Tác phẩm PQT Lốc xoáy thời cuộc

Lốc xoáy thời cuộc

Chủ nghĩa cường quyền áp đặt

Thế giới hiện đại được nhắc nhiều đến cụm từ CHỦ NGHĨA CƯỜNG QUYỀN, CHỦ NGHĨA CƯỜNG QUYỀN ÁP ĐẶt. Gần đây, chủ nghĩa cường quyền áp đặt gần như chi phối các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo nhằm cướp đoạt tài nguyên thiên nhiên, khống chế các huyết mạch địa chính trị, bùng phát đối đầu, đẩy nhiều khu vực trên thế giới  vào các cuộc xung đột cục bộ, căng thẳng. Những kẻ cường quyền lấy thế mạnh súng đạn đe nẹt những người yếu thế, sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nhằm đạt tới những toan tính áp đặt vụ lợi đen tối. Cụm từ CHỦ NGHĨA CƯỜNG QUYỀN ÁP ĐẶT này đã được ghi vào Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) sẽ trình Đại hội XII của Đảng diễn ra vào quý I - năm 2016, khi nhận định về tình hình chính trị thế giới hiện nay và  những năm sắp tới.

truong-sa


Chủ nghĩa - theo Đại từ điển tiếng Việt là hệ thống những quan điểm, ý thức, tư tưởng làm thành cơ sở ý thức chi phối, hướng dẫn hoạt động của con người theo định hướng nào đó. Cường quyền là quyền lực dựa vào sức mạnh chiếm ưu thế về chính trị, quân sự, kinh tế để áp bức, xâm lược nước khác. Như vậy, có thể nói chủ nghĩa cường quyền áp đặt là một thứ chủ nghĩa tệ hại, thực dụng, áp bức, xâm lược, mưu toan cưỡng chiếm, biến chủ quyền - tài nguyên của người thành của mình, cướp của người, đe nẹt, làm hại người yếu, quốc gia yếu  hơn mình, bất chấp đạo lí, lẽ phải, coi luật pháp quốc tế chẳng khác gì mớ giấy lộn. Một học giả người Pháp viết trên nhật báo Thế Giới rằng: “Chủ nghĩa cường quyền là thứ chủ nghĩa cướp đoạt bằng vũ lực, là sự tham lam - không giới hạn”.


Chủ nghĩa cường quyền có từ báo giờ? Có thể khẳng định ngay rằng, chủ nghĩa cường quyền gắn với chế độ tư hữu, chế độ người bóc lột người. V.I.Lenin, nhà kinh điển thiên tài, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới, người kế tục và phát triển xuất sắc học thuyết của Kark Mark, Anghen đã luận bàn về chủ nghĩa cường quyền và cho rằng “Chủ nghĩa cường quyền là do lợi nhuận, do tư bản, vì tư bản”. Suy cho cùng, sự bùng phát của các cuộc chiến tranh thế giới thứ I, thứ II có nguyên nhân sâu xa từ chủ nghĩa cường quyền - đế quốc chủ nghĩa. Cường quyền  sơ khai từ hàng trăm năm trước phát triển  thành một thứ chủ nghĩa cường quyền hiện đại, với hệ thống lý thuyết chi phối hành động áp bức, xâm lược ngạo ngược. Chủ nghĩa cường quyền chuyển hóa và biến hóa tùy thuộc sự phát triển của kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, khoa học công nghệ. 


Những năm gần đây, nhiều học giả thế giới ví thứ chủ nghĩa cường quyền áp đặt như “một cơn lốc xoáy”, phát triển đỉnh điểm từ  những thập niên cuối của thế kỷ XX  sang những thập niên đầu của thế kỷ XXI, khi mà cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão; khi các đế chế quân sự - các tổ hợp chiến tranh, con buôn vũ khí  nổi lên như ông vua khổng lồ không ngai; khi mà nguồn tài nguyên thiên nhiên - nguồn của cải bảo đảm sự sống còn của các quốc gia đã khánh kiệt. “Lốc xoáy” cường quyền áp đặt   làm đảo lộn lẽ phải, chính nghĩa, đi ngược xu thế hòa bình, hữu nghị, hợp tác trong các mối quan hệ quốc tế lành mạnh, đẩy tình hình thế giới thêm căng thẳng ở nới này hoặc nơi kia, làm cho quan hệ giữa các quốc gia có liên quan xấu đi, tăng nguy cơ và hiểm họa xung đột, chiến tranh cục bộ.

