Làm nghề báo – phóng viên, hay bất cứ nghề nghiệp nào đều cần sự dấn thân. Dấn thân đòi hỏi lòng yêu nghề, nêu cao trách nhiệm xã hội, lòng dũng cảm, chấp nhận hy sinh và sự hiểm nguy rình rập bất cứ lúc nào.
Điểm “nóng” làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội bùng nổ từ giữa tháng 4.2017, tích tụ sự âm ỉ vài ba năm nay, tâm điểm khởi phát từ chuyện tranh chấp đất đai. Đỉnh điểm của sự kiện này là việc dân làng Hoành bắt giữ 38 cán bộ huyện Mỹ Đức, cán bộ và chiến sĩ công an, khi họ xuống đây làm nhiệm vụ. Mâu thuẫn lên tận cùng, tình hình căng như dây đàn. Thực chất điểm “nóng” làng Hoành là gì đây? Một số phóng viên các báo về đến đầu làng Hoành đã bị dân làng mang theo gậy gộc, gận dữ chặn lại – nghiêm cấm người lạ vào làng. Dân xã Đồng Tâm cảnh giác, dò xét, canh chặt cổng làng, các chướng ngại vật, đất đá, gạch ngói, bàn ghế, cây cối được dựng lên.
Nữ phóng viên Bảo Hà của báo mạng điện tử VnExpress, dù có con nhỏ ở nhà, nhưng khi về đến làng Hoành đã quyết không quay trở về tòa soạn, khi chưa hiểu được chuyện gì đã xẩy ra ở cái làng quê vốn giàu truyền thống cách mạng này. Câu hỏi canh cánh trong lòng nữ phóng viên: “Vì sao đã đến tận nơi này rồi lại ngồi đây để trở về trong ngờ vực?”. Mặc dù bị ngăn chặn, có phần lo sợ, nhưng cô vẫn dũng cảm tìm cách xâm nhập vào làng. Điều cần được giải đáp trong lòng người nữ phóng viên: “Làng Hoành – Đồng Tâm, điều gì đã xẩy ra, vì sao? Nguyên cớ gì đây? Họ là những người nông dân cần cù , một nắng hai sương, đôn hậu, nghĩa tình mà sao nên nỗi?”. Dân làng Hoành giận dữ từ chối cô. Họ quát lên: “Mày là ai? Mày đến đây làm gì?” . Nhưng trước sự thành tâm, nhiệt huyết ánh lên từ đôi mắt sáng – trung thực, dần dần người làng Hoành đã tin cô. Họ nói: “Hãy chứng minh cô là nhà báo đàng hoàng của một tờ báo tử tế, thì họ sẽ nói chuyện”. Hai người dân, một nam, một nữ bằng xe máy đã dẫn cô ra ngoài lấy thẻ hành nghề để chứng minh sự “đàng hoàng” và “tử tế”. Nữ phóng viên Bảo Hà, bằng hành động, thái độ khiêm nhường, tận tâm – và cả lòng tin đã dần dần thuyết phục được người dân làng Hoành. Và họ kể hết cho cô nghe nỗi niềm, sự bức xúc tự đáy lòng. Người nông dân đôn hậu, hiền lành, chân chất như hạt lúa củ khoai biết mình đã làm sai khi bắt giữ người trái phép, nhưng do quá bức xúc và bột phát, họ làm điều mà lúc đó họ không thể không làm. Sau một ngày đi đến tận cùng điểm “nóng” làng Hoành, sự thật dần dần sáng tỏ. Bài tường thuật trên báo điện tử VnExpress mang tựa đề: “Đối thoại ở thôn Hoành”, ngày 19.4.2017 của Bảo Hà, người nữ phóng viên dấn thân với nghề đã nói lên tất cả. Và cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung với dân làng Hoành 3 ngày sau đó (22.4.2017) tháo gỡ sự căng thẳng kéo dài suốt 8 ngày liền đã nói lên mọi nguyên cớ về điểm “nóng” làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Lại nhắc thêm một câu chuyện dấn thân khác của người làm báo, trong tháng 4. 2017. Thành phố biển Vũng Tàu vốn xinh đẹp, hiền hòa, đất lành chim đậu của bao người từ khắp mọi miền quê. Có ai ngờ, núp sau sự yên bình và biển lặng đó là sóng dữ, cuồng phong. Vài năm nay, nơi đây xuất hiện một đường dây tuyển mộ, cung cấp các “lao động nô lệ” đi biển. Đã có những người ra đi - lao động trên biển không bao giờ trở về nữa. Ra biển khơi xa đánh cá, làm việc quần quật cả ngày đêm chẳng khác gì nô lệ. Một tháng, hai tháng như khổ sai trên biển, khi tàu vào bờ đổ cá, lấy nhiên liệu, những nô lệ này chẳng có tiền lương. Khi được hỏi, chủ bặm trợn quát: “lương của mày trừ nợ chưa đủ(!)”. Nợ gì đây hả trời ?. Nếu ai khác ý thì bị đánh đòn dã man, chủ cho ném xác xuống biển – mất tích.
Phóng viên báo Thanh Niên đã dấn thân, đóng vai người thất nghiệp – bắt đầu từ một bến xe ở TP. Hồ Chí Minh. Phóng viên đã ấn mình thâm nhập sâu vào hang ổ bọn buôn người, mua bán lao động đi biển. Toàn bộ sự thật này đã bị phanh phui trong loạt bài phóng sự đăng báo, tháng 4.2017. Một Vũng Tàu bình yên là vậy mà đằng sau sự yên bình đó là cả một địa ngục: đường dây mua bán ... nô lệ biển cả. Bạn đọc, dư luận trân trọng và và cảm ơn sự dấn thân của phóng viên. Vụ việc đang được cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ; kẻ chủ mưu cùng đồng lõa sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật, sau sự bóc trần, phanh phui của báo chí.
Dấn thân - cần lắm đối với những người làm báo dũng cảm, trách nhiệm, yêu nghề.
QUỐC TOÀN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|