ĐẠI HỌC QUÂN SỰ
Hằng năm, cứ đến ngày 17-8, chúng tôi thường tụ họp ở Hà Nội hoặc Hà Tĩnh để cùng nhau kể lại những kỷ niệm vui buồn của một thời nhà báo chiến sĩ. Phạm Quốc Toàn, Lê Liên, Trần Hồng, Thiều Quang Biên, Trương Quang Châu, Nguyễn Hữu Dật, Phan Tý. Phan Ngọc Long thì đã mãi mãi đi xa. chuyện râm ran kể mãi không hết. Nếu kể cả những bạn bè, đồng đội “hội 17.8” còn đông hơn nhiều, 60 người – 7 người đã về với thế giới người hiền.
Ngày 21.6.2015, tại Hà Nội, gần 15 anh em “Hội 17.8” khu vực Hà Nội tổ chức họp mặt. Đại tá Lê Liên điện thoại thông báo:
- Chủ nhật này, đúng ngày 21.6, kỷ niệm 90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, nhân “cụ” (P.Q.T) từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội nhận giải báo chí quốc gia, cả hội hô nhau gặp mặt thân mật, mừng ngày nhà báo cho những bạn theo nghề báo. Chủ tiếc Phan Tý ở Hà Tĩnh, Quang Châu ở Vũng Tàu không thể về dự.
Cả hội có mặt gần đông đủ. Vui lắm. Tiếng hát, tiếng đàn rộn ràng, những bài ca đi cùng năm tháng lại vang lên. Người nọ điện thoại cho người kia khắp các vùng miền của Tổ quốc, hẹn nhau chung sức lại xuất bản tập Kỷ yếu “hội 17.8” vào quý 4 năm nay. Nhóm Bác sĩ, nhà giáo, kỹ thuật lo tái chính, giao nhóm nhà báo trong hội có trách nhiệm tập hợp nội dung, hình ảnh, biên tập, sắp xếp, trình bày và in ấn đẹp.
Ngày ấy, 17.8.1968, 60 chúng tôi – những học sinh giỏi xuất sắc của Hà Tĩnh được triệu tập lên đường vào quân đội. Giấy triệu tập ghi rõ: Nhập học Đại học quân sự. Cả 60 người còn phải làm cả giấy cắt định suất lương thực ở quê. Nếu gia đình làm ruộng, phải mang 30 kg thóc lên huyện nhập vào kho lương thực mới được coi là cắt định suất gạo ăn hàng tháng. Tiếng đồn râm ran khắp cả tỉnh: Lứa học trò gà nòi này giỏi toàn diện xuất ngoại, gửi đi Liên Xô đào tạo sĩ quan kỹ thuật cao cấp cho quân đội. Của quý của đất nước. Thế mới oách.
Nhà báo Nguyễn Hữu Dật, tự hào mình đã sinh ra và lớn lên cùng quê với nhà thơ Huy Cận, mỗi dịp gặp mặt “hội 17-8” lại ngâm nga câu thơ của ông bác họ Nguyễn Văn Quán (con trai tiến sĩ, danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Trình) tặng anh, ngày nhận quyết định đi học Đại học Quân sự:
Ra đi gửi cháu (HD) mấy câu này
Ngày đêm chiến đấu thật hăng say?
Trở về gọi cháu sư đoàn trưởng
Thiên hạ mừng, bác cũng vui thay!…
Nguyễn Hữu Dật tốt nghiệp Đại học Báo chí khóa I, phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Tuổi lục tuần, anh mê say sưu tầm sách báo để gửi tặng các thư viện văn hóa làng xã vùng xa. Cuộc sống hằng ngày chẳng dư giả gì, nếu không muốn nói là rất khó khăn, do anh ra quân sớm, thôi nghề báo đã vài chục năm nay, không được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước, Nguyễn Hữu Dật dành thời gian tìm về chiến trường xưa, đến các nghĩa trang liệt sĩ “đi tìm đồng đội” cho hàng trăm gia đình – một nghĩa cử đẹp anh dành cho các đồng đội đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Dịp hè năm 2915, Nguyễn Hữu Dật thể hiện nghĩa tình sâu nặng, anh đã đến khắp các vùng miền, đến nhà riêng từng người trong hội 17.8, nám rõ hoàn cảnh bạn bè đồng đội. Cả hội cảm nhận tình cảm của Nguyễn Hữu Dật, biết ơn tấm lòng một người bạn tốt.
