(PQT-15.6.2018)-Nhà báo, nhà văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh (bút danh Hồng Vinh) đọc, đi, viết đều đặn mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng. Ông không chỉ viết báo, viết văn mà còn làm thơ mỗi khi cảm xúc về cuộc sống dâng trào, tuôn chảy. Tuổi ngoài 70, ông vẫn hăng say đi tới nhiều vùng trong và ngoài nước. Con tằm kéo kén nhả tơ, con ong cần mẫn làm mật ngọt cho đời. Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (2018), Nguyễn Hồng Vinh sắp ra mắt bạn đọc một tuyển tập thơ - văn mới, vẫn cứ luôn là người “Giữ lửa” sáng tạo, đam mê, trách nhiệm...
Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh (thứ 2 từ trái qua) tại lễ kỷ niệm 30 năm Tạp chí Người làm báo ra số đầu, 3.2015.
Cách Thành Nam - Tp. Nam Định gần 10 km là xã Hồng Quang, huyện Nam Trực. Hồng Quang là vùng đất địa nhân linh kiệt, cái nôi văn hóa đặc sắc từ hằng trăm năm nay. Đình Hát là quần thể di tích có kiến trúc đặc sắc hơn 10 thế kỷ trước, phía sau có đền thờ phụng Phụ dục Quốc chính Thượng tướng quân Trần Minh Công - tên thật là Trần Lãm, người có công lớn cùng Đinh Bộ Lĩnh - vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất quốc gia, bảo tồn sông núi. Hồng Quang là đất đắc đạo của nghệ thuật múa Rối nước dân gian cổ truyền Bắc Bộ; quê hương của những chiếc lồng đèn trung thu nhiều chủng loại; xứ sở nổi tiếng các loại hoa lụa - thoạt nhìn chẳng phân biệt được hoa thật hay hoa giả… Hồng Quang còn là vùng đất khoa cử, nơi có Trần Văn Bảo, đỗ Trạng nguyên vào năm 1550, dưới thời vua Mạc Thiện Tông.
Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định chính là quê hương của nhà báo, nhà văn hóa, chính khách, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh. Ông sinh ngày 25/6/1945, lớn lên trong cái nôi văn hóa - lịch sử Hồng Quang. Hồng Quang là ánh sáng đỏ hồng tỏa sáng, như chính tên gọi của nó. Nét đẹp Hồng Quang thấm đậm văn hóa hồn quê đã đi vào những trang thơ, bài viết, bài giảng, công trình nghiên cứu của Nguyễn Hồng Vinh.
Nói đến Nguyễn Hồng Vinh, trước hết là nói đến trọng trách của ông trong vai chỉ đạo lĩnh vực tư tưởng, báo chí, văn hóa, nghệ thuật… Ông nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân; nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương… Những trọng trách này ông đều hoàn thành xuất sắc; thực thi nhiệm vụ hết mình; vừa giữ vững kỷ cương nguyên tắc, vừa năng động, sáng tạo, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân, đồng nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, Nguyễn Hồng Vinh được phân công về làm phóng viên Báo Nhân Dân; được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô, trực thuộc BCH Trung ương Đảng CS; đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ báo chí - trở thành người có học vị tiến sĩ báo chí đầu tiên ở Việt Nam.
Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh (thứ 3 từ trái qua) tại lễ kỷ niệm 30 năm Tạp chí Người làm báo ra số đầu, 3.2015.
Trong 33 năm làm việc tại Báo Nhân Dân, là một trong những ngọn cờ chính trị, tư tưởng, văn hóa của Đảng, từ một phóng viên xông xáo, dấn thân, đến vai người đứng đầu một ban biên tập chuyên ngành - vụ trưởng - đến khi trưởng thành nhận nhiệm vụ Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Nguyễn Hồng Vinh kế tục xứng đáng các thế hệ lãnh đạo báo Đảng. Nhận nhiệm vụ Tổng biên tập Báo Nhân Dân, xuất phát từ tình hình nhiệm vụ của thời kỳ mới, trên cơ sở phát huy thành quả nhiều năm của các thế hệ lãnh đạo báo, Nguyễn Hồng Vinh cùng Ban biên tập, tập thể cán bộ, phóng viên triển khai Đề án được Bộ Chính trị phê duyệt: “Cải tiến, nâng cao chất lượng các ấn phẩm của báo Nhân Dân”. Trên cương vị Tổng biên tập, Nguyễn Hồng Vinh đưa báo Nhân Dân hằng ngày từ 4 trang lên 8 trang; đổi mới nội dung Nhân Dân cuối tuần; xuất bản Nhân Dân hằng tháng; xuất bản Nhân Dân điện tử tiếng Việt và tiếng Anh; mở 3 cơ quan thường trú tại Bắc Kinh, Paris, Bangkok…
Tháng 3 năm 2000, Đại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam (NBVN) nhiệm kỳ 2000 - 2005, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. Sau Đại hội, dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội NBVN, tháng 4/2000, Hội vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý. Dấu ấn quan trọng mà Chủ tịch Nguyễn Hồng Vinh và Ban Chấp hành Hội thời kỳ này để lại là, trên cơ sở Tờ trình và Đề án của Lãnh đạo Hội, ngày 18/3/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 37- CTTW về “Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội NBVN trong thời kỳ mới”, một dấu móc quan trọng, tiền đề thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp - “Mái nhà chung” của giới báo chí Việt Nam hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh (thứ 5 từ trái qua) tại lễ kỷ niệm 30 năm Tạp chí Người làm báo ra số đầu, 3.2015.
Với Nguyễn Hồng Vinh, về nghề nghiệp, trước hết là một nhà báo sắc sảo, tận tụy, yêu nghề. Cây bút Hồng Vinh, gần như luôn có mặt ở mọi miền Tổ quốc. Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu nơi tuyến đầu đất nước; Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh nơi tuyến lửa, một thời đạn bom khốc liệt; Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… khúc ruột miền Trung; Kon Tum, Gia Lai, ĐakLak, Lâm Đồng… vùng cao nguyên nghèo khó; Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp - miệt vườn Nam Bộ…, không nơi nào thiếu vắng bước chân nhà báo Nguyễn Hồng Vinh! Trao đổi cùng ông trong một cuộc hội thảo báo chí, đồng nghiệp Huỳnh Dũng Nhân - cây viết phóng sự của báo Lao Động một thời, hỏi ông:
- Anh rất bận công việc quản lý, bí quyết nào để anh đi được nhiều nơi và viết được nhiều bài điều tra, những phóng sự hay, nhất là các phóng sự ở vùng sâu, vùng xa, vùng miệt vườn Nam Bộ?
Nguyễn Hông Vinh thành thực:
- Để có bài hay, đầy ắp hơi thở cuộc sống thì chỉ có cách là “xách ba lô” lên đường. Cũng như Huỳnh Dũng Nhân đó thôi, không đi phượt, không cưỡi tuấn mã… xe máy xuyên Việt cả tháng trời thì không bao giờ có phóng sự xã hội Đường cái quan giàu sức sống đến vậy.
- Vấn đề là anh sắp xếp thời gian ra sao?
Như bắt đúng mạch nguồn, Nguyễn Hồng Vinh cởi mở:
- Nhà báo Phan Quang rất lão luyện viết bút ký, ghi chép, phóng sự từ ngày ở Báo Nhân Dân. Kinh nghiệm của Phan Quang là “Đọc, đi, nghĩ, viết”. Ông đọc kỹ tài liệu, sưu tầm, khảo cứu sâu vùng đất nhà báo sẽ đến. Làm được điều này, coi như phóng sự, ghi chép, điều tra xong non nửa. Nhà báo đến tận nơi chỉ là để đối chiếu, kiểm tra, bổ sung tư liệu, gặp gỡ nhân vật, tìm nguồn cảm hứng… Làm được như Phan Quang, tiết kiệm được rất nhiều thời gian trên đường, cho những chuyến đi.
Tập sách quý Đất nước qua những chặng đường làm báo (Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 2007) của Nguyễn Hồng Vinh chính là sự chắt lọc tư liệu và kinh nghiệm từ hàng trăm chuyến đi trong nước và ngoài nước, gặp gỡ hàng trăm con người, chứng kiến nhiều sự kiện vui buồn ở cơ sở vùng sâu, vùng xa, ở đồng bằng và hải đảo, và ở cả những quốc gia mà Việt Nam cần tìm hiểu, học hỏi cung cách làm ăn, tổ chức và quản lý xã hội...
