Đời & Nghề Mạng xã hội & đạo đức nghề nghiệp

Mạng xã hội & đạo đức nghề nghiệp

Trong đời sống hiện đại, với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học kỹ thuật; cách mạng 4.0, chưa bao giờ khoảng cách địa lý, sự xích lại của con người lại gần gũi, tương tác - nhanh chóng đến như vậy. Cả thế giới như một mặt phẳng, không gian như thu hẹp, thời gian kết nối tính từng phần ngàn giây. Chỉ một chiếc điện thoại thông minh trên tay, không gì là bạn không biết, không có bất cứ việc gì mà bạn không thể tìm kiếm, từ tiền bạc, sắc đẹp, khảo sát nghề nghiệp, tham vấn sức khỏe, tư liệu – sự kiện trong quá khứ, thời điểm hiện tại và cả tương lai…

bm_5-10_1

Giám đốc đài PT-TH Lâm Đồng đơn ca bài "Nhà báo, bạn ơi bút sắc - lòng trong" sau hội thảo Đạo đức nghề báo.

Mạng xã hội phát triển, một đốm lửa nhỏ dễ dàng bùng phát thành đám cháy lớn lan rộng không thể dập tắt, tựa như cuộc “cách mạng Hoa nhài” ở Bắc Phi, diễn ra cách đây hơn chục năm. Mỗi thành viên trong cộng đồng, chỉ cần một con “dế mèn”, bạn – dù là lái xe hay bác sĩ, giảng viên đại học hoặc nhân viên vệ sinh môi trường - sẽ tác nghiệp như một nhà báo không chuyên của các loại hình báo chí. Chiếc điện thoại dễ dàng trở thành “tòa soạn hội tụ”, theo đó bạn vừa là phóng viên, vừa biên tập viên, vừa kỹ thuật viên và bạn còn đóng vai một Tổng biên tập, quyết định đưa tức thì, hay không đưa tin, đưa như thế nào sự kiện mà bạn chứng kiến, tự thu thập được. Bạn sẽ là một ký giả, một nhà quay phim, một đạo diễn, một kỹ thuật viên, một nhiếp ảnh gia. Theo đó, mỗi trang mạng xã hội gần như một tờ báo mạng điện tử vậy, mà bạn gần như một thành viên.

bm_5-10_2

Với nhà báo Trần Quang Huy!

Mạng xã hội được người ta ví như là cái “chợ trời” tin tức, ngân hàng thông tin. Chuyện trên trời, dưới đất, ngoài biển lớn, trong rừng sâu, mọi ngóc ngách cuộc đời, hang cùng ngõ hẹp một vùng quê, mỗi góc phố, con hẻm… bất cứ chuyện gì, chuyện của ai, to nhỏ, lớn bé đều có thể lên mạng xã hội. Mạng xã hội không thiếu bất cứ thứ thông tin gì. Một thông tin vừa đưa lên mạng tức khắc, cả trăm, cả ngàn, thậm chí cả vạn người kết nối, hưởng ứng, luận bàn – khen chê, hoan hỉ hoặc miệt thị. Chỉ một sự việc nhỏ bằng sợi tóc, bằng cái móng tay, người ta dễ dàng thổi bùng to, ba hoa một tấc đến trời; hoặc chém gió, ném đá vô tội vạ… nhiều khi làm cho người trong cuộc xất bất xang bang, lên bờ xuống ruộng, khuynh gia bại sản, thân tàn ma dại. Mạng xã hội, thôi thì đủ thứ hố lốn, hầm bà lằng. Những ai vi phạm pháp luật qua mạng xã hội rõ mười mươi, đưa tin dựng đứng bịa đặt và luận bàn, suy diễn, vu khống, xuyên tạc những chuyện động trời, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới có thể vào cuộc, xử lý. Tất nhiên, mạng xã hội không phải xấu trăm phần trăm, không phải cái gì cũng xổ toẹt. Mạng xã hội có ưu thế đưa sự kiện nhanh – nhanh hơn điện, nhanh hơn tốc độ tên lửa, lan tỏa đến mức chóng mặt. Lên chuyến tàu điện ngầm, chuyến xe lửa tốc hành, ngồi trên xe buýt, vào tiệm cà phê, thậm chí các thành viên gia đình sau bữa ăn tối, mỗi người một điện thoại – ai cũng dán mặt vào đó mà thao tác, mà mỉm miệng cười với đối tác gần gũi hay xa lạ. Nhiều chuyện báo chí truyền thống chưa kịp thông tin, tin trên mạng đã “nhấn nha”, trong một số sự việc cụ thể, mạng xã hội còn dẫn dắt thông tin, thậm chí dẫn dăt cả báo chí truyền thống.

