Tác phẩm PQT Đọc tản mạn về đời

Đọc tản mạn về đời

Mục lục
Đọc tản mạn về đời
LẮNG ĐỌNG TÌNH ĐỜI
“TẢN MẠN VỀ ĐỜI” VỚI PHẠM QUỐC TOÀN
“TRÚC CÂU THIÊN LÝ LỘ CHÍ TÌNH”
NGHÃ TÌNH SÂU NẶNG
PHẠM QUỐC TOÀN – TẢN MẠN VỀ ĐỜI
TẢN MẠN VỀ ĐỜI - BÙI NGỌC DIỆP
CHẮT LỌC NHÂN VĂN TRONG “ TẢN MẠN VỀ ĐỜI”
LAN MAN CÙNG “TẢN MẠN VỀ ĐỜI”
Tất cả các trang

ĐỌC TẢN MẠN VỀ ĐỜI

PHAN QUANG 
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

“Văn tức là người”, câu nói người xưa thời nào cũng đúng. Đọc cuốn sách của Phạm Quốc Toàn Tản mạn về đời bạn đang cầm trên tay, tôi cảm thấy như mình đang ngồi đối diện, thủ thỉ trò chuyện cùng anh bên chén trà thi thoảng anh mới từ tốn nâng lên nhấp một ngụm. Một con người kín đáo, khiêm nhường, kiệm lời, thường lắng nghe người khác tỏ bày, khi cần mới nói đôi câu, thế nhưng không có gì lọt khỏi đôi tai anh, và trí nhớ anh bền đến tuyệt vời. Anh đã cất lời thì vào cuộc luôn, hầu như chưa mấy khi tôi nghe Quốc Toàn đưa đẩy đón rào.

Anh đang ngồi đây, tản mạn với tôi về đời. Đời dĩ nhiên là người, mà đời còn là nghề, là mối quan hệ gắn bó thân thuộc, bạn bè. Anh bảo tản mạn, song nội dung khá bài bản, lớp lang, lời lẽ bình dị song không vì vậy mà kém chiều sâu. Tác giả không làm văn, anh thủ thỉ tâm tình.

sach-cua-nha-bao-pham-quoc-toan-nguyen-pho-chu-tich-hoi-nha-bao-viet-nam_2


Người, trước hết là một số đồng nghiệp đàn anh, theo nghĩa lớn tuổi hơn người viết, mà anh thân thiết và cảm phục bản lĩnh, tài năng; là hai đấng sinh thành mà anh bồi hồi thương nhớ qua những kỷ niệm vọt ra tự trái tim; là người em trai số phận kém may mắn; là bạn bè một thuở cắp sách đến trường thời đất nước còn chiến tranh. Còn lại là những đồng nghiệp gắn bó cùng trang lứa với anh hoặc kém anh về tuổi đời, với bất kỳ ai cũng là hồi ức ấm nồng, sống động đến chi ly, làm người rất dễ xúc cảm, như tôi đọc mà có khi cảm động rưng rưng hoặc cười… ra nước mắt. Sắc sảo, hóm hỉnh đáo để. Trong các bậc đàn anh, có một người anh rất trân trọng, có cái tên khá lạ với giới báo chí chúng ta: Đó là thầy giáo chủ nhiệm những năm anh học cấp 3; ít ai ngờ nhà giáo trường huyện xa xôi ấy lại là con trai một bậc trí thức nổi tiếng người Hà Nội, Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: luật sư Vũ Trọng Khánh. Do hoàn cảnh chiến tranh, trò mất liên lạc với thầy. Hòa bình lập lại, mấy lần anh dựa vào địa chỉ cũ tìm về Hải Phòng dò hỏi tin tức thầy, mới hay thầy đã qua đời, gia đình nay ở đâu không rõ. Mấy chục năm sau, biết tin cô giáo vợ thầy đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, anh tìm đến nhà riêng xin phép cô thắp nén hương trước di ảnh thầy.

Nghề, đương nhiên là nghề báo với những thăng trầm của nó, thành đạt cùng trắc trở, cống hiến lẫn tai ương, vui và buồn, vinh và nhục, hưng phấn và ức chế… mà chẳng mấy ai đã dấn thân vào cái nghiệp báo chí này chẳng phải trải qua. Anh tản mạn kể chuyện đời, qua đó tái hiện tính cách con người. Một nét nổi bật ở Tản mạn về đời là nhớ về ai, thương hay giận, Quốc Toàn trước sau vẫn một tấm lòng, nhân văn. Cũng có những buồn vui của riêng anh, đợi cho tới lúc vào thu cuộc đời tác nghiệp, anh mới thổ lộ. Tôi chơi thân với Quốc Toàn, làm việc cùng anh ba mười năm có lẻ, vậy mà nhiều chuyện nghề của anh, đọc sách mới hay.

1

Đồng hương Hà Tĩnh tại Vũng Tàu tôn vinh học sinh giỏi toán.

