(PQT- 15.9.2019) Nhà báo, hoặc nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ, võ sĩ... trước hết là công dân. Lẽ đương nhiên rồi, định đề này dễ ợt. Cũng như cậu học trò lớp Một vậy, buổi sáng ông thưởng cháu hai cái kẹo, buổi chiều bà thưởng thêm hai cái kẹo nữa, cả ngày em được thưởng bao nhiêu cái kẹo! Hỏi em, em trả lời: “Dạ thưa chú, bốn cái kẹo, dễ ợt ạ”!
Dễ ợt vậy mà đây đó cũng có dăm bảy nhà báo tính không ra. Nhà báo cũng là công dân, trước hết là công dân, rồi muốn làm nhà báo, nhà văn, nhà giáo, thầy thuốc, doanh nhân hay nhà gì đi nữa hẵng tính sau. Tôi đây, vốn vi vu đi mây về gió, mới rồi đã mục sở thị một vụ việc nhà báo... to hơn ông trời, nhà báo có quyền uống rượu say xỉn và lúc đó có quyền mắng mỏ người khác. Say thì còn biết gì nữa, cũng y chang bà chủ nhà hàng sang trọng nọ ở Tp. Hồ Chí Minh, bia rượu say xỉn vẫn lái xe hơi phóng trên đường, đâm sầm vào xe taxi, đâm ào vào bốn năm cái xe máy đang dừng giữa đường chờ hết đèn đỏ. Gây tai nạn chết người, rồi lại lý giải với cảnh sát: “Dạ, cũng là tại cái guốc cao gót của em!... ”. Nói vậy, sao có thể lọt cái lỗ tai người đời.
Tôi bị cảm lạnh, nhức mỏi xương cốt nhừ người luôn, bèn đến cơ sở Y học cổ truyền trên đường Nguyễn Văn Trỗi, xông hơi cho vã hết mồ hôi độc rồi massage cái chơi. Này, các ông bà đồng nghiệp yêu quý, massage y học dân tộc đúng nghĩa hẳn hoi, mệt mỏi đau nhức xương cốt gần như tan biến, không phải kiểu “mát gần” bổ củi - trâu cày như trong mấy nhà nghỉ đâu nhé!
Đang massage thiu thiu ngủ, bỗng phòng bên cạnh to tiếng cãi vã. Giọng một gã đàn ông sừng sộ, quát mắng: “Tao là nhà báo, mày lỡ nhón cái bóp tiền của tao thì trả mau...” , kèm theo những lời phát ra từ cửa miệng rất chi là tục tĩu. Chàng kỹ thuật viên giọng Huế vẫn từ tốn, dễ thương: “Chú say rồi, chú bỏ quên đâu đó, chúng cháu dù có nghèo, có thiếu cũng có lòng tự trọng, không bao giờ làm điều đó”. Từ tốn giải thích không xong, anh kỹ thuật viên xin trích xuất Camera, mời giám đốc lên xử lý. Chị giám đốc tuổi trung niên cũng rất nhẹ nhàng: “Chúng tôi có camera, nhân viên kỹ thuật của tôi còn ở đây cả, chuyện này chưa từng có ở đây. Anh thử nhớ lại xem sao, nếu không chúng tôi sẽ cho mời cảnh sát tới lập biên bản ạ...”. Đúng lúc đó, chuông điện thoại cầm tay của nhà báo nọ vang lên, người ngoài chỉ nghe loáng thoáng câu được, câu mất, nhưng cũng đủ biết, anh ta quá chén, bạn nhậu đã mang giúp cái bóp tiền về nhà, hẹn sáng mai trao trả. Anh ta ấp a ấp úng, chân đăm đá chân chiêu, cảm ơn ông bạn nhậu cùng hội cùng thuyền tốt bụng.
Nằm phòng bên mà cảm thấy buồn, nỗi buồn cứ thấm dần vào người, còn đau xương mỏi cốt hơn cả vụ cảm lạnh. Bởi thành phố quê nhà này nhỏ bé, báo chí cũng chỉ dăm ba cơ quan, ông bạn ấy có xa lạ gì đâu, nghe âm giọng phát ra là biết ngay tên tuổi và biết luôn cả nhà riêng ông bạn ấy. Ông bạn đồng nghiệp của tôi ơi, nhà báo trước hết là công dân, phải chấp hành luật lệ chứ, sao nỡ uống say xỉn bét nhòe ra thế, vẫn cầm vô lăng đến đây, nói gở lỡ đâm vào người ta như bà chủ nhà hàng ở Tp. Hồ Chí Minh thì hệ lụy vô cùng. Đã say xỉn thì rượu vào lời ra, nhớ nhớ quên quên. Tệ hơn còn đổ vấy chuyện trộm cắp cho người khác, xúc phạm nhân phẩm của người. Xấu không biết che lại, còn vỗ ngực tự xưng ta là nhà báo.
Say xỉn, người đời phần nào có thể bỏ qua, rượu vào lời ra mà. Nhưng không thể không nói rằng, vậy là hỏng, hỏng to. Như vậy là nhà báo đã phạm quy, là vi phạm đạo đức nghề nghiệp - dù chỉ là đạo đức trong sinh hoạt. Chưa kịp kiểm tra bà chủ cơ sở massage y học cổ truyền nọ, ngày hôm sau, ông bạn của tôi có biết đến đấy mà xin lỗi kỹ thuật viên massage, bị anh ta xúc phạm?
< Lùi | Tiếp theo > |
---|