(P.Q.T, 20.6.2018) Nhà báo, nhà văn Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, sinh ra và lớn lên tại làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nhiều đồng nghiệp vẫn gọi Phan Quang là “lão tướng” - bởi tuổi tác và sự nghiệp báo chí - văn chương đồ sộ của ông. Ông sinh năm Mậu thìn - 1928. Tuổi cao, nhưng Phan Quang vẫn say mê “Đọc, đi, nghĩ, viết”, như ông thường nói. Ông là tấm gương sáng yêu nghề, lao động sáng tạo nghiêm túc, không ngơi nghỉ. Từ thành phố Huế văn hóa, cố đô Festival quốc tế - tản mạn, một góc nhìn về ông…
Nhà báo Phan Quang cùng Chủ tịch HNB, Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế, 5.2018.
Giữa tháng 5.2018, trong một chuyến đi về miền Trung, chúng tôi và nhà báo, nhà văn Phan Quang đến Huế, thành phố Festival cố đô. Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng biên tập Báo Thừa Thiên Huế, Ủy viên BCH Hội Nhà báo VN Nguyễn Hồng Hạnh điện thoại cho tôi:
- Các anh vừa tới Huế, có vấn đề sức khỏe nên em chưa thể qua được. Chiều nay, lãnh đạo hội nhà báo tỉnh sẽ đến thăm, đưa bác Phan Quang đi dạo một vòng chung quanh Huế và thưởng thức ẩm thực cố đô. Nhờ anh cảm phiền với “lão tướng”, phóng viên báo Thừa Thiên Huế xin được quấy rầy … trò chuyện với bác Phan Quang, chỉ là những nội dung liên quan đến nghề báo, trước thềm Ngày Báo chí cách mạng (21.6)…
Tôi qua phòng bên trao đổi với bác Phan Quang đề nghị này và ông đã vui vẻ nhận lời. 15 giờ 30, trưởng phòng điện tử Báo Thừa Thiên Huế Ngô Phú Giang từ lớp học cao học ngôn ngữ trở về và phóng viên ảnh có mặt tại khách sạn. Cuộc trao đổi nghề báo - nghiệp văn giữa “lão tướng” 90 tuổi với 2 nhà báo trẻ diễn ra nhẹ nhàng, sâu sắc, ấn tượng.
- Thưa ông, nghề báo là nghề nguy hiểm. Và vì vậy hiện nay có biểu hiện một số nhà báo chùn bước?
PQ: Nghề báo là nghề nguy hiểm thì đúng rồi, nhưng nếu nói rằng có biểu hiện nhà báo chùn bước vì sợ nguy hiểm thì không đúng. Nghề báo vẫn tiến bước đấy chứ, báo chí ngày càng hấp dẫn, sự cạnh tranh thông tin càng gay gắt thì tính hấp dẫn của báo chí càng cao. Đông đảo đội ngũ nhà báo đang dũng cảm dấn thân, họ được đông đảo công chúng tin cậy, quý mến, do vậy không nên đưa ra khái niệm “chùn bước” không đúng về lý luận truyền thông và trái với thực tiễn sống động của đời sống báo chí nước nhà hôm nay. Nếu có ai đó “chùn bước” thì chỉ là số rất ít và chắc họ có vấp váp gì đó.
Bên lề cuộc trò chuyện nghề báo giữa nhà báo Phan Quang với PV báo Thừa Thiên Huế, 5.2018
- Xin ông cho biết, mạng xã hội có quan hệ như thế nào với báo chí? Phải chăng mạng xã hội rất có quyền lực, không thể coi thường?
PQ: Không, mạng xã hội không phải là báo chí theo đúng nghĩa của hai từ này. Người tham gia mạng xã hội là công chúng rộng rãi, mọi người ai cũng có thể tham gia mạng xã hội. Vì vậy, ở phương Tây người ta đưa ra khái niệm “báo chí công dân” khi luận bàn về mạng xã hội. Nhiều năm trước đây, tôi đã khẳng định, mạng xã hội có nội lực xây dựng cũng như công phá ghê gớm, tác động mạnh mẽ đến xã hội và đời sống báo chí. Tôi cũng tầng nói trong một cuộc hội thảo, chưa ai có thể đoán định, trong tương lai không xa, báo chí truyền thống sẽ phát triển như thế nào, diện mạo của nó ra sao, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội. Nếu có ai đó coi thường mạng xã hội thì thật là chủ quan, hệ lụy đến với họ sẽ khôn lường. Điều quan trọng là chúng ta cần có đối sách hợp lý, hiệu quả đối với mạng xã hội, hướng tới sự phát triển lành mạnh.
- Làm báo thời công nghệ số là phải nhanh, nhanh là yếu tố hàng đầu, không nhanh bạn đọc quay lưng lại với báo chí?
