Cho đến khi làm việc tại hội nhà báo tôi mới có dịp gần gũi và có một số chuyến đi công tác với nhà báo Lê Quốc Trung. Thời gian gần ông không nhiều, chủ yếu là trong khoảng thời gian chúng tôi cùng về 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội làm công tác Hội. Ấy vậy, mà tình cảm giữa ông và tôi lại trọn vẹn, sâu lắng. Nếu được khái quát tư chất ông tôi dùng 4 chữ: Đức độ - Nghĩa tình.
Nhà báo Lê Quốc Trung - hình mẫu của cụ Lê Hữu Lập: đức độ và nghĩa tình!
Nhà báo Lê Quốc Trung Đức độ. Nhiều đồng nghiệp ở tòa nhà 59 Lý Thái Tổ, tòa nhà Hội nhà báo ở đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội - trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận điều đó. Vừa mới đây, gặp nguyên Trưởng ban Công tác Hội viên Lê Văn Thiềng, tôi hỏi anh:
- Mấy năm xa Tây Nguyên về Hội nhà báo làm việc, anh có cảm nhận gì nhiều?
Lê Văn Thiềng cởi mở:
- Nhiều cảm nhận lắm, tình cảm lắm, nhưng người để lại cho tôi ấn tượng mạnh nhất là bác Trung. Nói thật, lúc này lúc khác công việc bác ấy giao tôi thực hiện có chuệch choạc, sơ sót - tính khí tôi hơi văn nghệ sĩ, nhưng bác ấy vẫn nhẹ nhàng nhắc nhở, thậm chí có việc tôi sai, bác ấy cùng tôi bắt tay chỉnh sửa, làm lại. Bác ấy đức độ, nhân văn và có cả sự khoan dung làm tôi rất áy náy. Gia đình cán bộ nào có hoàn cảnh riêng khó khăn, bác Trung đều biết, tài thật. Bác ấy không thiên vị, ứng xử công bằng. Làm cấp trên mà thiên vị - chấm phá chút vụ lợi thì nội bộ mất đoàn kết là cái chắc.
Tôi hỏi thêm Lê Văn Thiềng:
- Thế có lúc nào ông dám cãi thủ trưởng.
Lê Văn Thiềng cười vui:
- Chưa bao giờ. Mực thước, hiền hậu như bác Trung, cứ lo mà làm việc cho tốt, làm việc không chỉn chu là mình cảm thấy có lỗi rồi.
Tại Thông tấn xã Việt Nam, Báo Ảnh Việt Nam - nơi nhà báo Lê Quốc Trung làm việc gần trọn đời người, giữ cương vị cao nhất là Tổng Giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, ai cũng cảm nhận tư chất nhà báo Lê Quốc Trung hiền hậu, nghĩa tình.
Cùng nhà báo Lê Quốc Trung tại cuộc họp Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia, 4.2017.
Tôi thân nhà báo Đỗ Hội những ngày ông đóng vai doanh nhân, làm việc ở Vũng Tàu. Mấy năm trước, khi nhà báo Đỗ Hội - phóng viên kỳ cựu của Thông tấn xã Việt Nam có chuyện buồn, do sức khỏe và chị nhà đột ngột ra đi, sau cơn bạo bệnh. Tôi đến nhà riêng Đỗ Hội thăm viếng, chia buồn và động viên ông ấy, 2 lần tôi gặp nguyên Tổng Giám đốc Lê Quốc Trung ở đó. Tôi hỏi nhà báo Đỗ Hội về tình thân của 2 người, Đỗ Hội trả lời:
- Ở Thông tấn xã Việt Nam, với ai ông Trung cũng nghĩa tình như vậy. Phát hiện điều gì cần giúp, trong khả năng có thể, ông ấy giúp đỡ hết mình.
Những lần tôi về Bà Rịa - Vũng Tàu, Lê Quốc Trung đều hỏi thăm bạn cũ Lê Xuân Quỳnh. Hai người đi du học tại Cu-ba, thập niên 60 thế kỷ XX. Xa nhau đã mấy chục năm, mỗi người một phương trời, nhưng họ vẫn gắn bó, thân thiết như thuở nào. Lê Xuân Quỳnh thổ lộ: “Hội lưu học sinh Cu-ba của chúng tôi thương nhau lắm!”. Năm 2012, Lê Xuân Quỳnh lâm bệnh nặng rồi qua đời, Lê Quốc Trung và “Hội Cu-ba” vẫn thường xuyên thăm hỏi chị Quỳnh và các cháu.
Thật không phải, khi không nhắc đến niềm đam mê công việc Hội, trách nhiệm và say nghề. Trong 5 năm làm Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông kết nối, đoàn kết mọi người, tận tụy với công việc, nhiều lúc phải tự mình lọ mọ chỉnh sửa từng văn bản. Ông phát hiện và nêu nhiều ý kiến xác đáng, góp phần kiến tạo các chính sách, chủ trương cho hoạt động của Hội, nhất là trong việc nâng cao chất lượng hoạt động, vai trò, vị trí của Hội trong đời sống báo chí và xã hội. Nhà báo Lê Quốc Trung nói: “Hội nhà báo là mái nhà chung, là nơi tập hợp đoàn kết nhà báo hội viên. Làm công tác hội, do vậy phải vui, đầy ắp tiếng cười, không cứng nhắc, không hành chính hóa công việc của Hội”. Nghiệm ra, điều ông nói đơn giản vậy thôi, nhưng là sự tổng kết, chí lý lắm!
Từ phải qua: Nhà báo Lê Quốc Trung, nhà báo Phan Quang, nhà báo Phạm Quốc Toàn, 4.2017.
Sau khi nhà báo Lê Quốc Trung thôi nhiệm vụ Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, tôi giải bày và mong muốn được ông hỗ trợ Tạp chí Người Làm Báo tổ chức mạng lưới cộng tác viên là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú ở nước ngoài, viết bài cho tạp chí dưới góc độ nghề. Nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhận lời ngay và sau đó bài và ảnh từ Liên bang Nga đều đặn chuyển về cho tòa soạn. Tôi mời ông làm cố vấn và trực tiếp tham gia Ban giám khảo hai cuộc thi ảnh báo chí toàn quốc trên Tạp chí Người Làm Báo - năm 2012 và 2015. Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng biên tập Báo Ảnh Việt Nam đã đưa ra nhiều ý kiến sắc sảo, sáng tạo cho cuộc thi. Ông tham gia nhiệt thành, vô tư công việc tổ chức, gọi điện thoại mời các thành viên ban giám khảo, góp phần tích cực tạo nên sự thành công cho cuộc thi ảnh báo chí. Rồi nhiều công việc khác của Hội như công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí; xây dựng Bảo Tàng Báo chí… nhà báo Lê Quốc Trung tham gia nhiệt thành, hiệu quả, bằng tất cả tấm lòng mê say, trách nhiệm. Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Nhà văn hóa của Hội Trần Thị Kim Hoa đều nói: Bác Trung nhiệt thành, nghĩa tình, ấm áp, rất chỉn chu trong công việc. Cũng có người cho rằng, trước mình làm thủ trưởng có quyền quyết định những công việc thuộc quyền, nay nghỉ rồi thì nghỉ hẳn cho khỏe, tham gia mấy việc nho nhỏ mà làm gì cho vướng víu. Nhà báo Lê Quốc Trung suy nghĩ đơn giản, mình còn sức khỏe, có kinh nghiệm và các mối quan hệ xã hội, giúp được anh em việc gì đó thật sự có ích thì làm, không quan cách, chẳng câu nệ. Tôi chia sẻ và cảm phục tình cảm đó của nhà báo Lê Quốc Trung.
Trong nhiều lần tham gia chấm Giải báo chí Quốc gia, nhà báo Lê Quốc Trung là một trong những thành viên của Hội đồng đọc bài rất kỹ, nhận xét sắc sảo chất lượng từng tác phẩm. Mùa Giải năm 2014, tác phẩm báo chí của tôi lọt vào vòng chung khảo, nhà báo Lê Quốc Trung là một trong số vài ba thành viên của Hội đồng chung khảo phát hiện sớm tác phẩm này bị lỗi, do phô tô thiếu hẳn một cột báo. Nếu không trách nhiệm và không đọc kỹ tác phẩm thì làm sao có thể biết được lỗi kỹ thuật đó?
Ngày ấy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lê Quốc Trung, cùng các anh Đinh Thế Huynh (lúc đó là Chủ tịch Hội), Tạ Ngọc Tấn (Phó Chủ tịch Hội phụ trách nghiệp vụ), Nguyễn Thế Kỷ (Ủy viên Thường vụ Hội, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương)… chủ trương và động viên tôi kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo, nâng cao nội dung, mở rộng phạm vi phát hành, tăng cường quảng cáo cho tạp chí tại TP. Hồ Chí Minh. Thời điểm đó Tạp chí rất khó khăn, số lượng phát hành giảm sút - chạm đáy, không cân đối được tài chính. Chủ trương này được triển khai, nhà báo Lê Quốc Trung (và phó chủ tịch hội phụ trách nghiệp vụ Tạ Ngọc Tấn) hiểu được sự “trần ai” của công việc xuất bản tạp chí, vị trí cốt yếu, tính thiết thực của ấn phẩm lý luận nghiệp vụ - tạp chí nghề của nhà báo hội viên và đã sát cánh bên tôi, không thiên vị, hỗ trợ tôi hoàn thành nhiệm vụ. Khó khăn nhưng ông đã làm tôi ấm lòng. Tạp chí có được thành công như ngày hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của ông. Hai anh em cười vui ấm áp, bởi mọi công việc của Hội - từ ngày ấy chúng tôi bên nhau. Chính điều này là sự động viên khích lệ rất lớn giúp tôi vượt lên, không phụ lòng tin của mọi người.
TP. Đà Lạt, 21.4.2017. Cuộc hội ngộ các cựu Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Chính tấm gương sáng của người cha kính yêu Lê Hữu Lập đã ảnh hưởng và tác động lớn đến tư chất, nhân cách của nhà báo Lê Quốc Trung. Nhà báo Lê Quốc Trung thường kể lại với con cháu, bè bạn, đồng nghiệp thân thiết: “Cụ ông hết mực thương yêu, chăm sóc nhưng cũng rất nghiêm khắc với con cái. Cụ nói, con cái phải tự học, tự rèn luyện bản thân, phải đi lên bằng chính đôi chân của mình; sống giản dị, cần kiệm, tránh xa mọi thứ xa hoa”. Nhà báo Lê Quốc Trung thực hiện lời cha dạy luôn tự răn mình, học tập đạo đức của Bác Hồ, Bác Tôn. Nhớ lại, trong bao năm làm công việc quản lý mọi mặt hoạt động của cơ quan báo chí, cơ quan Hội nhà báo, ông gương mẫu, sống và làm việc theo tinh thần cần, kiệm, liêm, chính.
Nhà báo Lê Quốc Trung (bên phải), nhà báo Hà Minh Huệ (và các phu nhân) trên toa xe lửa TP. Đà Lạt, 4.2017.
Nhà báo Lê Quốc Trung có cuộc sống bình dị, không quan cách, tôn trọng mọi người. Xin nói thêm một chi tiết nhỏ về cá tính của nhà báo Lê Quốc Trung, đó là không bao giờ muốn nói về mình. Cụ thân sinh Lê Hữu Lập hơn hai mươi năm phục vụ Bác Hồ, Bác Tôn cụ cũng không bao giờ muốn nhắc đến những cống hiến thầm lặng. Bởi thế mà ngoài hai tấm Huân chương Kháng chiến và tấm Bằng khen: “Tận tụy phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống” do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký tặng, cụ Lê Hữu Lập chẳng có một tấm Huân chương nào khác. Một lần nhà báo Lê Quốc Trung tâm sự: “Bố tôi luôn cho rằng tấm Bằng khen về thành tích phục vụ Bác Hồ là phần thưởng quí giá nhất đối với ông. Khi tôi được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, tôi thấy xấu hổ so với những gì bố tôi đã cống hiến nên tôi chẳng muốn cho ai hay, phải một năm sau tôi mới nói cho cụ biết”.
PHẠM QUỐC TOÀN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|