Tác phẩm PQT Đọc tản mạn về đời

Đọc tản mạn về đời

Mục lục
Đọc tản mạn về đời
LẮNG ĐỌNG TÌNH ĐỜI
“TẢN MẠN VỀ ĐỜI” VỚI PHẠM QUỐC TOÀN
“TRÚC CÂU THIÊN LÝ LỘ CHÍ TÌNH”
NGHÃ TÌNH SÂU NẶNG
PHẠM QUỐC TOÀN – TẢN MẠN VỀ ĐỜI
TẢN MẠN VỀ ĐỜI - BÙI NGỌC DIỆP
CHẮT LỌC NHÂN VĂN TRONG “ TẢN MẠN VỀ ĐỜI”
LAN MAN CÙNG “TẢN MẠN VỀ ĐỜI”
Tất cả các trang

ĐỌC TẢN MẠN VỀ ĐỜI

PHAN QUANG 
Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

“Văn tức là người”, câu nói người xưa thời nào cũng đúng. Đọc cuốn sách của Phạm Quốc Toàn Tản mạn về đời bạn đang cầm trên tay, tôi cảm thấy như mình đang ngồi đối diện, thủ thỉ trò chuyện cùng anh bên chén trà thi thoảng anh mới từ tốn nâng lên nhấp một ngụm. Một con người kín đáo, khiêm nhường, kiệm lời, thường lắng nghe người khác tỏ bày, khi cần mới nói đôi câu, thế nhưng không có gì lọt khỏi đôi tai anh, và trí nhớ anh bền đến tuyệt vời. Anh đã cất lời thì vào cuộc luôn, hầu như chưa mấy khi tôi nghe Quốc Toàn đưa đẩy đón rào.

Anh đang ngồi đây, tản mạn với tôi về đời. Đời dĩ nhiên là người, mà đời còn là nghề, là mối quan hệ gắn bó thân thuộc, bạn bè. Anh bảo tản mạn, song nội dung khá bài bản, lớp lang, lời lẽ bình dị song không vì vậy mà kém chiều sâu. Tác giả không làm văn, anh thủ thỉ tâm tình.

sach-cua-nha-bao-pham-quoc-toan-nguyen-pho-chu-tich-hoi-nha-bao-viet-nam_2


Người, trước hết là một số đồng nghiệp đàn anh, theo nghĩa lớn tuổi hơn người viết, mà anh thân thiết và cảm phục bản lĩnh, tài năng; là hai đấng sinh thành mà anh bồi hồi thương nhớ qua những kỷ niệm vọt ra tự trái tim; là người em trai số phận kém may mắn; là bạn bè một thuở cắp sách đến trường thời đất nước còn chiến tranh. Còn lại là những đồng nghiệp gắn bó cùng trang lứa với anh hoặc kém anh về tuổi đời, với bất kỳ ai cũng là hồi ức ấm nồng, sống động đến chi ly, làm người rất dễ xúc cảm, như tôi đọc mà có khi cảm động rưng rưng hoặc cười… ra nước mắt. Sắc sảo, hóm hỉnh đáo để. Trong các bậc đàn anh, có một người anh rất trân trọng, có cái tên khá lạ với giới báo chí chúng ta: Đó là thầy giáo chủ nhiệm những năm anh học cấp 3; ít ai ngờ nhà giáo trường huyện xa xôi ấy lại là con trai một bậc trí thức nổi tiếng người Hà Nội, Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: luật sư Vũ Trọng Khánh. Do hoàn cảnh chiến tranh, trò mất liên lạc với thầy. Hòa bình lập lại, mấy lần anh dựa vào địa chỉ cũ tìm về Hải Phòng dò hỏi tin tức thầy, mới hay thầy đã qua đời, gia đình nay ở đâu không rõ. Mấy chục năm sau, biết tin cô giáo vợ thầy đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, anh tìm đến nhà riêng xin phép cô thắp nén hương trước di ảnh thầy.

Nghề, đương nhiên là nghề báo với những thăng trầm của nó, thành đạt cùng trắc trở, cống hiến lẫn tai ương, vui và buồn, vinh và nhục, hưng phấn và ức chế… mà chẳng mấy ai đã dấn thân vào cái nghiệp báo chí này chẳng phải trải qua. Anh tản mạn kể chuyện đời, qua đó tái hiện tính cách con người. Một nét nổi bật ở Tản mạn về đời là nhớ về ai, thương hay giận, Quốc Toàn trước sau vẫn một tấm lòng, nhân văn. Cũng có những buồn vui của riêng anh, đợi cho tới lúc vào thu cuộc đời tác nghiệp, anh mới thổ lộ. Tôi chơi thân với Quốc Toàn, làm việc cùng anh ba mười năm có lẻ, vậy mà nhiều chuyện nghề của anh, đọc sách mới hay.

1

Đồng hương Hà Tĩnh tại Vũng Tàu tôn vinh học sinh giỏi toán.

Ở trên tôi có nói, trí nhớ của Quốc Toàn bền đến tuyệt vời. Tôi quen ông Bandhit Rajavatanadanin, Chủ tịch danh dự Liên đoàn Báo chí ASEAN (CAJ), trước Quốc Toàn nhiều và rất thân với ông. Bandhit là nhà báo, ngay sau khi hay tin Chính phủ Hoa Kỳ quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đã tổ chức và dẫn đầu một Đoàn báo chí đông tới hai chục người, gồm nhiều ký giả hàng đầu các nước Đông Nam Á đến Hà Nội mời Hội Nhà báo Việt Nam (VAJ) tham gia CAJ. Đoàn vừa rời Việt Nam, CAJ đã có văn thư trân trọng mời Hội ta sang Kuala Lumpur dự Kỳ họp thường niên của Hội đồng lãnh đạo Liên đoàn với tư cách quan sát viên. Một tháng sau nữa, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam sang Manila tham dự Đại hội đồng CAJ, tại đó VJA chính thức thành thành viên của Liên đoàn theo phương châm “thống nhất trong đa dạng, vì một nền báo chí tự do và có trách nhiệm” trước hoan hỉ của bạn bè mới và sự chứng kiến của Tổng thống nước chủ nhà. Kể từ đó, ông Bandhit và tôi rất thân nhau, gặp nhau luôn, khi thì Hà Nội khi thì Bangkok nếu không phải tại các hội nghị báo chí quốc tế. Ấy vậy mà rất nhiều chi tiết về đời nghề, đời riêng của ông, tôi không nhớ cặn kẽ bằng Quốc Toàn. Quốc Toàn nhân hậu, ít nói về mình, sống rất có chiều sâu, bằng tấm lòng, từ trái tim.

Đọc Tản mạn về đời, tôi ngạc nhiên sao trí nhớ anh cụ thể, chi tiết, mạch lạc đến vậy, đã bao năm qua nay vẫn có thể tỉ tê buồn vui sống động như việc vừa xảy ra hôm qua, hôm nay. Tuy nhiên, không phải nhớ gì kể nấy. Tác giả cũng kỹ lưỡng lắm, cân nhắc lắm, chắt lọc lắm. Tại một bài, anh thuật lại chuyện câu chuyện 15 năm về trước, do chạm lòng tự ái bởi một lời rỉ tai, anh dứt khoát rời nhiệm vụ Tổng biên tập tuần báo Nhà báo và Công luận vừa mới nhận và đã bắt tay hoạch định công việc dài lâu, xuất phát từ “cái tính đếch cần của dân Xứ Nghệ, không thích thì cho kẹo cũng xin kiếu” - tôi lặp lại lời anh - Quốc Toàn bỏ cương vị mà “anh chưa ngồi vào ghế một giờ”, gọi taxi lên Nội Bài, bay trở về  Nam. Mãi gần đây, khi đọc bài viết Duyên nợ với ấn phẩm Hội của anh trên tạp chí Người Làm Báo và tập bản thảo Tản mạn về đời, tôi mới hay vì sao lúc đó anh không nhận nhiệm vụ tổng biên tập tuần báo Nhà báo và Công luận.

2

Với Chủ tịch hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai, Thái Lan

“Văn tức là người”, nhân cách người viết thể hiện qua trang văn. Nhưng tố chất tạo nên tính cách người cầm bút bao giờ cũng vẫn là truyền thống gia đình, công hun đúc của quê hương, xứ sở. Làng Can Hợi quê Quốc Toàn từng có tên xã Hồng Lĩnh. Hai tiếng ấy gợi tôi nhớ lại thuở mới vào nghề, thời chiến tranh chống Pháp, đã bao lần lang thang tại các tỉnh Bình-Trị-Thiên vùng tạm chiếm và Thanh-Nghệ-Tĩnh miền tự do thuộc Liên khu 4 cũ. Đất Lam Hồng là một nơi nuôi dạy tôi trưởng thành. Từ đó, mỗi lần có dịp vào Nam ra Bắc, đi qua dưới chân dãy Hồng Lĩnh - thời chống Mỹ, quốc lộ 1 từ Bắc vào đến đây, buộc phải rời đường cũ, chạy men chân núi, tránh bớt cầu phà. Hễ nhìn thấy dãy núi Hồng là bài thơ có nhạc điệu lạ (gọi từ có lẽ đúng hơn) của cụ Võ Liêm Sơn hiện lên trong trí nhớ tôi. Bài từ ấy tôi học hồi rất nhỏ, đến cuối đời vẫn thuộc lòng mấy câu: Non Hồng chín mươi chín ngọn/ Ngọn cao nhất trước nhà tôi/ Năm tuổi/ Tôi đà biết đứng ngắm…

Trẻ em Xứ Nghệ lên năm đã biết đứng ngắm non Hồng. Lên năm, nhiều em đã phải lăn vào cuộc đời, chưa đủ lớn để ra đồng chăn trâu cắt cỏ thì cũng bồng em, trông đàn gà cho cha mẹ tần tảo sớm hôm nuôi con…ăn học. Những em bé ấy lớn lên, đời sau nối tiếp đời trước, cùng làm cho vùng đất chưa lấy gì làm giàu có do khí hậu khắc nghiệt này từ xưa đã nổi tiếng địa linh nhân kiệt.Ngòi bút Quốc Toàn đậm chất người Nghệ Tĩnh: hiếu thảo, kiên nghị, cầu tiến, hiếu học, thâm trầm….và đôi khi cũng gợn chút… gàn của Thầy Đồ Nghệ. Văn Quốc Toàn, đời Quốc Toàn biểu lộ tính cách cùng hơi văn người Nghệ Tĩnh, “Đường vô Xứ Nghệ quanh quanh…” và “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh”… 

 (Báo Phụ Nữ TP. HCM)


LẮNG ĐỌNG TÌNH ĐỜI

Đại tá, nhà báo Phạm Đình Trọng

Đọc bản thảo Tản mạn về đời của Phạm Quốc Toàn, càng ngẫm nghĩ càng thấy thú vị. Những kỷ niệm về một thời làm báo lính gian khổ, sâu đậm tình người lại hiện lên trong tâm trí tôi.

