Tác phẩm PQT Đọc tản mạn về đời - CHẮT LỌC NHÂN VĂN TRONG “ TẢN MẠN VỀ ĐỜI”

Đọc tản mạn về đời - CHẮT LỌC NHÂN VĂN TRONG “ TẢN MẠN VỀ ĐỜI”

Mục lục
Đọc tản mạn về đời
LẮNG ĐỌNG TÌNH ĐỜI
“TẢN MẠN VỀ ĐỜI” VỚI PHẠM QUỐC TOÀN
“TRÚC CÂU THIÊN LÝ LỘ CHÍ TÌNH”
NGHÃ TÌNH SÂU NẶNG
PHẠM QUỐC TOÀN – TẢN MẠN VỀ ĐỜI
TẢN MẠN VỀ ĐỜI - BÙI NGỌC DIỆP
CHẮT LỌC NHÂN VĂN TRONG “ TẢN MẠN VỀ ĐỜI”
LAN MAN CÙNG “TẢN MẠN VỀ ĐỜI”
Tất cả các trang

CHẮT LỌC NHÂN VĂN TRONG “ TẢN MẠN VỀ ĐỜI”

Nguyễn Sỹ Đại

Tản mạn về đời (NXB Văn học, 2012) là tập sách về nghề báo, về những người thân yêu của nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Sách dày hơn 300 trang, gồm 6 phần, đánh số từ 1 đến 6. Tác giả không ghi tên từng phần, nhưng có thể hiểu: Phần 1 viết về những người ông cùng làm việc và ngưỡng mộ như Trần Công Mân, Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân; Bandhit, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái-lan; thầy giáo dạy ông hồi cấp III Vũ Trọng Huỳnh… Phần 2 viết về những anh em bè bạn thân thiết hơn như nhà thơ Xuân Sách, nhà báo Chánh Trinh, Trần Thế Tuyển, Phan Ngọc Long… Phần 3 nói về những kỷ niệm riêng, từ việc vào bộ đội, vào làng báo, duyên nợ tạp chí Người làm báo… Phần 4 viết về những kỷ niệm tại Báo Quân đội nhân dân, báo Bà Rịa – Vũng Tàu, nhất là những con người trong “Hội đồng trung úy” trong  báo Quân đội nhân dân. Phần 5 nói về vùng quê Hương Khê và những người thân trong gia đình. Phần 6, vẫn là những câu chuyện tản mạn, nhưng từ đó đúc kết nên một số kinh nghiệm và triết lý ở đời.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn sinh năm 1949 tại Hương Phúc, Hương Khê, Hà Tĩnh. Bố ông là cán bộ dân vận, đồng  thời là cộng tác viên của một số tờ báo trung ương. Do ảnh hưởng của bố, ông đã có những bài viết được đăng trên báo Thiếu niên tiền phong từ năm 12 tuổi. Năm 1968, khi tốt nghiệp lớp 10, ông là một trong 50 học sinh xuất sắc toàn diện của tỉnh Hà Tĩnh được chọn đi học  Đại học Quân sự tại Liên Xô. Nhưng các mặt trận B, C  sau Mậu Thân rất thiếu quân, do đó số học sinh tạo nguồn này lại được điều vào chiến trường. Sau đó, ông lại được quân đội gửi đi học tại Lớp Báo chí khóa I Trường Tuyên giáo trung ương, nay là Học viện Báo chí – Tuyên truyền. Tốt nghiệp, ông về công tác tại Phòng Thời sự Báo Quân đội nhân dân, được đào tạo tại Học viện Chính trị, được quy hoạch vào chức danh Tổng Biên tập vào năm 38 tuổi. Rồi cũng chính lúc ấy, vì hoàn cảnh gia đình, nhưng có lẽ do con đường số phận (như việc không đi Liên Xô mà đi chiến trường), ông chuyển vào nam công tác, làm Tổng Biên tập Báo Vũng Tàu – Côn Đảo (sau là Bà Rịa – Vũng Tàu). Tôi không biết ông có giải quyết tốt hơn công việc gia đình hay không nhưng biết rất rõ với năng lực và tâm huyết nghề nghiệp, ông đã làm cho tờ báo này nổi bật lên trong làng báo Đảng địa phương. Nhiều phóng viên tài danh, kể cả những người mới ra trường đều tìm đến báo ông như một miền đất hứa. Người thì muốn có thu nhập cao, người thì muốn được thể hiện năng lực cá nhân ở tờ báo sớm đổi mới phong cách và có Tổng Biên tập biết trọng thị. Và ông đã sẵn lòng thâu nhận, đào tạo để họ thực hiện được hoài bão của mình. Tôi còn nhớ, Vũng Tàu chủ nhật, VDT (Văn hóa, Du lịch, Thể thao), những ấn phẩm  của báo ông bán khắp cả nước, bán chạy như tôm tươi vì lượng thông tin phong phú, đa chiều vào cái thời người ta còn ngại nói khác, ngại trách nhiệm – trừ trách nhiệm với bạn đọc! Với lập trường chính trị vững vàng của một Anh Bộ đội Cụ Hồ được tôi rèn qua nhiều trường học, trường đời, với những thành tích làm báo nổi bật ấy, ông được tín nhiệm bầu vào BCH rồi Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 1990 (ĐH IV) cho đến nay.

Nói về nghề báo, Phạm Quốc Toàn tâm sự: “Nếu nói nguyện vọng, khi làm hồ sơ đại học, tôi chọn ngành kỹ thuật, và đó cũng là lý do quân đội tuyển chọn tôi đi học đại học quân sự. Nhưng có lẽ cũng là duyên nợ, tôi không được chọn học các ngành kỹ thuật - cuộc đời đã cho tôi dấn thân với nghề báo - nghề mà tôi yêu thích lúc còn nhỏ… Thật may mắn và hạnh phúc, những ngày tuổi thơ tôi được bố - một người bố tuyệt vời đã dìu dắt tôi học viết báo. Có ai ngờ những bước đi chập chững đầu tiên đó đã đặt nền móng cho tôi dấn thân - đắm say với nghề báo. Nếu bây giờ được chọn lại, tôi chọn nghề báo, nghề mà bố tôi đã yêu thích và định hướng cho tôi từ những ngày đầu chập chững vào đời – nghề của sức sáng tạo và cống hiến không bao giờ ngơi nghỉ”.
Tản mạn về đời  của Phạm Quốc Toàn là chuyện của một người sốt đời làm  báo. Nhưng chuyện về người làm báo, nghề báo cũng là chuyện đời, chuyện con người.

Mà làm người thì trước hết phải có tình yêu con người, có đạo lý và trách nhiệm. Điều nổi bật nhất, sâu sắc nhất là câu chuyện làm người.
Viết về Chủ tịch danh dự Liên đoàn báo chí ASEAN Bandhit Rajavatanadhanin, ông chú ý đến nghị lực vượt khó của một cậu bé con nông dân nghèo; ở tình cảm mẹ con – “mẹ là tất cả”; ở cách dạy con biết tự học để vươn lên không ngừng, chắt chiu dành dụm từng đồng tiền nhưng sẵn sàng chia sẻ cho bạn bè và những người thiếu thốn.


Viết về những phóng viên báo Quân đội nhân dân cùng trang lứa, ông cũng chú ý và làm xúc động người đọc bằng những chi tiết rất người: Trương Quang Châu tích cóp được ít mì sợi, Thiều Quang Biên gom được mấy lít dầu hỏa cùng về quê ăn Tết. Hai món hang quý nương tựa vào nhau trên chuyến xe bão táp thời bao cấp; xuống thị xã Hà Tĩnh thì dàu ngấm hết vào mì. Hai nhà báo sĩ quan bỗng bật khóc như con trẻ khiến nhiều người trong xe cũng cảm thương rớm lệ…

Chất người là tình thương yêu. Chất người còn là sự khiêm nhường. Đó là câu chuyện về thầy giáo Vũ Trọng Huỳnh, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc Khoa Sử ĐHSP Hà Nội xung phong vào tuyến lửa dạy học. Là con trai thành phố, con trai Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh trong Chính phủ đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà thầy không hề một lần nhắc tới để khoe khoang hoặc lợi dụng mà còn từ bỏ mọi thói quen thành phố để hòa đồng với cuộc sống cần lao.Chất người còn là sự khí khái. Sự khí khái này thể hiện trong phẩm cách của mọi nhân vật được nhắc đến trong cuốn sách này, và cũng được thể hiện ở chính tác giả, một người ẩn khuất khiêm nhường chỉ dành những lời thương yêu trân trọng cho bạn bè, đồng nghiệp. Đó là khi anh bênh vực cho đồng nghiệp ở Đài PT-TH Đồng Nai Mai Sông Bé; tự bảo vệ mình trước sự nghi vấn có liên quan đến CIA. Tuy lần ấy ông không được giới thiệu tái đắc cử Tỉnh ủy viên với lý do: “Báo Đảng chưa cần cơ cấu, ưu tiên cơ cấu cấp ủy cho một ngành kinh tế mũi nhọn”. Ông  gửi đơn khiếu nại đến tổ chức, công an tỉnh điều tra kết luận không có vấn đề gì, đồng chí Phạm Quốc Toàn là người “trung thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi, phẩm chất đạo đức chuẩn mực, trong sáng”. Về chuyện này, ông viết: “Một việc không đáng có, sự vụ chẳng có gì phức tạp, vậy mà nỗi oan khuất kéo dài đằng đẵng suốt mấy năm. Với tôi – Tổng Biên tập một tờ báo Đảng tỉnh mà còn vậy, người dân bình thường thì biết kêu oan vào đâu. Ở đời có người thương kẻ ghét – nhiều khi người ta ghét chỉ vì đố kỵ, ích kỷ của một cá nhan nào đó có quyền lực, có khi lại chỉ vì một lý do rất vớ vản, địa phương cục bộ. Nhưng ông trời rất công bằng, lẽ đời cái hiền, cái đẹp, cái tốt vẫn là chính yếu; Đảng ta – Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là ánh dương tỏa sáng! Tôi biết ơn Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là chú Tư Hy, anh Lâm Minh Chiến, anh Phan Văn Từ… đã minh bạch, lòng sáng trong, vẹn tình trọn nghĩa”. Cái sai – trái quyết sửa lại cho cân. Danh – lợi  dù to, dù nhỏ nhưng không phải phép cũng “đếch cần”. Năm 1997, Chủ tịch Hội Nhà báo Phan Quang bay vào Vũng Tàu xin tỉnh ủy cho ông về làm Tổng Biên tập Nhà báo và công luận. Ra Hà Nội, nghe có ý kiến “vì thất thế trong nam nên mới chạy về đây”, thế là ông lập tức đến gặp Chủ tịch Hội xin từ nhiệm và bay thẳng về nam. 

Nhà báo Phan Quang, trong lời tựa cho tập sách này đã bày tỏ cảm phục trước trí nhớ chi tiết, mạch lạc và sự kỹ lưỡng, chắt lọc của Phạm Quốc Toàn: “Anh bảo tản mạn, song nội dung khá bài bản, lớp lang, lời lẽ bình dị song không vì vậy mà kém chiều sâu. Tác giả không làm văn, anh thủ thỉ tâm tình”.Ai muốn thủ thỉ chuyện đời, có thể đọc cuốn sách này!

Báo Nhân Dân , số ngày 21.01.2013



Add comment