Đời & Nghề Từ bến sông Nhùng!

Từ bến sông Nhùng!

(P.Q.T. 21.6.2018) TP. Huế cách tỉnh lỵ Quảng Trị hơn một giờ xe hơi. 9 giờ sáng ngày 12.5, chúng tôi đến huyện Hải Lăng. Bầu trời miền Trung trong xanh không một gợn mây, nắng chói chang, vừa sáng sớm, nhiệt độ ngoài trời đã 35 - 36 độ C. Nhà báo, nhà văn Phan Quang đề nghị chúng tôi ghé thăm nghĩa trang gia tộc thắp hương cho ông bà nội ngoại, cho thân phụ và thân mẫu, tưởng niệm bà con trong dòng tộc. Điều mà chúng tôi rất cảm phục, đó là trí nhớ tuyệt vời của ông. Phan Quang rời làng Thượng Xá, xã Hải Thượng đi theo kháng chiến từ năm 1947 - 1948, lần nào ông trở về quê cũng ngập tràn cảm xúc, nhớ về quá khứ không sót một chi tiết nhỏ nào.

DSC_1592

Nhà báo Phan Quang tại lễ kỷ niệm Tạp chí Người Làm báo tròn 30 tuổi.

Thời điểm Phan Quang lên căn cứ, quân Pháp từ Huế tràn ra Quảng Trị. Cả làng Thượng Xá ngược sông Nhùng tản cư lên bến Lỡ, Nà Tiên. Thân mậu Phan Quang là cụ Văn Thị Thiện lâm bệnh rồi qua đời tại Nà Tiên trong năm tản cư 1947. Thân Phụ là cụ Phan Thanh Tấn một mình vò võ bươn chải chèo chống dòng đời giữa bao gian khó, hiểm nguy, chỉ còn 6 tháng nữa là miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất - liền một giải thì thân phụ qua đời tại TP. Đà Nẵng, trên tay bà chị gái và mấy đứa cháu ngoại. Sau này, các con cháu mới có điều kiện đưa phần mộ của cụ về Hải Thượng quê nhà. Ông vừa nói, vừa lấy khăn chấm dòng lệ trộn với những giọt mồ hôi trên má, giữa cái nắng gay gắt trưa hè Quảng Trị. Ông tâm tình với chúng tôi, thế hệ làm báo lớp sau, câu chuyện bị ngắt quãng, bởi dòng cảm xúc dâng trào, chặn lại:

- Mẹ tôi mất sớm do lâm bệnh ở vùng núi thiêng nước độc dưới chân núi Trường Sơn. Gặp lúc mẹ đang đau nặng, cha tôi, các chị gái, ông anh rể mặt buồn rười rượi. Và ai cũng không dấu được thoáng mừng khi nhìn thấy bóng tôi, thằng con trai út ít duy nhất trong nhà từ con đường mòn ven sông trên căn cứ đi về đang trèo lên dốc. “Bà thiêng lắm, bà chờ cậu về bà mới chịu đi đó” - ông anh rể thì thầm vào tai tôi sau khi lễ táng cho mẹ, mọi người vác cuốc về nhà, tôi ôm bát hương trong tay. Chỉ mới đêm trước đó, tiết trời sương giáng giữa chốn rừng xanh, khói mây mù mịt, mưa bụi lai rai. Tôi cúi mặt xuống sát giường, để nghe cho rõ lời mẹ tôi thì thào: “Mạ chết… con… cho mạ… cái áo… Độc lập… đưa mạvề làng… Đây rú… rừng… lạnh lẽo…”

Phan Quang đứng đó lặng thầm. Ông đốt nén hương trầm, không nói với chúng tôi nữa mà giọng thì thầm, như nói với cha, với mẹ:

- Con xa quê, chia tay cha kính yêu sau ngày mạ (mẹ) qua đời rồi biền biệt đi kháng chiến. Hải Thượng chìm ngập trong bom đạn, với những trận càn đẫm máu. Nghĩa trang liệt sĩ của xã nằm đó, ngay đây thôi với gần 2.000 ngôi mộ liệt sĩ khói hương nghi ngút mỗi ngày. Trước ngày tiếp quản Hà Nội, tháng 10 năm 1954, con được cấp trên điều động về thủ đô Hà Nội làm phóng viên Báo Nhân Dân trụ sở bên bờ Hồ Gươm, cha ở lại bên kia giới tuyến tạm thời, dòng sông Bến Hải đẫm máu và nước mắt người thân. Đến khi Mỹ sắp cút, ngụy sắp nhào, con đau đáu từng giờ, từng phút mong sớm được về Nam gặp cha, thì cha lại ra đi sớm hơn từ nơi chạy giặc ở Đà Nẵng, trước thềm mùa Xuân năm 1975. Cha ơi, mạ ơi, có sự mất mát và nỗi đau nào lớn hơn thế. Cha ơi, cha đã đưa mạ về đây không ở trên rú rừng Nà Tiên lạnh lẽo nữa, sau ngày mạ mất vài năm, như mạ đã dặn lúc lâm chung. Mạ ơi, sau ngày quê hương sạch bóng quân thù, chúng con đã đưa cha từ dặm cát bên biển Đà Nẵng về đây cùng mạ, cùng ông bà …