Hồng Vinh xử lý tốt các thể loại phóng sự, điều tra, ghi chép, bút ký… Nhà báo Hồng Vinh, với trọng trách chỉ đạo, điều hành, quản lý nội dung các ấn phẩm báo Đảng, trước hết, phải là một cây viết chính luận, được coi là “súng đại bác” của báo chí. Ngoài việc chỉ đạo, biên tập, tham gia viết các bài chuyên luận, xã luận, bình luận trên Nhân Dân hằng ngày; sau khi xuất bản Nhân Dân hằng tháng, Hồng Vinh còn “gánh” trách nhiệm viết Vấn đề tháng này - mỗi tháng một bài đều đặn đăng trang đầu, độ dài trên dưới 500 chữ. Chính đây là “xã luận” của ấn phẩm này với chức năng phân tích, bàn luận, gợi mở định hướng tư tưởng và hành động một vấn đề quan trọng nào đó trong tháng. Nhân dân hằng tháng ra đời, xuất bản số đầu vào tháng 6/1997 cho đến tháng 6/2018 này đã tròn 21 năm - Vấn đề tháng này vẫn chỉ duy nhất Hồng Vinh đảm nhiệm viết bài - khi ông là Tổng biên tập và cả khi ông đã thôi nhiệm vụ Tổng biên tập. Các bài chính luận Vấn đề tháng này đã được Nguyễn Hồng Vinh và Nhà xuất bản Văn học tập hợp, tuyển chọn in thành 2 tập sách Giữ Lửa - Giữ Lửa tập 1 in năm 2014, Giữ Lửa tập 2 in năm 2017 - có bổ sung thêm một số bài cùng thể loại chính luận ông viết đăng trên Tạp chí Tuyên Giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương và một số báo chí khác.
Nhà báo, nhà văn Phan Quang, nguyên chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trong bài viết giới thiệu tác phẩm Giữ Lửa (tập 1) nhận xét: “Chuyện nhà văn, nhà báo tài danh nhận lời phụ trách viết chuyên mục cho một ấn phẩm xuất bản định kỳ trong nhiều năm, từ đó lưu lại dấu ấn lên văn đàn không phải là chuyện quá hiếm trên thế giới và cả ở nước ta. Nhưng tình nguyện làm “cây xã luận” cho một tạp chí suốt 17-18 năm (bây giờ đã là 21 năm - PQT), kể từ khi giã từ tòa soạn đi nhận trọng trách khác như trường hợp nhà báo Nguyễn Hồng Vinh với báo Nhân Dân thật sự là ít có”. Đến thời điểm hiện nay - Nhân Dân hằng tháng đã xuất bản tròn 21 năm, với 254 số, đồng nghĩa với 254 bài “xã luận” Vấn đề tháng này. Tháng này qua tháng khác, bài viết có cùng chủ đề, sự kiện, nhưng không bài nào giống bài nào, mỗi bài có nội dung mới, cách lập luận mới, hình thức thể hiện mới. Quả là bạn đọc bái phục sức nghĩ, sức viết, sức sáng tạo của Hồng Vinh, người Giữ Lửa nghề không ngừng nghỉ. Hiện tại, sau khi kết thúc ba nhiệm kỳ làm việc ở Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, ông được mời làm Chuyên gia cao cấp tại Học viện Chính trị Công an nhân dân từ năm 2017, tiếp tục công việc “nhả tơ” trên lĩnh vực chính trị, báo chí, văn hóa, văn học, nghệ thuật…
***
Khi nói đến sức lao động sáng tạo của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, không thể không nói đến lĩnh vực Thơ ca. Trong sự lắng động tâm hồn Ký Giả, có một nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Nhà viết chính luận mà nguồn thơ lại dồi dào tuôn chảy, thật đáng quý biết bao! Chính thơ đã góp phần làm cho phóng sự, chính luận của ông thêm mượt mà, bay bổng, dễ đi vào lòng người. Đến thời điểm này, ông đã xuất bản 6 tập thơ: Từ những nẻo đường (Nhà Xuất bản Hội nhà văn, 2010); Thao thức dòng đời (Nhà Xuất bản Văn học, 2010); Nhịp điệu thời gian (Nhà Xuất bản Văn học, 2012); Miền thương