PQ: Tôi không tán thành ý kiến này. Tôi cho rằng, báo chí trước hết phải đúng, phải trúng rồi mới đến nhanh, dù vẫn biết rằng có nhanh thì mới hút được khách. “Đúng, trúng, nhanh, hay” mới là phương châm hành động của một nhà báo chân chính, chuẩn mực tác nghiệp. Chạy đua với “nhanh nhẩu” hàm chứa hiểm họa dẫn đến “đoảng”, hậu quả là do thông tin không kịp kiểm chứng, sai sự thật, tờ báo sẽ mất sự tin cậy của công chúng. Khi đến thăm Báo Nhân Dân, lúc sinh thời Bác Hồ đã dạy đại ý: làm báo trước hết phải đúng - chính xác về đường lối, quan điểm - và phải viết hay, cần thông tin kịp thời (nhanh) thì mới dễ đi vào lòng bạn đọc. Tóm lại, theo kinh nghiệm từ cuộc đời làm báo của tôi, nhà báo là phải “Đọc, đi, nghĩ, viết”; thông tin trên báo phải “Đúng, trúng, nhanh, hay”. Các yếu tố này quan hệ chặt chẽ, tác động tương hỗ lẫn nhau. “Nhanh” là phương thức tác nghiệp, tại sao ta lại đặt cung cách tác nghiệp lên trước “Đúng, Trúng” là yêu cầu cơ bản về nội dung thông tin?
Quả là, với cuộc phỏng vấn bất chợt trên đường, nhà báo Phan Quang càng thể hiện sự chuẩn mực và rạch ròi từng ý từng lời về nghề báo. Khúc chiết, rõ ràng, minh bạch đâu ra đấy. Những điều ông nghĩ và nói là dứt khoát, ngay tức thì, tất cả như đã ngấm vào máu thịt, lập luận chắc chắn, chặt chẽ, vững chãi. Ông đã truyền cảm hứng vào lớp trẻ lòng yêu nghề, đam mê với từng con chữ, thật đáng nể trọng. Phan Quang là tấm gương sáng về nghề nghiệp cho các nhà báo đang dấn thân, tiếp bước sự nghiệp báo chí cách mạng của các thế hệ đi trước.
Phan Quang với chị gái Phan Thị Cửu, 5.2018.
Dạo một vòng chung quanh cố đô, thật bất ngờ, khi ông nhớ rành rọt từng tên đường, ngõ phố. Ông hỏi anh bạn lái xe: Đường nào từ nội thành đi thẳng về Cầu ngói Thanh Toàn? Làng Thanh Thủy Chánh, nơi có cây cầu nổi tiếng ấy, thời chống Pháp là nơi Thành ủy Huế đóng cơ quan. Tại đó năm 1949 ông đã cùng các bậc đàn anh Chế Lan Viên, Bùi Hiển, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương từ vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh vào, đã đến đây tạm trú, chờ dịp đáp thuyền lên chiến khu Dương Hòa của tỉnh Thừa Thiên. Ông đề nghị anh tài cho xe chạy qua trước nơi từng là Nhà sách Hương Giang của nhà văn, nhà báo Hải Triều năm xưa. Con phố bên kia, gần sông An Cựu, có con đường thờ trước gọi là Rue du Cimetière (nay hình như gọi là Đường Lò Rèn) ở đó xưa là nhà ông anh họ Phan Quang. Năm 1972, sau khi quân đội Sài Gòn chiếm lại thị xã Quảng Trị và làng Thượng Xá quê ông; thân phụ Phan Quang đã được một người cháu họ là trung tá Nguyễn Lô, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn dù quân đội Sài Gòn đưa từ Quảng Trị vào đây tránh bom đạn…
Phan Quang am hiểu khá ngọn nguồn xứ Huế, văn hóa Hoàng tộc, chuyện các đời vua Nguyễn. Ông đọc và giải thích câu ca: “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong”. Tất cả như một cuốn phim, bức tranh sống động về cuộc đời của chàng thanh niên, phóng viên Hoàng Tùng (bút danh PQ thời kháng chiến chống Pháp) gắn bó với Huế yêu thương. Phan Quang hồ hỡi cười: “Ông già (PQ) đang về với kỷ niệm xưa, mà sao Huế mộng mơ hôm nay vẫn cứ như hôm qua vậy”…
Tình bạn, Phan Quang và Lê Văn Hoan, cùng sinh ra và lớn lên ở Hải Thượng, cựu đại biểu Quốc hội.
Dương Phước Thu đã có lần nghe Phan Quang đăng đàn tại Hà Nội về báo Dân - khẳng định mặc dù chỉ xuất bản 17 số, nhưng báo Dân cần có vị trí xứng đáng trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Công việc sưu tầm tư liệu, dàn dựng khung hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam được xúc tiến khẩn trương, từ Huế, nhà báo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đã tham gia tích cực. Lần này, gặp lại nhà báo, nhà văn Phan Quang tại Huế, bên dòng An Cựu, Dương Phước Thu trân trọng mời Phan Quang, tháng 7 tới trở lại Huế dự hội thảo và tham luận về báo Dân, nhân kỷ niệm 80 năm báo Dân đầu (6.7.1938). Phan Quang vui vẻ nhận lời viết tham luận và nói vui - mà cũng là nói thật lòng: “Còn việc tham dự Hội thảo, tôi chỉ mong trời cho mạnh khỏe, để còn có dịp được về Huế, về An Cựu, về với sông Hương núi Ngự thêm một đôi lần (!)”
Phan Quang làm việc không ngơi nghỉ. Tuổi 90 mà ngày đêm ông vẫn sáng tạo trên từng con chữ, trang viết. Sự thông tuệ, minh mẫn, trí nhớ của ông thật tuyệt. Đang lang thang cùng chúng tôi trên các nẻo đường TP. Huế, qua email Phan Quang nhận được bìa sách mẫu và bản “bông” tập sách sắp in từ nhà xuất bản Văn Học. Ông dừng lại giây lát trao đổi công việc. Tôi chợt nhớ, một bữa nọ, cách đây chưa lâu, tại TP. HCM, tôi và ông từ nhà khách Quốc hội trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bách bộ vài trăm mét đến dinh Thống Nhất. Từ cửa chính của Dinh, Phan Quang phóng tầm mắt về phía Thảo Cầm Viên. Ông đứng lặng rồi bỗng ông nói to hơn lúc bình thường, như bộc bạch với tôi mà cũng như đang nói với chính mình: “Đây rồi, “Tầm nhìn Lê Duẩn” - tên một cuốn sách của Phan Quang - đường Lê Duẩn chạy thẳng vào cổng chính dinh Thống Nhất, song song bên trái là đường Hàn Thuyên - đỗ Tiến sĩ từ năm 1247, Binh bộ Thượng Thư dưới thời vua Trần Nhân Tông, là người đầu tiên đưa chữ Nôm vào thơ văn, biến chữ Nôm thành ngôn ngữ phổ biến trong văn chương và đời sống xã hội Việt Nam. Bên phải là đường Alecxandre De Rhodes - Giáo sĩ Dòng Tên, nhà truyền giáo có công góp phần hoàn thiện chữ Quốc ngữ ở Việt Nam, thế kỷ XVII. Ba con đường cách đều nhau, song song với nhau, nhưng đều phải vượt qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa chạy ngang qua mới đến được dinh Thống Nhất. Ta cần có tầm nhìn Lê Duẩn - học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc và của Đảng ta - nhất là trong thời kỳ đánh Mỹ. Và đương nhiên không thể không có Nam Kỳ Khởi nghĩa khẳng định khí phách anh hùng của Nam bộ Thành đồng Tổ quốc “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Với cái nhìn bất chợt, sự quan sát và nghĩ suy, chắt lọc trí tuệ sâu lắng, dịp này nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (5.2018), kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (6.2018), nhà văn, nhà báo Phan Quang sẽ trình bạn đọc một cuốn sách mới có tựa đề Qua tên gọi bốn con đường” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Phan Quang là tấm gương tự học, tích lũy kiến thức. Ông không phải là Giáo sư, Phó GS,Tiến sĩ do Hội đồng cấp Nhà nước phong tặng, nhưng trí tuệ của ông còn gấp bội lần một số người có học hàm, học vị ấy. Ông không có bằng cử nhân ngoại ngữ nhưng thông thạo tiếng Pháp, biết tiếng Anh, là một dịch giả trên cả xuất sắc, bởi ông đã tài hoa chuyển từ Pháp ngữ qua Việt ngữ bộ truyện cổ Ai Cập lừng danh Nghìn lẻ một đêm (đã tái bản 39 lần ở Việt Nam), cùng hàng chục tác phẩm văn học nước ngoài khác. Trên thực tế, Phan Quang là nhà kinh tế bậc thầy, nhà nghiên cứu “Tam nông” hiếm có (ông nguyên là Trưởng ban Nông nghiệp, Trưởng ban Kinh tế Báo Nhân Dân nhiều năm), tác giả của nhiều cuốn sách mang tính khảo cứu về các lĩnh vực này, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long đã tái bản 5 lần, với hàng chục ngàn bản in)…
Xin tạm khép lại “tản mạn về Phan Quang” khi chúng tôi cùng ông đến Huế lần này. Tạm biệt cố đô yêu thương, ngày mai chúng tôi sẽ ra Quảng Trị quê hương yêu dấu của Phan Quang. Nơi ấy, chốn linh thiêng - nhiều linh nghiệm, chắc chắn tôi sẽ còn nghe nhiều những câu chuyện đời, chuyện nghề báo chí & văn chương thú vị bên dòng sông Thạch Hãn, giữa lòng Thành Cổ và trên bờ Cửa Tùng, Cửa Việt đẹp đến mê hồn…
PHẠM QUỐC TOÀN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|