bm_5-10_3

Với nhà báo Phan Đức Hiền!

Ngày nay người ta phải chấp nhận một thực tế “Sống chung” với mạng xã hội, không thể nào khác. Chấp nhận “sống chung” để có giải pháp ứng phó và ứng xử sao cho thích hợp, có văn hóa, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực. Mạng xã hội là vậy, không dễ gì kiểm soát, hoặc chỉ kiểm soát được rất ít. Con gái một cán bộ có cỡ trong cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông vô tình “dính” một vụ bê bối quan hệ, ông điện thoại nhờ thuộc cấp “gỡ” dùm tin trên báo mạng A, báo mạng B. Hậu quả là, càng “gỡ” thì tin “hót” càng loang ra như sóng trào trên nhiều trang mạng, lợi bất cập hại. Luật Báo chí năm 2016 có nhiều điểm mới so với Luật báo chí trước đây có đề cập đến mạng xã hội, nhưng Luật Báo chí không thể quy định phải điều chỉnh nó như thế bào, bằng cách nào cho có hiệu lực, hiệu quả?

Đối với mạng xã hội bùng nổ và “tung hoành”, các nhà báo và cơ quan báo chí quan tâm và chủ động ứng phó như thế nào, dưới góc nhìn của đạo đức nghề nghiệp?.

bm_5-10_4

Với nhà báo Trần Hồng!

Qua khảo sát thực tế, hầu hết các nhà báo, những phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp đều kết nối, tham gia mạng xã hội, như Facebook, Viber, Zalo… Những sự kiện giải trí, sinh hoạt cá nhân, gia đình, quê hương, nơi công sở, nhiều nhà báo đều “up date” – đưa lên mạng xã hội, hình ảnh và lời bình sự việc, sự kiện. Các nhà báo tham gia mạng xã hội còn thể hiện sự hưởng ứng, tương thích, bình luận – chia sẻ các sự kiện mà trên mạng có, thông tin do bạn bè, đồng nghiệp đưa lên. Đạo đức nghề báo quy định nhà báo thông tin trung thực, khách quan vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Vấn đề đặt ra, đòi hỏi nhà báo tuân thủ đạo đức nghề nghiệp một cách tự giác, khi tham gia mạng xã hội cần nêu cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Mỗi khi nhà báo chia sẻ thông tin, đưa thông tin sự kiện lên mạng xã hội, cần sự chuẩn xác, không bịa chuyện, không suy đoán vô lối; thông tin & có lời bình chuẩn mực. Tuyệt đối nhà báo không a dua, không tung hô, không cổ súy, xuyên tạc những thông tin sai lệch, đi ngược lại với lợi ích của đất nước, của nhân dân, của cộng đồng. Những thông tin sai trái, sai về tư liệu, cứ liệu; sai về đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng, Nhà nước, trái với pháp luật và thuần phong mỹ tục của dân tộc thì tích cực và chủ động đấu tranh, phản bác, ngăn chặn sự lan tỏa gây bất ổn dư luận xã hội. Thông tin trên mạng xã hội phải có định hướng, có dẫn dắt dư luận theo hướng tích cực, ủng hộ cái đúng, cái thiện, phê phán cái ác, tẩy trừ cái sai.