Giọng nói nhỏ nhẹ xúc động của Phan Quang trên khu nghĩa trang, mỗi chúng tôi đi bên ông trưa hè cũng nghẹn lời, đôi mắt ai cũng nhòa lệ nhìn vào khoảng trống xa xăm. Mỗi phần mộ trong dòng tộc là một câu chuyện dài. Phan Quang nhớ rành rọt, kể cho chúng tôi nghe về từng người ruột thịt, không thiếu ai. Ví như khi đến phần mộ cụ Lâm Thị Định, bà ngoại tướng Cao Văn Khánh, phó tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, hai anh em con cô - cậu ruột với nhà báo Phan Quang, ông hỏi chúng tôi đã đọc cuốn hồi ký lịch sử “Tường Cao Văn Khánh” của phó giáo sư TS Cao Bảo Vân vừa xuất bản đầu năm 2018 chưa? Và ông kể cho chúng tôi bao chuyện buồn vui, cả những bi kịch về vị tướng trí thức một lòng một dạ đi theo cách mạng, tài đức vẹn toàn. Thế mới biết sức nhớ, sức đọc phi thường, sự thông tuệ thời cuộc - thế sự của chính khách Phan Quang, cây đại thụ báo chí nước nhà, khi tuổi đã vượt ngưỡng 90.

DSC_1622

Nhà báo Phan Quang tại lễ kỷ niệm Tạp chí Người Làm báo tròn 30 tuổi.

Trên khu vườn cũ, nơi ông cất tiếng khóc chào đời, ngần ấy thời gian, nay đã nhiều đổi thay. Nhưng Phan Quang không quên bất cứ điều gì, tất cả đã như khắc cốt ghi tâm. Đi bên cạnh chúng tôi, ông nói, như tâm tình với chính mình:

- Đây là lối rẽ ra bến sông Nhùng, phía sau nhà. Tuổi thơ, mỗi ngày 3 cữ lũ trẻ chúng tôi ào ra bến sông bơi ngang, bơi dọc săn đuổi chim, vui lắm. Chúng bạn ngày ấy nay chỉ còn lại duy nhất thằng cu Diêu (tên gọi chính thức của ông) bơi nhanh như con ráy cá. Đằng kia là khu nhà mà đức vua Hàm Nghi trên đường ra vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh, hạ chiếu Cần vương chống Pháp đã ngủ lại qua đêm, nhờ cái lộc Ngự Sử của ông nội Phan Thanh Tân. Đằng kia nữa là quán bà Thập Dụ, nơi buộc hai con voi của đức vua Hàm Nghi. Lối đi này là căn hầm chữ A tránh bom đạn cho cả nhà, thời đánh Pháp và đánh Mỹ, nơi trung tá tiểu đoàn trưởng đơn vị nhảy dù quân đội Sài Gòn Nguyễn Lô, người cháu họ của Phan Quang đã ghé nhà lục tìm ra cha tôi. Nguyễn Lô tuy là lính ông Thiệu theo quốc gia, nhưng vẫn còn tình máu mủ dòng họ đã cho lính đưa cha tôi đang trú tránh dưới hầm bằng xe Jeep của quân đội Sài Gòn, vượt đại lộ KINH HOÀNG vào Huế giao cho một người bà con, để rồi sau đó kịp gọi thằng cháu ngoại ra Huế đưa ông ngoại vào Đà Nẵng tránh bom đạn chiến tranh cùng gia đình bà chị gái.

DSC_1677

Nhà báo Phan Quang chụp hình kỷ niệm với các đồng nghiệp và Tiến sĩ kinh tế Phongphan Yongyotying (người đứng giữa), thành viên hội đồng tư vấn của Chính phủ Thái Lan.