Từ thập niên 60, 70 trở đi, được hưởng lợi – không bị tàn phá trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, Hoa Kỳ phất lên trở thành một siêu cường có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn.  Hoa Kỳ mang bom đạn đi  chinh phạt các quốc gia nhỏ yếu, đang phát triển. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là một trong những biểu hiện điển hình của  chủ nghĩa cường quyền - xâm lược tàn bạo. Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, không còn đối trọng của một siêu cường hàng đầu, Hoa Kỳ gần như  làm mưa làm gió, tác oai tác quái. Các cuộc không kích tàn bạo, ào ạt đổ quân xâm lược các quốc gia Iraq, Apganistan – núp dưới chiêu bài chống khủng bố, vào thập niên 80 của thế kỷ trước, chủ nghĩa cường quyền Hoa Kỳ phát triển đến đỉnh cao. 


Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin – cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật 4.0 phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí truyền thông. Công nghệ thông tin tăng tốc, như một “cơn lốc”, báo chí truyền thông vừa hưởng lợi, nhưng lại vừa đứng nhiều thách thức lớn mang tính sống còn, nhiều khi không kịp xoay xở, ứng phó. Báo chí thế giới gần đây nhắc nhiều đến những “lốc xoáy” về thời cuộc, về chính trị và kinh tế, chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa bá quyền. Có thể thấy, xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh mạng, chiến tranh cục bộ… diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Một trong những “lốc xoáy” đó là chủ nghĩa cường quyền, cậy thế nước lớn, quấy nhiễu áp đặt đe dọa nước nhỏ, diễn ra trắng trợn, công khai.

*

Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông - Nam Á có vị trí địa kinh tế - chính trị ngày càng quan trọng trên thế giới. Đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn. Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông diễn ra gay gắt, phức tạp. Trung Quốc – môt quốc gia mới nổi, công khai thực hiện chủ nghĩa cường quyền áp đặt. Chủ nghĩa cường quyền áp đặt Trung Quốc theo kiểu  của Trung Quốc, nhưng tựu trung vẫn là lấy thế nước lớn “dạy” cho nước nhỏ “những bài học cần thiết”. Dựa vào ưu thế kinh tế, quân sự của một quốc gia khổng lồ, Trung Quốc thực hiện chiến lược cưỡng chiếm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Yêu sách phi lý về đường lưỡi bò mà Trung Quốc tưởng tượng ra ôm trọn Biển Đông vào mình là điều không thể chấp nhận, thể hiện sự áp đặt cường quyền ngạo mạn, bấ chấp sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế. Họ xua hàng chục ngàn tàu đánh cá - như những đơn vị dân quân được trang bị vũ khí - ra Biển Đông hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản, coi Biển Đông như là “ao nhà” của mình bị dư luận thế giới lên án. Sự kiện họ ngang nhiên đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam tháng 5-2014, đồng thời cải tạo các bãi đá ngầm ở Hoàng Sa, Trường Sa – đặc biệt là ở Đá Vành Khăn, Chữ Thập, Xubi, Gạc Ma, Tư Nghĩa … thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam thành đảo nhân tạo, biến các đảo này  thành những căn cứ quân sự tiền tiêu, xây dựng đường băng cho máy bay cường kích, tiêm kích Trung Quốc cất cánh hạ cánh, xây dựng và vận hành 2 ngọn hải đăng trên Đá Châu Viên, Gạc Ma, khống chế con đường tự do hàng hải trên biển, nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương là sự thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định, hợp tác giữa các nước, thách thức và đe dọa an ninh khu vực và thế giới. Xin nêu vài ví dụ sau đây về chủ nghĩa cường quyền - cưỡng chiếm lãnh thổ, biển đảo Việt Nam của Trung Quốc.  


Bãi Chữ Thập là một trong những thực thể địa lý lớn nhất ở Trường Sa. Trung Quốc bắt đầu xây dựng đảo nhân tạo từ tháng 8.2014. Chỉ trong vòng 3 tháng, Trung Quốc đã bồi đắp được một bãi đất dài khoảng 3.000 mét, rộng 200 - 300 mét. Ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy diện tích đảo nhân tạo trên bãi chữ thập lên  gấp khoảng 3 đảo Ba Bình - đảo tự nhiên lớn nhất ở Trường Sa. Đối với các bãi đá Châu Viên, bãi Ga Ven, bãi Tư Nghĩa… Trung Quốc cũng có những hành động xây dựng đảo nhân tạo tương tự. 


Trung Quốc dùng vũ lực thảm sát lực lượng công binh của Việt Nam - trong tay không có vũ khí để cưỡng chiếm Gạc Ma của Việt Nam ngày 14.3.1988. Bắt đầu từ đó, Trung Quốc từng bước bồi đắp, biến Gạc Ma thành đảo nhân tạo, xây dựng ngọn hải đăng. Việc xây đảo nhân tạo, nạo vét cầu cảng, xây dựng đường băng  giúp cho việc máy bay quân sự cất hạ cánh, được  thực hiện cấp tập từ năm 2014 cho đến nửa đầu năm 2015.  


