Đời & Nghề Ngẫu hứng du ngoạn “hoa bằng lăng”

Ngẫu hứng du ngoạn “hoa bằng lăng”

Mỗi nhà văn, mỗi phong cách đã góp phần tạo nên một diện mạo đa dạng và đầy sức sống của truyện ngắn Việt Nam hiện đại. Phạm Quốc Toàn là “Một nhà báo thực thụ, một nhà quản lý báo chí sắc sảo, tài năng mà thời gian và tác phẩm đã định vị tên tuổi ông trong nhiều thế hệ độc giả và đồng nghiệp” (Nhà thơ, nhà văn Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội). Từ nhà báo, Phạm Quốc Toàn đã thử sức và rất thành công với tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng”(NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2/2019), nay ông lại thử sức truyện ngắn và “Hoa bằng lăng” (NXB Hội Nhà Văn, 10/2021) của ông cũng rất thành công!

Bang_lang_1234

 

Cây bằng lăng ổi tại xã Hồng Liêm (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) đang bắt đầu trổ hoa đều khắp như cây nấm khổng lồ, rực rỡ sắc tím, thu hút hàng ngàn du khách đến chiêm ngưỡng.

 

Tập truyện ngắn “Hoa bằng lăng” gồm 6 truyện với 176 trang sách là những lát cắt đa màu cuộc sống. Phạm Quốc Toàn với trải nghiệm thực tế của mình, đã đưa ra những cảm nhận cụ thể và các đúc kết đa dạng, phong phú; phong cách lao động nghệ thuật của ông chặt chẽ, cô đúc và được tính toán tinh tế. Ông đã phát hiện những nét rất bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Đọc truyện của ông, tôi cảm thấy đấy chính là mảnh đất gieo mầm yêu thương, là chiếc cầu nối tình cảm giúp con người gần con người hơn; là nơi con người gặp gỡ nhau trong sự giao hòa cảm xúc. Vì vậy, truyện của ông không chỉ có chức năng chuyển tải thông tin mà còn có khả năng kích thích người đọc đồng sáng tạo. Mối quan hệ giữa tác giả - tác phẩm - người đọc là mối quan hệ tương tác khăng khít hữu cơ.

Bang_lang_1

Người xe nườm nượp check in bên cây bằng lăng được mệnh danh “cây bằng lăng đẹp nhất Việt Nam”.

Truyện “Ông giáo Phương” - cõng bà đi mở đất thật cảm động! Sinh ra và lớn lên bên dòng sông La ngập lụt”, cuộc đời ông vất vả, khổ cực khôn cùng, nhưng Cả Phương đã cố gắng vừa làm, vừa học và “ông được học hành bài bản cử nhân sư phạm Hà Nội, khoa Anh ngữ” (tr.27 & 31). Mùa hè năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, Cả Phương cùng bạn bè sinh viên xung phong ra trận. Năm 1975, quân ta đại thắng, chiến sĩ Phương tiếp tục có mặt ở vùng biển phía Nam tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ Quốc. Rời quân ngũ, ông Phương có một quyết định táo bạo là thuyết phục bà nội bước qua tuổi bát thập cùng đi vào vùng biển phương Nam lập nghiệp. Với ước mơ và ý chí nghị lực cực lớn, cùng sự nhanh nhẹn, tháo vát, thông minh; đặc biệt là không chịu đói nghèo, Cả Phương đã lập công ty kinh doanh hải sản và thành công. Nhà hàng ông Phương bà Sự từng bước có thương hiệu; với khẩu hiệu “Chất lượng sản phẩm là trên hết, trước hết” (tr.38), thu hút được khách hàng trong và ngoái nước. Thế “là giáo Phương, ông đồ xứ Nghệ về Cà Ná ngày ấy cứ tằng tằng một vốn bốn lời” (tr.41). Ông thành công là nhờ bản lĩnh, tháo vát, chịu khó, thật thà, không biết lừa lọc ai. Trong hoàn cảnh nào ông cũng giữ chữ tín; đồng tiền ông làm ra bằng sức lực, trí tuệ, bằng mồ hôi, nước mắt, có khi cả máu. Nhờ sự khôn khéo, tinh ý lại sống dung dị, chất phác, đôn hậu, giúp đỡ nhiều người, được mọi người yêu quý nên tần suất rủi ro trong kinh doanh của ông giảm thiểu tối đa. Có tiền trong tay, được sự đồng tình, cổ vũ của vợ là bà Cả Sự, ông Phương đã xây dựng ngôi từ đường thật khang trang, nhà thờ gia tiên họ Nguyễn nơi đất khách, vùng biển phía Nam. Cả Phương, Cả Sự xem cái tình, cái nghĩa là máu thịt của mình, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội bởi ông bà đã sinh ra và lớn lên trong cái nghèo, cái khổ “chạy ăn từng bữa, quả mướp chia ba nấu canh húp nước ba lần” (tr.22). Khi thành danh, ông bà càng sẻ chia, đồng cảm với những người bần hàn, chung cảnh ngộ, giúp được ai cái gì là lấy làm niềm vui, hạnh phúc cho mình. Với tấm lòng bao dung độ lượng, luôn tìm mọi cách làm việc thiện mà cả Phương có nhiều bạn bè trân quý, trở thành doanh nhân – công dân tiêu biểu luôn xây dựng môi trường văn hóa doanh nhân!