Làng Thượng Xá - Hải Thượng cách Thành Cổ Quảng Trị quãng đường không xa, đường bộ khoảng 5 km, đường chim bay chỉ vài cây số. Mỗi góc vườn, góc sân, đoạn đường, bến sông, chiếc cầu, cái lô cốt vùng quê anh hùng, son sắt một dạ với cách mạng như sống dậy, đung đưa, nhảy múa trước đôi mắt tinh tường, sự minh mẫn đến lạ của “lão tướng” Phan Quang. Tất cả như một bộ phim có nhạc, có họa lung linh tỏa sáng, trở về bao kỷ niệm tuổi thơ. Có lúc Phan Quang hồ hởi, hoạt bát hẳn lên, nhưng có thời điểm ông đứng im, không nhúc nhích, như một pho tượng sống. Đó là khi mà ông đang nghĩ suy, đang sống lại với những kỷ niệm cuộc đời, về thời cuộc và nhân tình thế thái. Rồi ông cùng chúng tôi đội nắng về thăm nhà thờ Phái, nhà thờ Họ, thăm cây bồ đề ông đưa từ Đà Nẵng về trồng góc bên trái trong sân từ đường họ Phan, nay đã bén rễ xanh tốt. Cây bồ đề góc phải sân do gia đình ông Phan Giá - người anh con bác ruột trồng, rung rinh trước gió như lời hẹn ước: họ Phan làng Thượng Xá, dù đi đâu, về đâu, làm bất cứ công việc gì vẫn một dạ hướng về cội nguồn, sống hiếu nghĩa, luôn xứng đáng với tiên tổ, quê hương, đất nước.

Chiếc xe 4 chỗ của người cháu họ Phan Thanh Tiến đưa ông cùng chúng tôi đi dọc đại lộ KINH HOÀNG, phía Nam sông Thạch Hãn, mạn huyện lỵ Hải Lăng ngày nay. Chiến tranh hỗn quân hỗn quan, hàng trăm bà con vùng Hải Lăng, Triệu Phong đã ngã xuống bởi bom đạn, pháo dập từ cả hai phía địch và ta, khi Thành Cổ Quảng Trị thất thủ trong chiến dịch xuân hè năm 1972 của bộ đội giải phóng. Và con đường THIÊN LÝ, con đường mà đức vua Hàm Nghi đã xa giá ra miền Trung hạ chiếu Cần vương đánh Pháp. Và kia là con đường KHÔNG VUI mà bọn giặc Pháp, giặc Mỹ vẫn thường nói, báo chí - văn học nước Pháp, nước Mỹ đã miêu tả không biết bao nhiêu trang giấy, bởi trên con đường này đã có hàng trăm tên lính xâm lược bỏ mạng trước họng súng quân du kích và bộ đội giải phóng. Đây nữa, đoạn đường này, bà con làng Thượng Xá đã trải chiếu hoa - thường để trải nơi trang trọng, trong sân đình ngày lễ hội đón vua quan, các lão làng - để cho bộ đội giải phóng từ bờ sông, đường đất lầy lội hành quân vượt lộ, tiện xóa dấu vết khi quân địch tổ chức truy đuổi. Ông dẫn chúng tôi thăm cầu Nhùng, lô cốt Nhùng, về bến sông Nhùng sau vườn nhà, nơi tuổi thơ ông vẫn cùng chúng bạn bơi lội, tắm mát và đứng trên bờ hò reo cổ vũ các hội đua thuyền hằng năm vào ngày mùng 2 tết nguyên đán…

DSC_1651

Nhà báo Phan Quang và nhà báo Phạm Quốc Toàn.

Nhà báo, nhà văn, chính khách, nhà văn hóa uyên bác Phan Quang sinh ra, lớn lên, rồi ra đi và hôm nay trở về quê Mẹ khi tuổi ông đã vào mùa đông cuộc đời, giữa trưa hè nắng gắt, lộng gió. Có cái gì đó nghẹn lời từ ông truyền sang cho chúng tôi, khi kết nối sự kiện “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 bên Thành Cổ quê hương, hàng vạn chiến sỹ, đồng bào đã anh dũng ngã xuống và mùa hè 2018, khi chúng tôi lại về đây với bến sông Nhùng, bến sông Thạch Hãn bên Thành Cổ anh hùng, uy nghi - tráng lệ. Trưa hè Quảng Trị, bên bờ con sông Nhùng và bên bờ con sông Thạch Hãn kiên trung, bất khuất, nước trong xanh chảy về cửa Việt đẹp mê hồn, thắp nén hương trầm cho cha mẹ, ông bà trước bàn thờ lúc tạm xa làng Thượng Xá, Hải Thượng, Phan Quang xúc động:

- Con lại ra đi, để rồi con sẽ trở về trong vòng tay của cha mẹ, ông bà, dòng tộc nội ngoại và quê hương yêu dấu… Cu Diêu của cha mẹ, của ông bà sẽ vẫn cứ “Đọc, đi, nghĩ, viết” về những điều tốt đẹp của cuộc đời này, vốn đã đổi bằng bao xương máu của cả một dân tộc!

1f3497fbcea22ffc76b3

Giọt nước mắt long lanh thấm đẫm nơi khóe mắt, càng làm cho chính khách, nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa lớn Phan Quang thêm rạng rỡ, tâm trí ông càng thêm rạng ngời. Mái tóc bạc trắng của… lão ông Phan Quang hôm nay, niềm vui lớn từ quê hương thật trọn vẹn.

PHẠM QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment