Tác phẩm PQT Đọc tản mạn về đời - LAN MAN CÙNG “TẢN MẠN VỀ ĐỜI”

Đọc tản mạn về đời - LAN MAN CÙNG “TẢN MẠN VỀ ĐỜI”

Mục lục
Đọc tản mạn về đời
LẮNG ĐỌNG TÌNH ĐỜI
“TẢN MẠN VỀ ĐỜI” VỚI PHẠM QUỐC TOÀN
“TRÚC CÂU THIÊN LÝ LỘ CHÍ TÌNH”
NGHÃ TÌNH SÂU NẶNG
PHẠM QUỐC TOÀN – TẢN MẠN VỀ ĐỜI
TẢN MẠN VỀ ĐỜI - BÙI NGỌC DIỆP
CHẮT LỌC NHÂN VĂN TRONG “ TẢN MẠN VỀ ĐỜI”
LAN MAN CÙNG “TẢN MẠN VỀ ĐỜI”
Tất cả các trang

LAN MAN CÙNG “TẢN MẠN VỀ ĐỜI”

Nhà văn NGUYỄN ĐỨC THIỆN

Khi đặt tên bài viết này tôi giật mình vì thấy tự nhiên mình lại làm cái việc khác với bình thường. Trước đây, phải viết xong mới đặt tên bài - cách viết lãng tử của tôi, khi bắt đầu viết, chưa biết mình sẽ viết cái gì, chờ đến khi viết xong, nhìn hình hài mới đặt tên bài. Thế mà lần này, lại có cái tên trước. Mà cũng có lý, Phạm Quốc Toàn thì tản mạn, còn tôi thì lan man. Tản mạn và lan man tìm nhau biết đâu gặp được cái cốt lõi của tập sách Tản mạn về đời* chăng?

Nhiều nhà báo thường tập hợp thành sách những bài viết tâm đắc của mình. Lúc cầm Tản mạn về đời, quả thật tôi cũng cảm giác như vậy. Những khi bắt đầu đọc, hoàn toàn không phải vậy, Tản mạn về đời – đứa con tinh thần của anh đã làm tôi ngạc nhiên. Từng nhân vật hiện rõ mồn một. Không ai lẫn được với ai. Từ những nhà báo lão thành, những bậc thầy trong làng báo Việt Nam, những người đã giúp anh nâng niu từng con chữ; những người anh - thế hệ làm báo đi trước đã cùng chia sẻ động viên, lúc gian khổ và cả khi hạnh phúc của nghề báo, để anh tạo dựng vị thế như ngày hôm nay; rồi những bạn bè - nhà báo cùng thời, đến những nhà báo còn trẻ tuổi đời và tuổi nghề đều được viết ra từ trái tim nhân hậu đầy cảm xúc. Rồi những công việc bếp núc phức tạp của nhà báo, những chuyện liên quan đến quan điểm lập trường bị ghép thành những sai phạm liên quan đến chính trị đều được anh tản mạn, chẳng phải để anh minh oan mà chỉ để nói về sự ấu trĩ, khắc nghiệt của một thời đã qua.

Tôi cũng từng có hơn 40 năm làm báo. Từ làm báo mà làm thêm công việc của người viết văn và làm thơ. Nên điều mà tôi rất hiểu người làm báo là người luôn tìm cho ra sự kiện và nhân vật mà viết. Nhưng sự kiện bao giờ cũng được ưu tiên khi nhà báo hành nghề. Nhân vật nhiều khi chỉ làm công việc của một nhân chứng mà thôi. Thế nhưng tất cả những gì có trong Tản mạn về đời của Phạm Quốc Toàn lại khác hẳn. Khi đọc, tôi tìm thấy những thần tượng của mình. Như tướng làm báo Trần Công Mân, người chỉ huy tờ báo Quân đội Nhân dân, những ngày đầu tiên bộ đội làm kinh tế, những ngày thế giới biến động, mỗi cán bộ chiến sĩ quân đội phải giữ vững lập trường trước những hoạt động kinh tế thời kỳ đổi mới đầy cạm bẫy, trong đó có cả những cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tư tưởng phản bội chủ nghĩa xã hội hình thành ngay trong cán bộ cấp cao của một tờ báo. Rồi tướng Nguyễn Đình Ước, người mà tôi chỉ được biết từ một một số đồng nghiệp, qua Phạm Quốc Toàn tôi biết thêm ông là một nhà báo sắc sảo, bản lĩnh, quyết đoán khi thực hiện trọng trách một lãnh đạo Báo Quân đội Nhân dân, trước tướng Trần công Mân. 

Tản mạn về nhà báo Phan Quang, người mà từ lâu tôi rất muốn được diện kiến một lần để xem ông đã viết báo, dịch sách và văn chương như thế nào. Nhà báo Trần Quang Huy, người anh của chúng tôi từ khi cùng học Khóa I, Đại học Báo chí, trường Tuyên giáo Trung ương, tôi hiểu nhiều hơn về anh qua những thăng trầm có lúc tưởng như thua lấm lưng trắng bụng, thế mà vẫn vững vàng một nhà báo có bản lĩnh. Lan man cùng tản mạn tôi bắt gặp những người rất quen mà không biết được bao nhiêu về họ, như nhà thơ Xuân Sách hoàn thiện thêm một chân dung báo chí nữa; là Trần Thế Tuyển bên trong sắc lính còn có hồn thơ.