Tôi về Báo Quân đội Nhân dân trong bối cảnh cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới của bán đảo Đông Dương đang vào giai đoạn cao trào. Là phóng viên Phòng Quân sự, giống như hồi chiến tranh chống Mỹ, vẫn ba lô và khẩu súng trên vai, tôi lội khắp nơi trên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam – Lào và miền viễn Tây Campuchia để phản ánh  sự ác liệt nóng bỏng của cuộc chiến mới, bất đắc dĩ này; còn Phạm Quốc Toàn là một trong những ngòi bút chủ yếu của báo Quân đội Nhân dân viết bình luận thời sự cũng về cuộc chiến đó.

3

Thảnh thơi trên nẻo đường quê

Lần đầu tôi gặp nhà báo Phạm Quốc Toàn ở sân ngôi biệt thự số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên về chàng trai Hà Tĩnh là đôi mắt có cái gì đó đượm buồn. Vì cùng “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” ở tầng 3 nhà số 8 Lý Nam Đế nên chúng tôi ngày càng gần gũi và chia sẻ những buổi tối thứ 7, ngày chủ nhật cô đơn, cùng chung những sướng khổ, vui buồn. Ngoài dáng vẻ thư sinh nhàn nhã, anh có cuộc đời riêng nhiều sóng gió. Ở Báo Quân đội Nhân dân, có hai người tôi đánh giá sai, tưởng là sống trong nhung lụa, hóa ra  hoàn cảnh gia đình còn khó hơn tôi gấp nhiều lần. Đó là Phạm Quốc Toàn và Hồ Quang Lợi, cũng là cây viết bình luận nổi tiếng. Hiện nay Hồ Quang Lợi  là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Nhà thơ Đỗ Phủ đời nhà Đường (Trung Quốc) nói: “Đời càng khổ, thơ càng hay”. Có phải hai chàng trai xứ Nghệ ấy vì gặp lắm gian truân nên viết báo khá sắc sảo?

***

Về Báo Quân đội Nhân dân, tôi hiểu rằng, thử thách lớn nhất là sản phẩm. Số anh em trong “Hội đồng trung úy” kém tuổi tôi trên dưới một giáp, ve áo kém một sao nhưng là “ma cũ” của Báo Quân đội Nhân dân. Họ tế nhị nhưng tôi biết, đây chính là “quyền lực mềm”, là “thì tương lai” của tòa soạn. Họ hiện đại trong tư duy và cũng duy vật trong bình giá con người. Tôi không ngại mấy cụ tiên chỉ nhà số 7 (vì các cụ thuộc lớp Vệ quốc quân), nhưng vẫn dè chừng các tướng trẻ trong “Hội đồng trung úy”, nhất là Quốc Toàn, vì tôi biết anh chàng này kiệm lời nhưng tiếng nói rất có trọng lượng.

Tôi đã vào cuộc, bắt nhịp công việc và viết được một số bài gây ấn tượng. Các bậc trưởng thượng của Báo Quân đội Nhân dân bàn tán khá sôi nổi về bài ký “Lớp trẻ ở một miền biên giới” nhưng các trung úy thì không. Các cây viết trẻ chỉ bàn riêng với nhau, chưa tỏ chính kiến với tác giả “ma mới”. Nhưng có một chi tiết tôi chú ý là Phạm Quốc Toàn và Trương Quang Châu, mỗi khi thấy tôi đi qua cửa là mời vào uống trà. Trong cuộc “trà đạo”, hai anh không đả động gì về sản phẩm tinh thần của tôi mà toàn bàn chuyện … sửa xe đạp, giá báo cũ ở chợ Hàng Da!

4

Niềm vui em (Bi & Bon) đến trường !

Tôi nhận lệnh trực tiếp của Tổng Biên tập Trần Công Mân sang các tỉnh cực Bắc của Lào và sau đó tôi viết bài ký đăng nhiều kỳ “Nơi đầu luồng gió bấc”. Mới in kỳ thứ nhất, với dòng tít phụ: “Vùng sừng của bán đảo Đông Dương”, Trung úy Phạm Quốc Toàn đã sang buồng tôi ở, tay cầm tờ báo còn nóng hổi, đôi mắt vốn dĩ đượm buồn chợt tươi sáng:

- “Vùng sừng của bán đảo Đông Dương”! Xin chúc mừng bác Phạm Đình.

Nhận ly trà Hồng Đào còn tỏa hương thơm ngát từ tay “già làng” Đinh Khánh Vân, Quốc Toàn vẫn nhìn tôi cười cười. Lúc Quốc Toàn đi rồi, bác Khánh Vân mới bảo tôi: 

-  Quốc Toàn viết tốt, sắc sảo, lại có tư chất của người chỉ huy. Rất triển vọng. Bài của Trọng viết khá, mấy ông trung úy “kiệm lời” lên tiếng rồi đấy, khá lắm!…

5

Đường qua ngõ quê...Phúc Trạch

11 giờ trưa hôm ấy, trên đường xuống cầu thang đi ăn cơm, anh Trương Quang Châu, một chuyên gia “nhà ở nông thôn”, một phóng viên nghĩa tình, bảo tôi: “Chiều nay bọn tôi lấy cơm về, ta ăn tươi”. Tôi biết ngay là mấy ông trung úy sống độc thân ở nhà số 8 Lý Nam Đế chiêu đãi “ma mới”. Ngày ấy cả nước nghèo, nhất là lính. Một bữa ăn tươi của anh em sống tập thể của Báo Quân đội Nhân dân thường là sản phẩm giá bình dân ở chợ Hòe Nhai, gồm: Xà lách (hoặc rau riếp), cà chua, hành hoa, rau thơm, ớt và 1-2 con cá mè ranh Hồ Tây, một cút “cuốc lủi”. Bây giờ mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn xúc động bởi sự sâu đậm của tình bạn bè, đồng nghiệp ở mái nhà chung Báo Quân đội Nhân dân khi ấy. Chúng tôi vô tư, trung thực và thương nhau, trân trọng sức lao động của nhau biết bao! Và tôi cho rằng, làm báo, ở tập thể là hay nhất, tuy bị nhiều thiệt thòi. Tình cảm nhớ thương cha mẹ, vợ con dồn hết cho bài viết; bài hay, được đồng nghiệp khen kịp thời, bài dở bị chê tắp lự.

***

Năm 1983, tôi nhận nhiệm vụ Phó Trưởng ban Đại diện phía Nam Báo Quân đội Nhân dân. Cùng lúc này có thông tin Thiếu tá Phạm Quốc Toàn, Phó Trưởng phòng Thời sự quốc tế, đang xin ra khỏi quân đội, có khả năng về Báo Vũng Tàu - Côn Đảo. Nghe tin ấy, tôi không ngạc nhiên mà chỉ tiếc cho Báo Quân đội Nhân dân nói riêng, quân đội nói chung, đã để “sổng” mất một cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”. Tôi không ngạc nhiên vì biết không phải Quốc Toàn không ưa đời quân ngũ, không muốn gắn bó với mái nhà số 7 Phan Đình Phùng. Quốc Toàn biết Báo Quân đội Nhân dân là tờ nhật báo lớn của cả nước; Tổng Biên tập, Bí thư Đảng ủy, các Phó Tổng Biên tập đều rất quí mình và mình cũng đang nằm trong lộ trình bồi dưỡng và sử dụng lâu dài. Ngặt một điều, gia đình anh quá xa xôi cách trở, hoàn cảnh quá khó khăn; cuộc “Bắc tiến” đưa gia đình về Hà Nội không thành công. Tôi không thể nào quên lần đi lao động Mỏ Chén (Sơn Tây) tròn một tháng, trở về Tòa soạn, gặp Quốc Toàn ở sân nhà số 7 Phan Đình Phùng khi anh cũng vừa từ quê ra. Đôi mắt Toàn buồn vời vợi, nước mắt chỉ chực tràn ra. Tôi cầm tay anh, thương lắm mà chẳng biết nói gì…

6

Dì Tư & cậu Bảy (em của Mẹ) nơi quê nhà, 7.2017


Tiếc về một cán bộ sống tốt, viết tốt của Báo Quân đội Nhân dân, tôi tìm cách kéo Quốc Toàn về Cơ quan Đại diện Báo Quân đội Nhân dân ở phía Nam. Tôi quyết định vậy bởi lẽ, khi Quốc Toàn xin chuyển ngành mọi người ở tòa soạn ai cũng tiếc. Thiếu tướng, Tổng Biên tập Trần Công Mân trì hoãn mãi vì anh đang là cán bộ nguồn lãnh đạo trẻ. Còn trong Nam, Thượng tá, Trưởng ban Đại diện Nguyễn Vũ Linh, cùng Phòng Thời sự với anh trước đây, đánh giá cao “tâm” và “tài” của người đồng nghiệp này. Bài toán “an cư” rất khó với Hà Nội chứ thời điểm đó không khó với thành phố Hồ Chí Minh.