Ở trên tôi có nói, trí nhớ của Quốc Toàn bền đến tuyệt vời. Tôi quen ông Bandhit Rajavatanadanin, Chủ tịch danh dự Liên đoàn Báo chí ASEAN (CAJ), trước Quốc Toàn nhiều và rất thân với ông. Bandhit là nhà báo, ngay sau khi hay tin Chính phủ Hoa Kỳ quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đã tổ chức và dẫn đầu một Đoàn báo chí đông tới hai chục người, gồm nhiều ký giả hàng đầu các nước Đông Nam Á đến Hà Nội mời Hội Nhà báo Việt Nam (VAJ) tham gia CAJ. Đoàn vừa rời Việt Nam, CAJ đã có văn thư trân trọng mời Hội ta sang Kuala Lumpur dự Kỳ họp thường niên của Hội đồng lãnh đạo Liên đoàn với tư cách quan sát viên. Một tháng sau nữa, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam sang Manila tham dự Đại hội đồng CAJ, tại đó VJA chính thức thành thành viên của Liên đoàn theo phương châm “thống nhất trong đa dạng, vì một nền báo chí tự do và có trách nhiệm” trước hoan hỉ của bạn bè mới và sự chứng kiến của Tổng thống nước chủ nhà. Kể từ đó, ông Bandhit và tôi rất thân nhau, gặp nhau luôn, khi thì Hà Nội khi thì Bangkok nếu không phải tại các hội nghị báo chí quốc tế. Ấy vậy mà rất nhiều chi tiết về đời nghề, đời riêng của ông, tôi không nhớ cặn kẽ bằng Quốc Toàn. Quốc Toàn nhân hậu, ít nói về mình, sống rất có chiều sâu, bằng tấm lòng, từ trái tim.

Đọc Tản mạn về đời, tôi ngạc nhiên sao trí nhớ anh cụ thể, chi tiết, mạch lạc đến vậy, đã bao năm qua nay vẫn có thể tỉ tê buồn vui sống động như việc vừa xảy ra hôm qua, hôm nay. Tuy nhiên, không phải nhớ gì kể nấy. Tác giả cũng kỹ lưỡng lắm, cân nhắc lắm, chắt lọc lắm. Tại một bài, anh thuật lại chuyện câu chuyện 15 năm về trước, do chạm lòng tự ái bởi một lời rỉ tai, anh dứt khoát rời nhiệm vụ Tổng biên tập tuần báo Nhà báo và Công luận vừa mới nhận và đã bắt tay hoạch định công việc dài lâu, xuất phát từ “cái tính đếch cần của dân Xứ Nghệ, không thích thì cho kẹo cũng xin kiếu” - tôi lặp lại lời anh - Quốc Toàn bỏ cương vị mà “anh chưa ngồi vào ghế một giờ”, gọi taxi lên Nội Bài, bay trở về  Nam. Mãi gần đây, khi đọc bài viết Duyên nợ với ấn phẩm Hội của anh trên tạp chí Người Làm Báo và tập bản thảo Tản mạn về đời, tôi mới hay vì sao lúc đó anh không nhận nhiệm vụ tổng biên tập tuần báo Nhà báo và Công luận.

2

Với Chủ tịch hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai, Thái Lan

“Văn tức là người”, nhân cách người viết thể hiện qua trang văn. Nhưng tố chất tạo nên tính cách người cầm bút bao giờ cũng vẫn là truyền thống gia đình, công hun đúc của quê hương, xứ sở. Làng Can Hợi quê Quốc Toàn từng có tên xã Hồng Lĩnh. Hai tiếng ấy gợi tôi nhớ lại thuở mới vào nghề, thời chiến tranh chống Pháp, đã bao lần lang thang tại các tỉnh Bình-Trị-Thiên vùng tạm chiếm và Thanh-Nghệ-Tĩnh miền tự do thuộc Liên khu 4 cũ. Đất Lam Hồng là một nơi nuôi dạy tôi trưởng thành. Từ đó, mỗi lần có dịp vào Nam ra Bắc, đi qua dưới chân dãy Hồng Lĩnh - thời chống Mỹ, quốc lộ 1 từ Bắc vào đến đây, buộc phải rời đường cũ, chạy men chân núi, tránh bớt cầu phà. Hễ nhìn thấy dãy núi Hồng là bài thơ có nhạc điệu lạ (gọi từ có lẽ đúng hơn) của cụ Võ Liêm Sơn hiện lên trong trí nhớ tôi. Bài từ ấy tôi học hồi rất nhỏ, đến cuối đời vẫn thuộc lòng mấy câu: Non Hồng chín mươi chín ngọn/ Ngọn cao nhất trước nhà tôi/ Năm tuổi/ Tôi đà biết đứng ngắm…

Trẻ em Xứ Nghệ lên năm đã biết đứng ngắm non Hồng. Lên năm, nhiều em đã phải lăn vào cuộc đời, chưa đủ lớn để ra đồng chăn trâu cắt cỏ thì cũng bồng em, trông đàn gà cho cha mẹ tần tảo sớm hôm nuôi con…ăn học. Những em bé ấy lớn lên, đời sau nối tiếp đời trước, cùng làm cho vùng đất chưa lấy gì làm giàu có do khí hậu khắc nghiệt này từ xưa đã nổi tiếng địa linh nhân kiệt.Ngòi bút Quốc Toàn đậm chất người Nghệ Tĩnh: hiếu thảo, kiên nghị, cầu tiến, hiếu học, thâm trầm….và đôi khi cũng gợn chút… gàn của Thầy Đồ Nghệ. Văn Quốc Toàn, đời Quốc Toàn biểu lộ tính cách cùng hơi văn người Nghệ Tĩnh, “Đường vô Xứ Nghệ quanh quanh…” và “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh”… 

 (Báo Phụ Nữ TP. HCM)



Add comment