Tản mạn về đời của Phạm Quốc Toàn là những người bạn nghĩa tình gắn bó một thời, xúc động nao lòng khi đọc những dòng anh viết về Phan Ngọc Long, nhà báo cháy bỏng nhiệt tình. Phận đời ngắn ngủi, nhưng tình đời anh để lại sâu đậm vô cùng. Tôi quý mến thêm Lưu Trọng Phú, say nghề báo lại mê làm thơ. Lan man tôi lần tìm được những cái tên bạn học một thời như Lê Liên, Trương Quang Châu, Phan Thân… Cả Nguyễn Hữu Dật, người bạn vất vả với nghề báo, anh nhắc đến bằng sự nồng ấm, sẻ chia trong bài viết của mình. Cùng với những người bạn quen biết, tôi còn được biết thêm về những người bạn học, bạn đồng nghiệp trong và ngoài nước. Viết về ai Phạm Quốc Toàn cũng dành những cảm xúc chân thật nhất. 

Có một điều không thế không nhắc đến khi đọc Tản mạn về đời, cách hoàn thành tập sách của Phạm Quốc Toàn cũng khác người. Không có những bài viết mang tầm vóc của sự giáo huấn nghề nghiệp. Không có sự chỉ bảo của  người suốt một đời làm báo. Cũng không ôn nghèo kể khổ khi đi viết báo. Ở đây là những chuyện viết ra từ những cảm xúc thật nhất của người làm báo khi hành nghề. Một chuyến xe đạp về miền Trung, vất vả là thế, lo công việc là thế, nào đường xa, nào gió, đêm gió mùa buốt lạnh, còng lưng mà đi, thế mà Phạm Quốc Toàn viết: “Hành quân “xe đạp vô Trung” thế mà sướng. Chuyến du lịch dã ngoại đường trường có nhiều khám phá thú vị”.  

Với “Duyên nợ với ấn phẩm hội” Phạm Quốc Toàn bây giờ vẫn đang là Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo, một ấn phẩm của hội. Vậy thì có chuyện gì mà nói. Thế mà có đấy. Đã có lúc lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, can thiệp để Phạm Quốc Toàn trở về Hà Nội làm Tổng Biên tập tờ Nhà báo và công luận, cũng một ấn phẩm của hội. Nhưng khi bài binh bố trận xong, chuẩn bị bắt tay vào công việc với đam mê nghề nghiệp cháy bỏng, chỉ vì có người đã thiếu tế nhị cho rằng anh đang thất thế trong Nam. Lập tức, chỉ trong một ngày Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn gửi lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đề nghị thông cảm với địa phương vì tỉnh đang thiếu cán bộ báo chí. Anh viết về việc này như sau: “Ngay cuối ngày hôm đó, công văn gửi Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam được Chánh văn phòng Tỉnh uỷ cho fax ra Hà Nôi - cùng ngày vào buổi sáng tôi đã gọi taxi đi sân bay Nội Bài và bay thẳng vô Nam, chưa một lời từ biệt bạn bè, chỉ với một mục đích duy nhất, chứng minh cho mọi người biết: Tôi chẳng thất thế. Cái chất gàn gàn, dở dở “đếch cần” của tôi nó là vậy. Đói, nghèo thật đấy, gàn gàn, dở dở thật đấy, nhưng lòng tự trọng rất cao”. Lòng tự trọng là điều tối cần thiết cho nhân cách một nhà báo. Nếu không có nó, ngòi bút sẽ bị bẻ cong bởi những mưu lợi vật chất tầm thường. 

Sẽ còn rất nhiều chuyện để “lan man” cùng “tản mạn” của Phạm Quốc Toàn. Đó là những chuyện mất còn khi làm báo, là chuyện cùng bạn bè xây dựng phương thức hành nghề, là những gian truân khi xây dựng tư cách của con người. Rồi cùng nhau chịu đựng những oan khuất cuộc đời, chia sẻ nhưng đắng cay ngọt bùi với bạn, với đồng nghiệp. Từng câu chuyện trong tập sách Tản mạn về đời là những bài học trên nhiều phương diện khác nhau, trong việc đối nhân xử thế, khi hành nghề làm báo.

Rất vui vì Tản mạn về đời có tôi - người thợ cày lặng lẽ. Xin dừng lại ở đây, chờ khi nào gặp tác giả nhất định sẽ lan man nhiều hơn nữa. Bởi làm báo là một nghề phong phú, nhiều gian truân, dấn thân, đòi hỏi bản lĩnh  khôn cùng.

*Tản Mạn Về Đời,  Nhà Xuất bản Văn học, năm 2012
Báo Văn nghệ , số ngày 19.1.2013

NHỮNG TRANG VIẾT SÂU ĐẬM NGHĨA TÌNH
Kim Toàn
Nguyên TBT Báo Hải Phòng

Chia sẻ liên kết này...



Add comment