PHẠM QUỐC TOÀN – TẢN MẠN VỀ ĐỜI
Trần Thế Tuyển
Tổng Biên tập Báo Sài Gòn – Giải phóng
Lâu nay, đến lúc “vào thu” cuộc đời, người ta thường làm điều gì đó để chiêm nghiệm phần đời đã sống và cống hiến. Mỗi người một cách, tùy theo sự lựa chọn của riêng mình. Người thì viết tự truyện, hồi ký. Người thì in tuyển tập hoặc tác phẩm chọn lọc. Có người viết tiểu thuyết, trường ca và cả truyện ngắn nữa để gửi gắm lòng mình với người, với đời. Nhà báo Phạm Quốc Toàn cũng thế. Vào thu cuộc đời, hơn 40 năm gắn bó với nghề báo, tác giả chọn cho mình lối đi riêng. Phạm Quốc Toàn viết TẢN MẠN VỀ ĐỜI (chứ không phải Tản mạn với đời) để giãi bày những điều sâu kín nhất, những điều mà như anh tâm sự: suy ngẫm và thấy vẫn còn nhiều điều về đời mà mình đã trải nghiệm, chưa kịp chắt lọc, viết ra .
Đúng. Còn nhiều điều đã trải nghiệm, Phạm Quốc Toàn chưa kịp viết ra. Nhưng chỉ hơn 300 trang sách (NXB Văn Học - 2012), viết trong vòng một năm, Tản mạn về đời phác họa rõ chân dung của một người cầm bút tâm huyết với đời, với nghề . Từ cậu bé thông minh ở làng Can Hợi (Hà Tĩnh) - bên dãy núi Hồng Lĩnh sừng sững, Phạm Quốc Toàn vào lính thời chiến – thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, rồi trở thành nhà báo – người viết bình luận thời sự của Báo Quân đội Nhân dân ( QĐND ). Và, vượt lên chính mình, anh khẳng định vị trí một nhà quản lý báo chí với gần 30 năm liên tục làm Tổng Biên tập báo Đảng địa phương và tờ báo của Hội Nhà báo Việt Nam .
KÝ ỨC VỀ NGƯỜI, VỀ NGHỀ
Phạm Quốc Toàn chia cuốn sách thành 6 phần, với những ý tưởng rõ ràng. Mỗi phần chuyển tải một sự tản mạn. Lại nói về tản mạn. Tôi thích ý của nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong lời tựa cuốn sách này: Anh (PQT-TTT) bảo tản mạn, song nội dung khá bài bản, lớp lang, lời lẽ bình dị song không vì vậy mà kém chiều sâu. Tác giả không làm văn, anh thủ thỉ tâm tình. Bao trùm lên cuốn sách là ký ức về người, về nghề. Tác giả không ngẫu nhiên sắp đặt nhân vật cho từng trang mục mà có sự chọn lọc, cân nhắc kỹ càng. Người ta chú ý đến phần 1, bởi đó không chỉ là chân dung những người thầy, người anh, những người đồng nghiệp mà anh hằng kính trọng, cảm phục như các Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân: Thiếu tướng Trần Công Mân, Trung tướng Nguyễn Đình Ước; nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo, nhà giáo Trần Quang Huy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà báo Hồng Phương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP. HCM… mà anh còn giành tình cảm trân trọng cho những người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mình như thầy giáo thời học sinh cấp 3 Vũ Trọng Huỳnh, Tướng quân Nguyễn Minh Ninh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu …
Những con người thành danh ấy cùng với những người khác – bạn đồng nghiệp, đồng ngũ mà anh giới thiệu ở phần sau như : Trần Thế Tuyển – đi và viết; Lưu Trọng Phú – mê báo – duyên thơ; Chánh Trinh và VDT; Nguyễn Đức Thiện – Thợ cày lặng lẽ; Xuân Sách làm …kinh tế; Phan Ngọc Long – Chào em cô gái Lam Hồng; Lớp trưởng Trần Ngọc Bích … mỗi người một vẻ, dưới ngòi bút chân thực, dung dị của Phạm Quốc Toàn hiện lên lung linh, thấm đẫm đời và nghề.
Tôi thích nhất những tản mạn của Phạm Quốc Toàn về bậc sinh thành - song thân, và những con người bình dị mà cao quý đã ảnh hưởng suốt cuộc đời của tác giả. Đó là Bố về cõi vĩnh hằng; Mẹ, một đời tần tảo; Út Khiêm không đi xa; đó là Làng Can Hợi có xóm Đông, xóm Nam - nơi có bưởi Phúc Trạch nổi tiếng. Đặc biệt, khi viết về Vũng Tàu – Vũng Tàu biển hát, quê hương thứ hai và Mái ấm 63 (Ban Đại diện phía Nam Báo Quân đội Nhân dân đặt tại số 63 đường Lý Tự Trọng, Thành phố Hồ Chí Minh) ngòi bút của Phạm Quốc Toàn bay bổng lạ thường. Dễ hiểu thôi. Ấy là những địa danh thấm đẫm kỷ niệm vui buồn của nhà báo – người lính Phạm Quốc Toàn - nơi tác giả đã cần mẫn sống và làm việc để cống hiến cho đời, cho nghề .
BẢN LĨNH VÀ CỐNG HIẾN
Trên đời này thiếu gì sự ngờ, có kẻ mình cưu mang đùm bọc, lo cho từng ly từng tý, tưởng hắn chơi đẹp, nhưng chuyện đời là vậy, chưa đến ba bảy hai mốt ngày hắn đã chẳng coi mình như cái “đinh” gì. Đã một lần tôi được nghe nhà báo Phạm Quốc Toàn tâm sự như vậy và giờ đây những suy nghĩ ấy của anh được thành văn trong đoạn mở đầu bài tản mạn Tôi với …CIA. Đó chỉ là một sự hiểu lầm, tắc trách trong công việc của người làm báo, đã để lại một hệ lụy nghiệt ngã cho người khác. Tôi nghĩ Phạm Quốc Toàn kể lại chuyện này để gửi thông điệp cho đồng nghiệp: Quyền và Nghĩa vụ của người làm báo; với nghề báo - một nghề vừa cao quý, vừa nguy hiểm. Một con người kín đáo, khiêm nhường, kiệm lời, thường lắng nghe người khác tỏ bày như nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận xét; một “tướng” trẻ trong “hội đồng trung úy” kiệm lời nhưng tiếng nói rất có trọng lượng như Đại tá nhà báo Phạm Đình Trọng, nguyên Trưởng cơ quan Đại diện Báo Quân đội Nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định lại là một con người bản lĩnh, quyết liệt khi cần thiết .
Tôi nhớ vào khoảng những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Phạm Quốc Toàn là Thiếu tá, chuẩn bị nhận cấp hàm Trung tá, Phó Trưởng phòng Thời sự Báo Quân đội Nhân dân. Là một cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực phát hiện và khái quát cao, ông lọt vào tầm ngắm quy hoạch nguồn lãnh đạo của tờ báo Đảng trong lực lượng vũ trang. Nhưng, đùng một cái, Phạm Quốc Toàn làm đơn xin chuyển khỏi Báo QĐND, rời xa Hà Nội. Không biết vì lý do sâu kín gì, nhưng Phạm Quốc Toàn kiên quyết “dứt áo ra đi”. Ngay cả phương án, Đại tá Phạm Đình Trọng đề nghị anh về công tác tại Ban Đại diện Báo QĐND tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng không xuôi và anh khoác ba lô xuống vùng đất mới: Vũng Tàu. Một chuyện khác, trước đây tôi có nghe, chẳng biết hư thực ra sao. Năm 1996, Hội Nhà báo Việt Nam làm công văn “xin” Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu mời Phạm Quốc Toàn về làm Tổng biên tập ấn phẩm Nhà báo & Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đang ngon cơm, ngon canh ở Báo Bà Rịa-Vũng Tàu , Phạm Quốc Toàn khăn gói quả mướp về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Từ Thành phố Hồ Chí Minh , Phạm Quốc Toàn bay ra Hà Nội, về thẳng 59 Lý Thái Tổ, bắt tay ngay vào công việc. Trước đó, với quyết tâm đổi mới toàn diện tờ báo của Hội, anh đã âm thầm vận động được vài chục doanh nghiệp hỗ trợ quảng cáo và mua báo dài hạn. Nhưng rồi, có sự hiểu lầm, xúc phạm, Phạm Quốc Toàn kiên quyết một lần nữa “dứt áo ra đi”. Quốc Toàn trả lại quyết định Tổng biên tập, gọi taxi lên thẳng Nội Bài bay vào Nam. Cuộc đời trăm nẻo, muôn mặt là vậy. Đọc Duyên nợ với những ấn phẩm của Hội, tôi mới rõ ngọn nguồn. Cách ứng xử này, theo nhà báo Phan Quang xuất phát từ “cái tính đếch cần của dân Xứ Nghệ, không thích thì cho kẹo cũng xin kiếu “...
Phải có bản lĩnh mới có thể cống hiến hết sức mình. Đọc sách của Phạm Quốc Toàn, tôi mới hiểu vì sao cách đây hơn 5 năm, khi đang làm Phó Cục trưởng Cục Báo Chí (phụ trách Phía Nam), tôi được Thành ủy TP Hồ Chí Minh “xin” Bộ Thông tin & Truyền thông điều về làm Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; trên chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Buôn Ma Thuột, Phạm Quốc Toàn đã động viên tôi dấn thân thêm một lần nữa với đời, với nghề.
Từ bản lĩnh người lính Cụ Hồ và cả một chút ương ương, gàn gàn của dân Xứ Nghệ, hơn 40 năm làm nghề, Phạm Quốc Toàn đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà. Nhân vô thập toàn, làm sao tránh khỏi những khiếm khuyết. Nhưng điều không thể phủ nhận ở Phạm Quốc Toàn là cái tâm, cái tầm, cái tư chất của người làm báo, người tham gia công việc chỉ đạo và quản lý báo chí .
Điều ấy lấp lánh trong từng trang viết Tản mạn về đời .
Báo Nhà báo & Công luận số xuân 2013;
Đài Tiếng nói Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh, ngày 13.1.2013.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|