KHÁNH TƯỜNG
Nhà báo Phạm Quốc Toàn vừa ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, Tp. HCM, 2019). Có thể coi đây là một tập sách, bằng bút pháp văn học, thể hiện khá nhuần nhuyễn về một góc nhìn về làng báo. Tác giả đã “Tiểu thuyết hóa” một nguyên mẫu - chuyện có thực mà lại không có thực ngoài đời. Có thể nêu vài cảm nhận, khi đọc tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng”.
Thứ nhất, Phạm Quốc Toàn là nhà báo được đào tạo cơ bản, gia nhập quân đội, làm báo lính, trưởng thành vào nửa cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, trong những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Anh có thâm niên trong nghề, từng giữ nhiều trong trách trong làng báo, ở Trung ương và địa phương, cả trong và ngoài quân đội. Với xấp xỉ nửa thế kỷ lăn lộn trong nghề báo, Phạm Quốc Toàn hòa mình với đồng nghiệp, vui buồn cùng đồng nghiệp. Anh có cả một kho đồ sộ với nhiều mẫu người khác nhau, đáng chú ý là lớp người trong giới báo chí đương đại. Tuy nhiên, anh đã không lấy mình làm nhân vật trung tâm của tác phẩm mà chọn một “già làng” tiêu biểu, trọn 90 Xuân có thật ngoài đời, đã giành tới 70 năm gắn với nghề báo, nghiệp văn để gửi gắm niềm tin và hi vọng. Với tấm lòng chân thành vốn có và sự sắp đặt vô hình, nhà báo Phạm Quốc Toàn gắn bó nghề nghiệp với nhà báo, nhà văn sinh ra và lớn lên từ bến sông Nhùng, tỉnh Quảng Trị Gió Lào cát trắng.
Nhà báo, nhà văn Trần Công Tấn, người bạn viết vong niên cùng quê hương Quảng Trị với nhà báo, nhà văn Phan Quang.
Đó là chàng trai sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước, tham gia cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Và ngay từ lúc vào đời, nhờ có năng khiếu, chàng trai đã được tổ chức phân công làm báo. Con đường đi lên của ông chủ yếu là con đường tự rèn luyện, tu dưỡng không ngừng nghỉ cả về nhân cách và năng lực. Quả thật, đảm đương công việc ở các cơ quan báo chí lớn, cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí, vừa là thời cơ vừa là thử thách nghiêm ngặt với nghề cầm bút. Cho đến ngày bạn bè, đồng nghiệp tổ chức kỉ niệm “90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi nghề”, những lẵng hoa rực rỡ tặng ông đã nói lên lòng quí trọng của công chúng, đồng nghiệp, bạn đọc xa gần. Hai nhà báo họ Phan và họ Phạm cách nhau gần hai con “Giáp” nhưng giữa họ có sự đồng điệu đặc biệt, nhờ đó, tuy là lời của tác giả Phạm Quốc Toàn nhưng cũng là “tấc lòng” của nhân vật - nhà báo, nhà văn họ Phan - Phan Hoàng.
Tác giả cùng nhóm bạn "CF & AS" tại TP biển Vũng Tàu.
Thứ hai: Trước mặt ta là cuốn tiểu thuyết dầy gần 400 trang. Chỉ cần đọc mấy chục trang đầu, người trong cuộc dễ dàng nhận ra nhân vật - nhà báo, nhà văn Phan Hoàng là ai. Nhưng tác giả Phạm Quốc Toàn đã không đưa tên thật của người anh, người bạn vong niên của mình lên trang sách: anh muốn giành một khoảng trời tự do cho sáng tạo. Mỗi người có một thế giới riêng. Kho tư liệu của tác giả là hiện hữu cuộc sống muôn mặt đời thường nói chung và công dân làng báo Việt Nam nói riêng. Đó là một mảng đời phong phú, nhiều chiều với đủ “hỉ nộ, ái ố”… “dục” của đội ngũ “thư kí thời đại” hùng hậu trên giải đất hình chữ “S”! Nhiều nhân vật có thật ngoài đời mang giá trị điển hình đã bước vào trang sách một cách tự nhiên, khiến cho vai trò, vị trí báo giới và giá trị hiện thực thêm phần đậm nét.
Nhà báo, nhà văn Phan Quang cùng "lão tướng", bạn vong niên, cụ Lê Văn Hoan (trái), tại quê nhà - bến Sông Nhùng, Quảng Trị.