Đại tá, nhà báo Lê Liên, Trưởng Ban Biên tập nguyệt san Sự Kiện và Nhân Chứng của Báo Quân đội Nhân dân 13 năm liên tục. Nghỉ hưu, anh tiếp tục nhận nhiệm vụ Phó Chánh văn phòng Hội Người Cao Tuổi Việt Nam. Năm 2014, Lê Liên làm việc ở tổ chuên gia biên soạn sách “Bộ đội tình nguyện trên chiến trường K”, một đề tài nghiên cứu khoa học nghiêm túc, công phu. Lê Liên có cô con gái tên Cẩm Lê giỏi văn và Anh ngữ, theo nghiệp bố làm báo. Cẩm Lê là vận động viên cầu lông xuất sắc, từng đoạt huy chương vàng thành phố Hà Nội, hiện đang là thư ký tòa soạn bản tiếng Anh của Thời báo Kinh tế Việt Nam. Mới đây, trong một cuộc gặp mặt cộng tác viên, trao giải thưởng cho các doanh nghiệp tâm và tài ngành du lịch, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, Cẩm Lê “tọa đàm” ấn tượng, ngồi đối diện với tôi, suýt nữa hai bác cháu không nhận ra nhau! Còn Khánh Chi, em gái Cẩm Lê tốt nghiệp đại học tài chính kế toán, lại là cầu thủ xuất sắc của một đội bóng đá nữ. Khánh Chi thuộc như cháo chảy tên tuổi các cầu thủ bóng đá thế giới. Cái số của Lê Liên, tuổi Kỷ Sửu - trâu… cày, thế mà sướng.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, đại tá Trần Hồng, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Quốc tế PIAT, 40 năm cầm máy, với 20 giải thưởng trong nước và quốc tế, 7 cuộc triển lãm ảnh, và một “từ điển” hơn 10.000 tấm ảnh đặc sắc được chính anh lưu trữ. Bộ ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 2000 tấm chân dung Bà Mẹ Việt Nam là một thành công lớn trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Trần Hồng say nghề ảnh, tuổi lục tuần anh vẫn lăn lộn đến với mọi vùng miền chụp ảnh phong cảnh, ảnh các bà mẹ Việt Nam trung hậu đảm đang. Không tháng nào anh không vè vùng quê xứ Nghệ - nơi anh sinh thành, đến với các vùng biên cương, đảo xa sáng tác những bộ ảnh kỳ thú: “Đất nước – con người Việt Nam”….
Cùng nhóm nhà báo chiến sỹ - trong hội 17.8, còn có Phan Ngọc Long, Trương Quang Châu, Phan Tý. Phan Ngọc Long có bài hát tử “chào em cô gái Lam Hồng” làm thổ thức bao cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn phận không may, tổ trưởng tổ ảnh Báo Quân đội Nhân dân vào thường trú phía Nam lâm bệnh nặng qua đời khi tuổi chưa đến 40. Phan Tý do hoàn cảnh gia đình, chuyển ngành về quê, gặp những chuyện chẳng đâu vào đâu, cuộc sống riêng nhiều vất vả. Trương Quang Châu, từ học sinh chuyên toán trường Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh trở thành nhà báo, một cây bút viết về lĩnh vực kinh tế, với nhiều bài báo đạt giải báo chí mà chỉ đọc tít bài ai cũng có thể nhớ: Gỗ chảy nước mắt (cây cao su); Mít – cây lương thực(cây mít trăm ngàn công dụng, hạt mít, múi mít, xơ mít thay gạo, thay ngô lúc giáp hạt đói kém); Ngô bổ hơn gạo; Sữa trâu tốt hơn … sữa bò !. Nhắc đến giai thoại vườn chuối, không mấy ai đã từng làm việc cùng nhà báo Quang Châu tại Báo Quân đội Nhân dân cùng thời là không biết !.
