Tác phẩm PQT Đọc tản mạn về đời - “TRÚC CÂU THIÊN LÝ LỘ CHÍ TÌNH”

Đọc tản mạn về đời - “TRÚC CÂU THIÊN LÝ LỘ CHÍ TÌNH”

Mục lục
Đọc tản mạn về đời
LẮNG ĐỌNG TÌNH ĐỜI
“TẢN MẠN VỀ ĐỜI” VỚI PHẠM QUỐC TOÀN
“TRÚC CÂU THIÊN LÝ LỘ CHÍ TÌNH”
NGHÃ TÌNH SÂU NẶNG
PHẠM QUỐC TOÀN – TẢN MẠN VỀ ĐỜI
TẢN MẠN VỀ ĐỜI - BÙI NGỌC DIỆP
CHẮT LỌC NHÂN VĂN TRONG “ TẢN MẠN VỀ ĐỜI”
LAN MAN CÙNG “TẢN MẠN VỀ ĐỜI”
Tất cả các trang

“Trúc câu thiên lý lộ chí tình”

Nguyễn Xuân Lương

(Vụ trưởng, nguyên Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam)

Anh Phạm Quốc Toàn và tôi đều là người Hà Tĩnh, thời trẻ cùng tắm chung dòng nước sông La hiền hòa bắt nguồn từ sông Ngàn Sâu đất Hương Khê  và sông Ngàn Phố của Hương Sơn. Xưa hơn, tất cả thuộc huyện Thổ Hoàng, sau chia đôi huyện, nhưng chung bờ dậu bờ rào.

 Đất Hương Khê, xưa có chiến khu nổi tiếng chống thực dân Pháp thời Cụ Phan Đình Phùng, Cao Thắng. Hương Sơn có Thành Lục Niên, đại bản doanh của nghĩa quân Lê Lợi từ xứ Thanh chuyển vào, làm nên những trận đánh nổi tiếng vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, khiến quân nhà Minh khiếp sợ.     

Thời trận mạc, gươm khua súng nổ cả hai chúng tôi đều cầm súng ra trận. Thế rồi, như sự tình cờ cả hai cùng “bị’ cuốn vào nghề báo. Anh Quốc Toàn về báo Quân đội Nhân dân 15 năm, trước khi “bẻ lái”  phương Nam, là Thiếu tá Phó Trưởng phòng Thời sự  của tờ nhật báo lực lượng vũ trang. Vô Nam, anh “trụ”  ở Báo Bà Rịa-Vùng Tàu trong vai trò Tổng biên tâp hơn 20 năm, nhiều khóa là tỉnh ủy viên trước khi làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (2 nhiệm kỳ), từ năm 2008, kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo, đến nay đã hơn 5 năm. Vậy, cả hai chúng tôi vừa đồng hương vừa đồng nghiệp. Hiện giờ, một ở phía Nam  U 60, một phía Bắc U70.

 Bà Rịa -Vũng Tàu là một trong những điểm đến hấp dẫn, nên nhiều bạn bè, đồng nghiệp các tỉnh, thành thường tìm đến vì nhiều lẽ, đều được Tổng biên tập và cộng sự đón tiếp chu đáo, ân tình. Một số khách còn dược tòa soạn mời viết bài, trả lời phỏng vấn về cảm nghĩ khi đặt chân nơi đây. Vậy là khách vừa được tiếng, vừa được miếng (nhuận bút). Thật tiện đôi đường. Có người ‘tán” Phạm Quốc Toàn sinh năm 1949 - kỷ sửu cầm tinh con trâu, cày khỏe, đường cày thẳng tắp. Vất vả nhưng đó là trâu vàng, trâu bạc. 

 Nhà báo Phạm Quốc Toàn đi nhiều, và hễ đã đi là có ảnh, có bài viết – bài ra bài, đôi khi có cả những “dự án” cho tương lai xa hay gần cốt để đem hoa trái về cho tòa soạn, Bởi thế, lâu nay tôi cứ ngỡ cuốn sách đầu tay của anh hẳn là những bài ký, ghi chép, phóng sự vốn hấp dẫn một số bạn đọc đã đăng trên một số báo - những cuộc du ký trên đất Trung Hoa, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, nước Đức bên trời “Tây”, cùng Paris tráng lệ hay trên đất chùa vàng xứ Thái, đất Triệu voi xứ Lào…Nhưng không, cuốn sách “Tản mạn về Đời” lại là chuyện đời, chuyện người của bạn bè, đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc hay chuyện nơi quê cha đất Tổ, giàn dị, chân chất như củ khoai lang xứ Nghệ. Một sự hướng nội, thuần Việt, chuyện nhà… nhưng thanh tao đáo để, khiến những ai đã đọc hẳn không thể nào quên. Một năm, chỉ một năm thôi (như lời tác giả) mà có được cuốn sách đầy đặn, có hồn, hấp dẫn, bổ ích như thế  thật đáng mừng.   

 Từ TP. Hồ Chí Minh, Phạm Quốc Toàn gửi tặng tôi cuốn sách vừa in  và tôi đọc nó một mạch, bởi câu chuyện nào cũng có vị ngọt, có hương thơm đúng nghĩa, đôi khi pha lẫn vị đắng, nhưng vẫn thích thú, để lại trong bộ nhớ  của mình những ấn tượng khó quên. Đời là vậy, vui đáo để, hóm hỉnh đáo để, nhân văn, ân tình đến lạ.

  Tình thầy trò, tình bạn, tình đồng đội, đồng nghiệp, tình mẫu tử…chung lại là tình người, đúng hơn là chất nhân văn trong tâm hồn, trong nghĩ suy nhất quán giống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong con người anh. Điều này, không chỉ thể hiện trong tập sách mà cả trong đời và nghề. Một sự hòa quyện, xoắn xuýt không chỉ trong suy nghĩ mà cả trong đời sống thực, cả trong máu thịt của mình. Đó là một trong những ấn tượng của tôi đối với bạn mình. Cha ông ta nói, “một chữ hay nửa chữ cũng đều là Thầy. Chính thế mà có lần từ Hà Nội anh cất công về thành phố Cảng để tìm Thầy, mong gặp lại thầy học đã dạy mình những năm ở trường cấp III Hương Khê. Nhưng Thầy đã về thế giới bên kia. Không nản, anh lại tìm đến người vợ của Thầy, cô giáo Thanh Nhàn và hai con của Thầy lúc này đã chuyển vùng, ở trong một ngõ hẻm  quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Thế rôi, hương khói tưởng nhớ người Thầy học năm xưa lại tỏa bay.

Đại thi hào Nguyễn Du ngợi ca “Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”, đó là vẻ đẹp thanh tao khiến cho một số nhà báo ở “phố lính” Lý Nam Đế  sáng kiến lập “Hội” hoa quỳnh để ngâm thơ, bình thơ, luận bàn thế sự liên quan nghề báo, sẻ chia nỗi nhớ gia đình, người thân thời trận mạc.  Không chỉ có thế, “Hội” hoa quỳnh của nhà báo chiến sĩ còn kết nối, tạo nên “sức mạnh tổng hợp” để họ lo chuyện gạo, mì, dầu hỏa, củ xu hào… kịp lên xe về quê làm quà dịp lễ Tết . Nói chuyện này trong thời đổi mới, hẳn có người không tin. Nhưng đó là sự thật của một thời chưa xa. Hơn thế, đó còn là vẻ đẹp của những người lính, lung linh sắc màu trăm trận trăm thắng. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp hay không đồng nghiệp, mới gặp vài ba lân hay đã biết nhau lâu thường có chung nhận xét, ngoài việc làm báo có nghề, Phạm Quốc Toàn còn là người biết tổ chức và quản lý công việc từ lớn đến  nhỏ, phức tạp hay đơn giản. Với anh, thành công hay chưa thành công của những người dưới quyền, anh đều có cách nhìn nhận đúng mức, rất ít khi “chém gió” nên thuyết phục được nhiều người.      

Kể chuyện này tuy riêng tư, nhưng nó hàm chứa tình người. Tôi có cháu trai – cháu nội bà chị gái ở Hà Nôi, học xong trường nghề chưa tìm được việc làm,  anh Phạm Quốc Toàn  nhận cháu vào phía Nam làm việc. Cháu được thu xếp ăn, ở ngay trong nhà mình. Cho mượn cả phương tiện để đi làm. Nhiều hôm còn đợi cơm vì cháu về muộn. Được biết, đây không phải chuyên riêng lẻ, đơn chiếc mà không ít trường hợp khó khăn của bè bạn, anh đều tận lòng giúp đỡ, khi có thể.     

Kể về tình mẫu tử, tinh huynh đệ, anh viết làm tôi rơi nước mắt khi đọc: “Bố vội vã về cõi vĩnh hằng- không một lời từ biệt- khi bao công việc đang dang dở; con cái chưa trưởng thành”…Và, chỉ mấy năm sau đó, Mẹ cũng đi xa. Nếu như Bố “vội vã về cõi vĩnh hằng” bù lại mẹ anh  lại dặn dò “Mẹ không ở thêm với các con được nữa. Nhớ chăm sóc các em.  Các con thương nhau, bao bọc cho nhau.”. Vâng lời mẹ dặn, Phạm Quốc Toàn hết lòng chăm sóc các em.  Nhà báo Nguyễn Luân, Thường trực Hội nhà báo Thừa Thiên- Huế có lần kể lại, thời học trò Quốc Toàn khổ lắm, ngoài giờ học còn phải lến rú chặt chổi trện về làm chổi bán kiếm tiền nuôi em và lo ăn học cho bản thân. Bù lại, Quốc Toàn học giỏi và không quên kèm cặp bạn bè cùng lớp. Làng ấy, làng Can Hợi, sau là Phúc Trạch - nơi có giống bưởi ngon nổi tiếng, sau này là xứ trồng cây gió trầm “một vốn mười lời” vốn có nhiều người học giỏi, có đến 9 nhà báo cùng thôn, Huyền Dân, Phạm Quốc Toàn, Trần Thu Hiên (nguyên Tổng biên tập báo Khoa học & Đời sống), Nguyễn Luân…

Mới đây, biết vợ chông tôi vào Sài Gòn, anh  đãi cơm, nhưng không quên đĩa cà muối xứ Nghệ. Chỉ thế thôi cũng đủ cắt nghĩa cái tình, cái nghĩa dù ta đã đi nhiều nơi của bốn phương trời. Nhân bữa cơm, tôi đem chuyện kể của Nguyễn Luân hỏi  Quốc Toàn, anh thực tâm thủ thỉ: “Được thừa hưởng từ Bố, tôi có thói quen đam mê đọc sách từ khi còn nhỏ. Đi học, đi làm, thời còn trẻ cũng như lúc tuổi xế chiều, làm báo,  sách là hơi thở cuộc sống đời tôi”… Đành rằng, từ đọc đến viết là một khoảng cách không ngắn - nhưng với Phạm Quốc Toàn sau khi rời ghế nhà trường, anh có may mắn bước vào trường “Đại học quân đội” vừa trui rèn bản thân vừa đào luyện chuyện viết lách. Bởi thế, dù bận rộn công tác quản lý, anh vấn giành mật ngọt cho “Tản mạn về Đời”. Tháng 6 – 2013  anh có thêm cuốn “Nghề và Đời” hơn 300 trang in, tiếp nối những trang viết của “Tản mạn về Đời”, xuất bản tháng 12-2012. Vậy là dòng Đời (viết hoa) một thứ cốt lõi như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tâm hồn và trí tuệ trong con người  Phạm Quốc Toàn. Anh bật mí, tháng 10-2013, tập sách thứ 3 của anh – cũng dày dạn không kém sẽ ra mắt bạn đọc. Chiếc máy tính xách tay luôn bên anh. Anh vừa làm công việc quản lý một tờ báo, công việc Hội nhà báo bao bộn bề  và tranh thủ  mọi nơi, mọi lúc viết báo, viết sách. Sức làm việc của Phạm Quốc Toàn  đến lạ. Anh đang âm thầm rượt đuổi với thời gian …

 Nghĩ về bạn bè, tôi nhớ chuyện cũ. Năm 1948 tại Việt Bắc Thủ đô gió ngàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời cụ Võ Liêm Sơn (lão thành cách mạng từ Nghệ An ra họp) sang thăm Bộ Tổng tư lệnh. Lo lắng đường núi khó đi, Bác Hồ trao tận tay cụ Sơn cậy gậy trúc rồi nói “Nhất sinh chính trực hựu kiên cương/ Huế thủ đồng hành kỷ tuyết sương”. Trở lại đất Nghệ, cụ Võ Liêm Sơn kể lại với mọi người. Nhân đó cụ cả Khiêm (anh trai Bác Hồ) vịnh thơ: “Trúc câu thiên lý lộ chí tình”. Nghĩa là cái tình là hơn cả, Còn tình còn mọi cái. Âu đó cũng là lẽ sống ở đời và trong con người của bạn tôi - nhà báo Phạm Quốc Toàn hội tụ, lan tỏa tất cả điều đó. 

 (Báo Sài gòn Giải phóng ,  ngày 27.12.2012)



Add comment