Đời & Nghề Trái tim và bút lực

Trái tim và bút lực

Nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn có gần 20 năm gắn bó với nghiệp báo lính - tờ báo hàng đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam.  Sau đó ông là Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Cuộc đời hoạt động của Phạm Quốc Toàn gắn với nghề báo và nghiệp văn chương - con Trâu vàng trên cánh đồng chữ nghĩa. Tuổi 75 - tuổi “xưa nay hiếm”, Phạm Quốc Toàn vẫn đam mê cày cấy, không một ngày ngừng nghỉ, vẫn sải chân đều khắp mọi vùng miền trong và ngoài nước, vẫn đều đặn làm báo, viết văn mỗi ngày. Thời gian hơn 10 năm, từ năm 2012 đến nay anh đã cho ra đời hơn 20 cuốn sách đủ thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí, du kí, phê bình - tiểu luận, tiểu phẩm... Ông là người có sức lao động sáng tạo, bền bỉ đáng nể, cây bút sung mãn của tuổi hai mươi!

Anh_cong_4

Tôi quen thân nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn đã gần 40 năm có lẻ, bởi chúng tôi cùng làm việc với nhau từ thời Đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo, sau này là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tôi là Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường, anh là Tổng Biên tập báo Vũng Tàu - Côn Đảo sau này là Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. Tôi còn có giai đoạn kiêm nhiệm Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học - Công nghệ, nên thường gặp nhau - chụm đầu lo công việc chung, tâm tình với nhau bao chuyện thế cuộc, nhân tình thế thái; cùng nhau rong ruổi phố cổ - mùa Thu Hà Nội, lãng mạn, đọc thơ bên Hồ Tây, ngắm cảnh đẹp chiều buông bên hồ Hoàn Kiếm…

Anh_cong_5

Những ngày cuối tháng 11 - 2022, sau chuyến cùng nhau đi Hà Nội, trở về Vũng Tàu tôi nhận được tin nhắn của anh: “Tiến sĩ Công ơi, tôi đang chuẩn bị bản thảo tập bút ký và tiểu luận, sẽ in trong tháng 12/2022 kịp lì xì Tết Quý Mão cho bạn hữu… Nếu hứng thú, bạn quý có thể cảm nhận về tập sách,dài  ngắn  tùy  ý…  Nếu  có  thể  được,  xin  bài  trước 20/11…” Tin nhắn của anh làm tôi ngạc nhiên, vì trong năm nay anh đã xuất bản 2 cuốn sách, đó là Chuyện tình phố cổ và Trí tuệ Việt. Năm hết, Tết sắp đến, Phạm Quốc Toàn lại ra cuốn sách mới, sao mà viết khỏe thế? Quả thực viết về Phạm Quốc Toàn lúc này rất khó vì đã có khá nhiều người viết về anh, mà toàn là những nhà báo, nhà văn gạo cội, tên tuổi, những người đã sống, làm việc bên anh nhiều năm.

***

Trong hơn 20 cuốn sách Phạm Quốc Toàn đã xuất bản, tôi không muốn phân tích sâu thêm về từng cuốn vì có nhiều người đã làm việc đó. Mới đây nhất, tháng 8 năm 2022, nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi - ngọn bút tài hoa, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã viết rất hay, rất chuẩn về Phạm Quốc Toàn. Nói về cuộc đời hoặc con đường công danh, sự nghiệp của anh, tôi chỉ có thể nói một câu ngắn gọn là: Bất cứ ai là nhà báo và cả cuộc đời người làm báo đạt được như anh đã là viên mãn. Điều tôi nể trọng và rất quý ở Phạm Quốc Toàn, đó là Tấm lòng nhân hậu và bút lực tựa ngọn lửa trào! Điều quan trọng, rất đáng tự hào ở Phạm Quốc Toàn là được anh em đồng nghiệp mọi lứa tuổi đều vị nể, yêu thương, được bạn bè cả trong và ngoài nghề, trong và ngoài nước quý mến, kính trọng. Mỗi lần nhà báo Phạm Quốc Toàn đặt chân đến Thái Lan, giới báo chí Thái Lan đều coi anh như một thương hiệu, người bạn quý thân, như một thượng khách vậy!