Nhân một chuyến ra Hà Nội họp, tôi gặp Phạm Quốc Toàn đặt vấn đề xin Ban Biên tập cho Phạm Quốc Toàn vào cơ quan thường trú phía Nam Báo Quân đội Nhân dân. Dường như sự không may của gia đình lúc di chuyển ra Hà Nội trước đây còn ám ảnh, Quốc Toàn ậm ừ cho qua chuyện. Tôi chưa chịu bó tay. Khi anh vào thành phố Hồ Chí Minh, nghỉ ở 63 Lý Tự Trọng, tôi xui Trưởng Cơ quan đại diện Nguyễn Vũ Linh tấn công. Vì là “đồng tộc”, lại thân nhau, tin nhau, nên tôi nói thẳng, giọng có chút đùa vui: “Ông vào Ban Đại diện đi. Nhà ở, hộ khẩu, công việc của vợ, học hành của con, đều có thể giải quyết được. Ông Nguyễn Vũ Linh nghỉ, Quốc Toàn kế nhiệm – chắc chắn Đảng ủy và Ban Biên tập sẽ duyệt; mình làm Bí thư cho”. Không hiểu do nể tôi hay do bùi tai, Phạm Quốc Toàn gật đầu. Nhưng rồi lực hấp của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo mạnh hơn, cuối cùng Phạm Quốc Toàn vẫn chọn thành phố biển dầu. Phạm Đình Trọng thua trắng tay: 1-0!

Các con của Quốc Toàn học giỏi xuất sắc, đỗ đại học lên thành phố Hồ Chí Minh “tá túc” tại 63 Lý Tự Trọng đi học. Mỗi lần thấy Quốc Toàn ghé thăm con, tôi lại đùa: “Chú đúng là đi đường vòng. Lẽ ra nghe tôi, giờ khỏi phải hành quân 120 cây số”.


Tuy nói vậy nhưng qua thời gian, càng ngày tôi càng thấy Phạm Quốc Toàn chọn đáp số thành phố biển dầu thế mà hay. Anh trở thành một tổng biên tập báo Đảng vững vàng, được đồng nghiệp, bè bạn nể trọng. Với cái tâm - cái tầm - tư chất của Quốc Toàn, dù làm gì, ở đâu anh vẫn kiên định, đứng vững, phát triển tốt. Quốc Toàn thành đạt cho mình, chu toàn cho con cái, bè bạn. Tâm thế của Quốc Toàn sáng lắm. Duyên nợ với công tác của hội nhà báo, cuộc đời vào thu, anh vẫn tiếp tục gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, nơi khởi đầu anh đã tỏa sáng, ra đi.

Phạm Quốc Toàn, lắng đọng tình đời. Thật vui khi “lang thang” cùng Tản mạn về đời của một đồng nghiệp mà tôi yêu quý!       

(Báo Quân đội Nhân dân)


“TẢN MẠN VỀ ĐỜI” VỚI PHẠM QUỐC TOÀN

Khánh Tường

Nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, vừa  ra mắt bạn đọc cuốn sách mang tựa đề khá hiền lành: “Tản mạn về đời”. Cuốn sách gồm 6 phần, được đánh số thứ tự. Trong phần tự bạch, anh giới thiệu với bạn đọc chủ đề từng phần: “Phần đầu là những ký ức về người Thầy, người Anh – một thời tôi may mắn được gắn bó; tố chất, bản lĩnh của họ đã tác động nhiều đến nghiệp làm báo của tôi cũng như thế hệ làm báo thời kỳ hai miền Nam Bắc còn chia cắt. Những dòng tiếp theo là những dòng ký ức đậm chất nghề – chân dung về những người bạn, đồng nghiệp, những câu chuyện cảm động về cuộc sống đầy gian khổ – tình người đã qua…”.Cầm cuốn sách mang cái tên “phổ cập”, có dung lượng vừa phải – 312 trang – được trình bày đơn giản nhưng lạ mắt, sang trọng. Tôi không ngạc nhiên, bởi Quốc Toàn là vậy: Không ồn ào, suy ngẫm nhiều hơn nói, nhìn đời bằng đôi mắt tinh tường, nhân hậu – anh thuộc dạng người “Anh hoa không phát tiết ra ngoài”, cái duyên đằm thắm xứ Nghệ “lặn vào trong” chứ không “bong ra ngoài”. Hình thức cuốn sách phần nào phản ánh bản chất tác giả. Còn nội dung? Văn tức là người vậy – “Tản mạn về đời” gồm 45 tản mạn, câu chuyện nào cũng có dấu ấn nhà báo xứ Nghệ Phạm Quốc Toàn. Nhưng tính cách tác giả bộc lộ rõ nhất ở câu chuyện “Duyên nợ với ấn phẩm Hội”.  

7

Địa lan...tôi yêu

Đầu năm 2012, khi biết nhà báo Phạm Quốc Toàn in sách, tôi đinh ninh đó là cuốn sách tập hợp những bài báo thuộc thể ngôn luận mà anh có thế mạnh; hoặc giả là cuốn sách gồm những bài bút ký, ghi chép, phóng sự, tiểu phẩm – mà anh khá sắc sảo –  trong quãng thời gian 40 năm gắn bó với nghề, như nhiều nhà báo từng làm. Hoàn toàn không phải vậy. Cuối tháng 10-2012, tôi đọc bản thảo; hóa ra nội dung tập sách là những bài viết mới toanh. Hiển nhiên, in sách là từ một đòi hỏi khác chứ không phải cốt “lưu giữ” lại những đứa con tinh thần mình đã sinh ra. 

Trong “Lời tác giả”, Phạm Quốc Toàn bộc bạch: “… có tản mạn tôi chỉ viết một mạch là xong, thậm chí một ngày tôi viết ba tản mạn, chất liệu cứ hiện lên rõ mồn một. Nhưng cũng có những tản mạn tôi phải dành thời gian một vài tháng để gặp gỡ, điện thoại, trò chuyện với nhân vật mình “tản mạn” và kiểm chứng trí nhớ từ những tài liệu còn lưu giữ, từ những người thân, bạn bè, đồng nghiệp”. 

8

Ông & Cháu - Be you coffee & tea!

Viết nhanh vốn là sở trường của tác giả, bởi cái nghề “Bình luận thời sự” nó buộc anh phải thế. Nhưng với “Tản mạn về đời” nhà báo Phạm Quốc Toàn đã tạo ra một tác phẩm có chiều sâu, lắng đọng, anh dành thời gian đầu tư kiểm chứng những chất liệu sinh động trong từng câu chuyện công phu, bài bản. Điều này bạn đọc dễ cảm nhận trong “Tản mạn về đời”. Có những bài không ngắn, đọc khá thú vị với những chi tiết đời thường được một ngòi bút trào lộng có nghề xử lý, khiến người đọc bật cười khoái chá, nhưng lại là  câu chuyện nhẹ nhàng, ẩn chứa những ý nghĩa cuộc đời, như: Hội Hoa quỳnh, Hội đồng Trung úy, Họ Phạm làm báo lính, Mê báo – duyên thơ, Người con vùng Hồ Kẻ Gỗ ... Có bài khá gọn ghẽ về số trang, số chữ nhưng lại chứa đựng ý tưởng sâu sắc, những kí thác buồn về thế thái nhân tình. Lại cũng có tản mạn, theo tôi, tác giả viết nhanh nhưng suy ngẫm về nó thì lâu, cả trước và sau khi viết. Đây là “kết quả” vắt từ  sự trăn trở của tác giả trong gần nửa thế kỷ làm nghề. Có chức, có quyền, tận tâm tận lực trong công việc, sống trung thực, anh có một lăng kính quý giá để nhìn đời, nhìn người và suy ngẫm. Những cọ xát trong nhiệm vụ giúp anh nhìn rõ thật giả, công bằng trong đánh giá, phân tích lý giải những chuyện “phi lý” ở đời. 

Phạm Quốc Toàn chiêm nghiệm từ thực tế, bây giờ đã đến lúc đủ chín để bộc lộ thái độ khinh bỉ sự giả dối, nịnh bợ, những toan tính xấu xa… Nhưng vốn có “tính thiện”, anh lại không muốn làm đối tượng bị tổn thương – Đó chính là mâu thuẫn khó dung hòa. Có những tản mạn, sách sắp in rồi mà anh còn đắn đo, suy nghĩ, cắt hẳn một đoạn hoặc điều chỉnh câu chữ cho mềm đi. Các tản mạn: Tôi với CIA, Sách của MÁRQUEZ thành bột giấy, Xem mặt mà bắt hình dong, Đời là vậy, Biết thì thưa thốt…, theo tôi, tác giả viết trong tâm trạng “cười”… cái sự đời, cười ra nước mắt. 