Hiện thực “Từ bến sông Nhùng” chủ yếu đề cập về nghề báo, làng báo. Tất cả chín chương, với những liều lượng khác nhau, đề cập đến hai điều chính yếu là nhà báo hãy xác định rõ “bạn là ai giữa đời thường” (Chương 4) và “đạo đức người làm báo là gì” (Chương 7). Bàn về hai điều trọng yếu này, cần phải có một nhà báo gạo cội, một tấm gương sáng cả về nhân cách và tài năng, làm “Phán quan”. Trong con mắt nhà báo Phạm Quốc Toàn, ông Phan nguyên mẫu quê vùng Gió Lào cát trắng là viên ngọc sáng. Dựa vào nguyên mẫu, kết hợp với sự trải đời, vốn sống thực tế dầy dặn của mình, tác giả đã tự tin và chắc tay khi lần lượt cho các nhân vật…bước ra sân khấu. Ở đây ta gặp những nhà báo lão thành không chỉ đạo cao đức quảng mà còn thông kim bác cổ, ngòi bút như có thần; gặp những phóng viên trẻ thời hiện đại say nghề, đa tài và làm chủ công nghệ; cũng thấy mẫu hình đây đó những nhà báo “thùng rỗng kêu to”, xoay xở tấm thẻ nhà báo để giải quyết “khâu oai” và cũng gặp những nhà báo cơ hội, vụ lợi… Nhà báo Phạm Quốc Toàn đã có những trang viết khá nhuần nhuyễn về nghề, về đời với không ít chi tiết sống động, chạm tới trái tim đồng nghiệp.
Thứ ba: Để tránh sự đơn điệu, tác giả “Từ bến sông Nhùng” chọn thể loại chương hồi, lấy chủ đề làm tiêu mục cho các phân đoạn, với hai chương trung tâm nằm giữa cuốn sách là “Nhà báo, bạn là ai” và “Đạo đức nghề nghiệp”. Quả thật việc giác ngộ về Chỗ đứng trong xã hội của phóng viên và Đạo đức người làm báo đang là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, bên cạnh mặt tốt là chủ đạo, nổi trội, phần nào vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây bất an cả trong quần chúng nhân dân và trong báo giới. Dùng kết cấu chương hồi theo chủ đề, tác giả có điều kiện trở đi trở lại, chỉn chu và kĩ càng với vấn đề trọng yếu mình muốn nói. Trong quá trình kết giao với ông Phan (nguyên mẫu), nhà báo Phạm Quốc Toàn thấy nhà báo lão thành này đau đáu một niềm mong mỏi và cả nỗi lo cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam hiện nay. Đây cũng là những trăn trở của tác giả Phạm Quốc Toàn khi lãnh đạo, chỉ huy một tờ báo cụ thể cũng như lúc là một trong những thành viên lãnh đạo của Hội Nhà báo Việt Nam. Hàng ngày hàng giờ, trong làng báo nước ta xuất hiện rất nhiều tấm gương tận tụy với nghề, sẵn sàng hi sinh, dũng cảm vì công lí, vì nhân dân và cũng có không ít kẻ lười nhác, kiếm danh cầu lợi, mang tấm thẻ hành nghề cao quí đi hù dọa, tống tiền và nguy hại hơn là để đóng vai “Ngụy Diên” thời hiện đại!
Phạm Quốc Toàn là nhà báo, nhà văn trách nhiệm xã hội đong đầy, ngòi bút của anh rất cẩn trọng và đầy chất nhân văn. Bản thảo “Từ bến sông Nhùng” chuyển đến nhà xuất bản là bản thảo anh tự chỉnh sửa lần thứ ba. Trước giờ đem đến nhà in, anh còn chủ động đề nghị nhà xuất bản cho cắt tỉa thêm một vài đoạn về đời và nghề - liên quan đến đồng nghiệp, gắn với thế sự mà theo anh là “cần có độ lùi thời gian”, “điều chưa nên nêu vào thời điểm này”.
Đọc “Từ bến sông Nhùng”, ta vui mừng thấy nhà báo Phạm Quốc Toàn đã có những trang viết thành công khi phác họa một phần diện mạo và gương mặt làng báo Việt Nam đương đại, và qua đó mà thêm một tiếng nói, góp phần xây dựng, phát triển nền báo chí mới: chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, vì đất nước và nhân dân…./.
Tháng 2-2019.
K.T
--------------
------------------
Linh mua sách
< Lùi | Tiếp theo > |
---|