nhớ (Nhà Xuất bản Văn học, 2013), Màu ký ức, (Nhà Xuất bản Văn học, 2015); Lãng quên thì thầm, (Nhà Xuất bản Văn học, 2016). Hàng trăm bài thơ của Nguyễn Hồng Vinh, hàm chứa cảm xúc trước cái đẹp của cuộc đời, nồng nàn tình yêu thiên nhiên, đất nước, quê hương, đồng đội… Thơ Nguyễn Hồng Vinh dung dị, đằm thắm, ân tình nhưng không kém phần sâu lắng, có những câu thơ, bài thơ tỏa sáng bất ngờ. Tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ tình yêu quê hương từ thuở nằm nôi. Quê hương của Nguyễn Hồng Vinh - vùng đất “chiêm khê mùa thối” năm xưa, cứ đau đáu trong tâm trí ông từ thời niên thiếu: “Tuổi hoa niên đi qua/ Tiếng kẽo kẹt vó bè/ Thức cùng Cha đèn dầu trang sách/ Thức với gió mùa đông bắc/ Bì bõm lội đồng, Mẹ cấy hết đon.” (Nén nhang xuân). Trong hành trình công tác nửa thế kỷ, hình ảnh người mẹ: “Canh ba vội vàng thức giấc/ Hơ lá chuối non gói cơm/ Lầm lũi nuôi con ăn học” (Mẹ mãi còn đây) cứ chập chờn cả trong bữa ăn, giấc ngủ. Sang Mátxcơva, giữa ồn ào, náo nhiệt của thủ đô nước Nga, ông vẫn “Lắng nghe tiếng mẹ ru hời/ Trái tim lúc đói, tình người lúc xa” (Sao không gửi nắng). Cùng với đó, là hình ảnh người cha “đẩy thuyền oằn lưng” giữa mùa nước đồng chiêm mưa to, gió cả (Bên Cầu Vòi); là người anh ruột hy sinh ở đường 9 Nam Lào đến nay vẫn chưa tìm được mộ (Anh nằm nơi nao?); là người vợ tảo tần, đảm đang vượt lên mọi gian khó, khi ông đi làm nghiên cứu sinh ở nước Nga: “Bốn mùa hạ trôi qua trong sâu thẳm nỗi người/ Em vắt sức vì con xây tổ ấm/ Mừng xiết bao, từng bước chúng lớn khôn/ Anh - cậu bé lội bùn nơi đồng quê chiêm trũng/ Viết xong luận án về nghề, có quá nửa công em!” (Em kéo xuân lại gần); là những đứa cháu nội, ngoại, như: cu Tết, Cún, Chíp, Minh An… hiện lên trong thơ ông ngộ nghĩnh, hồn nhiên, thật dễ thương (Bà và cháu, Quý sao cháu gái; Yêu ai nhất?).
Triệu triệu gia đình, làng quê họp thành Tổ quốc Việt Nam trường tồn từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau bởi trí tuệ, máu xương, mồ hôi của lớp lớp cha anh, cứ da diết trong thơ ông: “Dưới cánh bay/ Điệp trùng vạn dặm Trường Sơn/ Một thời mở núi, xẻ rừng/ Bão nổi, bom rung/ Rộng dài đường Hồ Chí Minh huyền thoại (Dưới cánh bay). Đã từng hai lần vào Trường Sơn trong những năm chống Mỹ cứu nước với nhiệm vụ phóng viên chiến trường, ông thấu hiểu, sẻ chia nỗi chờ mong đằng đẵng của những người phụ nữ ở hậu phương có chồng, con ở ngoài mặt trận, đã bao đêm trằn trọc “nước mắt nhòe ướt thư quê/ Em chỉ nhận về lặng lẽ” (Ký ức xanh), cùi cũi sống trong “nhà mái tranh vách nứa/ Mỗi mùa rau, vụ lúa/ Nỗi mong chờ lên xanh!” (Mùa hoa gạo). Ở mặt trận, giữa hai trận đánh, người lính lại lục ba lô tìm chiếc khăn “thêu đôi chim quấn quít”; nhờ nó mà “giữa bom rơi, pháo dập/ Khăn ấm nồng bình yên”. Nghĩ đến người yêu, người vợ, họ như được tiếp nguồn sức mạnh vượt qua ranh giới mong manh giữa cái sống và cái chết: “Hành quân đêm khát khô cuống họng/ Vượt Trường Sơn điệp trùng trọng điểm”… “Sớm mai thôi lại vào trận mới/ Ai còn, ai mất, ai hay?” (Trước bình minh). Đất nước hòa bình, ông hăm hở ba lần ra Trường Sa sống với người lính đảo: “Anh đã gọi biển bao lần, cả trong mơ và thực/ Tháng tư này đứng giữa Sơn Ca/ Biển gọi tên anh trong từng con sóng/ Thêm một lần cát biển níu chân ta” (Biển gọi). Với ông, một trong những niềm tự hào lớn lao của người cầm bút là được trực tiếp bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa VIII tỉnh Khánh Hòa vào ngày 19/7/1992 tại chính đảo Trường Sa lớn - mà tấm Thẻ cử tri ngày ấy, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam! Thơ ông chất chứa niềm vui, nồi buồn khi viết về những cái tốt, cái xấu đan xen ở thời đất nước thực hiện cơ chế thị trường, nhưng trong ông luôn sáng lên niềm lạc quan, tin tưởng vào tiền đồ tươi đẹp của Tổ quốc. Giữa mùa đông rét đậm kéo dài, ông nhắn gửi một “thông điệp” tới những ai chỉ nhìn bức tranh đất nước với toàn màu xám: “Mạch sống nổi chìm vần vũ/ Gió gào lá rụng quạnh hiu/ Biết chăng từng cành gân guốc/ Lại đang ấp ủ bao mầm” (Cây mùa đông). Tỉnh táo nhìn đời, lý giải ngọn nguồn sự chuyển vần thời cuộc, ông vẫn có những bài thơ về tình yêu đôi lứa, làm xao động con tim những ai đang giữ lửa yêu: “Hừng đông dần lan tỏa/ Em khuất bóng nơi nào/ Trăng chỉ còn một nửa/ Nửa, cũng mất cả sao?!” (Trăng sớm). Tình yêu đích thực chính là sự sống, là nguồn động lực giúp con người vượt lên khổ đau, mất mát: “Thiếu nắng hè và đêm trăng, đâu còn Trái đất/ Không biển, sông, sao có cảnh buồm nâu?/ Tình yêu khơi nguồn thơ, tiếng hát/ Nhân niềm vui, vợi bớt sầu đau! (Vô đề). Chính vì vậy, mới một ngày vắng em mà: “Biển cạn vơi một nửa/ Chiều cũng không còn nữa/ Đâu dấu chân ngọc ngà…” (Vắng em một ngày). Năm 2010, thăm lại Hàng Châu (Trung Quốc), ông gắng tìm thăm nhà báo nữ Triệu Tố Giao xinh đẹp, từng sang Việt Nam, rất yêu Hà Nội - người đã tận tình phiên dịch giúp ông trong chuyến thăm và làm việc ở Triết Giang vào năm 2003, nhưng nào đâu liên hệ được: “Trên tháp Lôi Phong, mây ngàn gió lộng/ Nườm nượp người đi, người đến, bao người/ Chỉ mình anh giữa Tây Hồ ngút ngát/ Mà em đâu, bóng lẻ đơn côi?” (Trở lại Hàng Châu). Đúng như lời thơ của đại thi hào Nguyễn Du “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”.
Với hàng trăm bài thơ đề cập đa chiều cuộc sống, tôi không thể trích dẫn nhiều trong một bài viết ngắn. Những câu thơ vừa dẫn chỉ với dụng ý: Nguyễn Hồng Vinh đâu chỉ nguyên tắc, sắc sảo, chặt chẽ trong những bài chính luận. Nguyễn Hồng Vinh đâu chỉ khô khan như hai với hai là bốn trong những phóng sự điều tra, đưa ra ánh sáng công luận những vụ việc tiêu cực của xã hội để “Phò chính trừ tà”. Nguyễn Hồng Vinh đâu chỉ có tài hùng biện - nói và viết như một - về thế sự, thời cuộc cả mấy ngày không hết! Nguyễn Hồng Vinh còn là một tâm hồn thơ, khắc khoải, rung động, đợi chờ… từ sự thổn thức của con tim trước cái đẹp của cuộc đời, thắp lửa tin yêu con người và cuộc sống. Sự kết nối nhuần nhuyễn giữa phóng sự, điều tra, chính luận; sự hùng biện và hồn thơ đã tạo dựng một nhà báo Hồng Vinh sáng mãi ngọn nến… Giữ lửa… Lòng!
Nguyễn Hồng Vinh vẫn cứ luôn là người Giữ lửa như tựa đề hai tập sách chính luận của ông. Giữ Lửa nghề, Giữ Lửa thơ, Giữ Lửa tình yêu con người, vùng đất Thành Nam, với quê hương Hồng Quang yêu dấu, đã nuôi dưỡng nguồn văn, hồn thơ Nguyễn Hồng Vinh dào dạt!…
TP.Hồ Chí Minh, 6.2018
PHẠM QUỐC TOÀN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|