Ta hãy đọc mấy câu mở đầu  “Tôi với CIA”: “Trên đời này thiếu gì sự ngờ, có kẻ mình cưu mang, đùm bọc, lo cho từng ly từng tí, tưởng hắn chơi đẹp, nhưng chuyện đời là vậy, chưa đến ba bảy hai mươi mốt ngày hắn đã chẳng coi mình là cái “đinh” gì”. Thế mới hay, trên đời, cái đáng sợ nhất là sự phản bội. Chẳng thế mà cụ Nguyễn Công Trứ, một danh nhân đa tài, đa tình, đa đoan và…đa hoạn đã phải nổi đóa mà chửi thề:

Đéo mẹ nhân tình - đã biết rồi

Nhạt như nước ốc, bạc như vôi

Tiền tài hai chữ, son khuyên ngược

Nhân nghĩa đôi đường, nước chảy xuôi!

Ở trang 153 của “Tản mạn về đời”, Phạm Quốc Toàn nhắc đến Nguyễn Công Trứ, có lẽ anh muốn nói về bài thơ chửi đời này nhưng e thiên hạ cho là tác giả vì ngại va chạm nên không trích nguyên văn?!

9

Còn đây là một đoạn trong “Xem mặt mà bắt hình dong”: “Phép biện chứng duy vật kỵ khoa xem tướng số. Nhưng văn hóa phương Đông lại có câu rất hay: “Xem mặt mà bắt hình dong”. Nghiệm vào thực tế, điều ấy thật chí lý. Một cán bộ cao cấp khi quán triệt nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, khi xem xét cán bộ không nên coi nhẹ việc xem mặt mà bắt hình dong. Sự không trung thực, lừa lọc tham nhũng đôi khi còn thể hiện ở diện mạo nét mặt con người. Mặt “chuột” thời nào cũng là mặt “chuột”. Chịu khó quan sát sẽ thấy, không hiếm lắm đâu. Xin hãy tránh xa, đừng để cháy nhà mới lòi ra mặt “chuột”. 

10

Nông trại - cuộc đời vẫn đẹp sao !

Nhà báo Phạm Quốc Toàn, một người trầm tĩnh, kín đáo, cốt cách xứ Nghệ, giàu vốn sống bày tỏ thái độ dứt khoát, rõ ràng. Cùng với những  câu chuyện trữ tình như: Tướng quân làm chủ tịch, Viên mãn tuổi 85, Nhớ thầy Vũ Trọng Huỳnh, Út Khiêm không đi xa, Chào em cô gái Lam Hồng … bộc lộ sự ưu thời mẫn thế, với lối văn phong giản dị, sinh động tình người, đã xâu chuổi, kết nối tạo nên thành công của “Tản mạn về đời” hấp dẫn, nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc./.

(Tạp chí Thương mại, số ngày 20.12.2012;

Báo Lao động xã hội , số ngày 23.12.2012; 

Tạp chí Doanh nghiệp, sô ngày 18.12.2012;

Báo Quân đội - Nhân dân, số ngày 6.1.2013;)


“Trúc câu thiên lý lộ chí tình”

Nguyễn Xuân Lương

(Vụ trưởng, nguyên Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam)

Anh Phạm Quốc Toàn và tôi đều là người Hà Tĩnh, thời trẻ cùng tắm chung dòng nước sông La hiền hòa bắt nguồn từ sông Ngàn Sâu đất Hương Khê  và sông Ngàn Phố của Hương Sơn. Xưa hơn, tất cả thuộc huyện Thổ Hoàng, sau chia đôi huyện, nhưng chung bờ dậu bờ rào.

 Đất Hương Khê, xưa có chiến khu nổi tiếng chống thực dân Pháp thời Cụ Phan Đình Phùng, Cao Thắng. Hương Sơn có Thành Lục Niên, đại bản doanh của nghĩa quân Lê Lợi từ xứ Thanh chuyển vào, làm nên những trận đánh nổi tiếng vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, khiến quân nhà Minh khiếp sợ.     

Thời trận mạc, gươm khua súng nổ cả hai chúng tôi đều cầm súng ra trận. Thế rồi, như sự tình cờ cả hai cùng “bị’ cuốn vào nghề báo. Anh Quốc Toàn về báo Quân đội Nhân dân 15 năm, trước khi “bẻ lái”  phương Nam, là Thiếu tá Phó Trưởng phòng Thời sự  của tờ nhật báo lực lượng vũ trang. Vô Nam, anh “trụ”  ở Báo Bà Rịa-Vùng Tàu trong vai trò Tổng biên tâp hơn 20 năm, nhiều khóa là tỉnh ủy viên trước khi làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (2 nhiệm kỳ), từ năm 2008, kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo, đến nay đã hơn 5 năm. Vậy, cả hai chúng tôi vừa đồng hương vừa đồng nghiệp. Hiện giờ, một ở phía Nam  U 60, một phía Bắc U70.

 Bà Rịa -Vũng Tàu là một trong những điểm đến hấp dẫn, nên nhiều bạn bè, đồng nghiệp các tỉnh, thành thường tìm đến vì nhiều lẽ, đều được Tổng biên tập và cộng sự đón tiếp chu đáo, ân tình. Một số khách còn dược tòa soạn mời viết bài, trả lời phỏng vấn về cảm nghĩ khi đặt chân nơi đây. Vậy là khách vừa được tiếng, vừa được miếng (nhuận bút). Thật tiện đôi đường. Có người ‘tán” Phạm Quốc Toàn sinh năm 1949 - kỷ sửu cầm tinh con trâu, cày khỏe, đường cày thẳng tắp. Vất vả nhưng đó là trâu vàng, trâu bạc. 

 Nhà báo Phạm Quốc Toàn đi nhiều, và hễ đã đi là có ảnh, có bài viết – bài ra bài, đôi khi có cả những “dự án” cho tương lai xa hay gần cốt để đem hoa trái về cho tòa soạn, Bởi thế, lâu nay tôi cứ ngỡ cuốn sách đầu tay của anh hẳn là những bài ký, ghi chép, phóng sự vốn hấp dẫn một số bạn đọc đã đăng trên một số báo - những cuộc du ký trên đất Trung Hoa, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, nước Đức bên trời “Tây”, cùng Paris tráng lệ hay trên đất chùa vàng xứ Thái, đất Triệu voi xứ Lào…Nhưng không, cuốn sách “Tản mạn về Đời” lại là chuyện đời, chuyện người của bạn bè, đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc hay chuyện nơi quê cha đất Tổ, giàn dị, chân chất như củ khoai lang xứ Nghệ. Một sự hướng nội, thuần Việt, chuyện nhà… nhưng thanh tao đáo để, khiến những ai đã đọc hẳn không thể nào quên. Một năm, chỉ một năm thôi (như lời tác giả) mà có được cuốn sách đầy đặn, có hồn, hấp dẫn, bổ ích như thế  thật đáng mừng.   

 Từ TP. Hồ Chí Minh, Phạm Quốc Toàn gửi tặng tôi cuốn sách vừa in  và tôi đọc nó một mạch, bởi câu chuyện nào cũng có vị ngọt, có hương thơm đúng nghĩa, đôi khi pha lẫn vị đắng, nhưng vẫn thích thú, để lại trong bộ nhớ  của mình những ấn tượng khó quên. Đời là vậy, vui đáo để, hóm hỉnh đáo để, nhân văn, ân tình đến lạ.

  Tình thầy trò, tình bạn, tình đồng đội, đồng nghiệp, tình mẫu tử…chung lại là tình người, đúng hơn là chất nhân văn trong tâm hồn, trong nghĩ suy nhất quán giống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong con người anh. Điều này, không chỉ thể hiện trong tập sách mà cả trong đời và nghề. Một sự hòa quyện, xoắn xuýt không chỉ trong suy nghĩ mà cả trong đời sống thực, cả trong máu thịt của mình. Đó là một trong những ấn tượng của tôi đối với bạn mình. Cha ông ta nói, “một chữ hay nửa chữ cũng đều là Thầy. Chính thế mà có lần từ Hà Nội anh cất công về thành phố Cảng để tìm Thầy, mong gặp lại thầy học đã dạy mình những năm ở trường cấp III Hương Khê. Nhưng Thầy đã về thế giới bên kia. Không nản, anh lại tìm đến người vợ của Thầy, cô giáo Thanh Nhàn và hai con của Thầy lúc này đã chuyển vùng, ở trong một ngõ hẻm  quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Thế rôi, hương khói tưởng nhớ người Thầy học năm xưa lại tỏa bay.

Đại thi hào Nguyễn Du ngợi ca “Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”, đó là vẻ đẹp thanh tao khiến cho một số nhà báo ở “phố lính” Lý Nam Đế  sáng kiến lập “Hội” hoa quỳnh để ngâm thơ, bình thơ, luận bàn thế sự liên quan nghề báo, sẻ chia nỗi nhớ gia đình, người thân thời trận mạc.  Không chỉ có thế, “Hội” hoa quỳnh của nhà báo chiến sĩ còn kết nối, tạo nên “sức mạnh tổng hợp” để họ lo chuyện gạo, mì, dầu hỏa, củ xu hào… kịp lên xe về quê làm quà dịp lễ Tết . Nói chuyện này trong thời đổi mới, hẳn có người không tin. Nhưng đó là sự thật của một thời chưa xa. Hơn thế, đó còn là vẻ đẹp của những người lính, lung linh sắc màu trăm trận trăm thắng. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp hay không đồng nghiệp, mới gặp vài ba lân hay đã biết nhau lâu thường có chung nhận xét, ngoài việc làm báo có nghề, Phạm Quốc Toàn còn là người biết tổ chức và quản lý công việc từ lớn đến  nhỏ, phức tạp hay đơn giản. Với anh, thành công hay chưa thành công của những người dưới quyền, anh đều có cách nhìn nhận đúng mức, rất ít khi “chém gió” nên thuyết phục được nhiều người.      