****
Năm 1968, sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước càng trở nên quyết liệt. Địch tăng cường đánh phá miền Bắc – hậu phương lớn của miền Nam ruột thịt. Toàn dân đánh giặc, cả nước ra trận. Tốt nghiệp lớp 10, lớp cuối cấp trung học phổ thông, tỉnh Hà Tĩnh được quân đội tuyển chọn 60 học sinh giỏi toàn diện xuất sắc, là đảng viên hoặc đoàn viên ưu tú cử đi học Đại học Quân sự.
Nhận giấy báo đi học Đại học Quân sự, mẹ tôi chuẩn bị 21 kg thóc nộp cho kho lương thực huyện, để tôi được cấp giấy báo đã cắt sổ lương thực tại quê, để gia nhập quân đội. Ngày ấy, 21 kg thóc to lắm, có khi bằng cả trăm ngày công – tính bằng điểm hợp tác xã. Thấy chuyện lạ, nhưng mẹ tôi nói: “Đảng và Nhà nước bảo sao làm vậy, con đi học đại học mà”. Tôi không chịu: “Con đi bộ đội, Đại học Quân sự cũng là bộ đội”. Chủ nhật bố về, bố cũng nói y chang mẹ. Tôi định bỏ ngang không đi Đại học Quân sự nữa mà xin vào thẳng bộ đội, ra trận luôn. Bố mắng, nói tôi vô kỷ luật. Tôi đành y lệnh chấp hành, mang thóc đi nộp, nhưng trong lòng vẫn thấy ấm ức. Cái giấy nộp thóc để được cắt sổ lương thực ngày đó nay tôi vẫn còn giữ, vì khi tới đơn vị có ai ngó ngàng, yêu cầu nộp cái giấy đó đâu.
Sáng sớm ngày 14-8-1968, 4 giờ sáng, chia tay mẹ, tôi cuốc bộ 30 km về huyện ngủ với bố một tối. Sáng sớm hôm sau, ngày 15-8, cũng đúng 4 giờ sáng, bố dậy sớm nấu cơm, gói cho tôi một gói cơm nếp, nói là sẽ chở tôi bằng xe đạp, đi về xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, cách nơi bố công tác gần 100 km để nhập ngũ theo giấy gọi. Tôi nhất định không chịu để bố chở đi, vừa làm vất vả bố, vừa bịn rịn lúc chia tay. Trước lý lẽ của tôi, bố đồng ý. Tối ngày 15-8, tôi ngủ tại xã Hương Minh, vào một nhà dân gần đường xin tá túc qua đêm. Ngày ấy, kháng chiến ác liệt, đi tới đâu mà có nhà dân, đêm xin vào ngủ nhờ là được đón tiếp niềm nở, hết mình, nhất là các chú bộ đội. Sáng 16-8, tôi đi bộ thêm 25 km là đến Sơn Diệm, nơi đóng quân của Trung đoàn 36, Sư đoàn 967, Bộ Tư lệnh đoàn 500 - bộ đội Trường Sơn, chính thức nhập ngũ ngày 17-8. Tôi gặp Nguyễn Văn Cung và nhiều bạn bè cùng nhập ngũ – gọi là “hội 17-8”. Nay ngẫm nghĩ lại một kỷ niệm vừa buồn cười vừa ấu trĩ của tuổi trẻ chúng tôi ngày ấy. Khi tới xã Sơn Diệm, nhìn thấy đoàn xe tải cắm lá ngụy trang xếp hàng bên quốc lộ số 8, chúng tôi hồ hởi, mừng thầm, suy đoán: “Đoàn xe chờ sẵn để đưa chúng tôi ra thủ đô Hà Nội, làm thủ tục đi Liên Xô…học Đại học Quân sự”. Quá chừng!
Ba tháng vào lính chẳng thấy cấp trên nhắc đến 4 từ Đại học Quân sự. Ngày luyện quân, đeo gạch đá đủ 30 kg hành quân qua núi, qua đồi, chạy bộ, ngày ngày ra thao trường lăn lê bò toài, tập điều lệnh, học sử dụng các loại vũ khí bộ binh, công binh, thông tin liên lạc. Có lẽ do tôi là đảng viên từ trường trung học phổ thông, nên được giao nhiệm vụ tiểu đội trưởng, sau đó lên trung đội trưởng, nghĩ lại thấy cũng oách ra phết! Sau 3 tháng luyện quân, chúng tôi được lệnh điều động đến các chiến trường, bổ sung tới nhiều đơn vị khác nhau, kể cả đến mặt trận Trung Lào, nhiều trọng điểm đế quốc Mỹ đánh phá rất ác liệt. Nguyễn Văn Cung và tôi cùng cánh quân với nhau, một năm sau tôi là người giới thiệu Cung vào Đảng.
Đại học Quân sự! Ai cũng thích, cũng vui, hồ hởi ra trận, chẳng quản ngại gian khổ hy sinh. Gần 2 năm sau, “hội 17-8” được cấp trên đồng loạt điều động về Bộ Quốc phòng và lúc đó mới tỏa về các trường đại học trong và ngoài nước; trường dân sự và quân đội, tất cả vẫn do quân đội quản lý, học viên được cấp phát phụ cấp, quân trang, quân dụng.
*****
Nguyễn Văn Cung cùng “hội 17-8” có cô con gái tốt nghiệp cao đẳng kế toán nhưng chưa xin được việc làm. Chần chừ, nấn ná mãi, Nguyễn Văn Cung quyết định vào Vũng Tàu tìm việc cho con. Đã gần 40 năm kể từ ngày thân thiết với Nguyễn Văn Cung mà cá tính của anh vẫn vậy; chẳng muốn làm phiền ai. Cung tốt nghiệp Khoa Dược, Đại học Quân y - Đại học Quân sự chuyển qua, chinh chiến nhiều nơi. Ngoài 40 tuổi, lên thiếu tá, được Tổng Cục Hậu Cần bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm nuôi hươu và cây dược liệu miền Trung. 50 tuổi, đang trung tá, sự nghiệp thăng tiến, chỉ chút tự ái - tự trọng với người đồng cấp, thế là Cung “đếch cần”, xin về hưu non, ngày 2 buổi đưa đón vợ đi dạy học. Hằng là cô con gái út, tốt nghiệp ngành kế toán hệ cao đẳng chính quy, chạy vạy mãi ở quê, nhưng người ta cứ lần lữa, hứa hôm nay rồi lại khất hôm sau. Mất toi mấy triệu “đặt cọc”, nhưng đợi suốt cả năm, đâu vẫn hoàn đấy. Vợ Cung – cô giáo trường huyện, góp phần đào tạo bao thế hệ học trò, nay làm giám đốc công ty nọ, chủ tịch hội đồng quản trị công ty kia, nhưng khi hỏi nhờ xin việc cho con, họ cũng chỉ hứa. Bí quá và thương con, Cung đành mua vé xe lửa vào Vũng Tàu tìm tôi hy vọng có thể gửi gắm tìm nơi lập nghiệp cho cô con gái rượu.
Bốn ngày gặp nhau ở Vũng Tàu, chúng tôi kể với nhau bao nhiêu chuyện của một thời – cái thời mà chúng tôi được vinh dự tuyển chọn đi bộ đội – thực ra là đi học Đại học Quân sự. Bao nhiêu chuyện để nói, bao kỷ niệm vui, buồn, chuyện bè bạn – người còn, người mất, kẻ thăng tiến, người xui xẻo ốm đau bệnh tật, con hư vợ bỏ.
Sau bốn ngày ở Vũng Tàu, tôi tiễn Cung lên thành phố Hồ Chí Minh, gần đến giờ chia tay vẫn không thấy Cung nói gì. Khi tôi chủ động hỏi, Cung mới ngập ngừng:
- Mình mang theo hồ sơ của cháu đây, nhưng mình ngại và nể “cụ”quá (đã từ lâu trong hội 17-8 chúng tôi vẫn quen xưng hô với nhau bằng cụ), nên mình không dám nói.
- Trời đất, bạn bè mà ngại ngần gì - tôi trả lời Cung.
Cung thẳng thắn, cương trực, chuyện gì không vừa lòng là “phang” ngay, lòng tự trọng rất cao. Có lẽ cũng vì thế mà cuộc đời của Cung chịu nhiều thiệt thòi về sự nghiệp, vật chất, bù lại cuộc sống gia đình luôn ấm êm, hạnh phúc. Mới đây, năm 2014, trong vụ học sinh trường trung học cơ sở ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh bỏ trường, bỏ lớp – một số bậc phụ huynh phản đối chủ trui7ng chuyển trưởng của địa phương, suýt nữa Nguyễn Văn Cung bị liên lụy oan – có ai đó xấu chơi rỉ tai “Ông Cung liên quan nhóm chống đối (!)”. Trời ơi, nghe mà phát khiếp. Nguyễn văn Cung tốt người, tốt nết, đức độ, hiền hậu là thế, vậy mà … Cuộc dòi là vậy. Trở lại việc nhận hồ sơ xin việc cho con gái Nguyễn văn Cung, hai tuần sau, Cung dẫn bé Hằng vào “giao” cho tôi. Ngồi ở phòng khách nhà tôi, Cung ngập ngà ngập ngừng, rồi rút trong túi một nắm tiền – mệnh giá 50.000 đồng (chẳng bao thư); đắn đo mãi mới nói được:
- Cụ thông cảm nhận cho mình, cà phê cho người giúp cháu.
Là bạn thân, tôi nói với Cung:
- Cụ cất tiền ngay, nếu có tiền thì để dành đó mua sắm phương tiện cho bé Hằng đi làm.
Cảm thấy như mình là người có lỗi, Cung tâm sự:
- Cụ cho mình xin lỗi. Vợ dặn phải làm thế. Xã hội bây giờ nhiều tiêu cực lắm, xin việc cho con cho cháu, lên chức lên quyền họ ra giá hẳn hoi, không có phong bì, phong bao hậu hĩnh thì xin kiếu. Họ sống với nhau bon chen, không tình nghĩa, luôn xu nịnh, không có trước có sau, hết mưa là hết nước; bưng bát cơm đầy hôm nay mà không nhớ tới thuở hàn vi. Cái gì cũng tiền, tiền, tiền – nhục lắm!
Cùng “hội 17-8” Đại học Quân sự với tôi và Nguyễn Văn Cung còn có Võ Đình Cường. Nhập ngũ, Cường qua nước bạn Lào chiến đấu. Về nước, Cường vào Đại học Quân y, học bác sỹ. Học xong, Cường tiếp tục được điều động qua Lào làm Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn. Cũng chỉ vì một chuyện không đâu vào đâu, Cường “đếch cần”, xin xuất ngũ. Từ huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, anh đưa vợ con vào huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, khai hoang lập nghiệp khi tuổi đời xấp xỉ ngũ tuần. Cuộc sống đầy gian truân. Những cơn sốt rét rừng Tây Trường Sơn vẫn hành hạ anh. Cô con gái lớn – bé Lan – học ngữ văn báo chí Đại học Đà Lạt, xin việc chỗ nào cũng vui vẻ, nhưng thiếu cái “đầu tiên” nên không đâu nhận. Nhân chuyến công tác Lâm Đồng, tôi ghé thăm Cường, thấy cửa nhà tuềnh toàng, tài sản trong nhà chẳng có gì đáng giá. Sau lần đó, thương bạn, tôi xin cho bé Lan vào Báo Lâm Đồng làm phóng viên.
Công việc phóng viên của bé Lan đang thuận lợi, Võ Đình Cường có nguyện vọng hợp lý hóa gia đình về Vũng Tàu cùng đại gia đình nội ngoại, bé Lan lại một lần nữa chuyển công tác đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. Số phận chẳng may, bác sĩ, cựu chiến binh Võ Đình Cường nhiều năm lặn lộn trên chiến trường Lào bị ung thư gan mà không biết, phát hiện được bệnh thì đã quá trễ. Anh lặng lẽ ra đi khi chưa đến tuổi 60, để lại mẹ già, vợ đau yếu, con cái chưa trưởng thành. Công việc phóng viên của bé Lan ở Báo Bà Rịa -Vũng Tàu không thuận, tôi đưa bé Lan về một tờ báo chuyên ngành ở thành phố Hồ Chí Minh, để đúng một năm sau, lại nhờ các đồng nghiệp Báo Lâm Đồng thân thiết nhận con gái Cường trở lại. 9 năm sau khi ra trường, trải qua 3 cơ quan báo chí, bé Lan lại trở về vạch xuất phát. Cuộc đời thật nghiệt ngã. Bố Cường đã vĩnh viễn đi xa, hoàn cảnh ấy tôi không thể bỏ mặc cháu. Khi bé Lan nhận việc tại Báo Lâm Đồng, tôi điện thoại cảm ơn đồng nghiệp thân thiết - Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Đạm, Phó Tổng biên tập Hồ Lan lần thứ 2 cưu mang nhận con gái Cường vào báo làm việc, để bé Lan có điều kiện chăm sóc mẹ và các em. Bằng tất cả tình cảm thân thiết, sự sẻ chia với đồng đội, các đồng nghiệp Báo Lâm Đồng đã dành cho bé Lan sự che chở.
Tôi thành thật chia sẻ với Cung, với Cường – những người bạn có nhiều “cùng”. Xã hội bây giờ vậy, có phải như thời chúng mình nhập ngũ – đi Đại học Quân sự – thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước đâu. Tất nhiên chung quanh chúng ta còn rất nhiều người tốt, giúp đỡ nhau vô tư, tình bạn bè, đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp sâu nặng, còn bao nhiêu tấm lòng nhân ái, nghĩa tình.
Đất nước đổi mới, phát triển. Cuộc đời này đẹp lắm. Bé Hằng, con gái bạn tôi, bây giờ đã trưởng thành, chững chạc, có gia đình hạnh phúc. Với bé Lan, tuy phía trước còn không ít khó khăn, nhưng cháu hãy vững tin ở tương lai, ở chính nghị lực và lòng đam mê nghề nghiệp, vững tin ở những người bạn tốt quanh mình, làm những điều cần làm, tránh những điều cần tránh, để bố Cường luôn được yên tâm nơi chín suối vàng.
Cùng một lúc tôi nhận hai cuộc điện thoại thật vui; bé Lan từ Lâm Đồng “Con lấy chồng, bác ơi!”; đúng 5 phút sau, từ Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Cung: “Cụ ơi, mình sắp lên chức ông ngoại!”. Bé Lan, sau khi trở lại Báo Lâm Đồng, nhanh chóng bắt nhịp với công việc và đã tìm được “nửa”yêu thương của mình. Đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ - 2013, bé Lan không còn “lận đận” như những tháng ngày không may mắn đã qua, bố Cường ở thế giới bên kia sẽ rất vui. Còn bé Hằng, sau một thời gian “án binh, bất động”, bố Cung chờ mong cháu ngoại đến sốt cả ruột, thì nay …vui thật vui!
Đại học Quân sự - “hội 17-8” của chúng tôi là vậy! Chúng tôi trở thành những nhà báo chiến sỹ trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc. Thời gian như thoi đưa, những người chiến sĩ trẻ - nhà báo chiến sỹ của một thời, bây giờ đã là các cựu chiến binh già, cựu “sư đoàn trưởng” – nhưng trong mỗi chúng tôi, “hội 17-8” vẫn hiện hữu nguyên vẹn, mãi là niềm tự hào của những cựu chiến binh nghĩa tình, sâu nặng.
Phạm Quốc Toàn
(Bài đăng trên Báo Quân đội Nhân dân & Kỷ yếu)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|