Anh_cong_3

Chỉ riêng ở vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu, với 22 năm tại vị, trải qua nhiều thử thách, gian nan cả đời thường và trong nghề báo, nghiệp văn chương, Phạm Quốc Toàn với cương vị nhiều khóa là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập tờ báo Đảng địa phương, nhiều năm nay khi Phạm Quốc Toàn đã nghỉ hưu, nhiều bạn viết, bạn đọc trong tỉnh vẫn luôn dành cho anh tình thân ái đặc biệt, không chút nề hà. Sự nghiệp báo chí của anh ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, nhiều thành tích vượt trội, xuất sắc khó lòng bù đắp. Tôi còn nhớ thời kỳ anh làm Tổng Biên tập trong những năm thập niên 80, 90 thế kỷ trước cho đến những năm đầu của thế kỷ 21, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có một sự thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ, rất đáng nể. Tờ báo chính Bà Rịa-Vũng Tàu có thêm các chuyên mục mới, phong phú, đa chiều, hấp dẫn, sâu sắc. Và ông còn cho ra các ấn phẩm: Vũng Tàu Chủ nhật, VDT (Văn hóa-Du lịch-Thể thao), chuyên san Tuổi Học Trò phát hành toàn quốc. 10 năm, cây bút bình luận danh tiếng Hồ Quang Lợi cộng tác cho Báo Bà Rịa - Vũng Tàu trên dưới 1000 bài viết, nay vẫn được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia, để lại dấu ấn khó phai mờ. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu lúc đó là tờ báo được đánh giá cao, một tờ báo Đảng năng động của địa phương vươn lên đứng ở vị trí hàng đầu trong số hệ thống báo Đảng của cả nước, tập hợp nhiều cây bút cộng tác viên tên tuổi. Cũng không phải ngẫu nhiên mà khi nghỉ hưu, Phạm Quốc Toàn một Tổng Biên tập ở tỉnh lại được anh chị em làm báo cả nước tín nhiệm cao, bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tới hai khóa liên tiếp. Hai năm trước, nhà khoa học dầu khí TS.Trần Lê Đông (lúc đó anh Trần Lê Đông đã lâm bệnh hiểm nghèo, sự sống tính từng tháng, từng ngày) mang tập truyện kí hơn 200 trang in “Từ làng Trung Lễ đến mỏ dầu Bạch Hổ” (tác giả Phạm Quốc Toàn) đến văn phòng Liên Hiệp các Hội KHKT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tặng tôi và mấy người bạn làm khoa học. Anh Trần Lê Đông chân thành: “Tác giả viết để động viên tôi lúc bệnh trọng, tôi khá bất ngờ vì anh lặng lẽ viết, không hỏi gì nhiều, mà lại viết hay, viết đúng về Trần Lê Đông và XNLD Vietsovpetro, nay tặng các anh đọc chung vui với tôi vậy”.  Khi đọc xong cuốn sách, tôi điện thoại chúc mừng tác giả và hỏi thêm: “Bác Đông vốn rất cẩn trọng mà bác ấy lại rất vui khi mang sách biếu bạn, có cách gì mà anh viết trúng và nhanh thế?”. Phạm Quốc Toàn khiêm nhường như bản tính vốn có, trả lời: “Thì do quý bạn, hiểu bạn, mấy chục năm sống gần gũi trên một địa bàn, hội AS đồng hương Đức Thọ (ăn sáng, cà phê) đều đều, họ nói ra bao chuyện lúc này lúc kia, mình biết thuổng, năng nhặt chặt bị, biết ghi lại, nay cần thì cứ tuôn ra vậy. Chuyện thầm kín về tình yêu của anh Đông và chị Kim Cúc, giáo viên chuyên văn, chị ấy đã viết rất hay trên trang cá nhân, tôi nhặt nhạnh trên đó cả thôi”. Đúng là Phạm Quốc Toàn, xin bái phục anh!

ANh_Cong_1

Năm 2016, Phạm Quốc Toàn viết truyện kí “Phi Thường”, NXB Hội Nhà văn; năm 2022, Phi Thường được tái bản (có bổ sung và chỉnh sửa) với tên gọi mới “Trí tuệ Việt”, tôi vốn chơi thân với nhân vật, có công hỗ trợ nhân vật trong các hoạt động khoa học gắn với sản xuất, nhưng đọc sách lại khá bất ngờ về những chi tiết sống động của nhân vật, bèn hỏi tác giả:“Chuyện gì của Hoàng Đức Thảo anh cũng moi ra được, thiệt tài”. Phạm Quốc Toàn dí dỏm trả lời: “Hoàng Đức Thảo là Anh hùng Lao động, giành Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ (KHCN). Đó là sự thật mười mươi, chính TS.Trương Thành Công và nhiều nhà khoa học tên tuổi đầu ngành bỏ lá phiếu ủng hộ. Người có tài thường có tật, tài thì mình khen, tật thì mình chê - chê một cách xây dựng. Bản lĩnh ngòi bút là chỗ đó. Mình vô tư, trong sáng, khách quan, chân thành là OK”. Thêm một lần nữa tôi càng nể trọng và cảm phục ngòi bút và bản lĩnh của Phạm Quốc Toàn.