Kể chuyện này tuy riêng tư, nhưng nó hàm chứa tình người. Tôi có cháu trai – cháu nội bà chị gái ở Hà Nôi, học xong trường nghề chưa tìm được việc làm,  anh Phạm Quốc Toàn  nhận cháu vào phía Nam làm việc. Cháu được thu xếp ăn, ở ngay trong nhà mình. Cho mượn cả phương tiện để đi làm. Nhiều hôm còn đợi cơm vì cháu về muộn. Được biết, đây không phải chuyên riêng lẻ, đơn chiếc mà không ít trường hợp khó khăn của bè bạn, anh đều tận lòng giúp đỡ, khi có thể.     

Kể về tình mẫu tử, tinh huynh đệ, anh viết làm tôi rơi nước mắt khi đọc: “Bố vội vã về cõi vĩnh hằng- không một lời từ biệt- khi bao công việc đang dang dở; con cái chưa trưởng thành”…Và, chỉ mấy năm sau đó, Mẹ cũng đi xa. Nếu như Bố “vội vã về cõi vĩnh hằng” bù lại mẹ anh  lại dặn dò “Mẹ không ở thêm với các con được nữa. Nhớ chăm sóc các em.  Các con thương nhau, bao bọc cho nhau.”. Vâng lời mẹ dặn, Phạm Quốc Toàn hết lòng chăm sóc các em.  Nhà báo Nguyễn Luân, Thường trực Hội nhà báo Thừa Thiên- Huế có lần kể lại, thời học trò Quốc Toàn khổ lắm, ngoài giờ học còn phải lến rú chặt chổi trện về làm chổi bán kiếm tiền nuôi em và lo ăn học cho bản thân. Bù lại, Quốc Toàn học giỏi và không quên kèm cặp bạn bè cùng lớp. Làng ấy, làng Can Hợi, sau là Phúc Trạch - nơi có giống bưởi ngon nổi tiếng, sau này là xứ trồng cây gió trầm “một vốn mười lời” vốn có nhiều người học giỏi, có đến 9 nhà báo cùng thôn, Huyền Dân, Phạm Quốc Toàn, Trần Thu Hiên (nguyên Tổng biên tập báo Khoa học & Đời sống), Nguyễn Luân…

Mới đây, biết vợ chông tôi vào Sài Gòn, anh  đãi cơm, nhưng không quên đĩa cà muối xứ Nghệ. Chỉ thế thôi cũng đủ cắt nghĩa cái tình, cái nghĩa dù ta đã đi nhiều nơi của bốn phương trời. Nhân bữa cơm, tôi đem chuyện kể của Nguyễn Luân hỏi  Quốc Toàn, anh thực tâm thủ thỉ: “Được thừa hưởng từ Bố, tôi có thói quen đam mê đọc sách từ khi còn nhỏ. Đi học, đi làm, thời còn trẻ cũng như lúc tuổi xế chiều, làm báo,  sách là hơi thở cuộc sống đời tôi”… Đành rằng, từ đọc đến viết là một khoảng cách không ngắn - nhưng với Phạm Quốc Toàn sau khi rời ghế nhà trường, anh có may mắn bước vào trường “Đại học quân đội” vừa trui rèn bản thân vừa đào luyện chuyện viết lách. Bởi thế, dù bận rộn công tác quản lý, anh vấn giành mật ngọt cho “Tản mạn về Đời”. Tháng 6 – 2013  anh có thêm cuốn “Nghề và Đời” hơn 300 trang in, tiếp nối những trang viết của “Tản mạn về Đời”, xuất bản tháng 12-2012. Vậy là dòng Đời (viết hoa) một thứ cốt lõi như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tâm hồn và trí tuệ trong con người  Phạm Quốc Toàn. Anh bật mí, tháng 10-2013, tập sách thứ 3 của anh – cũng dày dạn không kém sẽ ra mắt bạn đọc. Chiếc máy tính xách tay luôn bên anh. Anh vừa làm công việc quản lý một tờ báo, công việc Hội nhà báo bao bộn bề  và tranh thủ  mọi nơi, mọi lúc viết báo, viết sách. Sức làm việc của Phạm Quốc Toàn  đến lạ. Anh đang âm thầm rượt đuổi với thời gian …

 Nghĩ về bạn bè, tôi nhớ chuyện cũ. Năm 1948 tại Việt Bắc Thủ đô gió ngàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời cụ Võ Liêm Sơn (lão thành cách mạng từ Nghệ An ra họp) sang thăm Bộ Tổng tư lệnh. Lo lắng đường núi khó đi, Bác Hồ trao tận tay cụ Sơn cậy gậy trúc rồi nói “Nhất sinh chính trực hựu kiên cương/ Huế thủ đồng hành kỷ tuyết sương”. Trở lại đất Nghệ, cụ Võ Liêm Sơn kể lại với mọi người. Nhân đó cụ cả Khiêm (anh trai Bác Hồ) vịnh thơ: “Trúc câu thiên lý lộ chí tình”. Nghĩa là cái tình là hơn cả, Còn tình còn mọi cái. Âu đó cũng là lẽ sống ở đời và trong con người của bạn tôi - nhà báo Phạm Quốc Toàn hội tụ, lan tỏa tất cả điều đó. 

 (Báo Sài gòn Giải phóng ,  ngày 27.12.2012)


 

NGHÃ TÌNH SÂU NẶNG

Nhà  thơ Lê Minh Quốc

Khi báo Vũng Tàu chủ nhật thực hiện số đầu tiên, tôi đã cộng tác. Thoáng đó mà đã hơn mười năm rồi. Mối thân tình với anh em dồng nghiệp ở báo Bà Rịa - Vũng Tàu cũng từ đó.  Cũng từ đó, tôi gặp nhà báo Lưu Trọng Phú và từng lai rai, tán ngẫu bên chập chùng sóng vỗ. Gần đây, được anh Phạm Quốc Toàn - Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo - tặng tập sách mới nhất của anh Tản mạn về đời, đọc bài Mê báo - Duyên thơ, tôi mới vỡ ra nhiều lẽ.

Thì ra, đồng nghiệp Lưu Trọng Phú là cháu gọi nhà thơ Lưu Trọng Lư bằng ông và anh còn làm thơ nữa - đã in những tập thơ như Lửa lòng, Nhịp thời gian... Anh Phạm Quốc Toàn viết: “Lưu Phú nhiệt tình với bạn bè xa cũng như gần, chẳng ngó ngàng đến chức tước, giao việc gì làm việc đó: Trưởng phòng biên tập Văn xã, xong; điều động làm trưởng phòng Kinh tế, cũng xong; lại qua làm trưởng phòng  Bạn đọc, cũng xong nốt. Việc gì được phân công, anh đều tận tâm, không nề hà, làm hết trách nhiệm”. 

Bài báo này có một điều lạ: Nhà báo Phạm Quốc Toàn nguyên Tổng biên tập báo Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng anh lại dành những trang viết hết sức chân tình về “lính” của anh là Lưu Trọng Phú. Ngược lại, Phú phải sống thế nào mới được “sếp” cũ ưu ái đến vậy. Phú sống thế nào? Anh Toàn cho biết: “Lương bổng Lưu Phú chẳng màng, giao vợ quản lý; nhuận bút viết báo để cà phê, gặp gỡ hàn huyên bạn bè. Đồng nghiệp của Phú tếu táo: 

Làm thơ chỉ có yêu đương 

Làm báo chẳng có nhận lương bao giờ”

Đọc bài viết này, riêng tôi cảm nhận tình đồng nghiệp của các anh ấm áp và thân tình quá đỗi. 

www.leminhquoc.vn. Xuân 2013


 

PHẠM QUỐC TOÀN – TẢN MẠN VỀ ĐỜI

Trần Thế Tuyển
Tổng Biên tập Báo Sài Gòn – Giải phóng

Lâu nay, đến lúc “vào thu” cuộc đời, người ta thường làm điều gì đó để chiêm nghiệm phần đời đã sống và cống hiến. Mỗi người một cách, tùy theo sự lựa chọn của riêng mình. Người thì viết tự truyện, hồi ký. Người thì in tuyển tập hoặc tác phẩm chọn lọc. Có người viết tiểu thuyết, trường ca và cả truyện ngắn nữa để gửi gắm lòng mình với người, với đời. Nhà báo Phạm Quốc Toàn cũng thế. Vào thu cuộc đời, hơn 40 năm gắn bó với nghề báo, tác giả chọn cho mình lối đi riêng. Phạm Quốc Toàn viết TẢN MẠN VỀ ĐỜI (chứ không phải Tản mạn với đời) để giãi bày những điều sâu kín nhất, những điều mà như anh tâm sự: suy ngẫm và thấy vẫn còn nhiều điều về đời mà mình đã trải nghiệm, chưa kịp chắt lọc, viết ra . 

Đúng. Còn nhiều điều đã trải nghiệm, Phạm Quốc Toàn chưa kịp viết ra. Nhưng chỉ hơn 300 trang sách (NXB Văn Học - 2012), viết trong vòng một năm, Tản mạn về đời phác họa rõ chân dung của một người cầm bút tâm huyết với đời, với nghề . Từ cậu bé thông minh ở làng Can Hợi (Hà Tĩnh) - bên dãy núi Hồng Lĩnh sừng sững, Phạm Quốc Toàn vào lính thời chiến – thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, rồi trở thành nhà báo – người viết bình luận thời sự  của Báo Quân đội Nhân dân ( QĐND ). Và, vượt lên chính mình, anh khẳng định vị trí một nhà quản lý báo chí với gần 30 năm liên tục làm Tổng Biên tập  báo Đảng địa phương và  tờ báo của Hội Nhà báo Việt Nam .

KÝ ỨC VỀ NGƯỜI, VỀ NGHỀ        

Phạm Quốc Toàn chia cuốn sách thành 6 phần, với những ý tưởng rõ ràng. Mỗi phần chuyển tải  một sự tản mạn. Lại nói về tản mạn. Tôi thích ý của nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong lời tựa cuốn sách này: Anh (PQT-TTT) bảo tản mạn, song nội dung khá bài bản, lớp lang, lời lẽ bình dị song không vì vậy mà kém chiều sâu. Tác giả không làm văn, anh thủ thỉ tâm tình. Bao trùm lên cuốn sách là ký ức về người, về nghề. Tác giả không ngẫu nhiên sắp đặt nhân vật cho từng trang mục mà có sự chọn lọc, cân nhắc kỹ càng. Người ta chú ý đến phần 1, bởi đó không chỉ là chân dung những người thầy, người anh, những người đồng nghiệp mà anh hằng kính trọng, cảm phục như các Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân: Thiếu tướng Trần Công Mân, Trung tướng Nguyễn Đình Ước; nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo, nhà giáo Trần Quang Huy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy  Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà báo Hồng Phương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP. HCM… mà anh còn giành tình cảm trân trọng cho những người có ảnh hưởng  lớn đến cuộc đời mình như thầy giáo thời học sinh cấp 3 Vũ Trọng Huỳnh, Tướng quân Nguyễn Minh Ninh, nguyên Chủ tịch UBND  tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu …

Những con người thành danh ấy cùng với những người khác – bạn đồng nghiệp, đồng ngũ mà anh giới thiệu ở phần sau như : Trần Thế Tuyển – đi và viết; Lưu Trọng Phú – mê báo – duyên thơ; Chánh Trinh và VDT; Nguyễn Đức Thiện – Thợ cày lặng lẽ; Xuân Sách làm …kinh tế; Phan Ngọc Long – Chào em cô gái Lam Hồng; Lớp trưởng Trần Ngọc Bích … mỗi người một vẻ, dưới ngòi bút chân thực, dung dị của Phạm Quốc Toàn hiện lên lung linh, thấm đẫm đời và nghề. 

Tôi thích nhất những tản mạn của Phạm Quốc Toàn về bậc sinh thành - song thân, và những con người bình dị mà cao quý đã ảnh hưởng suốt cuộc đời của tác giả. Đó là Bố về cõi vĩnh hằng; Mẹ, một đời tần tảo; Út Khiêm không đi xa;  đó là Làng Can Hợi có xóm Đông, xóm Nam - nơi có bưởi Phúc Trạch nổi tiếng. Đặc biệt, khi viết về Vũng Tàu – Vũng Tàu biển hát, quê hương thứ hai và Mái ấm 63 (Ban Đại diện phía Nam Báo Quân đội Nhân dân đặt tại số 63 đường Lý Tự Trọng, Thành phố Hồ Chí Minh) ngòi bút của Phạm Quốc Toàn bay bổng lạ thường. Dễ hiểu thôi. Ấy là những địa danh thấm đẫm kỷ niệm vui buồn của nhà báo – người lính Phạm Quốc Toàn - nơi tác giả đã cần mẫn sống và làm việc để cống hiến cho đời, cho nghề .

BẢN LĨNH VÀ CỐNG HIẾN     

Trên đời này thiếu gì sự ngờ, có kẻ mình cưu mang đùm bọc, lo cho từng ly từng tý, tưởng hắn chơi đẹp, nhưng chuyện đời là vậy, chưa đến ba bảy hai mốt ngày hắn đã chẳng coi mình như cái “đinh” gì. Đã một lần tôi được nghe nhà báo Phạm Quốc Toàn tâm sự như vậy và giờ đây những  suy nghĩ ấy của anh được thành văn trong đoạn mở đầu bài tản mạn Tôi với …CIA. Đó chỉ là một sự hiểu lầm, tắc trách trong công việc của người làm báo, đã để lại một hệ lụy nghiệt ngã cho người khác. Tôi nghĩ Phạm Quốc Toàn kể lại chuyện này để gửi thông điệp cho đồng nghiệp: Quyền và Nghĩa vụ của người làm báo; với nghề báo - một nghề vừa cao quý, vừa nguy hiểm. Một con người kín đáo, khiêm nhường, kiệm lời, thường lắng nghe người khác tỏ bày như nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận xét; một “tướng” trẻ trong “hội đồng trung úy” kiệm lời nhưng tiếng nói rất có trọng lượng như Đại tá nhà báo Phạm Đình Trọng, nguyên Trưởng cơ quan Đại diện Báo Quân đội Nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định lại là một con người bản lĩnh, quyết liệt khi cần thiết .  

Tôi nhớ vào khoảng những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Phạm Quốc Toàn là Thiếu tá, chuẩn bị nhận cấp hàm Trung tá, Phó Trưởng phòng Thời sự  Báo Quân đội Nhân dân.  Là một cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực phát hiện và khái quát cao, ông lọt vào tầm ngắm quy hoạch nguồn lãnh đạo của tờ báo Đảng trong lực lượng vũ trang. Nhưng, đùng một cái, Phạm Quốc Toàn làm đơn xin chuyển khỏi Báo QĐND, rời xa Hà Nội. Không biết vì lý do sâu kín gì, nhưng Phạm Quốc Toàn kiên quyết “dứt áo ra đi”. Ngay cả phương án, Đại tá Phạm Đình Trọng đề nghị  anh về công tác tại Ban Đại diện Báo QĐND tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng không xuôi và anh khoác ba lô xuống vùng đất mới: Vũng Tàu. Một chuyện khác, trước đây tôi có nghe, chẳng biết hư thực ra sao. Năm 1996, Hội Nhà báo Việt Nam làm công văn “xin” Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu mời Phạm Quốc Toàn về làm Tổng biên tập ấn phẩm Nhà báo & Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam. Sau nhiều đêm suy nghĩ, đang ngon cơm, ngon canh ở Báo Bà Rịa-Vũng Tàu , Phạm Quốc Toàn khăn gói quả mướp về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Từ Thành phố Hồ Chí Minh , Phạm Quốc Toàn bay ra Hà Nội, về thẳng 59 Lý Thái Tổ, bắt tay ngay vào công việc. Trước đó, với quyết tâm đổi mới toàn diện tờ báo của Hội, anh đã âm thầm vận động được vài chục doanh nghiệp hỗ trợ quảng cáo và mua báo dài hạn. Nhưng rồi, có sự hiểu lầm, xúc phạm, Phạm Quốc Toàn  kiên quyết  một lần nữa “dứt áo ra đi”. Quốc Toàn trả lại quyết định Tổng biên tập, gọi taxi lên thẳng Nội Bài bay vào Nam. Cuộc đời trăm nẻo, muôn mặt là vậy. Đọc Duyên nợ với những ấn phẩm của Hội, tôi mới rõ ngọn nguồn. Cách ứng xử này, theo nhà báo Phan Quang xuất phát từ “cái tính đếch cần của dân Xứ Nghệ, không thích thì cho kẹo cũng xin kiếu “...

Phải có bản lĩnh mới có thể cống hiến hết sức mình. Đọc sách của Phạm Quốc Toàn, tôi mới hiểu vì sao cách đây hơn 5 năm, khi đang làm Phó Cục trưởng Cục Báo Chí (phụ trách Phía Nam), tôi được Thành ủy TP Hồ Chí Minh “xin” Bộ Thông tin & Truyền thông điều về làm Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; trên chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Buôn Ma Thuột, Phạm Quốc Toàn đã động viên tôi dấn thân thêm một lần nữa với đời, với nghề.

Từ bản lĩnh người lính Cụ Hồ và cả một chút ương ương, gàn gàn của dân Xứ Nghệ, hơn 40 năm làm nghề, Phạm Quốc Toàn đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà. Nhân vô thập toàn, làm sao tránh khỏi những khiếm khuyết. Nhưng điều không thể phủ nhận ở Phạm Quốc Toàn là cái tâm, cái tầm, cái tư chất của người làm báo, người tham gia công việc chỉ đạo và quản lý báo chí .  

Điều ấy lấp lánh trong từng trang viết Tản mạn về đời .

Báo Nhà báo & Công luận số xuân 2013;

Đài Tiếng nói Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh, ngày 13.1.2013.


 

Bùi ngọc Diệp

Tản mạn về Đời

Một mảnh đời, một cuộc đời 

Một tễu vui cười , một Thị kính ức oan

Một Thạch Sanh , một anh Từ Hải 

Một đám hội đồng , bà Phán với cậu Xuân *     

Một cố Nhân , một đời thế sự     

Sách bút này ghi lại tại tâm     

Đời vẫn thế - Sao đời vẫn thế  /  ?     

Tản mạn về Đời cho nghiệp kế vấn vương  

Vũng tàu 21-01- 2013 

* Truyện ngắn Vũ trọng Phụng


CHẮT LỌC NHÂN VĂN TRONG “ TẢN MẠN VỀ ĐỜI”

Nguyễn Sỹ Đại

Tản mạn về đời (NXB Văn học, 2012) là tập sách về nghề báo, về những người thân yêu của nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Sách dày hơn 300 trang, gồm 6 phần, đánh số từ 1 đến 6. Tác giả không ghi tên từng phần, nhưng có thể hiểu: Phần 1 viết về những người ông cùng làm việc và ngưỡng mộ như Trần Công Mân, Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân; Bandhit, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái-lan; thầy giáo dạy ông hồi cấp III Vũ Trọng Huỳnh… Phần 2 viết về những anh em bè bạn thân thiết hơn như nhà thơ Xuân Sách, nhà báo Chánh Trinh, Trần Thế Tuyển, Phan Ngọc Long… Phần 3 nói về những kỷ niệm riêng, từ việc vào bộ đội, vào làng báo, duyên nợ tạp chí Người làm báo… Phần 4 viết về những kỷ niệm tại Báo Quân đội nhân dân, báo Bà Rịa – Vũng Tàu, nhất là những con người trong “Hội đồng trung úy” trong  báo Quân đội nhân dân. Phần 5 nói về vùng quê Hương Khê và những người thân trong gia đình. Phần 6, vẫn là những câu chuyện tản mạn, nhưng từ đó đúc kết nên một số kinh nghiệm và triết lý ở đời.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn sinh năm 1949 tại Hương Phúc, Hương Khê, Hà Tĩnh. Bố ông là cán bộ dân vận, đồng  thời là cộng tác viên của một số tờ báo trung ương. Do ảnh hưởng của bố, ông đã có những bài viết được đăng trên báo Thiếu niên tiền phong từ năm 12 tuổi. Năm 1968, khi tốt nghiệp lớp 10, ông là một trong 50 học sinh xuất sắc toàn diện của tỉnh Hà Tĩnh được chọn đi học  Đại học Quân sự tại Liên Xô. Nhưng các mặt trận B, C  sau Mậu Thân rất thiếu quân, do đó số học sinh tạo nguồn này lại được điều vào chiến trường. Sau đó, ông lại được quân đội gửi đi học tại Lớp Báo chí khóa I Trường Tuyên giáo trung ương, nay là Học viện Báo chí – Tuyên truyền. Tốt nghiệp, ông về công tác tại Phòng Thời sự Báo Quân đội nhân dân, được đào tạo tại Học viện Chính trị, được quy hoạch vào chức danh Tổng Biên tập vào năm 38 tuổi. Rồi cũng chính lúc ấy, vì hoàn cảnh gia đình, nhưng có lẽ do con đường số phận (như việc không đi Liên Xô mà đi chiến trường), ông chuyển vào nam công tác, làm Tổng Biên tập Báo Vũng Tàu – Côn Đảo (sau là Bà Rịa – Vũng Tàu). Tôi không biết ông có giải quyết tốt hơn công việc gia đình hay không nhưng biết rất rõ với năng lực và tâm huyết nghề nghiệp, ông đã làm cho tờ báo này nổi bật lên trong làng báo Đảng địa phương. Nhiều phóng viên tài danh, kể cả những người mới ra trường đều tìm đến báo ông như một miền đất hứa. Người thì muốn có thu nhập cao, người thì muốn được thể hiện năng lực cá nhân ở tờ báo sớm đổi mới phong cách và có Tổng Biên tập biết trọng thị. Và ông đã sẵn lòng thâu nhận, đào tạo để họ thực hiện được hoài bão của mình. Tôi còn nhớ, Vũng Tàu chủ nhật, VDT (Văn hóa, Du lịch, Thể thao), những ấn phẩm  của báo ông bán khắp cả nước, bán chạy như tôm tươi vì lượng thông tin phong phú, đa chiều vào cái thời người ta còn ngại nói khác, ngại trách nhiệm – trừ trách nhiệm với bạn đọc! Với lập trường chính trị vững vàng của một Anh Bộ đội Cụ Hồ được tôi rèn qua nhiều trường học, trường đời, với những thành tích làm báo nổi bật ấy, ông được tín nhiệm bầu vào BCH rồi Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 1990 (ĐH IV) cho đến nay.

Nói về nghề báo, Phạm Quốc Toàn tâm sự: “Nếu nói nguyện vọng, khi làm hồ sơ đại học, tôi chọn ngành kỹ thuật, và đó cũng là lý do quân đội tuyển chọn tôi đi học đại học quân sự. Nhưng có lẽ cũng là duyên nợ, tôi không được chọn học các ngành kỹ thuật - cuộc đời đã cho tôi dấn thân với nghề báo - nghề mà tôi yêu thích lúc còn nhỏ… Thật may mắn và hạnh phúc, những ngày tuổi thơ tôi được bố - một người bố tuyệt vời đã dìu dắt tôi học viết báo. Có ai ngờ những bước đi chập chững đầu tiên đó đã đặt nền móng cho tôi dấn thân - đắm say với nghề báo. Nếu bây giờ được chọn lại, tôi chọn nghề báo, nghề mà bố tôi đã yêu thích và định hướng cho tôi từ những ngày đầu chập chững vào đời – nghề của sức sáng tạo và cống hiến không bao giờ ngơi nghỉ”.
Tản mạn về đời  của Phạm Quốc Toàn là chuyện của một người sốt đời làm  báo. Nhưng chuyện về người làm báo, nghề báo cũng là chuyện đời, chuyện con người.

Mà làm người thì trước hết phải có tình yêu con người, có đạo lý và trách nhiệm. Điều nổi bật nhất, sâu sắc nhất là câu chuyện làm người.
Viết về Chủ tịch danh dự Liên đoàn báo chí ASEAN Bandhit Rajavatanadhanin, ông chú ý đến nghị lực vượt khó của một cậu bé con nông dân nghèo; ở tình cảm mẹ con – “mẹ là tất cả”; ở cách dạy con biết tự học để vươn lên không ngừng, chắt chiu dành dụm từng đồng tiền nhưng sẵn sàng chia sẻ cho bạn bè và những người thiếu thốn.


Viết về những phóng viên báo Quân đội nhân dân cùng trang lứa, ông cũng chú ý và làm xúc động người đọc bằng những chi tiết rất người: Trương Quang Châu tích cóp được ít mì sợi, Thiều Quang Biên gom được mấy lít dầu hỏa cùng về quê ăn Tết. Hai món hang quý nương tựa vào nhau trên chuyến xe bão táp thời bao cấp; xuống thị xã Hà Tĩnh thì dàu ngấm hết vào mì. Hai nhà báo sĩ quan bỗng bật khóc như con trẻ khiến nhiều người trong xe cũng cảm thương rớm lệ…

Chất người là tình thương yêu. Chất người còn là sự khiêm nhường. Đó là câu chuyện về thầy giáo Vũ Trọng Huỳnh, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc Khoa Sử ĐHSP Hà Nội xung phong vào tuyến lửa dạy học. Là con trai thành phố, con trai Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh trong Chính phủ đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà thầy không hề một lần nhắc tới để khoe khoang hoặc lợi dụng mà còn từ bỏ mọi thói quen thành phố để hòa đồng với cuộc sống cần lao.Chất người còn là sự khí khái. Sự khí khái này thể hiện trong phẩm cách của mọi nhân vật được nhắc đến trong cuốn sách này, và cũng được thể hiện ở chính tác giả, một người ẩn khuất khiêm nhường chỉ dành những lời thương yêu trân trọng cho bạn bè, đồng nghiệp. Đó là khi anh bênh vực cho đồng nghiệp ở Đài PT-TH Đồng Nai Mai Sông Bé; tự bảo vệ mình trước sự nghi vấn có liên quan đến CIA. Tuy lần ấy ông không được giới thiệu tái đắc cử Tỉnh ủy viên với lý do: “Báo Đảng chưa cần cơ cấu, ưu tiên cơ cấu cấp ủy cho một ngành kinh tế mũi nhọn”. Ông  gửi đơn khiếu nại đến tổ chức, công an tỉnh điều tra kết luận không có vấn đề gì, đồng chí Phạm Quốc Toàn là người “trung thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi, phẩm chất đạo đức chuẩn mực, trong sáng”. Về chuyện này, ông viết: “Một việc không đáng có, sự vụ chẳng có gì phức tạp, vậy mà nỗi oan khuất kéo dài đằng đẵng suốt mấy năm. Với tôi – Tổng Biên tập một tờ báo Đảng tỉnh mà còn vậy, người dân bình thường thì biết kêu oan vào đâu. Ở đời có người thương kẻ ghét – nhiều khi người ta ghét chỉ vì đố kỵ, ích kỷ của một cá nhan nào đó có quyền lực, có khi lại chỉ vì một lý do rất vớ vản, địa phương cục bộ. Nhưng ông trời rất công bằng, lẽ đời cái hiền, cái đẹp, cái tốt vẫn là chính yếu; Đảng ta – Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là ánh dương tỏa sáng! Tôi biết ơn Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là chú Tư Hy, anh Lâm Minh Chiến, anh Phan Văn Từ… đã minh bạch, lòng sáng trong, vẹn tình trọn nghĩa”. Cái sai – trái quyết sửa lại cho cân. Danh – lợi  dù to, dù nhỏ nhưng không phải phép cũng “đếch cần”. Năm 1997, Chủ tịch Hội Nhà báo Phan Quang bay vào Vũng Tàu xin tỉnh ủy cho ông về làm Tổng Biên tập Nhà báo và công luận. Ra Hà Nội, nghe có ý kiến “vì thất thế trong nam nên mới chạy về đây”, thế là ông lập tức đến gặp Chủ tịch Hội xin từ nhiệm và bay thẳng về nam. 

Nhà báo Phan Quang, trong lời tựa cho tập sách này đã bày tỏ cảm phục trước trí nhớ chi tiết, mạch lạc và sự kỹ lưỡng, chắt lọc của Phạm Quốc Toàn: “Anh bảo tản mạn, song nội dung khá bài bản, lớp lang, lời lẽ bình dị song không vì vậy mà kém chiều sâu. Tác giả không làm văn, anh thủ thỉ tâm tình”.Ai muốn thủ thỉ chuyện đời, có thể đọc cuốn sách này!

Báo Nhân Dân , số ngày 21.01.2013


LAN MAN CÙNG “TẢN MẠN VỀ ĐỜI”

Nhà văn NGUYỄN ĐỨC THIỆN

Khi đặt tên bài viết này tôi giật mình vì thấy tự nhiên mình lại làm cái việc khác với bình thường. Trước đây, phải viết xong mới đặt tên bài - cách viết lãng tử của tôi, khi bắt đầu viết, chưa biết mình sẽ viết cái gì, chờ đến khi viết xong, nhìn hình hài mới đặt tên bài. Thế mà lần này, lại có cái tên trước. Mà cũng có lý, Phạm Quốc Toàn thì tản mạn, còn tôi thì lan man. Tản mạn và lan man tìm nhau biết đâu gặp được cái cốt lõi của tập sách Tản mạn về đời* chăng?

Nhiều nhà báo thường tập hợp thành sách những bài viết tâm đắc của mình. Lúc cầm Tản mạn về đời, quả thật tôi cũng cảm giác như vậy. Những khi bắt đầu đọc, hoàn toàn không phải vậy, Tản mạn về đời – đứa con tinh thần của anh đã làm tôi ngạc nhiên. Từng nhân vật hiện rõ mồn một. Không ai lẫn được với ai. Từ những nhà báo lão thành, những bậc thầy trong làng báo Việt Nam, những người đã giúp anh nâng niu từng con chữ; những người anh - thế hệ làm báo đi trước đã cùng chia sẻ động viên, lúc gian khổ và cả khi hạnh phúc của nghề báo, để anh tạo dựng vị thế như ngày hôm nay; rồi những bạn bè - nhà báo cùng thời, đến những nhà báo còn trẻ tuổi đời và tuổi nghề đều được viết ra từ trái tim nhân hậu đầy cảm xúc. Rồi những công việc bếp núc phức tạp của nhà báo, những chuyện liên quan đến quan điểm lập trường bị ghép thành những sai phạm liên quan đến chính trị đều được anh tản mạn, chẳng phải để anh minh oan mà chỉ để nói về sự ấu trĩ, khắc nghiệt của một thời đã qua.

Tôi cũng từng có hơn 40 năm làm báo. Từ làm báo mà làm thêm công việc của người viết văn và làm thơ. Nên điều mà tôi rất hiểu người làm báo là người luôn tìm cho ra sự kiện và nhân vật mà viết. Nhưng sự kiện bao giờ cũng được ưu tiên khi nhà báo hành nghề. Nhân vật nhiều khi chỉ làm công việc của một nhân chứng mà thôi. Thế nhưng tất cả những gì có trong Tản mạn về đời của Phạm Quốc Toàn lại khác hẳn. Khi đọc, tôi tìm thấy những thần tượng của mình. Như tướng làm báo Trần Công Mân, người chỉ huy tờ báo Quân đội Nhân dân, những ngày đầu tiên bộ đội làm kinh tế, những ngày thế giới biến động, mỗi cán bộ chiến sĩ quân đội phải giữ vững lập trường trước những hoạt động kinh tế thời kỳ đổi mới đầy cạm bẫy, trong đó có cả những cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tư tưởng phản bội chủ nghĩa xã hội hình thành ngay trong cán bộ cấp cao của một tờ báo. Rồi tướng Nguyễn Đình Ước, người mà tôi chỉ được biết từ một một số đồng nghiệp, qua Phạm Quốc Toàn tôi biết thêm ông là một nhà báo sắc sảo, bản lĩnh, quyết đoán khi thực hiện trọng trách một lãnh đạo Báo Quân đội Nhân dân, trước tướng Trần công Mân. 

Tản mạn về nhà báo Phan Quang, người mà từ lâu tôi rất muốn được diện kiến một lần để xem ông đã viết báo, dịch sách và văn chương như thế nào. Nhà báo Trần Quang Huy, người anh của chúng tôi từ khi cùng học Khóa I, Đại học Báo chí, trường Tuyên giáo Trung ương, tôi hiểu nhiều hơn về anh qua những thăng trầm có lúc tưởng như thua lấm lưng trắng bụng, thế mà vẫn vững vàng một nhà báo có bản lĩnh. Lan man cùng tản mạn tôi bắt gặp những người rất quen mà không biết được bao nhiêu về họ, như nhà thơ Xuân Sách hoàn thiện thêm một chân dung báo chí nữa; là Trần Thế Tuyển bên trong sắc lính còn có hồn thơ.

Tản mạn về đời của Phạm Quốc Toàn là những người bạn nghĩa tình gắn bó một thời, xúc động nao lòng khi đọc những dòng anh viết về Phan Ngọc Long, nhà báo cháy bỏng nhiệt tình. Phận đời ngắn ngủi, nhưng tình đời anh để lại sâu đậm vô cùng. Tôi quý mến thêm Lưu Trọng Phú, say nghề báo lại mê làm thơ. Lan man tôi lần tìm được những cái tên bạn học một thời như Lê Liên, Trương Quang Châu, Phan Thân… Cả Nguyễn Hữu Dật, người bạn vất vả với nghề báo, anh nhắc đến bằng sự nồng ấm, sẻ chia trong bài viết của mình. Cùng với những người bạn quen biết, tôi còn được biết thêm về những người bạn học, bạn đồng nghiệp trong và ngoài nước. Viết về ai Phạm Quốc Toàn cũng dành những cảm xúc chân thật nhất. 

Có một điều không thế không nhắc đến khi đọc Tản mạn về đời, cách hoàn thành tập sách của Phạm Quốc Toàn cũng khác người. Không có những bài viết mang tầm vóc của sự giáo huấn nghề nghiệp. Không có sự chỉ bảo của  người suốt một đời làm báo. Cũng không ôn nghèo kể khổ khi đi viết báo. Ở đây là những chuyện viết ra từ những cảm xúc thật nhất của người làm báo khi hành nghề. Một chuyến xe đạp về miền Trung, vất vả là thế, lo công việc là thế, nào đường xa, nào gió, đêm gió mùa buốt lạnh, còng lưng mà đi, thế mà Phạm Quốc Toàn viết: “Hành quân “xe đạp vô Trung” thế mà sướng. Chuyến du lịch dã ngoại đường trường có nhiều khám phá thú vị”.  

Với “Duyên nợ với ấn phẩm hội” Phạm Quốc Toàn bây giờ vẫn đang là Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo, một ấn phẩm của hội. Vậy thì có chuyện gì mà nói. Thế mà có đấy. Đã có lúc lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, can thiệp để Phạm Quốc Toàn trở về Hà Nội làm Tổng Biên tập tờ Nhà báo và công luận, cũng một ấn phẩm của hội. Nhưng khi bài binh bố trận xong, chuẩn bị bắt tay vào công việc với đam mê nghề nghiệp cháy bỏng, chỉ vì có người đã thiếu tế nhị cho rằng anh đang thất thế trong Nam. Lập tức, chỉ trong một ngày Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn gửi lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đề nghị thông cảm với địa phương vì tỉnh đang thiếu cán bộ báo chí. Anh viết về việc này như sau: “Ngay cuối ngày hôm đó, công văn gửi Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam được Chánh văn phòng Tỉnh uỷ cho fax ra Hà Nôi - cùng ngày vào buổi sáng tôi đã gọi taxi đi sân bay Nội Bài và bay thẳng vô Nam, chưa một lời từ biệt bạn bè, chỉ với một mục đích duy nhất, chứng minh cho mọi người biết: Tôi chẳng thất thế. Cái chất gàn gàn, dở dở “đếch cần” của tôi nó là vậy. Đói, nghèo thật đấy, gàn gàn, dở dở thật đấy, nhưng lòng tự trọng rất cao”. Lòng tự trọng là điều tối cần thiết cho nhân cách một nhà báo. Nếu không có nó, ngòi bút sẽ bị bẻ cong bởi những mưu lợi vật chất tầm thường. 

Sẽ còn rất nhiều chuyện để “lan man” cùng “tản mạn” của Phạm Quốc Toàn. Đó là những chuyện mất còn khi làm báo, là chuyện cùng bạn bè xây dựng phương thức hành nghề, là những gian truân khi xây dựng tư cách của con người. Rồi cùng nhau chịu đựng những oan khuất cuộc đời, chia sẻ nhưng đắng cay ngọt bùi với bạn, với đồng nghiệp. Từng câu chuyện trong tập sách Tản mạn về đời là những bài học trên nhiều phương diện khác nhau, trong việc đối nhân xử thế, khi hành nghề làm báo.

Rất vui vì Tản mạn về đời có tôi - người thợ cày lặng lẽ. Xin dừng lại ở đây, chờ khi nào gặp tác giả nhất định sẽ lan man nhiều hơn nữa. Bởi làm báo là một nghề phong phú, nhiều gian truân, dấn thân, đòi hỏi bản lĩnh  khôn cùng.

*Tản Mạn Về Đời,  Nhà Xuất bản Văn học, năm 2012
Báo Văn nghệ , số ngày 19.1.2013

NHỮNG TRANG VIẾT SÂU ĐẬM NGHĨA TÌNH
Kim Toàn
Nguyên TBT Báo Hải Phòng

Chia sẻ liên kết này...

Add comment