Chàng thanh niên xuất hiện trong truyện “Thật thà ma vật không chết” mang vẻ đẹp trong sáng của người thanh niên thời đại, mang trong mình những hiểu biết về tri thức, sống tận tụy, yêu nghề, yêu đời, trách nhiệm và tự giác… thấu hiểu việc làm của mình. Đó là Bình An, chàng kỹ sư cơ khí tốt nghiệp loại giỏi thích mạo hiểm và khám phá, được thầy giáo Bách Hoàng đáng kính mách nước đến lập nghiệp nơi xứ biển phương Nam! Cuộc gặp gỡ giữa Bình An với Ngọc Lan, Văn Lê, Thanh Thanh thật thú vị, đã tác động thật lớn lao đến anh! Đó là sự gặp gỡ của những con người trong sáng, thân thiện. Dù khác Bình An về hoàn cảnh, tuổi tác, quê hương, nghề nghiệp, nhưng rất dễ thông cảm với Bình An, bởi họ đều là những con người trung thực, yêu đời và điều quan trọng nhất ở họ đều biết yêu thương, quan tâm đến người khác… Bình An được Văn Lê - học sinh cũ của thầy Bách Hoàng giúp đỡ nơi ăn, chốn ở, kết nối để làm việc trong một xưởng cơ khí của Công ty xây lắp Công trình biển. Không kể ngày tháng, chẳng phân biệt, nề hà việc gì, Bình An lao vào công việc, kể cả việc cạo rỉ sắt. Bình An được mọi người trong xưởng cơ khí, từ sếp đến đồng nghiệp ai cũng quý mến, nhưng Bình An luôn nung nấu, chuẩn bị phương án thành lập công ty cơ khí xây lắp – đóng tàu. Được sự cổ vũ, động viên của Ngọc Lan, nhất là anh Văn Lê “Bình An để lại phía sau mọi công việc ở một doanh nghiệp nhà nước đang có nhiều thuận lợi, được tín nhiệm, môi trường làm việc tốt. Công ty xây lắp An Hải ra đời” (tr.71). Bí quyết thành công của Bình An là không ngần ngại làm thuê để học hỏi, tích lũy; đặc biệt là không bao giờ bỏ cuộc. Sự tin tưởng vào trí tuệ, ý chí, nghị lực, lòng đam mê và quyết tâm của mình, Bình An đã thành công trên thương trường!

“Đám tang ông Ất Hợi” là câu chuyện nói về tình nghĩa thủy chung bạn bè, tình nghĩa xóm làng cứ tuôn chảy mãi. “Hội tổ tôm, cờ tướng, hội Sắc Bùa – bạn bè chí cốt thân thiết với ông Hợi đều đã ngoài bát thập ngồi nhà ông Hợi suốt cả chiều tối, thay nhau ăn cơm, rồi lại tới. Sau nửa đêm mới về nghỉ, để sáng mai lại sang cùng tang quyến” (Tr107). Truyện nói về sự mất mát, sự ra đi đột ngột của ông Ất Hợi - là việc xót đau, nhưng qua cách thể hiện của tác giả, người đọc thấy thật ấm lòng, ấm dạ! Truyện còn ánh lên vẻ đẹp nhân hậu, độ lượng, bao dung của bà Thọ (vợ ông Hợi)! Thực sự xúc động với cách ứng xử độ lượng, biết nhường nhịn, biết hy sinh vì người khác của bà! Cao hơn sự bao dung là bà biết tha thứ, cảm thông trước những sai sót của chồng: “Bái phục lão Hợi, bà bé có một, nửa nọ nửa kia cả chục, con cơi nới không nhận về vài chục, mà sao nhà lão vẫn êm ấm, bà Thọ gần lục tuần cứ tươi rói núng na núng niếng, lúc nào cũng cười nụ, đố nghe bà ấy lời to, tiếng nhỏ” (tr.93). Người ta bảo “ngứa ghẻ, hờn ghen” thế mà bà vẫn tha thứ. Chính lòng vị tha của bà là cơ hội để người khác sửa chữa lỗi lầm, tìm lại giá trị chân chính của cuộc sống. Con người có sự bao dung, độ lượng, giàu lòng vị tha bao giờ cũng có cảm giác thư thái, nhẹ nhõm tâm hồn, luôn nhìn đời, nhìn người bằng cái nhìn đồng cảm chia sẻ. Bà Thọ chắc hiểu rằng bao dung, độ lượng, vị tha với người khác là chính bao dung với chính mình, nên bà đã ứng xử rất văn hóa bằng trái tim ấm áp, nhân hậu. Chính tấm lòng của bà tạo ra cuộc sống quanh bà lành mạnh, bình yên hơn và nó cứ lan tỏa – lan tỏa mãi!

“Cao nguyên gió”, “Hoa bằng lăng”, “Ngựa hoang của em”, mỗi câu chuyện tình đều giúp người đọc khám phá chính tâm hồn mình. Đọc những truyện này ta thấy thực sự cuốn hút, bâng khuâng vì nó bao phủ một không khí nhẹ nhõm, êm đềm. Nhân vật sống trong cảm xúc thi vị, lãng mạn, để lại những dư vị đẹp. Dòng cảm xúc êm đềm, rung động, xao xuyến qua thể hiện của nhà văn luôn có sức lôi cuốn, dẫn dụ người đọc! Qua các nhân vật trong truyện, ta có thể nhận ra quan niệm nghệ thuật đáng yêu về con người của nhà văn Phạm Quốc Toàn. Tác giả luôn hướng đến cái đẹp của con người; cái đẹp về tinh thần, cái đẹp về hình thể, cái đẹp về nhân cách, cái đẹp từ trái tim … Các nhân vật của ông trong sáng, lương thiện và hướng thiện, chân tình mà ý tứ, tế nhị, nên có sức gợi cảm, cuốn hút, sức giáo dục, cảm hóa người đọc sâu sắc!

Tập “Hoa bằng lăng” có sáu truyện thì có bốn truyện Phạm Quốc Toàn nhắc đến đất và con người xứ Nghệ. Ông đã trả hiếu quê hương bằng những năm tháng dài nhẫn nại cầm bút và quê hương cũng đã tạo nguồn cảm hứng rất dạt dào để làm nên sự nghiệp nhà báo, nhà văn. Đối với Phạm Quốc Toàn viết là sự đam mê, niềm vui mỗi ngày, một cách sống chân thành và có ích. Trong tác phẩm của ông, nhân vật là biểu hiện cụ thể nhất của cuộc sống bằng cái nhìn của nhà văn. Nhân vật của ông trong tập truyện quá trong sáng, cao thượng, yêu đời – yêu người, tài sắc vẹn toàn. Trong thể hiện của nhà văn, mỗi người dù xuất thân khác nhau, nghề nghiệp khác nhau đều mang phẩm chất lương thiện sẵn có. Ta thấy thế giới nhân vật của ông là thế giới dạt dào yêu thương, những con người đáng yêu vẫn tụ về đứng chật tâm hồn ông, trang sách của ông. Bởi lẽ, khi đặt bút viết, gõ tay  lên bàn phím  đã hiện rõ tấm lòng nhân văn, cái nhân ái nơi ông!

Ai đã từng đọc “Khúc hát sông Ngàn” (NXB Văn Học, 4/2021) mới hiểu tấm lòng của ông sâu nặng biết nhường nào với quê hương bản quán; là nguồn mạch cảm hứng để Phạm Quốc Toàn khai thác nhiều nhất. Phạm Quốc Toàn không chỉ lấy quê hương xứ Nghệ  làm bối cảnh hiện thực trong sáng tác của mình mà quan trọng hơn, phần lớn nhân vật trong “Hoa bằng lăng” đều có những vùng ký ức thiết tha về quê hương Nghệ - Tĩnh yêu dấu.

Nhân vật của Phạm Quốc Toàn luôn có sự hồi tưởng hay nhắc nhở những kỷ niệm ở quê nhà, vì vậy, thông qua nhân vật, hình ảnh sông Ngàn (Ngàn Sâu & Ngàn Phố), sông La, bến Tam Soa, núi Thiên Nhẫn… cũng như nếp sống quê hương hiện ra thật sinh động. Bên cạnh nhân vật thể hiện tình yêu quê của những người xa xứ, kiểu nhân vật gắn bó với đất đai, bản quán quê nhà cũng được Phạm Quốc Toàn thể hiện đậm nét - nhân vật Cả Phương trong “Ông giáo Phương” là một trong những chân dung tiêu biểu. Qua các nhân vật trong tập truyện ngắn “Hoa bằng lăng”, người đọc có thể cảm nhận khái quát rằng: sự gắn bó của nhân vật với quê hương bản quán là tất yếu tự nhiên. Con người dù sống ở quê hay xa quê vẫn luôn coi quê là một phần máu thịt của mình. Trong phẩm chất của mỗi người đều có phẩm chất của quê hương hoặc bị chi phối bởi đặc điểm vùng quê mình sinh ra. Dù hoàn cảnh nào bên trong mỗi người đều có mảnh hồn quê. Không quá lời khi nói rắng, Phạm Quốc Toàn đã mang đến cho truyện ngắn Việt Nam mẫu người đẹp mang tâm hồn, cuộc sống quê dung dị, bởi vậy nhân vật của ông đều gần gủi nhau ở chỗ luôn trăn trở mỗi khi phải lựa chọn, quyết định và họ đều xem nặng giá trị của sự tử tế,  lương tri, lẽ phải, bao dung, độ lượng…

Với vốn liếng ngôn ngữ giàu có và đặc sắc, trí tưởng tưởng bay bổng, lối viết tưởng chừng như dễ nhưng khó phỏng theo, giản dị nhưng ánh lên vẻ hào hoa kỳ lạ của nhà văn. Nhưng có lẽ đọng lại trong tôi là cách nhìn đời, nhìn người đầy tình thương yêu của tác giả, là niềm tin mà tác giả muốn gửi gắm qua thiên truyện ngắn “Hoa bằng lăng”. Bằng tác phẩm Phạm Quốc Toàn là một nhà văn thực thụ, ngọn bút của ông mềm mại, tài hoa, lôi cuốn. Được biết, lại thêm một tập truyện ngắn nữa của Phạm Quốc Toàn sắp ra đời. Ngòi bút của Phạm Quốc Toàn  tràn đầy năng lượng của tuổi hai mươi. Với ông từng trang viết luôn luôn là ánh sáng kỳ diệu, ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống!

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2022

PGS. TS NGUYỄN THỊ TRƯỜNG GIANG

Chia sẻ liên kết này...

Add comment