Tác phẩm PQT Đọc tản mạn về đời - LẮNG ĐỌNG TÌNH ĐỜI

Đọc tản mạn về đời - LẮNG ĐỌNG TÌNH ĐỜI

Mục lục
Đọc tản mạn về đời
LẮNG ĐỌNG TÌNH ĐỜI
“TẢN MẠN VỀ ĐỜI” VỚI PHẠM QUỐC TOÀN
“TRÚC CÂU THIÊN LÝ LỘ CHÍ TÌNH”
NGHÃ TÌNH SÂU NẶNG
PHẠM QUỐC TOÀN – TẢN MẠN VỀ ĐỜI
TẢN MẠN VỀ ĐỜI - BÙI NGỌC DIỆP
CHẮT LỌC NHÂN VĂN TRONG “ TẢN MẠN VỀ ĐỜI”
LAN MAN CÙNG “TẢN MẠN VỀ ĐỜI”
Tất cả các trang

LẮNG ĐỌNG TÌNH ĐỜI

Đại tá, nhà báo Phạm Đình Trọng

Đọc bản thảo Tản mạn về đời của Phạm Quốc Toàn, càng ngẫm nghĩ càng thấy thú vị. Những kỷ niệm về một thời làm báo lính gian khổ, sâu đậm tình người lại hiện lên trong tâm trí tôi.

Tôi về Báo Quân đội Nhân dân trong bối cảnh cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới của bán đảo Đông Dương đang vào giai đoạn cao trào. Là phóng viên Phòng Quân sự, giống như hồi chiến tranh chống Mỹ, vẫn ba lô và khẩu súng trên vai, tôi lội khắp nơi trên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam – Lào và miền viễn Tây Campuchia để phản ánh  sự ác liệt nóng bỏng của cuộc chiến mới, bất đắc dĩ này; còn Phạm Quốc Toàn là một trong những ngòi bút chủ yếu của báo Quân đội Nhân dân viết bình luận thời sự cũng về cuộc chiến đó.

3

Thảnh thơi trên nẻo đường quê

Lần đầu tôi gặp nhà báo Phạm Quốc Toàn ở sân ngôi biệt thự số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên về chàng trai Hà Tĩnh là đôi mắt có cái gì đó đượm buồn. Vì cùng “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” ở tầng 3 nhà số 8 Lý Nam Đế nên chúng tôi ngày càng gần gũi và chia sẻ những buổi tối thứ 7, ngày chủ nhật cô đơn, cùng chung những sướng khổ, vui buồn. Ngoài dáng vẻ thư sinh nhàn nhã, anh có cuộc đời riêng nhiều sóng gió. Ở Báo Quân đội Nhân dân, có hai người tôi đánh giá sai, tưởng là sống trong nhung lụa, hóa ra  hoàn cảnh gia đình còn khó hơn tôi gấp nhiều lần. Đó là Phạm Quốc Toàn và Hồ Quang Lợi, cũng là cây viết bình luận nổi tiếng. Hiện nay Hồ Quang Lợi  là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Nhà thơ Đỗ Phủ đời nhà Đường (Trung Quốc) nói: “Đời càng khổ, thơ càng hay”. Có phải hai chàng trai xứ Nghệ ấy vì gặp lắm gian truân nên viết báo khá sắc sảo?

***

Về Báo Quân đội Nhân dân, tôi hiểu rằng, thử thách lớn nhất là sản phẩm. Số anh em trong “Hội đồng trung úy” kém tuổi tôi trên dưới một giáp, ve áo kém một sao nhưng là “ma cũ” của Báo Quân đội Nhân dân. Họ tế nhị nhưng tôi biết, đây chính là “quyền lực mềm”, là “thì tương lai” của tòa soạn. Họ hiện đại trong tư duy và cũng duy vật trong bình giá con người. Tôi không ngại mấy cụ tiên chỉ nhà số 7 (vì các cụ thuộc lớp Vệ quốc quân), nhưng vẫn dè chừng các tướng trẻ trong “Hội đồng trung úy”, nhất là Quốc Toàn, vì tôi biết anh chàng này kiệm lời nhưng tiếng nói rất có trọng lượng.

Tôi đã vào cuộc, bắt nhịp công việc và viết được một số bài gây ấn tượng. Các bậc trưởng thượng của Báo Quân đội Nhân dân bàn tán khá sôi nổi về bài ký “Lớp trẻ ở một miền biên giới” nhưng các trung úy thì không. Các cây viết trẻ chỉ bàn riêng với nhau, chưa tỏ chính kiến với tác giả “ma mới”. Nhưng có một chi tiết tôi chú ý là Phạm Quốc Toàn và Trương Quang Châu, mỗi khi thấy tôi đi qua cửa là mời vào uống trà. Trong cuộc “trà đạo”, hai anh không đả động gì về sản phẩm tinh thần của tôi mà toàn bàn chuyện … sửa xe đạp, giá báo cũ ở chợ Hàng Da!

4

Niềm vui em (Bi & Bon) đến trường !

Tôi nhận lệnh trực tiếp của Tổng Biên tập Trần Công Mân sang các tỉnh cực Bắc của Lào và sau đó tôi viết bài ký đăng nhiều kỳ “Nơi đầu luồng gió bấc”. Mới in kỳ thứ nhất, với dòng tít phụ: “Vùng sừng của bán đảo Đông Dương”, Trung úy Phạm Quốc Toàn đã sang buồng tôi ở, tay cầm tờ báo còn nóng hổi, đôi mắt vốn dĩ đượm buồn chợt tươi sáng:

- “Vùng sừng của bán đảo Đông Dương”! Xin chúc mừng bác Phạm Đình.

Nhận ly trà Hồng Đào còn tỏa hương thơm ngát từ tay “già làng” Đinh Khánh Vân, Quốc Toàn vẫn nhìn tôi cười cười. Lúc Quốc Toàn đi rồi, bác Khánh Vân mới bảo tôi: 

-  Quốc Toàn viết tốt, sắc sảo, lại có tư chất của người chỉ huy. Rất triển vọng. Bài của Trọng viết khá, mấy ông trung úy “kiệm lời” lên tiếng rồi đấy, khá lắm!…

5

Đường qua ngõ quê...Phúc Trạch

11 giờ trưa hôm ấy, trên đường xuống cầu thang đi ăn cơm, anh Trương Quang Châu, một chuyên gia “nhà ở nông thôn”, một phóng viên nghĩa tình, bảo tôi: “Chiều nay bọn tôi lấy cơm về, ta ăn tươi”. Tôi biết ngay là mấy ông trung úy sống độc thân ở nhà số 8 Lý Nam Đế chiêu đãi “ma mới”. Ngày ấy cả nước nghèo, nhất là lính. Một bữa ăn tươi của anh em sống tập thể của Báo Quân đội Nhân dân thường là sản phẩm giá bình dân ở chợ Hòe Nhai, gồm: Xà lách (hoặc rau riếp), cà chua, hành hoa, rau thơm, ớt và 1-2 con cá mè ranh Hồ Tây, một cút “cuốc lủi”. Bây giờ mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn xúc động bởi sự sâu đậm của tình bạn bè, đồng nghiệp ở mái nhà chung Báo Quân đội Nhân dân khi ấy. Chúng tôi vô tư, trung thực và thương nhau, trân trọng sức lao động của nhau biết bao! Và tôi cho rằng, làm báo, ở tập thể là hay nhất, tuy bị nhiều thiệt thòi. Tình cảm nhớ thương cha mẹ, vợ con dồn hết cho bài viết; bài hay, được đồng nghiệp khen kịp thời, bài dở bị chê tắp lự.

***

Năm 1983, tôi nhận nhiệm vụ Phó Trưởng ban Đại diện phía Nam Báo Quân đội Nhân dân. Cùng lúc này có thông tin Thiếu tá Phạm Quốc Toàn, Phó Trưởng phòng Thời sự quốc tế, đang xin ra khỏi quân đội, có khả năng về Báo Vũng Tàu - Côn Đảo. Nghe tin ấy, tôi không ngạc nhiên mà chỉ tiếc cho Báo Quân đội Nhân dân nói riêng, quân đội nói chung, đã để “sổng” mất một cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”. Tôi không ngạc nhiên vì biết không phải Quốc Toàn không ưa đời quân ngũ, không muốn gắn bó với mái nhà số 7 Phan Đình Phùng. Quốc Toàn biết Báo Quân đội Nhân dân là tờ nhật báo lớn của cả nước; Tổng Biên tập, Bí thư Đảng ủy, các Phó Tổng Biên tập đều rất quí mình và mình cũng đang nằm trong lộ trình bồi dưỡng và sử dụng lâu dài. Ngặt một điều, gia đình anh quá xa xôi cách trở, hoàn cảnh quá khó khăn; cuộc “Bắc tiến” đưa gia đình về Hà Nội không thành công. Tôi không thể nào quên lần đi lao động Mỏ Chén (Sơn Tây) tròn một tháng, trở về Tòa soạn, gặp Quốc Toàn ở sân nhà số 7 Phan Đình Phùng khi anh cũng vừa từ quê ra. Đôi mắt Toàn buồn vời vợi, nước mắt chỉ chực tràn ra. Tôi cầm tay anh, thương lắm mà chẳng biết nói gì…

6

Dì Tư & cậu Bảy (em của Mẹ) nơi quê nhà, 7.2017


Tiếc về một cán bộ sống tốt, viết tốt của Báo Quân đội Nhân dân, tôi tìm cách kéo Quốc Toàn về Cơ quan Đại diện Báo Quân đội Nhân dân ở phía Nam. Tôi quyết định vậy bởi lẽ, khi Quốc Toàn xin chuyển ngành mọi người ở tòa soạn ai cũng tiếc. Thiếu tướng, Tổng Biên tập Trần Công Mân trì hoãn mãi vì anh đang là cán bộ nguồn lãnh đạo trẻ. Còn trong Nam, Thượng tá, Trưởng ban Đại diện Nguyễn Vũ Linh, cùng Phòng Thời sự với anh trước đây, đánh giá cao “tâm” và “tài” của người đồng nghiệp này. Bài toán “an cư” rất khó với Hà Nội chứ thời điểm đó không khó với thành phố Hồ Chí Minh.


Nhân một chuyến ra Hà Nội họp, tôi gặp Phạm Quốc Toàn đặt vấn đề xin Ban Biên tập cho Phạm Quốc Toàn vào cơ quan thường trú phía Nam Báo Quân đội Nhân dân. Dường như sự không may của gia đình lúc di chuyển ra Hà Nội trước đây còn ám ảnh, Quốc Toàn ậm ừ cho qua chuyện. Tôi chưa chịu bó tay. Khi anh vào thành phố Hồ Chí Minh, nghỉ ở 63 Lý Tự Trọng, tôi xui Trưởng Cơ quan đại diện Nguyễn Vũ Linh tấn công. Vì là “đồng tộc”, lại thân nhau, tin nhau, nên tôi nói thẳng, giọng có chút đùa vui: “Ông vào Ban Đại diện đi. Nhà ở, hộ khẩu, công việc của vợ, học hành của con, đều có thể giải quyết được. Ông Nguyễn Vũ Linh nghỉ, Quốc Toàn kế nhiệm – chắc chắn Đảng ủy và Ban Biên tập sẽ duyệt; mình làm Bí thư cho”. Không hiểu do nể tôi hay do bùi tai, Phạm Quốc Toàn gật đầu. Nhưng rồi lực hấp của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo mạnh hơn, cuối cùng Phạm Quốc Toàn vẫn chọn thành phố biển dầu. Phạm Đình Trọng thua trắng tay: 1-0!

Các con của Quốc Toàn học giỏi xuất sắc, đỗ đại học lên thành phố Hồ Chí Minh “tá túc” tại 63 Lý Tự Trọng đi học. Mỗi lần thấy Quốc Toàn ghé thăm con, tôi lại đùa: “Chú đúng là đi đường vòng. Lẽ ra nghe tôi, giờ khỏi phải hành quân 120 cây số”.


Tuy nói vậy nhưng qua thời gian, càng ngày tôi càng thấy Phạm Quốc Toàn chọn đáp số thành phố biển dầu thế mà hay. Anh trở thành một tổng biên tập báo Đảng vững vàng, được đồng nghiệp, bè bạn nể trọng. Với cái tâm - cái tầm - tư chất của Quốc Toàn, dù làm gì, ở đâu anh vẫn kiên định, đứng vững, phát triển tốt. Quốc Toàn thành đạt cho mình, chu toàn cho con cái, bè bạn. Tâm thế của Quốc Toàn sáng lắm. Duyên nợ với công tác của hội nhà báo, cuộc đời vào thu, anh vẫn tiếp tục gắn bó với thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, nơi khởi đầu anh đã tỏa sáng, ra đi.

Phạm Quốc Toàn, lắng đọng tình đời. Thật vui khi “lang thang” cùng Tản mạn về đời của một đồng nghiệp mà tôi yêu quý!       

(Báo Quân đội Nhân dân)



Add comment