Báo chí và các nhà báo không để mạng xã hội lợi dụng, không để mạng xã hội dẫn dắt, vô tình rơi vào “trận đồ bát quái” của sự nhiễu loạn thông tin. Như phần trên đã nêu, mạng xã hội chẳng khác gì “chợ trời” thông tin. Đã là chợ trời, đương nhiên có tin tốt, tin xấu, tin đúng, tin sai – bóp méo và xuyên tạc. Ở đây, đòi hỏi sự tỉnh táo, chuẩn mực và nhạy bén với cái mới, bảo vệ và ủng hộ cái đúng. Người làm báo phải có dũng khí đấu tranh bảo vệ và lan tỏa cái đúng; phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi điều sai trái, đi ngược lại quyền lợi đất nước, nhân dân. Bằng phương thức tác nghiệp báo chí chuyên nghiệp, trong một số trường hợp, người làm báo cần chủ động tìm hiểu, xác tín thông tin, sử dụng báo chí truyền thống để phản bác, định hướng dư luận đúng đắn.

bm_5-10_5

Với nhà báo Hồ Anh Thắng!

Người làm báo có đạo đức nghề nghiệp trong sáng – bút sắc, lòng trong, tâm sáng không sử dụng Facebook – mạng xã hội – để chém gió, nói xấu đồng nghiệp, gây rối nội bộ, hạ thấp uy tín của tờ báo này, tờ báo kia, của đồng nghiệp A, hay đồng nghiệp B. Mạng xã hội nếu biết phản biện, gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng – người làm báo sẽ khai thác, tìm được nhiều thông tin tốt, nhiều chủ đề hay cho báo chí truyền thống.

Xin nêu một ví dụ về việc phóng viên chuyên nghiệp biết tận dụng nguồn tin từ mạng xã hội. Mùa lũ cách đây hơn 5 năm, chỉ với một dòng tin ngắn, kèm theo vài ba hình ảnh nêu vụ cô giáo và học sinh một trường tiểu học tại tỉnh Lai Châu chui vào túi ni lông, dùng lực đẩy của dây ròng rọc đưa học trò qua sông mùa lũ để tới trường học tập. Thông tin đó có giá trị như một sự phát hiện nhanh sự kiện từ nguồn tin của cộng đồng trên Facebook. Nhóm phóng viên Báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh bằng sự nhạy bén, dấn thân của đạo đức nghề báo chân chính, bằng lòng yêu nghề đã lập tức tốc lên đường đến với các em vùng lũ Lai Châu. Chỉ từ một dòng tin sơ sài trên mạng của cô giáo nọ, Báo Tuổi Trẻ đã dựng lên tác phẩm phóng sự xúc động đăng nhiều kỳ trên báo in, báo Điện tử. Hình ảnh đó lan tỏa nhanh chóng trong xã hội, gây xúc động bao tấm lòng, làm dấy lên cơn “bão” dư luận. Lập tức, xã hội dấy lên chương trình hành động – vận động các nhà hảo tâm, những tấm lòng thơm thảo, kẻ ít người nhiều quyên góp xây dựng cho các em chiếc cầu bắc qua dòng sông hung dữ mỗi khi mưa lũ về đổ về. Tác phẩm báo chí đó, về sau đã giành giải A – Giải báo chí quốc gia, phần thưởng xứng đáng, bài học nghề nghiệp & đạo đức dành cho những nhà báo làm nghề có lương tâm và trách nhiệm.

bm_5-10_6

Với 2 lão nhà báo Đỗ Hội & Hữu Minh!

Báo chí và mạng xã hội là sự tồn tại vốn có, khách quan, bởi sự phát triển và bùng nổ dữ dội của công nghệ thông tin, của cách mạng khoa học kỹ thuật. Trong bối cảnh nhiều phức tạp, thậm chí hỗn loạn – nhiễu loạn thông tin của một thế giới sôi động đa chiều, quá nhiều bất ổn chính trị - xã hội, “chợ trời” thông tin – mạng, với sự chi phối, điều chỉnh của các tiêu chí đạo đức báo chí chân chính - của những người sử dụng và “sông chung” với nó, vẫn hoàn toàn có thể làm chủ nó để làm cho mạng xã hội vẫn có chỗ đứng chân trong lòng bạn đọc, với nhiều tiện ích và sự thiết thực, góp phần làm cho cuộc đời này càng thêm đẹp...

PHẠM QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment