Phạm Quốc Toàn
P |
GS.TS Nguyễn Hồng Vinh gắn gó với báo Nhân Dân 33 năm, từ một phóng viên trải qua nhiều vị trí công tác của Báo, đến Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1996), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Bộ Chính trị phân công làm Tổng biên tập báo, kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông viết đủ các thể loại báo chí, trong đó thể loại chính luận chiếm vị trí quan trọng. Tháng 6/2001, sau Đại hội IX của Đảng, ông được tái cử vào Ban Chấp hành Trung ương và đảm nhiệm trọng trách Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; sau đó là Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Dù ở cương vị nào, ông vẫn viết đều, viết khỏe, viết nhanh, viết đủ các thể loại, trong đó ông thường xuyên viết chính luận, thể loại chủ lực – xung kích của tân văn báo chí. Cho đến nay đã sang năm thứ 24 ông liên tục đảm trách chuyên mục “Vấn đề tháng này” (là mục Xã luận của báo Nhân Dân hằng tháng). Trong bài viết ngắn này, nhân tập thơ “TIẾNG QUÊ” ra mắt, tôi chỉ mạn phép có thêm đôi nét cảm nhận về NGỌN LỬA THƠ của Nguyễn Hồng Vinh luôn quyện chặt với TÂN VĂN - BÁO CHÍ.
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh
Chỉ riêng lĩnh vực thi ca, đến thời điểm này, Nguyễn Hồng Vinh đã xuất bản 8 tập thơ: Từ những nẻo đường (NXB Hội Nhà văn, 2010); Thao thức dòng đời (NXB Văn học, 2010); Nhịp điệu thời gian (NXB Văn học, 2013); Miền thương nhớ (NXB Văn học, 2013); Màu ký ức (NXB Văn học, 2015); Lãng quên thì thầm (NXB Văn học-2016); Xanh mãi (NXB Văn học, 2019). Và đầu tháng 5/2021 này, tập thơ thứ 8 Tiếng quê (NXB Hội Nhà văn) của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh ra mắt giới yêu thơ và bạn đọc cả nước. Ai cũng biết, THI CA đâu phải là lĩnh vực chủ đạo, nghề nghiệp chính của Nguyễn Hồng Vinh. Công việc mỗi ngày, mỗi tuần của ông là công tác quản lý báo chí và văn hóa - văn nghệ; làm tham mưu, tư vấn cho Đảng về lĩnh vực tư tưởng, báo chí, văn hóa, văn học, nghệ thuật; là giảng dạy lĩnh vực lý luận cơ bản về Đảng, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Có thể thấy, chỉ sau ngày nghỉ hưu (năm 2017), Nguyễn Hồng Vinh mới có dịp dành trọn thời gian cho thơ, thực hiện mong ước từ ngày ông còn học phổ thông.
Có ai đó đã ngộ nhận cho rằng, làm báo, viết xã luận thì khó làm thơ hay; cũng như người giỏi toán làm sao có thể viết báo, làm thơ bay bổng? Họ đã nhầm, bởi tư duy logic (của người viết chính luận, người mê toán học) là điều kiện để viết và nói chặt chẽ khi có ý thức: viết để làm gì, viết cho ai, phục vụ ai, viết như thế nào? Cuộc đời và sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Hồng Vinh đã minh chứng rõ nét điều đó.
4 trong số 14 tác phẩm của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã xuất bản từ năm 2007 đến 5/2021
Thi ca Nguyễn Hồng Vinh gắn bó sâu nặng với báo chí, cũng có nghĩa là gắn bó với chính trị, gắn với thời cuộc, luôn cập nhật sự kiện từng giờ, từng phút - mang đậm tính thời sự trong mỗi bài thơ, nhưng không hề dễ dãi, mà có sự “chưng cất”, lựa chọn từng con chữ, thể hiện chiều sâu tư duy về con người và thời cuộc. Với tập TIẾNG QUÊ, càng khẳng định ý thức thường trực ấy trong việc ông chọn đề tài, cách diễn đạt bình dị mà sâu lắng, gợi mở người đọc nghĩ suy về nhân tình thế thái, về nỗi trăn trở nhưng đầy niềm tin yêu vào đất nước này, cuộc đời này.
Mạch nguồn thi ca của Nguyễn Hồng Vinh là sự gắn bó với quê hương của chính nhà thơ, quê hương của những người bạn của mỗi chúng ta trải suốt chiều dài đất nước hình chữ S yêu dấu. Quê hương là nguồn cội, đùm bọc chở che, là nguồn nhựa sống dồi dào nuôi dưỡng hồn thơ ông đến nay đã hơn 7 thập niên mà vẫn giữ được chất trẻ trung, nồng ấm:
Mảnh vườn ơi nơi chưng cất tứ thơ
Gói kỷ niệm ủ bao điều thầm kín
Chẳng ngôn từ nào chứa hết điều em muốn
Ơn lắm mảnh vườn đã nuôi dưỡng hồn thơ.
Những năm trước, Hà Nội trồng cây “phong lá đỏ” với ý định tốt đẹp, khi đem loài cây ôn đới châu Âu về, sẽ có thêm sắc màu đường phố thủ đô. Nhưng cây “phong lá đỏ” không hợp phong thổ - khí hậu Hà Nội, nên mùa xuân 2021 này đành phải bàn thay loại cây mới, với không ít ý kiến trái chiều. Nguyễn Hồng Vinh đã gửi gắm nỗi niềm, cũng là cách tham gia “định hướng dư luận” của một nhà báo, người làm công tác tư tưởng:
Tan rồi giấc mơ “phong lá đỏ”
Dệt thêm sắc màu đường phố thủ đô
Tiếc thay điều ta ước đã chẳng thành hiện thực
Hàng loạt cây xơ xác, héo khô!
Nhưng Nguyễn Hồng Vinh không nặng lời trách cứ, mà với cách nhìn sẻ chia, nhân văn:
Cuộc đời này là trải nghiệm nối nhau
Có thất bại, có thành công mỹ mãn
Ta biết nhận ra những điều cần tránh
Quý lắm thay tâm sáng con người!
Năm 2019, 2020 và những tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát thành nhiều đợt ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Mọi người, mọi nhà, mọi quốc gia, dân tộc đều đã vào cuộc ngăn chặn dịch bệnh, coi đó là mệnh lệnh cuộc sống. Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã có những câu thơ, bài thơ “xuất thần” phòng chống Virus SARS - CoV.2, ngợi ca những chiến sĩ áo trắng - đội ngũ thầy thuốc đã và đang trên tuyến đầu chống dịch. Bài “Hoa hạnh phúc” được viết ngày 28/3/2020 - thời điểm dịch bệnh bùng phát rất đáng lo ngại tại thành phố Đà Nẵng và nhiều nơi, là một trong những bài thơ như thế:
Nắm tay mẹ, rưng rưng
“Gắng giúp con chăm cháu
Bao bệnh nhân đang chờ
Mong bọn con cứu chữa!”
Bệnh viện là chiến trường
Thầy thuốc là chiến sĩ
Cuộc chiến không ngưng nghỉ
Cứu mạng người ngày đêm…
Và người chiến sĩ áo trắng đã vượt lên mọi thử thách nhờ có điểm tựa tinh thần từ Mẹ, từ thôn xóm, gia đình để vượt lên mọi gian khó, hiểm nguy:
Mẹ ơi con đã về!
Sau những ngày nhung nhớ
Mang bó hoa Hạnh phúc
Thắm tình nghĩa con người
Tặng Mẹ hiền yêu kính!
Bài thơ “Hoa hạnh phúc” này được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ nhạc, mang tên “Mẹ ơi con sẽ về”, trở thành một trong những ca khúc “nóng bỏng tính thời sự”, có sức lan tỏa rộng rãi trên sóng truyền hình, phát thanh, lay động trái tim hàng triệu người con đất Việt.
Nguyễn Hồng Vinh - " Thơ và Đời ", bài viết của NB Phạm Quốc Toàn, đăng trên báo Nhân Dân Cuối tuần, 6/5/2021
Những ngày đầu xuân Tân Sửu - 2021, đại dịch COVID-19 lại bùng phát nhiều nơi. Cùng với các chiến sĩ áo trắng, nhiều lực lượng khác như quân đội, công an, hệ thống chính trị đồng loạt vào cuộc chống dịch. Và anh bộ đội Cụ Hồ trên biên cương càng ngời sáng tinh thần hi sinh vì đại cục, thể hiện tình mẹ con, tình quân dân thắm thiết, cùng đồng tâm, hợp sức trong công cuộc “chống dịch như chống giắc”. Cảm xúc trước những suy nghĩ và hành động cao đẹp đó, Nguyễn Hồng Vinh đã viết bài thơ LỜI MẸ:
Nghe lá rụng bên thềm
Xót con trên chốt chặn
Điệp trùng nơi biên cương
Gió bốn phương gào rít …
Và người mẹ, bằng tình yêu bao la dành cho các con, vẫn vững tin ngày chiến thắng đang đến gần, động viên các con nhất định được trở về và đám cưới sẽ được tổ chức thật sự trọn vẹn cùng mùa xuân đất nước:
Hãy gắng lên, hỡi con!
Ngày thắng dịch tới gần
Con trở về với mẹ
Đám cưới vẫn còn xuân!…
Một lần nữa, bài Lời mẹ được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ nhạc, phát nhiều lần trên sóng truyền hình, cổ vũ lòng yêu nước, tình yêu con người, trách nhiệm xã hội, sức mạnh và niềm tin của các tầng lớp nhân dân trước cuộc chiến đẩy lui hiểm họa của đại dịch!
Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh (trái) cùng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hoàn thiện bản nhạc Lời Mẹ tặng các chiến sĩ chống dịch COVID-19, tháng 3-2021
T |
ính chiến đấu cũng là sứ mệnh cao cả của nhà báo chân chính, của một cây bút chính luận sắc bén. Với bài thơ “Cấp độ” (tháng 11/2020) là thêm một “tiếng lòng” về dũng khí đấu tranh không khoan nhượng trước những thói hư, tật xấu của bọn sâu mọt, đã lợi dụng chức quyền, chuyên đục khoét, vơ vét của công. Nhưng theo ông, những biểu hiện cơ hội chính trị - còn nguy hại hơn cả tham nhũng kinh tế, đe dọa tính mạng con người và số phận chế độ, còn cao hơn bão cấp 10, bão đại dịch COVID-19:
Nào ai biết, có những điều hiểm nguy hơn ta tưởng
Những mưu mô loại bỏ người chân chính
Bằng mọi thủ đoạn đê hèn
“Ném đá giấu tay”
Thổi phồng, bịa chuyện
Bất chấp nhân tâm
Miễn sao đọat chức quyền bằng được!
Ông cảnh tỉnh những hệ lụy khôn lường do bọn cơ hội, thực dụng tạo ra:
Hậu quả gây ra không thể tính bằng tiền
“Tế bào lương tâm” ngày thấm sâu độc tố
Nội bộ hình thành phe nhóm
Đúng, sai ranh giới xóa nhòa
Danh dự con người như bong bóng trong mưa!
Từ đó, ông nêu câu hỏi nhức nhối đối với những ai có ý thức trách nhiệm với Đảng, với Dân:
Mới hay nguy hại
Giữa lòng tham chính trị[1]
Và lòng tham kinh tế
Cấp độ nào lớn hơn!?
Và điều cực kỳ nguy hại sẽ đến nếu “Con đê niềm tin” bị mối mọt đục ruỗng:
Giữa thời cơ chế thị trường
Thắc thỏm lo âu nước lũ
Con đê niềm tin bị vỡ
Đất này còn có mùa xuân?
(Con đê niềm tin)
P |
GS.TS Nguyễn Hồng Vinh đã vượt qua cột mốc “xưa nay hiếm”. Cây đại thụ báo chí và văn học Phan Quang viết về ông: “Nguyễn Hồng Vinh tựa như dòng suối nước đầu nguồn ngày đêm xuôi chảy thuận chiều, thỉnh thoảng làm tóe lên một ánh đẹp bất ngờ khiến nhiều người thích thú”. Đúng là một Nguyễn Hồng Vinh say mê, không ngừng sáng tạo trong sự nghiệp báo chí và thi ca. Ngòi bút tài hoa của ông luôn phát tiết, là tấm gương sáng về lòng đam mê nghề báo, nghiệp thơ; về nghĩa tình, trách nhiệm với bạn bè, xã hội; về sự tận tâm, tận hiến cho cái ĐẸP của con người và Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Không quá lời khi nói ông như con tằm kéo kén, con ong cần mẫn làm mật cho đời!
Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tháng 5/2021
P.Q.T
< Lùi | Tiếp theo > |
---|