***

Phạm Quốc Toàn là người đằm tính, ít nói về mình, kiệm lời, nhưng tâm hồn trẻ trung, cởi mở, chân tình, giao thiệp rộng, anh quen biết nhiều, từ Trung ương đến các địa phương khắp ba miền Bắc - Trung - Nam lại toàn những người có chức sắc, tiếng tăm. Tháng 11/2022, chỉ ba ngày cùng anh rong ruổi đất Thủ đô, tôi mới biết - khám phá điều tuyệt vời, cuộc đời rất có hậu dành cho anh: Bạn bè - đồng nghiệp của Phạm Quốc Toàn thật đặc biệt, chức vị cao, tri thức lớn mà thật lạ, ai cũng quý mến, yêu thương, tin cậy anh như người thân trong gia đình. Quý bạn ắt bạn sẽ qúy mình, vận vào cuộc đời và sự nghiệp của anh, quả không sai. Còn ở Bà Rịa - Vũng Tàu thì gần đây nhà báo Phạm Quốc Toàn hay tụ hội vào những ngày giữa và cuối tuần với mấy anh em về hưu cùng khu phố, cùng phường, cùng thành phố, cùng hội viết lách, còn có các doanh nghiệp, nhà khoa học, văn nghệ sỹ… ăn sáng, uống cà phê, chuyện trò rôm rả, vui vẻ, vui thả giàn - tránh xa chuyện chính trường. Về nhà anh lại “ôm” laptop và viết với tốc độ phi thường đến lạ! Trong xã hội, chúng ta thường thấy, khi người ta nghỉ hưu thì “gác kiếm”, thôi hoặc rất ít hoạt động nghề nghiệp, nhất là các quan chức. Đa số họ nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, đi du lịch đây đó. Người có nhiều tiền thì mua đất làm trang trại, vườn cây, ao cá. Ngay cả những người trước đây viết chuyên nghiệp, là nhà văn, nhà thơ, nhà báo đã in nhiều sách, nhưng khi nghỉ hưu hầu như cũng “gác bút” vì sức khỏe giảm sút, tinh thần không còn minh mẫn và năng lượng văn chương có lẽ đã cạn, không sáng tác được nữa. Nhưng ở Phạm Quốc Toàn, nghỉ hưu anh mới viết sách và viết nhiều, viết hay, viết đúng, viết trúng, viết khỏe, viết đủ thể loại. Ấy là một điều lạ, hiếm người làm được như vậy. Anh nói, viết không phải là sự làm thêm, kiếm tiền mà là để thể thao bộ não, như là nhu cầu tự thân, tựa cơm ăn nước uống hàng ngày vậy.

Anh_cong_2

Đã vào tuổi xế chiều, mùa thu của cuộc đời nhưng nhà văn, nhà báo Phạm Quốc Toàn rất siêng năng, đi nhiều, đọc nhiều, lên lớp truyền thụ kinh nghiệm - kiến thức nghề cho các cây bút trẻ, cần mẫn với từng con chữ trên cánh đồng văn chương để tiếp tục cho ra đời những trang viết đầy trách nhiệm, những trang viết sâu sắc, nghĩa tình. Ngày anh mới nghỉ hưu rồi xuất bản một, hai tập sách đầu tiên, có người ở Vũng Tàu nói với tôi rằng anh chỉ cóp lại những bài đã viết khi làm báo để in sách… Chẳng có văn chương gì, nhưng họ đã nhầm, rất nhầm, chính họ là người hời hợt, lười đọc nói leo ăn theo! Tôi biết, Phạm Quốc Toàn khi còn ở Báo Quân đội nhân dân là một cây bút chính luận sắc sảo, nguồn “tướng lĩnh”, được chọn kế tục làm Tổng Biên tập tờ báo chiến sĩ từ lúc mới 30 tuổi.

Năng lượng gốc có sẵn trong con người Phạm Quốc Toàn, ông nội của anh - Cụ Phạm Văn Thịnh (còn gọi là ông Đầu huyện Thịnh) thi Hương, thi Hội đậu đầu huyện, đầu tỉnh, là bậc trí thức thông kim bác cổ cùng thời cụ Phan Bội Châu; sau đó ông đi cùng cụ Phan Đình Phùng lên núi Vũ Quang kháng Pháp. Thân phụ của anh cũng là bậc trí thức, nhà giáo, đam mê văn chương, báo chí, con nhà dòng dõi vùng xứ Nghệ, bỏ bút nghiên đi kháng chiến. Có một lí do riêng, anh mới được cấp trên điều chuyển vào vùng biển phương Nam làm Tổng Biên tập báo Đảng địa phương, khí bước vào tuổi ba mươi tám.

Phạm Quốc Toàn không chỉ viết chính luận mà còn viết rất nhiều thể loại khác, tả xung hữu đột cả hai lĩnh vực báo chí và văn chương. Đọc tập truyện ngắn “Hoa Bằng Lăng”, NXB Hội Nhà văn - 2021 tôi bất ngờ, càng thấy chất văn chương trong con người anh thật lãng mạn, sâu lắng, tài hoa. Đọc tiểu thuyết “Từ bến Sông Nhùng” (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2019), bạn đọc bị cuốn hút, càng thấy sức đọc, sức tái hiện cuộc sống nơi anh thật lãng mạn, dồi dào, khỏe khoắn. Lĩnh vực nào anh viết cũng tâm huyết, sắc sảo với một tấm lòng cầu thị, khiêm nhường mà rất nhân ái, vừa lôi cuốn, gợi mở lại hóm hỉnh kiểu thầy đồ Nghệ, lãng mạn, có hậu… Ngôn ngữ báo chí và văn học trong ngòi bút của Phạm Quốc Toàn đã hòa quyện vào nhau càng ngày càng nhuần nhuyễn và thăng hoa! Sức sáng tạo của anh ở tuổi mùa thu cuộc đời vẫn còn sung mãn lắm!

Gần đây, ngủ chung phòng, khi về Hà thành ngồi nhâm nhi giọt cà phê đắng với nhau trên phố cổ Hà Nội, tôi hỏi anh “Sao về hưu, tuổi cao rồi mà bác viết hăng thế, giỏi thế; rõ là bác viết không phải để kiếm tiền (mà sự thật là còn hao tiền hơn), không phải viết vì sự thúc ép của bất cứ ai. Động lực nào giúp cho ngòi bút của bác vẫn dồi dào sức trẻ”. Anh cười hồn hậu rồi nói với tôi: “Cũng như thầy Công - nhà khoa học ham viết, ham vẽ đó thôi. Cuối tuần vác bàn vẽ ra biển hí hoáy với cây cọ, có ai bắt tội đâu? Ngày còn làm việc thì bận rộn với công việc quản lý, với họp hành, nhiều áp lực thường xuyên và đột xuất. Nhưng có biết bao sự kiện, con người và những câu chuyện rất hay, rất xúc động mà ta được chứng kiến, được nghe, đọc, nó cứ ghi vào tiềm thức, giống cái “ắc quy” được nạp điện để rồi phải tỏa sáng. Còn anh em ta sau một thời gian dài được nạp thì viết ra như một sự giải tỏa năng lượng của tâm hồn”. Anh nói đúng, nhưng không phải ai cũng có thể làm vậy được đâu. Tôi nghĩ với Phạm Quốc Toàn từ trong sâu thẳm của tiềm thức và qua thời gian dài tôi luyện nghề báo đã đào luyện anh thành một nhà văn mà chất văn chương với báo chí đã hòa làm một như cây đại thụ, nhà văn hóa Phan Quang đã nhận xét về anh. Chính nghiệp báo cái nghề của sự quảng giao, giúp anh đi nhiều nơi, biết nhiều người, sống tốt, chân thành và tử tế, sẻ chia với nhiều phận đời đã thôi thúc anh phải viết thành sách để cống hiến cho đời những trang viết tâm huyết, nặng tình người, tình đồng loại, để ta phải sống tốt hơn!

Cuốn sách mới dày dạn của anh sắp ra mắt bạn đọc nay mai, sẽ có các bút ký, phê bình, tiểu luận, tiểu phẩm… như vậy là rất phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Hy vọng bạn đọc sẽ thích thú với tác phẩm đón chào xuân Quý Mão - 2023 của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn.

Trước thềm xuân mới Quý Mão 2023, chúc cho anh thêm tuổi mới, nhiều năng lượng mới và những sáng tạo mới - đời và nghiệp mãi mãi tuổi thanh xuân!

TS. Nhà thơ, họa sĩ Trương Thành Công

Chia sẻ liên kết này...

Add comment