Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn sinh năm 1930, năm Canh Ngọ. Ông giảng dạy báo chí suốt 30 năm; Trưởng khoa Báo chí nhiều năm; là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng Khoa Báo chí, Trường Đại học Tuyên giáo (Nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền); người có công lớn, góp phần đào tạo hàng ngàn nhà báo, trong đó nhiều người thành danh, trở nên nổi tiếng. Trần Bá Lạn là người kiến tạo, tổ chức biên soạn giáo trình nghiệp vụ báo chí; người có công xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, kết nối hoạt động đối ngoại, xây dựng thương hiệu và uy tín Khoa Báo chí …
Chân dung nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn
Con số 7 lý thú
Sau gần một tuần rong ruổi các nẻo đường Tây Bắc tôi trở về Hà Nội và đến luôn đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội thăm thầy giáo cũ Trần Bá Lạn. Đã có dự định từ lâu, nên lần này về Hà Nội, tôi dành thời gian đi thăm 3 thầy cô giáo, những người đã dạy dỗ tôi nên người và nhất là nghề báo. Thầy Trần Bá Lạn chỉ vẽ cho tôi làm tin, viết phóng sự… kỹ năng làm báo chuyên nghiệp. Tôi và các cựu sinh viên báo chí khóa 1 – khóa đào tạo các nhà báo chính quy đầu tiên (1969 – 1973) đã học được ở thầy rất nhiều điều về nghề báo – về tư chất một nhà báo chân chính.
Thầy Trần Bá Lạn ra tận cổng đón tôi. Tuổi 87, nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, dáng vẻ quắc thước, đẹp lão, tóc điểm bạc, da dẻ hồng hào, đậm nét hào hoa phong nhã của bậc nam nhi xứ Tràng An. Hai thầy trò cách nhau 19 tuổi, chừng mực nào đó có thể coi là cùng một thế hệ - như chính ông gợi mở và cho phép. Chuyện kể của hai thầy trò về bao kỷ niệm của một thời, về thế thái nhân tình cứ ùa về, không sao dứt ra được. Thầy kể rồi trò kể thêm, thi thoảng cô giáo Yến ngồi bên cạnh – người vợ hiền của thầy, cô giáo dạy múa ba lê, mỉm cười bổ sung. Bởi cuộc sống gia đình của hai người bạn đời này như bóng với hình, hạnh phúc, viên mãn.
Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn (trái) và tác giả bài viết - nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cựu sinh viên báo chí khóa I (1969 - 1973)
Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn nhắc đi nhắc lại: Với hàng đơn vị “7”, trong 87 năm, nó được lặp đi lặp lại chí ít là 10 lần trong cuộc đời biết bao thăng trầm. Ngày sinh của ông là mùng 7.11.1930, nhằm đúng ngày 17 tháng 9 Canh Ngọ; người cha kính yêu tạ thế lúc ông 7 tuổi (1937). Ông tham gia kháng chiến lúc 17 tuổi (1947). Tác phẩm báo chí xuất sắc được đăng đàn ở nước ngoài lúc 27 tuổi, cũng là năm mở đầu hạnh phúc – năm 1957. Tác phẩm của ông có dấu ấn chiến tranh chống Mỹ cứu nước lúc 37 tuổi. Ông hoàn thiện giáo trình nghiệp vụ báo chí khi 47 tuổi (1977); tiếng lành đồn xa lúc 57 tuổi; bục giảng ken dày dồn từ Nam chí Bắc lúc 67 tuổi. Điểm sáng từ bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám 77 tuổi - lần đầu tiên biết tin cụ Tổ họ Trần trong dòng tộc – Tiến sĩ Trần Trọng Liêu - được vinh danh trên bia di sản quốc gia. Cuộc hội ngộ 55 năm Khoa báo chí khi 87 tuổi (2017). Khóa 7 Đại học báo chí (1987 – 1991), điểm dừng tuổi nghỉ hưu, rời nhiệm vụ Trưởng khoa Báo chí.
Trần Bá Lạn sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức dòng dõi, gia giáo ở Hà Nội. Cha ông sành chữ Hán, biết chữ tây, biệt tài hội họa, vẽ giỏi – là họa sĩ sở Địa dư Đông Dương, được triều Nguyễn phong hàm cửu phẩm – được gọi là Cửu Giám. Cụ ông có nhiều bức tranh nổi tiếng, đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi họa. Cha mất sớm, tuổi thơ Trần Bá Lạn được mẹ và chị gái chăm sóc nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, lưu lạc nên vất vả trăm bề, ông đi làm để nuôi thân, làm thợ thủ công, công nhân đội duy tu cầu Long Biên.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình rời Hà Nội tản cư lên Thái Nguyên. Trần Bá Lạn vào làm việc tại nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, sau đó nhà máy được di chuyển lên ATK phục vụ kháng chiến. Từ đây, ông được gửi vào học trường kỹ nghệ Liên khu IV. Chàng thanh niên Hà Nội cuốc bộ nhiều ngày vào Thanh Chương (Nghệ An) nhập học. Cũng như cha, ông có năng khiếu hội họa, vẽ giỏi có tiếng ở trường kỹ nghệ.
Đại diện cựu sinh viên báo chí các khóa dự kỷ niệm 55 năm thành lập Khoa Báo chí (1962 - 2017).
Đang học năm cuối tại Bắc Kinh, từ Hà Nội tổ chức đã thông báo, sau khi tốt nghiệp, Trần Bá Lạn rời Báo Tiền Phong, nhận nhiệm vụ mới tại Báo Lao động. Nhưng rồi sau đó, ông lại được điều động về Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương – dưới quyền của nhà văn, nhà báo nổi tiếng Lưu Quý Kỳ, theo dõi mảng tuyên truyền về công nhân, công nghiệp trên báo, đài phát thanh & truyền hình.
Ngày 16.1.1962, sau một thời gian giảng dạy báo chí cho các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn tại Trường Đại học Nhân Dân rồi Trường Tuyên giáo Trung ương (được sáp nhập thêm trường Đại học Nhân Dân và Trường Nguyễn Ái Quốc II), Trần Bá Lạn được giao nhiệm vụ thành lập Khoa Báo chí và sau đó được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa cho đến ngày nghỉ hưu - năm 1991
Sóng dữ & gió lành
Với Khoa Báo chí, ngẫm nghĩ lại, với thầy Trần Bá Lạn gần như “tay không bắt giặc”. Một số đồng nghiệp, vì nhiều lý do, trong đó có lý do Khoa Báo chí quá thiếu thốn, kể cả nhân lực – đội ngũ, giáo trình, cơ sở vật chất đều lần lượt xin chuyển công tác. Một Trần Bá Lạn chí khí, thực hiện nghiêm lệnh của tổ chức đã trụ lại, điều mà ông vẫn thường nói đi “bắc cầu mở nghiệp”, tập hợp lực lượng giảng viên, viết giáo trình, giảng bài. 30 năm “bắc cầu mở nghiệp”, Trần Bá Lạn đã làm được rất nhiều việc, có thể nói là một khối lượng công việc đồ sộ. Ông là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng Khoa Báo chí; người có công lớn góp phần đào tạo hàng ngàn nhà báo, trong đó nhiều người đã thành danh, trở nên nổi tiếng; người kiến tạo, tổ chức biên soạn bài giảng, giáo trình nghiệp vụ báo chí; người có công xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa Báo chí; mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo dựng thương hiệu và uy tín của Khoa Báo chí trong nước & quốc tế…
Lãnh đạo Khoa Báo chí, từ trái qua: Đỗ Thị Thu Hằng, Hà Huy Phượng, Trần Bá Lạn,
Vũ Đình Hương, Nguyễn Văn Dững
Có một điều băn khoăn, tế nhị, tôi mạnh dạn hỏi Thầy:
- Em biết, Thầy có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đào tạo cán bộ báo chí, làm Trưởng khoa vào loại kỳ cựu, nhưng đến khi về nghỉ hưu, Thầy vẫn không có học hàm Tiến sĩ, hay Phó Giáo sư, Giáo sư, mặc dù Thầy rất xứng đáng?
Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn mỉm cười, hớp thêm một ngụm nước:
- Đấy cũng là sự thiệt thòi. Công việc ngập đầu, bao nhiêu việc phải lo, nhoáng cái là hết năm, chưa kịp làm luận văn bảo vệ thì đã về già. Cũng như nhà văn, nhà báo Hữu Thọ và Phan Quang giỏi cỡ đó, rất thông tuệ, uyên bác, tiếng tăm nổi như cồn nhưng suốt đời vẫn là cử nhân. Nhà báo Phan Quang là dịch giả (từ tiếng Pháp) bộ tiểu thuyết “Nghìn lẻ một đêm”, đến nay đã hơn 30 lần tái bản. Học vấn báo chí của hai nhà báo lão thành Hữu Thọ, Phan Quang thì đến Giáo sư báo chí cũng phải ngã mũ kính chào.
Ông ngừng lại giây lát rồi nói tiếp:
- Một lần, Thầy Hiệu trưởng Tào Văn Hào yêu cầu tôi nộp cho ông các tập giáo trình nghiệp vụ báo chí mà tôi biên soạn. Tôi cũng chẳng biết để làm gì. Thì ra, cấp trên chuẩn bị thủ tục để đề nghị phong hàm Giáo sư cho tôi. Nhưng do lúc đó chưa có Hội đồng Giáo sư Báo chí nên chưa có cơ quan có thẩm quyền phong học hàm Giáo sư cho Trưởng khoa báo chí Trần Bá Lạn. Trước đó nữa, khi cấp trên bàn xét nâng cấp học hàm, học vị cho tôi thì tôi đã vượt ngưỡng tuổi cho phép nên không thể được.
Gần một phần ba thế kỷ giảng dạy báo chí, nhiều năm làm Trưởng khoa báo chí ở một Trung tâm đào tạo báo chí lớn, nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn có nhiều niềm vui không sao kể xiết, đó là nghĩa tình thầy trò, cái giá vô song – như chính thầy tâm sự, góp phần đào tạo nên những thế hệ làm báo, viết báo, quản lý báo chí thành danh; không chỉ giảng dạy, Trần Bá Lạn còn để lại cho đời nhiều công trình nghiên cứu, những tác phẩm báo chí ấn tượng, khắc sâu trong lòng người đọc và các thế hệ học trò.
Tuy vậy, cuộc đời đâu chỉ có hoa hồng, chỉ có những ngọn gió lành và niềm vui bất tận. Trong chừng ấy năm, nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn có không ít tâm sự bởi “sóng dữ” từ cuộc sống& người đời. Buổi sáng ngày tôi từ Tây Bắc trở về thăm Thầy, ông ngồi đó, đôi mắt xa xăm nghĩ về quá khứ. Ông kể:
- Bản tính của mình vốn cương trực, thẳng thắn. Trong Khoa Báo chí, đôi lúc người này người khác có biểu hiện tự do, mình góp ý chân thành. Có anh em tiếp thu tốt, khắc phục rất nhanh. Nhưng cá biệt cũng có người không nghe ra, hoặc do ai xúi, đâm ra thù hận. Họ xin chuyển đi nơi khác và viết truyện ngắn ám chỉ, nói xấu. Họ mang số báo có in truyện ngắn vào trường rải kiểu truyền đơn định hãm hại mình. Nhưng rồi mọi chuyện qua nhanh. Gió lành lại thổi tới, niềm đam mê công việc, mọi người đoàn kết bên nhau, cùng tiến bước.
Nhà báo Trần Bá Lạn và diễn viên múa ba-lê Đinh Thị Yến, 60 năm trước.
Điềm đạm mà sôi nổi, ông nhắc lại nhiều chuyện vui, buồn:
- Có một chuyện kỳ lạ mà vui. Một bữa, tôi và con gái đi chợ Nhổn ở huyện Hoài Đức, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội, bất chợt có một người lạ, chưa hề quen biết. Mặc cho con gái tôi đứng bên cạnh, ông vẫn túm lấy bàn tay tôi, rồi nói: “Anh có thể đã bị nạn rồi, nhưng anh có đức nên đã qua khỏi”. Tôi trả lời: “Vâng, tôi suýt chết trong trận bom năm xưa khi đi sơ tán”. Ông ấy ngắt lời, rồi bảo: “Không phải, người ta định đánh anh, nhưng đánh không được”. Tôi hơi chột dạ, nhưng rồi trấn tĩnh lại và cảm ơn ông ta. Tôi sực nghĩ ra, năm 1979, một em học viên đã đến báo tôi: “Một số kẻ đang định đánh thầy, nhưng tìm không ra tội tham ô, hủ hóa ở thầy. Thầy còn uy tín lắm, nên chưa làm gì được. Thế là sóng dữ đi qua, gió lành thổi tới”.
Dừng lại giây phút, hớp thêm ngụm nước trà, ông vui vẻ:
- Những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đất nước chưa đổi mới, đời sống khó khăn, nhiều chuyện lùm xùm ở trường, từ tư tưởng chuyển hóa thành vấn đề tổ chức, nguyên nhân chính xuất phát từ bệnh chủ quan trên nhiều góc độ khác nhau.
Trần Bá Lạn cũng là nạn nhân của những chuyện lùm xùm này. Thầy nói với tôi: “Rất nhiều chuyện, biết cả đấy, nhưng chưa có điều kiện thẩm định thông tin, sự kiện, nên không nên nói ra. Vả lại, có những người trong cuộc cũng đã không còn. Những chuyện của một thời nên cho nó vào dĩ vãng… là đẹp, chỉ dành cho người viết sử, nếu họ cần. Cả hai thầy trò và vợ của thầy ngồi cạnh, cùng cười vui, thanh thản. Âu đó cũng là nét đẹp của văn hóa & trí thức xứ Tràng An!
Khoa Báo Chí, 55 năm đã trải qua 4 thế hệ quản lý, nơi đã góp công lao đáng kể trong việc tạo nguồn nhân lực cho ngành Báo chí cả nước.
Những việc làm công đức
Nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn có 4 thế mạnh mà ít người có được: Trải qua thực tế vừa làm báo, giảng dạy báo chí, trực tiếp biên soạn giáo trình nên rất am hiểu lĩnh vực này, có sự tích lũy kiến thức lớn. Môn kỹ nghệ họa được đào tạo ở trường, lại có năng khiếu bẩm sinh, đây là sự tích lũy thứ hai. Vốn chữ Hán là mảng kiến thức, thế mạnh thứ ba. Viết báo, biên tập, lên trang ma- két là thế mạnh thứ 4. Tất cả những điều này giúp ích cho Trần Bá Lạn – hậu duệ đời thứ 16 của chi Bính, họ Trần Văn Hội, khi hướng về cội nguồn, quê cha đất Tổ.
Sau khi nghỉ hưu (1991), Trần Bá Lạn đã giành thời gian tìm về với cội nguồn, cùng các bậc trí thức, cao niên dòng họ Trần làng Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín thẩm định, xác minh được nhiều điều hệ trọng. Ông đã bỏ ra nhiều công sức trong hàng chục năm sưu tầm và dịch thuật nhiều tài liệu từ tiếng Hán cổ, góp phần thẩm định nhiều sự kiện quý giá và tìm ra bia ghi danh cụ Tổ Tiến sĩ Trần Trọng Liêu tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, gắn với một giai đoạn lịch sử nhiều thăng trầm của dân tộc. Trần Bá Lạn kể một vài mẩu chuyện tâm linh về dòng họ, mà ông là người trực tiếp chứng kiến. Giọng nói của ông như chùng xuống:
- Kể từ đầu năm 2012, cô con gái út Trần Thanh Tú (sinh năm Nhâm Tý – 1972) luôn thấy hiện tượng mất thăng bằng mỗi khi lên hương trước bàn thờ Tổ. Thanh Tú khẩn cầu, xin được rõ quý danh bậc tiên linh chỉ dạy. Nhiều lần cô thỉnh cầu nhưng bặt vô âm tính. Sáng mùng một tháng 5 Nhâm Thìn (2012) hai cha con tôi làm lễ tại Từ đường Trần Bính chi, tự nhiên Thanh Tú thấy mất thăng bằng, chóng mặt. Thanh Tú cầu khẩn rồi xin được anh linh Tổ chỉ dạy. Cụ Tổ sang tai nói: “Cụ là Trần Trọng Liêu”. Thanh Tú quay sang hỏi cha: “Họ ta có cụ Tổ nào tên thế không?” “Có” – Tôi trả lời và nói: “Cụ là Trần Trọng Liêu, là Tổ đời tứ 9 Ất chi Trọng phái”. Rồi thanh Tú lại hướng vào cha và thốt tiếp lời Cụ: “Anh thờ ông, ông sẽ phù hộ cho anh. Ông không phải thờ ở đây mà thờ đằng kia. Ông vẫn về đấy mà ít thấy hương khói!”. Đấy là lần đầu tiên tôi được biết đích xác nơi thờ Cụ. Bởi thế tôi lập ngay bộ ảnh thứ hai về dấu tích của Cụ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám và xin dâng thờ tại Từ đường Trần Ất phái, từ tháng 8 năm 2012.
Đinh Thị Yến, dâu họ Trần, cùng đọc được chữ Hán, thành viên trong đoàn khảo cứu bia ngày 29/3/2008.
Trong cái nắng hanh vàng của mùa thu Hà Nội, giàn hoa cảnh trước thềm rung nhẹ trước gió, căn nhà bình dị của Thầy giáo Trần Bá Lạn ẩn mình trong khu tập thể cán bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền giường như ấm áp hẳn lên. Thầytiếp tụché lộ câu chuyện tâm linh,huyền bí:
- Một thời gian sau đó, chừng 11 giờ ngày 24 tháng Giêng năm Quý Tỵ - 2013, ngày giỗ Tổ của chi Bính, Trần Thanh Tú và người anh họ Trần Trọng Dũng cùng lên dâng hương tại nhà thờ chi Ất phái Trọng. Lúc này anh linh Cụ đã nhập vào Thanh Tú. Anh Trọng Dũng khẩn cầu Cụ đưa đường chỉ lối tới nơi an nghỉ của Cụ. Và thế là Cụ lần lượt chỉ đường, lúc đi thẳng, lúc rẽ phải, khi rẽ trái, lúc qua gò cao, khi vòng tới khu đất rộng cỏ mọc um tùm; đến 12 giờ 30 trưa ngày 24 tháng Giêng, hai anh em tìm đến đúng “gò Thổ Phụ” trên thực địa, nơi chôn cất Cụ, đúng như bản gốc Hán cổ trong Gia phả đã ghi: “Mộ cụ Ôn Hậu, khu Mả Và (Văn Hội) mé trái, phía trước có thạch chí. Từ đỉnh mộ tới thạch chí chừng một thước bốn tấc. Thạch chí đề: Lê triều Thượng Phúc huyện, Văn Giáp xã, Văn Hội thôn, Quý Sửu Khoa hoàng giáp, văn linh bá, Trần tướng công chi mộ. Công việc tìm mộ Cụ Tổ Trần Trọng Liêu, do chính Trần Thanh Tú cùng người anh Trần Trọng Dũng thực hiện – dưới sự chỉ dẫn của Cụ Tổ Trần Trọng Liêu (đã nhập vào Thanh Tú) diễn ra rất kỳ lạ, huyền bí, lớp lang và rất thành công – theo đúng những điều đã ghi bằng chữ Hán cổ trong Gia phả. Những việc diễn ra có vẻ ngẫu nhiên mà lại tất nhiên suốt quá trình tìm kiếm mộ Cụ. Trần Thanh Tú như trở thành một con người khác. Sự kỳ lạ và huyền bí, không hoang đường mà có thật, tôi (Trần Bá Lạn) được chứng kiến. Cho đến nay, chỉ biết chấp nhận, tôi vẫn chưa thể lý giải được...
Ngày kỷ niệm lịch sử 55 năm Khoa Báo chí 10/6/2017. Ảnh: các Nhà báo trưởng thành từ Khoa Báo chí
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn, không thể không nhắc đến người vợ hiền thục của ông: Diễn viên, giảng viên dạy múa ba-lê Đinh Thị Yến. Hơn 6 thập niên đã trôi qua, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết vẫn nhớ như in tình yêu – sự thủy chung đặc biệt của cặp uyên ương Lạn & Yến. Trên các nẻo đường kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc, hết Văn Chấn đến Quang Huy, Tạ Khoa, Cò Nòi đến Hát Nót, Nà Sản… trèo đèo lội suối, băng rừng, có một “ngôi sao đất Mường” lung linh tỏa sáng. Đó là một Đinh Thị Yến múa giỏi hát hay sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Ngôi sao ấy lúc đầu là thành viên Đoàn văn công tỉnh Sơn La. Kháng chiến thắng lợi, Yến được gửi đi đào tạo 5 năm múa ba-lê tại Bắc Kinh. Và ở đó, từ trường báo qua trường múa, Trần Bá Lạn và Đinh Thị Yến thổn thức, rung động từ con tim. Họ yêu nhau như thể “cuộc đời anh không thể thiếu em”. Đôi bạn trẻ trở về Hà Nội & Tây Bắc, đám cưới được tổ chức giản dị, ngập tràn tình yêu ngay tại mái nhà sàn – Bản Thải.
Những năm tháng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, đế quốc Mỹ dội bom đạn đánh phá Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, tuyến lửa Bắc Trung bộ, các con nhỏ dại, công việc của hai vợ chồng sơ tán mỗi người một nơi, gian khó đủ bề, người vợ hiền thủy chung của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn, ngoài công việc chuyên môn rất giỏi giang, tận tụy, cô giáo dạy múa tài năng, còn chăn lợn, nuôi gà, trồng rau, làm hàng gia công kiếm thêm thu nhập nuôi con. Tiếng hát, nụ cười luôn nở trên môi, sưởi ấm mái ấm gia đình. Vất vả, cô giáo Đinh Thị yến không một lời kêu ca phàn nàn, cùng chồng con vượt lên mọi khó khăn, thử thách. Họ sống hạnh phúc, các con trưởng thành, nghĩa tình đồng nghiệp, bà con lối xóm sâu nặng. Với sự thành đạt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đối với nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn, có dấu ấn đặc biệt, rất riêng, rất sâu nặng của “ngôi sao đất Mường”.
Nhà giáo Trần Bá Lạn hạnh phúc bên gia đình.
Thay lời kết
Khi tôi ngồi trước máy tính viết những dòng này thì tập Tự truyện của nhà báo, nhà giáo Trần Bá Lạn mang tựa đề “Tâm tình từ con số 7” cũng vừa ra mắt công chúng (Nhà Xuất bản Văn hóa – Văn nghệ, tháng 10-2017). Bạn đọc có thể tìm được ở Tự truyện nhiều bài học quý về đời và nghề, về cuộc đời và sự nghiệp làm báo, giảng dạy báo chí bổ ích, lý thú của một cựu Trưởng khoa báo chí – một nhà báo - nhà giáo mẫu mực, trí tuệ, mẫn cán - một tấm gương sáng tận tụy, yêu nghề rất đáng trân trọng đối với người làm báo.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 10 năm 2017
PHẠM QUỐC TOÀN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|