Tác phẩm PQT Chạm vào nỗi đau mà vẫn thấy lòng ấm áp

Chạm vào nỗi đau mà vẫn thấy lòng ấm áp

Cố Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, trong nhiều năm làm việc đã luôn dành cho nhà báo Phạm Quốc Toàn tình cảm thân thiết, quý mến. Sau đây là bài viết – cảm nhận của ông về “Tôi nói bằng mồm tôi” của nhà báo Phạm Quốc Toàn. Bài đăng trên Báo Nhân Dân, năm 2014.

sach-cua-nha-bao-pham-quoc-toan-nguyen-pho-chu-tich-hoi-nha-bao-viet-nam_9


Đã mấy lần ngồi trước máy định viết về cây bút Phạm Quốc Toàn nhưng rồi lại dừng do công việc quá bận rộn, mà sức viết của anh thì rất dồi dào, sung sức. Nhưng đến khi nhận được cuốn "Tôi nói bằng mồm tôi"  của anh thì tôi phải viết vì chạm vào một loạt vấn đề xã hội và một thể loại mà tôi quan tâm từ ba chục năm nay.


Tôi và anh đã cùng sinh hoạt với nhau trong Ban Chấp hành Hội Nhà báo mười năm nhưng cũng ít có dịp được trao đổi ý kiến về nghề nghiệp với anh. Chỉ thấy anh là một người khiêm tốn, trong các cuộc thảo luận thường kiệm lời, chỉ chú ý lắng nghe. Một người bạn hiền lành và chân thành, cương trực, nhưng sắc sảo, giàu tình cảm. Chỉ một lần thấy thái độ kiên quyết, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn tỏ quan điểm rõ ràng khi cùng nhau trao đổi ý kiến xây dựng "Quy ước tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam" đầu tiên năm 1995. Rồi sau đó anh lại kiệm lời, "hiền lành" như thường thấy.

Đọc sách anh, thấy anh là người làm báo từng trải, khi hoạt động ở miền bắc, khi hoạt động ở miền nam trong cuộc chiến đấu ác liệt, khi làm việc ở một tờ báo trung ương, khi phụ trách một tờ báo địa phương. Đọc các bài viết của anh thấy anh là một nhà báo chăm chú quan sát, ghi chép và suy nghĩ khi hoạt động nghề nghiệp ở trong nước hay qua các chuyến công tác ở nước ngoài.

Rồi cũng biết thêm trong cuộc đời làm báo đã bị suy diễn, nhưng khi gặp nhau không bao giờ nghe anh kể lại, không bao giờ nghe một lời oán trách ai, chỉ đến khi đọc sách mới biết, do đó tôi lại hiểu thêm về con người anh.

Anh luôn tỏ thái độ về các việc "chướng tai gai mắt" trong các tiểu phẩm. Anh là nhà báo lại có chân trong lãnh đạo Hội Nhà báo nước nhà nhiều năm cho nên anh rất quan tâm tới hoạt động của đồng nghiệp. Trong sách, anh để rải rác tới gần một trăm trang để phanh phui, phê phán những chuyện "chướng tai gai mắt" của những người làm nghề làm cho tôi nhớ tới thái độ "không hiền lành" của anh khi thảo luận Quy ước tiêu chuẩn đạo đức nghề báo... từ hai chục năm trước. Các bài "Bai bai Hoàng Hôn", "Báo lá cải", "Anh cứ xài đã có em lo"... cho dù anh không nói địa chỉ nhưng ai cũng thấy là chuyện thật và phổ biến đang làm xấu đi hình ảnh của nghề báo cao quý. Hiệu quả của các tiểu phẩm phiếm chỉ là từ sự thật cụ thể mà đề cập chuyện cao hơn sự thật cụ thể tới một khuynh hướng cần ngăn ngừa.


Tuy anh có vị trí lãnh đạo của Hội Nhà báo, quan tâm tới hoạt động nghề nghiệp của hội viên nhưng anh còn là một nhà báo thực thụ, một cây bút uy tín, cho nên ngòi bút của anh  quan tâm tới nhiều mặt của xã hội, cùng với những gì tốt đẹp lại là những chuyện "chướng tai gai mắt" rất đau lòng. Các bài "Chia quỹ" cho cả những người không can dự để "bịt miệng", "Đối thoại với lái xe" để qua họ mà biết nội tình của quý ông, quý bà vì ai cũng biết lái xe, thư ký biết nhiều chuyện nội phủ hơn các chuyên viên, cấp phòng, cấp vụ. Rồi "Festival... lãng phí" vạch ra một căn bệnh phô trương, đua đòi gây lãng phí... chứng tỏ sự quan sát của ngòi bút phê bình đã bước đầu đi sâu vào ngóc ngách của tệ nạn tham nhũng, phô trương, lãng phí và cuộc sống không mấy tốt đẹp, có thể nói là bẩn thỉu của những ông đội lốt là "đầy tớ của dân".


Viết về cây bút Phạm Quốc Toàn mà chỉ viết về một thể loại tiểu phẩm là không đủ. Bởi anh còn là cây bút giỏi các thể loại phóng sự, bút ký, nghị luận. Nhưng ở "thể loại châm chọc" này lại thấy rõ tấm lòng của ngòi bút. Anh mô tả những chuyện tiêu cực đau lòng nhưng không cay cú, vùi dập, vẫn nhẹ nhàng nhắc nhở để hướng tới những gì tốt đẹp, cho nên chạm vào nỗi đau mà vẫn thấy lòng ấm áp, không làm mất niềm tin, đó cũng là bản sắc và phong cách riêng  của ngòi bút tiểu phẩm Phạm Quốc Toàn.

NHÀ BÁO HỮU THỌ

Chia sẻ liên kết này...

Add comment