Chủ nghĩa cường quyền áp đặt có cả một hệ thống lý thuyết, lập luận, toan tính bài bản, tinh vi, dùng vũ lực đi xâm chiếm lãnh thổ, biển đảo của quốc gia khác. Trung Quốc không che giấu toan  tính chia rẽ khối các nước Đông Nam Á – ASEAN, ra sức lối kéo Philippines và một vài nươc khác trong ASEAN đi theo Bắc Kinh bằng các ngón đòn ve vãn kinh tế. Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ mấy chục năm nay; toan tính lấn chiếm phi pháp hàng triệu km2 Biển Đông theo thuyết “chủ quyền lưỡi bò”, kiểm soát con đường hàng hải - huyết mạch quan trọng của thế giới. Tính toán ngang ngược này, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận thế giới, thách thức và đụng chạm đến quyền lợi của nhiều nước lớn, các quốc gia trong khu vực, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, rát dễ bùng phát các cuộc đối đầu, tăng nguy cơ xung đột.  Trả lời báo chí Mỹ và phương Tây, Lãnh đạo Đảng và  Nhà nước ta khẳng định “Trước sau như một Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam; hành động xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và an toàn hàng hải.  Chủ nghĩa cường quyền Trung Quốc đang tạo ra một điểm “nóng” của khu vực và thế giới ở Biển Đông”. Dư luận, báo chí truyền thông thế giới đã và đang dự đoán một cuộc “đối đầu” giữa các nước lớn ở Biển Đông.  Các cuộc gặp gỡ và phối hợp tập trận gần đây của hải quân Mỹ và các nước đồng minh đều nhằm vào việc – mà họ gọi là  bảo vệ tự do hàng hải trên biển. Washington phát tín hiệu sẽ “đáp trả quyết liệt” khi tự do hàng hải bị thách thức và bị đe dọa. Các đội tàu chiến của hải quân Mỹ  được điều đến tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp, không cho phép Trung Quốc “làm việc đã rồi!”. Phía Trung Quốc cũng tuyên bố “Mỹ không có quyền làm điều đó, Trung Quốc sẽ có hành động đáp trả!”.  Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông - mặc dù không có bất cứ ai muốn khai hỏa trước - chắc chắn sẽ càng làm “nóng” lên tình hình khu vực và thế giới. Nguy cơ “lốc xoáy” “dậy sóng”  ở Biển Đông là điều không thể không tính đến, mặc dù không có bất cứ ai muốn điều này xảy ra, kể cả Mỹ và Trung Quốc.  Tổng thống Mỹ Donald Trump lớn tiếng cảnh báo: “Mỹ sẵn sàng hành động – kể cả hành động quân sự để trừng phạt Triều Tiên, để bảo vệ một trật tự thế giới mới (!)”. Lớn tiếng là vậy, nhưng dư luận thấy quá rõ, Tổng thổng Mỹ  – Tỷ phú Donald Trump và chủ nghĩa cường quyền Hoa Kỳ đang ở vào thế kẹt – tiến thoái lưỡng nan.


“Yếu tố Triều Tiên” với các cuộc thử tên lửa tầm trung, tên lửa liên lục địa, các cuộc tập dượt mang tính đe dọa của CHDCND Triều Tiên chĩa vào lãnh thổ Guam của Mỹ càng dấy lên các cuốc khẩu chiến chưa có hồi kết. Tình hình bán đảo Triều tiên, trong mối quan hệ giửa các cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Nhận Bản, Nga, Hàn Quốc … chứa đựng nhiều yếu tố bất an khó lường. Cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và  Ấn Độ năm 2017, giữa 2 cường quốc có số dân chiếm gần  một ba dân số nhân loại, lúc âm ỉ, lúc bùng phát, đang đẩy khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào tình thế căng thẳng mới.


Dù sao, như nhận định của các chính khách hàng đầu thế giới, hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình hình thế giới đã và đang có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, trong đó có nguyên nhân từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa cường quyền áp đặt. Cục diện thế giới theo xu hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và khu vực. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bành trướng, cường quyền, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế. Các thể chế đa phương đứng trước những thách thức lớn.

Đối với Việt Nam, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới. Đó cũng là yêu cầu mang tính chiến lược; là đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; là tình cảm, trách nhiệm, nguyện vọng thiêng liêng của mọi người dân Việt …

Phạm Quốc Toàn 
(Trích  chương 1 - sách LỐC XOÁY THỜI CUỘC)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment