Nhà báo Trương Quang Châu, tuổi Kỷ Sửu (1949) đã đột ngột ra đi ngày 30.10.2017. Anh có gần 20 năm làm phóng viên Kinh tế, Báo Quân đội Nhân dân, để lại cho đời nhiều bài viết mà đến nay nhiều người vẫn nhớ, trước khi chuyển ngành vào Tp. biển Vũng Tàu. Nhiều năm công tác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, anh vẫn là cộng tác viên tích cực của Báo Quân đội Nhân dân, đắm say nghề báo, nhà báo chiến sĩ…
Nhiều đồng nghiệp Báo Quân đội Nhân dân thập niên 70, 80 của thế kỷ trước vẫn gọi Quang Châu là nhà báo của TAM NÔNG (nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Sau này, bước qua những năm đầu của thế kỷ 21, khi anh đã chuyển ngành làm công tác thi đua khen thưởng - truyền thông ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Quang Châu vẫn đam mê với đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn. “Tam nông” gần như đã thành máu thịt, gắn bó suốt cuộc đời viết báo, làm báo của Quang Châu.
Mừng sinh nhật (năm 2004).
Những bài báo anh viết với những dòng tít, hình ảnh - ẩn dụ, so sánh ấn tượng đăng trên các chuyên trang kinh tế của Báo Quân đội Nhân dân đã mấy chục năm trôi qua, đến nay nhiều bạn đọc vẫn nhắc đến. “Gỗ chảy nước mắt” (khi viết về những cây cao su tiểu điền ở miền Trung); “Mít - cây lương thực” (khi viết về vườn mít vùng trung du Phú Thọ). Lúc đến một nông trường chăn nuôi trâu bò và trồng ngô nổi tiếng, Quang Châu có bài ghi chép “Sữa trâu tốt hơn sữa bò?”; “Ngô bổ hơn gạo?”. Sau những tít bài báo đó kèm theo một dấu chấm hỏi gợi mở sự suy nghĩ, nghiên cứu, phân tích các loại dinh dưỡng nhiều ít khác nhau, tác dụng khác nhau cho cuộc sống con người. Chỉ mới nghe qua tít bài, có người cho là Quang Châu “nói lấy được”, phận nghèo phận khó mới nói ngược cái sự đời là ngô bổ hơn gạo, sữa trâu tốt hơn sữa bò. Nhưng khi đọc kỹ, nghiền ngẫm những điều các nhà khoa học đã trăn trở, tìm tòi, khám phá mà Quang Châu bàn đến thì bài viết của anh lại rất có lý, tính thuyết phục cao.
Tắm biển tại Tp. Vũng Tàu.
Phóng sự “Kẻ Gỗ - nguồn nước ấm no”, đăng nhiều kỳ trên Báo Quân đội Nhân dân, được bình chọn là một phóng sự mẫu, giảng viên các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí lấy phóng sự này trao đổi với học viên về chất văn học, chất dân ca xứ Nghệ được đưa vào tác phẩm nhuần nhuyễn, dễ đi vào lòng người. Ít ai ngờ, vốn là học sinh chuyên toán, Quang Châu lại theo nghề báo chí văn chương, am tường khá sâu sắc ca dao tục ngữ và làn điệu dân ca xứ Nghệ.
Sức lan tỏa những tác phẩm báo chí của Quang Châu vào đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn qua nhiều ghi chép, bút ký, phóng sự có tiếng vang, tạo hiệu ứng xã hội cao. Bài hát “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ra đời cùng thời điểm bài phóng sự “Kẻ Gỗ - nguồn nước ấm no”. Giọng ca trầm bổng du dương mà da diết của bài hát đậm chất dân ca Nghệ Tĩnh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong chương trình “Giai điệu tự hào” trên màn ảnh nhỏ VTV1, nhân kỷ niệm 69 cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh mùng 2 tháng 9 đã làm không ít bạn đọc cùng thời nhớ đến phóng sự mà nhà báo Quang Châu miêu tả sống động về tình yêu lao động - tình yêu đôi lứa trên công trường đại thủy nông Kẻ Gỗ của hơn 30 năm trước.
Kỷ niệm 40 năm ngày cưới (7.2.2015).
Một lần, tại nhà riêng của anh ở thành phố biển Vũng Tàu, khi tôi hỏi Quang Châu về phóng sự “Kẻ Gỗ - nguồn nước ấm no”, anh xúc động nhớ lại:
- Phóng sự 5 kỳ đó tôi đọc tài liệu gần 3 tháng ở Bộ Thủy lợi, xuống công trường với người thợ xây đập, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với họ 1 tháng. Suýt nữa tôi làm rể ban chỉ huy công trường (cười vui). Cô nàng kỹ sư thủy lợi xinh ơi là xinh, nhưng công việc là công việc (lại cười). Phóng sự vừa đăng trên Báo Quân đội Nhân dân, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban chỉ huy công trường mắc loa phóng thanh cho phát đi phát lại liên tục trên công trường cả tháng trời. Khí thế đùng đùng, lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, chỉ huy trưởng công trường động viên khích lệ, thưởng “nóng”. Đời làm báo quả là rất vui, tự hào và vinh quang lắm.
Tôi khen cái tít bài phóng sự gợi mở hấp dẫn, vừa khái quát, vừa cụ thể. Quang Châu thành thật, cười khì: “Tít bài ấy là của Tổng Biên tập, tướng Trần Công Mân. Sếp còn bổ sung vào bài mấy câu ca dao. Tướng vậy mới là tướng chứ, uyên bác, trí tuệ!”
Về thăm quê hương Bác Hồ, Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An - tháng 12.2007.
Đầu thập niên 80, Quang Châu khăn gói lên đường vào vùng châu thổ Cửu Long. Quang Châu bồi hồi nhớ lại quảng thời gian lăn xả vào đại công trường thủy lợi Đồng Tháp Mười:
- Không biết duyên phận thế nào mà cứ ở đâu mở đại công trường thủy lợi, đem nguồn nước mát đến cho ruộng đồng là tôi lại có mặt. Tôi vào vùng Đồng Tháp Mười gần 2 tháng ròng rã, cùng các kỹ sư Bộ Thủy lợi chèo ghe thuyền đi dọc ngang vùng đồng bằng châu thổ. Ngày đó, kênh rạch chi chít, nhưng nhiều nơi nước nhiễm mặn, mênh mông biển trời chỉ có nước, rừng đước, rừng tràm, dừa nước, sú vẹt. Ban đêm, chèo ghe thuyền giữa vùng Đồng Tháp chẳng nhận ra phương hướng, mọi người chỉ còn trông chờ vào sao Bắc Đẩu (về đêm), bình minh (mặt trời mọc) để xác định hướng đi. Tôi đã lênh đênh nhiều ngày đêm như vậy để thai nghén và cho ra đời bút ký báo chí 10 kỳ đăng trên Báo Quân đội Nhân dân.
Khi bút ký Kênh rạch Đồng Tháp Mười phát lại trên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, một nữ kỹ sư thủy lợi, gốc Nam Bộ hỏi Quang Châu:
- Nhà báo ơi, bài viết nhiều số liệu, cứ liệu khoa học, chi tiết mang tính khoa học - khám phá vùng Đồng Tháp Mười mà sao câu văn cứ nhẹ nhàng, bay bổng như có thơ, có nhạc trong đó. Nghe một lần đã có thể thuộc ngay cả đoạn. Cô chèo ghe thuyền kia chúng em đi mãi chẳng biết tên mà nhà báo thuộc vanh vách không chỉ tên thật, tên cúng cơm mà còn biết cả người yêu của cô ấy. Cứ đà này, phụ nữ chúng em đổ gục hết lượt, hihi.
Nhà báo Quang Châu cùng vợ và các con (Quang Chiến, Tuệ Hà, Trúc Quỳnh) tại quê nhà (Hà Tĩnh).
Quang Châu nhỏ nhẹ tỏ bày thành thực:
- Ấy, tên cô chèo ghe thuyền không phải nhân vật chính diện nên anh bịa ra đấy, đừng có tin. Còn bài viết có hồn, như có thơ và nhạc trong đó thì do anh sống chết với vùng đất này, yêu nhân vật của mình. Chỉ bằng cảm xúc sâu lắng từ con tim mà ra thơ ra nhạc trên từng trang viết.
Quang Châu mách nhỏ với tôi: “Đúng là tên cô chèo ghe tôi nhớ không thấu, bí quá đành bịa ra tên, vi phạm nguyên tắc làm báo đấy, nhưng sự việc - sự kiện về cô ấy thì tuyệt đối chính xác. Ở Nam Bộ cứ cô Hai, cô Ba, cô Tư, cô Năm là xong hết nè (cười)”
Các chuyên trang kinh tế - chuyên trang nông nghiệp, nông thôn trên Báo Quân đội Nhân dân thời kỳ đó do Quang Châu phụ trách. Trách nhiệm, tâm huyết, say nghề, Quang Châu đã bỏ nhiều công sức, mời các nhà khoa học đầu ngành viết bài, tư vấn kỹ thuật nông nghiệp cho bạn đọc - đối tượng là bà con nông dân. Nhiều sưu tầm về kinh nghiệm nhà nông, kỹ thuật trồng cây, chăm sóc gia cầm, gia súc; những loại giống tốt cho năng suất cao… được anh sưu tầm công phu, nội dung đặc sắc. Mỗi lần Quang Châu nhận được một ý kiến đề xuất mang tính phát hiện, một đơn khiếu nại bày tỏ sự oan khuất nào đó của bà con nông dân - bởi sự o ép của một số cán bộ thôn xã thoái hóa biến chất, Quang Châu nhanh chóng lên đường, bất chấp khó khăn của thời bao cấp, đất nước còn gian khổ trăm bề. Mọi ách tắc, nhiều nỗi oan khuất của người nông dân hiện lên trong từng bài viết của nhà báo Quang Châu rất thấu tình đạt lý, nguồn cội của những bế tắc trong cuộc sống của một người người nông dân cụ thể bằng xương bằng thịt nào đó được “truy” rốt ráo đến tận cùng sự việc, tìm lối ra hợp lý.
Cùng con trai trưởng Trương Quang Chiến (ngoài cùng bên phải).
Đồng nghiệp lý giải cuộc đời làm báo của Quang Châu gắn bó với nghề phóng viên kinh tế, với nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ khi anh làm báo lính, bởi anh xuất thân từ nông dân, yêu lũy tre làng từ thuở nằm nôi. Hồi còn là học sinh chuyên toán trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh, Quang Châu đã nuôi hoài bão trở thành kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư thủy lợi - đem nguồn nước ấm no về cho ruộng đồng. Yêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến mức khi đã gắn bó cuộc đời với nghề báo, Quang Châu đã chọn người bạn đời cũng là một cô gái nông thôn thực thụ ở quê nhà. Quang Châu thường tâm sự với bè bạn: “Nông dân rất cực khổ, công việc nhà nông lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Cây lúa, cây khoai, cây đậu… chỉ cần làm sớm, hoặc chậm một vài tuần, năng suất khác hẳn nhau, nhiều khi trắng tay. Chỉ bằng kinh nghiệm nhà nông chưa đủ, yếu tố khoa học - kỹ thuật, thủy lợi mang tính quyết định cho sự thành bại của nông nghiệp”. Yêu thương mãnh liệt lũy tre làng Việt, cây đa giếng nước đầu đình, Quang Châu tự học, đọc và tích lũy kiến thức từ các nguồn tài liệu sách báo nông nghiệp, kết thân với nhiều giáo sư, tiến sự, viện sĩ – những nhà khoa học giỏi như: Vũ Đình Cự, Vũ Tuyên Hoàng, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Văn Hiệu … để học hỏi thêm kiến thức.
Quang Châu xây dựng ý tưởng làm trang trại bằng những giống cây gắn với chế biến nông sản xuất khẩu, bên ngoài trang trại là kênh nước tưới tiêu, lớp hàng rào bảo vệ ngoài cùng là lớp mây song có thể chế biến thành những bộ bàn ghế bằng mây song xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản. Lúc chuyển vùng công tác vào một thành phố biển phương Nam, Quang Châu dành dụm được ít vốn liếng từ việc bán gia sản ở quê nhà, tính ngay việc mua 10 ha đất trang trại ở ngoại ô thành phố Bà Rịa để trồng táo, nuôi cá, chăn thỏ, bên ngoài cùng vẫn là lớp hàng rào mây song xuất khẩu. Chỉ tiếc, vì lý do sức khỏe và kẹt vốn đầu tư, nên dự án này của Quang Châu còn dang dở. Một phóng viên Báo Quân đội Nhân dân kể lại, một lần Quang Châu vô tình gặp một kỹ sư nông nghiệp của nông trường 20 – 4 (Hương Khê, Hà Tĩnh) tại số 8 Lý Nam Đế, Hà Nội, Quang Châu cùng vị kỹ sư nông nghiệp nọ đã thức trắng đêm vẽ bản đồ mô hình trang trại trồng cam và chè xuất khẩu, bên ngoài hàng rào là 3 lớp mây song phục vụ chiến lược làm bàn ghế mây xuất khẩu sang châu Âu. Gà phố Hà Nội gáy sang canh, bên ngọn đèn bàn hai cái đầu “yêu nông nghiệp” vẫn chụm đầu vào nhau rì rầm to nhỏ về đề tài trang trại.
Vợ chồng nhà báo Trương Quang Châu hạnh phúc bên nhau, trong một chuyến du lịch tại Nhật Bản
Quang Châu yêu nghề nông và cũng yêu nghề báo đến lạ. Cô con gái út - Trương Trúc Quỳnh, sau khi tốt nghiệp đại học và cao học tại Nhật Bản, tiếp tục ở lại vừa làm vừa nghiên cứu sinh chuyên đề kể lại: “Bố cháu đến Nhật là đi. Bố đi khắp các phố phường, tìm thú vui ẩm thực nhà nông. Có dịp là bố tìm đến các vườn cây, trang trại Nhật Bản để tìm hiểu các loài cây trái xứ Đông Bắc Á. Có những cụ ông tri điền bên Nhật nói chuyện làm trang trại hấp dẫn, bố cháu sẵng lòng ngồi nghe cả buổi, ghi chép hết cả cuốn sổ tay. Những lúc như vậy, cháu làm công việc chuyển ngữ cho bố. Hình như cứ nói đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn bố cháu chẳng còn biết gì đến thời gian, sự mệt nhọc”
Quang Châu sinh ra và trưởng thành ở một vùng quê nghèo, xã Thạch Linh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - nay thuộc thành phố Hà Tĩnh. Thời bao cấp, cuộc sống gia đình lam lũ, vất vả trăm bề. Quang Châu chịu thương chịu khó làm mọi việc để có thể hỗ trợ thêm cho vợ con. Trước đây, khi đất nước còn khó khăn, có lần Quang Châu tích cóp được 30 kg mì sợi đưa về cứu trợ gia đình. Bao tải mì sợi để cạnh 2 can dầu hỏa của một đồng nghiệp trên sàn xe. Khi xe đổ khách tại thị xã Hà Tĩnh, bao tải mì sợi của Quang Châu ướt mèm dầu hỏa. Mì sợi ngấm dấu chỉ còn cách vứt ra bãi rác. Quang Châu bật khóc. Các đồng nghiệp có mặt trên chuyến xe mắt rưng rưng lệ, vì thương bạn, thương cho cảnh khốn khó của một thời. Khó khăn là vậy, nhưng khi tác nghiệp báo chí, Quang Châu luôn đi tiên phong - dấn thân. Bất kỳ ai nhờ giúp đỡ công việc gì, anh hết lòng chia sẻ, hỗ trợ. Quang Châu vui bạn vui bè, tham gia câu lạc bộ “Báo chí Hoa Quỳnh”… bằng tất cả tình cảm và tấm lòng đồng đội, đồng nghiệp.
Mấy năm gần đây, sức khỏe của anh không còn sung sức như trước. Hai lần tai biến mạch máu não, Quang Châu đã gượng dậy, tự chăm sóc rèn luyện sức khỏe cho mình và sự trợ giúp đắc lực của người bạn đời - cô gái nông dân thực thụ vùng quê Thạch Bình mà Quang Châu đã quyết chọn làm “một nửa”. Với Quang Châu, khó khăn không chùn bước, yêu nghề, yêu công việc, yêu quê hương, yêu tổ ấm gia đình đến tận cùng con tim. Bởi vậy mà sức sống trong con người - nhà báo Trương Quang Châu thông minh mà đôn hậu, nhân văn lúc nào cũng như ngọn lửa bùng cháy.
TP. Vũng Tàu, 3.11.2017
PHẠM QUỐC TOÀN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|