Đời & Nghề Mỗi ngày trọn một niềm vui

Mỗi ngày trọn một niềm vui

MỖI NGÀY TRỌN MỘT NIỀM VUI

QUỐC TOÀN

Dịp kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước,  An Bình -  con gái  một người bạn rất thân của tôi  đến Vũng Tàu. Chị giỏi Nhật ngữ,  yêu văn hóa người Nhật đã  tặng tôi  cuốn  sách có  tựa đề nêu trên, bằng tiếng Nhật và tiếng Việt, Nhà Xuất bản Lao Động ấn hành năm 2017.

Đó  là những điều được  tổng kết, rút tỉa từ cuộc đời của  Nansen Osho,  tác giả người Nhật Bản từng trải, có kiến thức sâu rộng về Phật học. Ông nói ví von và  khuyên bảo bạn bè:“Hãy sống một cuộc sống vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn, sống hết mình với sinh mệnh của bản thân”; “Đừng bận tâm đến những thứ mình chưa có, hãy biết ơn những thứ đang tồn tại chung quanh”; “Hãy cho, trước khi nhận lại”; “Vì mọi người, vì cuộc sống, vì thế giới”;  “sống theo quy tắc, ứng xử theo đạo nghĩa & luật lệ”;  “Khi đã vào giấc ngủ, hãy quên đi mọi thứ để hướng tới ngày mai  tốt đẹp đang chờ, để ta cảm ơn đời lại có thêm ngày mới để yêu thương, trọn vẹn những niềm vui”.

moi-ngay-toi-chon-mot-niem-vui-pham-quoc-toan

Nansen  Osho còn có thêm hàng trăm, hàng ngàn những tổng kết khác từ mỗi câu chuyện sống động có thực của cuộc đời. Ông đưa ra những  bài học nhân văn về phép  ứng xử, tiếng cười, niềm lạc quan, biết xin lỗi, không giận hờn và thù oán  ai. Những bài học của Nansen  Osho dành cho  bất cứ ai, ở bất cứ nơi nào tại Nhật Bản hay ở  mọi quốc gia trên thế giới. Ông nói,  khi biết mình có lỗi, làm phiền người khác về một việc gì đó dù rất nhỏ đều phải biết xin lỗi và trên môi luôn nở nụ cười. Xin lỗi làm cho ta lớn lên, càng biết xin lỗi càng gặt hái thành công. Mỗi ngày trọn một niềm vui  đồng nghĩa với nụ cười, sống cho mọi người, hãy cho đi vì hạnh phúc người khác.

Không phải vô cớ mà hơn 20 năm trước nhà vua Thái Lan kêu gọi mọi công dân Thái học cười, biết nở nụ cười từ trái tim. Khi chào đón khách đến nhà, lúc ra đường, lên xe buýt, vô tàu điện ngầm và cả lúc thi hành công vụ đều luôn biết cười. Nhà Vua Thái căn dặn: “Cười khi thành công và cả lúc  thất bại, bởi  nụ cười sẽ giúp cho ta vượt qua thất bại để đi tới chiến thắng”. Vui cười làm cho tâm hồn  sảng khoái, sống vui, sống khỏe,  để  có thêm sức  học tập, làm việc, cống hiến. Nụ cười bằng thang thuốc bổ. Và toàn dân Thái Lan đã học cười; ngành du lịch Thái  phát động nhân viên biết cười,  luôn nở nụ cười trên môi. Họ đã làm nên chiến thắng, ngành công nghiệp không khói của Thái Lan, bắt đầu từ nụ cười mà đã   vượt xa nhiều nước trong khu vực.

Trở lại với nước Nhật, quê hương của tác giả  Nansen  Osho, người  đã tổng kết châm  ngôn sống: “Mỗi ngày trọn một niềm vui”.  Nansen Osho nhắc đến học giả Eishiro Noro về những lời xin lỗi: “Xin lỗi là nghệ thuật”; “Xin lỗi là đặc trưng của văn hóa Nhật”; “Xin lỗi sẽ cho ta niềm vui trọn vẹn mỗi ngày”,  để “vươn tới ngày mai, ngày kia tươi sáng”. Nhật Hoàng khuyến khích muôn dân học cách “Xin lỗi”, sự khiêm nhường, kính trên nhường dưới – xếp hàng chờ đến lượt mình dù đó là việc rất nhỏ. Thế giới đã ngã  mũ kính chào nước Nhật, khi chứng kiến người Nhật  nhường nhịn, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho người, lặng lẽ xếp hành trong trật tự lúc mua sắm, khi nhận hàng cứu trợ sau trận động đất sóng thần kinh hoàng mấy năm trước.

***

Tặng sách về văn hóa của người Nhật, An Bình kể cho tôi nghe câu chuyện của chính mình, ở Việt Nam.  Dịp cận tết, trên đường đi sân bay Tân Sơn Nhất để trở về quê nhà ở miền Trung, hành lý lỉnh kỉnh, chị  để quên cái ba lô nhỏ trên xe, trong đó có  chiếc điện thọai cầm tay người bạn ở Mỹ vừa gửi tặng. Không cách nào khác, chị nhảy lên chiếc xe ôm nhờ bác tài đuổi theo xe buýt. Đến  trạm xe  thì gặp, hành lý vẫn nguyên vẹn, vui không kể xiết. An Bình tìm bác xe ôm để trả tiền và cảm ơn, nhưng bác đã chở một người khách khác vù vào thành phố. Chị ân hận về sự “vô tâm” của mình, nhiều lần quay lại đoạn đường này tìm bác xe ôm, nhưng không  gặp. An Bình đọc sách của Nansen Osho và tâm niệm: “Mỗi ngày trọn một niềm vui, hãy đưa đến cho người đời hạnh phúc từ tấm lòng thành, như vậy bác xe ôm sẽ vui lắm”.

“Xin lỗi bạn, chúng tôi đã làm phiền”. Đường Bình Giã, TP. Vũng Tàu đang thi công, đào  nham nhở. Đơn vị thi công dựng lên hai đầu đường tấm bảng “Xin lỗi ...”. Tại sân bay quốc tế Hà Nội, Tân Sơn Nhất, hành khách liên tục nghe lời “Xin lỗi ...” phát trên đài, vì chậm chuyến, do thay đổi cửa khởi hành – chỉ tiếc, dạo này lời “Xin lỗi” hơi bị nhiều, làm phiền lòng khách. Dù sao có lời “Xin lỗi” vẫn hơn không.  Hôm nay, trong cuộc sống này có hàng vạn, hàng triệu sự việc diễn ra. Mọi người cùng nhau học cách ứng xử nhân văn cho hợp “đạo nghĩa” và “quy tắc”, biết mở lời “Xin lỗi” và luôn nở nụ cười hồn hậu, thân thiện, biết lắng nghe và thấu hiểu, đem hạnh phúc đến cho người từ những việc làm nhỏ nhất, bình dị nhất. Ngành du lịch Việt Nam đang hướng tới  mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nên học cách của người Thái mà  luôn đầy ắp tiếng cười; việc lớn việc nhỏ đều biết xin lỗi, bởi “xin lỗi giỏi sẽ thành công lớn”.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế, văn hóa của  thế giới. Mỗi đất nước, mỗi dân tộc có nền văn hóa riêng, truyền thống lịch sử riêng, nhưng các đất nước và dân tộc trong cùng một khu vực có những nét văn hóa tương đồng. Hội nhập và nền kinh tế thị trường phát triển, bên cạnh nhiều mặt tốt,  kéo theo sự xuống cấp đây đó của đạo đức xã hội. Mọi người, nhất là tuổi trẻ rất cần sự học hỏi có chọn lọc, tham khảo kinh nghiệm quý của bè bạn. Lịch lãm, khiêm nhường, thân thiện, biết sẻ chia, sống vì mọi người là những nét văn hóa chung mà bất cứ ai, với bất cứ  dân tộc nào cũng cần hướng tới.

Mỗi ngày trọn một niềm vui – nghệ thuật ứng xử văn hóa của thời hội nhập, giúp ta càng thêm yêu thương cuộc sống, yêu hòa bình và sự hợp tác bên nhau. Và suy cho cùng, đó cũng chính là sự yêu thương chính mình.

Q.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment