Sáng 19-6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Công ty MHGroup tổ chức Tọa đàm: “Nhà báo Phạm Quốc Toàn - tác phẩm và tác giả” đồng thời ra mắt sách “Chuyện tình phố cổ”.
Trong khuôn khổ tọa đàm còn có trưng bày những cuốn sách của nhà báo Phạm Quốc Toàn, từ bút ký, truyện ký, tiểu phẩm, truyện ngắn và cả tiểu thuyết. Đây là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2022).
Nhà báo Phạm Quốc Toàn phát biểu tại Tọa đàm.
Tốt nghiệp báo chí hệ chính quy khóa đầu tiên của Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), nhà báo Phạm Quốc Toàn trở thành phóng viên Báo Quân đội nhân dân từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.
Từ những ngày kháng chiến chống Mỹ đến thời kỳ bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, là phóng viên chiến tranh, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã có mặt đưa tin ở hầu khắp các chiến địa. Ngày ấy, ông được đánh giá là cây bút giỏi, năng nổ, xông xáo, nhiều triển vọng của Báo Quân đội nhân dân. Hàng trăm bài viết của ông đã phản ánh kịp thời, góp phần cổ vũ quân và dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Nhà báo Phạm Quốc Toàn viết khỏe, viết nhanh, đủ thể loại: bút ký, tiểu luận, tiểu phẩm, tạp văn, chân dung đồng nghiệp, bút ký lữ hành, truyện ký… Ngót nửa thế kỷ làm nghề, anh là một nhà báo tài năng, yêu nghề, luôn tận tụy với công việc, có nhiều cống hiến cho báo chí nước nhà”, nhà báo Phan Quang - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Người làm báo, đã nhận xét về người đồng nghiệp, đồng chí của mình như vậy.
Các tác phẩm của nhà báo Phạm Quốc Toàn.
Năm 1987, nhà báo Phạm Quốc Toàn rời Báo Quân đội nhân dân, nhận nhiệm vụ mới làm Tổng Biên tập Báo Vũng Tàu - Côn Đảo (sau này là Báo Bà Rịa - Vũng Tàu). Hơn 20 năm ở cương vị này, ông đã cùng tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên phát triển Báo Bà Rịa - Vũng Tàu từ một tờ báo địa phương phía Nam trở thành ấn phẩm được độc giả cả nước quan tâm. Nhiều ấn phẩm phụ của tờ báo này trong một thời gian dài có mặt trên nhiều sạp báo ở TP Hồ Chí Minh, các địa phương bạn, đủ sức cạnh tranh với những tờ báo lớn.
Với năng lực, uy tín và tinh thần say mê nghề nghiệp, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam 5 nhiệm kỳ liên tiếp. Từ năm 2005 - 2015, ông là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo, một tạp chí lý luận nghiệp vụ uy tín của Hội Nhà báo Việt Nam.
Hơn 30 năm làm công tác quản lý báo chí, nhưng độc giả lại biết đến Nhà báo Phạm Quốc Toàn phần nhiều bởi những bài báo nóng hổi tính thời sự - thời cuộc, những cuốn sách phóng sự, bút ký, ghi chép, tiểu luận, tiểu phẩm, tiểu thuyết… của ông. Gần nửa thế kỷ qua, tác phẩm của ông vẫn xuất hiện đều đặn và thường xuyên trên những tờ báo Trung ương và địa phương, những tác phẩm dù ở thể loại nào cũng đều thể hiện trách nhiệm xã hội và cái tâm trong sáng của người cầm bút.
Đọc “Chuyện tình phố cổ”, người đọc cảm nhận cuộc sống này thật đẹp, sáng trong, đáng yêu vô cùng. Đây là tập sách thứ 20 của nhà báo Phạm Quốc Toàn, được tác giả chọn làm tựa đề cho cả tập sách. Cuốn sách tập hợp 10 bút ký được viết trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 5-2022, dù là bút ký nhưng vẫn thấm đậm tính thời sự, ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, món quà tinh thần nhiều ý nghĩa.
Tại buổi tọa đàm, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã chia sẻ những kỷ về một thời đã cống hiến nhiều bài viết, tác phẩm có giá trị cho độc giả và nền báo chí cách mạng Việt Nam.
KHÁNH HUYỀN (qdnd.vn)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|