thuê mướn. Tám là người quyết đoán, khi đã “máu” là vào cuộc, không chần chừ, cũng như khi quyết định bỏ Bến Tre để đầu quân cho Vũng Tàu, gửi con trai ra nước ngoài, chỉ dăm bảy ngày là quyết luôn.

Tám Hạnh bay về Việt Nam chuẩn bị tài chính đầu tư làm nhà hàng ẩm thực Việt tại Singapore, hơn 1,5 triệu đô. Ông Kumar đứng ra điều hành; Phan Chí đại diện cho Tám Hạnh cùng Kumar thực thi công việc.

Quá trình thi công nâng cấp nhà hàng đang diễn ra suôn sẻ thì Phan Chí được cơ quan điều động qua Hồng Kông học tiếng Hoa. Quá tin tưởng vào sự trông nom của vài người bạn, nên trục trặc kỹ thuật đã xảy ra. Ngày chuẩn bị khai trương, Tám Hạnh trở lại Singapore, chủ nhân phát hoảng vì nhà hàng ăn uống đó hoàn toàn theo phong cách Ấn Độ, ẩm thực Ấn Độ.

Tám Hạnh tự trách mình: Dặn Kumar tổ chức ẩm thực Việt, nhưng không kiểm tra, hướng dẫn thì có ra ẩm thực Ấn hay Tây, Tàu gì nữa cũng chẳng trách được.

Việc khai trương nhà hàng Việt tại Singapore phải tạm thời gác lại. Tám Hạnh vừa lo chỉ đạo việc kinh doanh ở Việt Nam vừa tiếp tục tìm hiểu, khai phá thị trường mới. Ba tháng sau trở lại Singapore gặp Kumar thì được biết, do bết bát trong làm ăn, do nợ nần, ông ta đã bán cửa hàng của mình. Theo luật lệ của nước bạn lúc đó, người không có quốc tịch chưa được sở hữu bất động sản, người chủ thật sự căn nhà là Tám Hạnh nhưng đứng tên chủ sở hữu lại là Kumar, coi như trắng tay.

Tám Hạnh tìm nhờ văn phòng luật sư can thiệp để lấy lại căn nhà mà mình đã bỏ tiền mua, sửa chữa, nâng cấp; tìm đến gia đình của Kumar kể lại toàn bộ sự thật về căn nhà. Gia đình Kumar khá giả, cha mẹ và anh chị em ruột đều là trí thức, có địa vị trong xã hội, sống tử tế. Theo yêu cầu của Tám Hạnh, họ đứng ra viết tường trình căn nhà đó là do bà Tám bỏ tiền mua, Kumar chỉ là người đứng tên hộ, do luật lệ chưa cho phép người nước ngoài đứng chủ sở hữu. Tất cả 12 thành viên gia đình Kumar ký tên xác nhận chủ nhân căn nhà là của bà Tám. Ông Kumar xin lỗi bà Tám Hạnh và hứa sau khi có tiền sẽ trả đầy đủ cho chủ nhân ngôi nhà. Nhưng biết đến bao giờ, còn bao lâu nữa, họ mới trả đủ tiền cho mình. Hồ sơ pháp lý khởi kiện ra tòa án đã đầy đủ, văn phòng luật sư thúc đẩy bà Tám kiện đương sự.

Một lần nữa, bạn bè, người thân, đặc biệt là những người bạn mới ở Singapore cảm nhận được tấm lòng, thái độ sống nhân văn của Tám Hạnh. Hỏi bạn bè họ đều trả lời:

- Kiện hay không kiện, đưa nhau ra tòa hay hai phía tự thỏa thuận để cho mọi việc ổn thỏa là do hoàn cảnh, thái độ của đối tượng quyết định. Tốt nhất là tìm con đường hòa giải, tự xử với nhau.

Tìm hiểu gia cảnh Kumar để hiểu rõ nguyên cớ. Cha mẹ và các anh em ông ta đã đón Tám Hạnh tới nhà, nồng ấm bắt tay bà. Trước mặt gia đình, Kumar đã xin lỗi nữ doanh nhân Tám Hạnh, chỉ vì túng bấn làm ăn thua lỗ nên ông ta đã làm điều không phải. Với sự hỗ trợ của gia đình, từng bước căn nhà được sắp xếp ổn thỏa. Tám Hạnh ngẫm nghĩ, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Vấp váp trường đời, mình mới thêm khôn lớn. Nhiều bài học về cuộc đời, sự ứng xử và tính nhân văn được bà nghiệm ra qua từng bước đi, sự việc, hoàn cảnh. Người đời đã nghiệm ra một sự thật, ông trời cao lồng lộng giữa núi biếc và trời xanh, trời không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả.

Tại Singapore, Tám Hạnh mạnh bạo liên kết đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, kho bãi. Đây là kinh nghiệm thương trường Tám Hạnh rút ra từ thời xây dựng kho đông lạnh tại Thành phố Vũng Tàu, đáp ứng nhu cầu dịch vụ dầu khí. Tại Quốc đảo, trong quan hệ cung cầu, rất cần hệ thống kho hàng, bến bãi, Tám Hạnh đã thành công, bổ sung nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Tám Hạnh gặp Chủ tịch FLP - nhà kinh doanh hàng đa cấp. Bằng kinh nghiệm và sự từng trải ông đã cảm nhận và tin cậy về bản lĩnh, sự trung thực, đạo đức trong kinh doanh của bà Tám Hạnh. FLP nhìn thấy một thị trường Việt Nam rộng lớn, giàu tiềm năng về các sản phẩm thực phẩm chức năng, làm đẹp, tăng cường sức khỏe. Họ tin cậy Tám Hạnh và quyết định du nhập phương thức bán hàng đa cấp vào Việt Nam mà thị trường thế giới đã phát triển lâu nay. Là mẫu phụ nữ mẫn cán, nhạy bén với cái mới, Tám Hạnh quyết định tham gia các khóa học đào tạo kiến thức cao cấp về loại hình bán hàng đa cấp. Bà tìm hiểu mặt mạnh cơ bản, những lợi thế của lọai hình kinh doanh này, tìm hiểu mặt trái, dễ bị lợi dụng; nghiên cứu bài bản các mặt hàng về thực phẩm chức năng.

Chuẩn bị về kiến thức, phương thức kinh doanh mới, những bài học kinh nghiệm thành công và thất bại Tám Hạnh bay về nước chuẩn bị những điều kiện về mặt bằng, nhân sự, xin ý kiến các cơ quan quản lý, tìm hiểu luật lệ. Chủ tịch FLP và các cộng sự cùng bay sang Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đã tin cậy thì không gì là không thể. Tám Hạnh đàm phán đề nghị Chủ tịch tập đoàn FLP cấp vốn hoạt động với số tiền ban đầu khá khiêm tốn, đề nghị FLP cho thanh toán sản phẩm gối đầu trong thời gian 6 tháng. Chủ tịch tập đoàn FLP biết người biết ta đã có quyết định vượt yêu cầu, ngoài sự mong đợi. Vốn kinh doanh cấp cho Tám Hạnh là 1,5 triệu đô, thanh toán gối đầu là 12 tháng, gấp đôi thời gian đề nghị. Văn phòng đại diện của tập đoàn FLP tại Thành phố Hồ Chí Minh, và công ty bán hàng đa cấp được cơ quan quản lý cấp phép ra đời, khai trương hoạt động. Đây là phương thức bán hàng mới tiên tiến, tiện lợi cho người bán và người mua, mà từ trước đến nay ở Việt Nam chưa có. Sự nghiệp doanh nhân của Tám Hạnh chuyển sang thời kỳ mới, một vốn bốn lời và nhiều hơn thế.

Chính phủ ban hành các Nghị định, thông tư, coi đó là những văn bản pháp quy để quản lý lĩnh vực bán hàng đa cấp. Câu nói cửa miệng của các doanh nhân: Thương trường là chiến trường; máu và mồ hôi, nước mắt mới làm nên hạnh phúc và thành công. Doanh nghiệp Tám Hạnh trải qua bao cực nhọc, gian khó, bao mất mát, hy sinh. Người thuyền trưởng của con tàu bà Tám Hạnh đã vượt lên bão tố và những con sóng dữ. Nhạc sĩ Trần Tiến đã ngẫu hứng đời doanh nhân: “Đời doanh nhân biết phận mình, danh với danh chưa hẳn là danh”. Nhiều sự cố trong vận hành đã xảy ra. Các sai sót nào đó là ngoài ý muốn, do sự chuệch choạc từ nhà phân phối, từ các đại lý. Khi sự cố xảy ra, Tám Hạnh lập tức có mặt đứng ra đương đầu và chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm vật chất để cho “Cơm lành, canh ngọt”.

Tám Hạnh yêu hoa sen - yêu lắm búp sen hồng trên vùng châu thổ hạ lưu sông Cửu Long đã trọn vẹn tâm niệm, lời nguyện thề kinh doanh hướng về cộng đồng. Con tàu do bà vững tay chéo lái tiếp tục hướng về phía trước, với bao dự định ấp ủ.

***

Tám Hạnh vẫn thường nhắc lại lời của mẹ:

- Làm phúc cho người là tự tấm lòng thành, không kể công. Ấy mới là cửa Phật, là tâm phúc.

Với các doanh nghiệp do mình thành lập, Tám Hạnh cứ âm thầm làm những điều tốt cho đời, cho người. Đạo đức doanh nhân không tách rời phẩm hạnh và nhân cách. Câu chuyện tình giữa Tám Hạnh và Tư Nghĩa lúc hai ngươi mới mười bảy đôi mươi, chỉ vì lòng tự trọng và có cả sự tư ái đã... đường ai nấy đi. Đúng thời điểm Tư Nghĩa bạo bệnh, từ sự tình cờ họ đã gặp lại nhau. Tám Hạnh và Tư Nghĩa nhận chồng vợ. Một bữa cơm gia đình ra mắt, chứng kiến tình cảm hai bên. Giữa họ với nhau đã có chung giọt máu - một cậu con trai trưởng thành. Cha con nhận nhau, con trai trở về nguồn cội - tất cả là do hoàn cảnh, do đất nước chiến tranh, chia lìa đôi lứa. Chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi Tư Nghĩa trên giường bệnh, Tám Hạnh tìm những bài thuốc quý nhất có thể chăm sóc ông. Nhưng rồi số phận nghiệt ngã đã tới, gõ cửa cuộc đời Tư Nghĩa. Năm Bính Thân ông đã qua đời.

Vượt bão, đó là con đường luôn hướng về phía trước để đi tới. Sự nghiệp doanh nhân của bà Tám Hạnh nhiều vất vả, gian truân, thành quả có được của ngày hôm nay đổi bằng mồ hôi, nước mắt, đôi khi có cả sự nhẫn nhục. Con trai của bà - chàng trai họ Lâm rời Tổ quốc lúc còn bé, mang quốc tịch nước ngoài, nay đã thành đạt, một trí thức hoạt động ở một trung tâm đô thị lớn - một trung tâm tài chính của nước Mỹ và của thế giới xô bồ và sôi động luôn hướng về cội nguồn, phần thưởng có hậu dành cho một phụ nữ biết vượt bão, trải nhiều dông tố, vượt khó đi lên.

Tháng 2 - 2023

Chia sẻ liên kết này...

Add comment