Đời & Nghề Giữ lửa nghề

Giữ lửa nghề

(PQT- 15.9.2019) HƯU ĐỜI KHÔNG HƯU... CHỮ. Các nhà báo Phan Quang, Hà Đăng, Nguyễn Hồng Vinh, Nguyễn Xuân Lương, Khánh Tường, Trần Thế Tuyển, Trần Văn Hiền, Mai Sông Bé... và nhiều nhà báo khác “Hưu đời mà không hưu chữ”. Đó là những nhà báo sau khi đã có quyết định nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội nhưng họ vẫn đam mê viết, đi nhiều, viết khỏe, năng suất bài viết không thua kém so với những ngày còn tại vị. Nhà báo Nguyễn Triệu Hải, nguyên Trưởng phòng Thư ký xuất bản Báo Bà Rịa - Vũng Tàu với bút danh Sáu Bến Đình, Hải Lăng, mỗi ngày một tiểu phẩm chỉ dăm ba trăm từ, châm chích nhẹ nhàng chuyện người, chuyện đời. Nghỉ hưu đã gần chục năm, Nguyễn Triệu Hải có chừng ấy năm “Nghĩ nhanh - viết khỏe” - Hưu đời nhưng không hưu... chữ!

aa68d6aaf2d714894dc6

Nb Phạm Quốc Toàn với Chủ tịch VRG - Tập đoàn CN Cao  Su Việt Nam Trần Ngọc Thuận (bìa phải).

Báo Bình Thuận có một... hưu đời bút danh Út Mũi Né, nghỉ hưu chục năm nay. Trên số báo Bình Thuận Cuối tuần, nơi trang 12, thứ 6 hằng tuần, Út Mũi Né “tám” đủ thứ to bé, trong ngoài, lai rai châm chích chuyện đời, đầu làng cuối phố, trong Nam ngoài Bắc. Bài viết của Út Mũi Né dí dỏm, người trong cuộc tức điên, đau... hơn hoạn nhưng cứ ngậm bồ hòn làm ngọt. Út Mũi Né tâm tình nghề nghiệp: “Mỗi tuần một cà phê”, “mỗi tháng một chuyên luận”, “mỗi quý một bút ký - phóng sự”, vị chi cả năm cũng tới vài trăm bài, bài nào ra bài đó, chất lượng và hiệu quả xã hội đáng nể.

Nhà báo Khánh Tường, Báo Quân đội Nhân dân là cây bút giàu kinh nghiệm và yêu nghề báo đắm say. Anh là cộng tác viên bấm nút của 4-5 tờ báo. Đang đêm, một cú điện thoại đặt bài, anh hẹn 5 ngày sau bài & ảnh sẽ được chuyển qua hộp thư điện tử. Nhà báo Khánh Tường, quê huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định có vốn sống phong phú, kiến thức uyên bác, biết Hán học, thông thạo Trung văn. Mới đây, bài anh viết: “Khi Thương hiệu kỳ quan rơi vào tay đồ tể”, đăng trên Tạp chí Thương Hiệu Việt, được cho là một tác phẩm báo chí lối viết “mở”, quyện chặt quá khứ với hiện tại và tương lai. Mỗi năm Khánh Tường đóng góp không dưới 20 bài viết chuyên sâu - mang tính nghiên cứu cho báo nhà và báo bạn.

Nhà báo, nhà thơ, Đại tá Trần Thế Tuyển, người con của quê hương Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nguyên Phó Cục trưởng Cục Báo chí, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng sắp vào tuổi thất thập “Vẫn miệt mài đi, miệt mài viết”. Tháng 4 năm 2019, Trần Thế Tuyển về rừng Sác, anh viết: “Anh đưa em về Rừng Sác/ Tháng Tư cái nắng ong ong/ Bỗng nghe âm vang ai hát: Mình về có nhớ ta không?”. Gần 10 năm nghỉ hưu, đôi chân anh vẫn sải dài dọc Trường Sơn “Âm vang nghĩa tình đồng đội”, lúc Quảng Trị, khi Đồng Lộc, Truông Bồn, tuần sau đó Trần Thế Tuyển đã có mặt Long Khốt, xuôi dòng sông Tiền, sông Hậu...

Nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An được một đồng nghiệp uy tín chia sẻ: “Đồng nghiệp Thành Vinh gọi Trần Văn Hiền là người lữ hành cày chữ”. Có người lại ví von anh là “Lão già vai gầy mình hạc”. Mỗi năm anh in không dưới 2 cuốn sách dày dạn, chủ đề sách là những vấn đề nóng bỏng tính thời sự, giàu tính chiến đấu.

Không thể không nhắc tới “lửa nghề” của nhà báo Nguyễn Xuân Lương. Năm 2018, bước vào ngưỡng tuổi 80, ngoài viết báo hàng tuần, Nguyễn Xuân Lương xuất bản 1 cuốn sách; năm 2019 anh cho trình làng cuốn mới - bút ký báo chí mang tựa đề: “Gió từ Rú thổi về!” (Nhà xuất bản Văn học, 2019)

Phóng viên, chuyên gia báo chí Lê Liên là cây viết bút ký - phóng sự có phong cách. Anh còn là cây viết chuyên luận, với những bài nghiên cứu có chiều sâu. Bạn hỏi: “Tháng 6 Lê Liên ở đâu”. Con gái trưởng của anh, làm việc tại Báo Quân đội Nhân dân trả lời: “Dạ bố cháu đang ở Campuchia sưu tập tài liệu quân tình ngyện Việt Nam”. Tháng 9 có người đến phố Lý Nam Đế tìm anh, con gái thứ của anh, Cẩm Lê, trưởng Ban Biên tập Báo Thời báo Kinh tế Việt Nam, ấn phẩm tiếng Anh đáp: “Dạ, bố cháu đang đi Quảng Bình, sưu tập tài liệu và dự hội thảo tại quân khu IV, giữa tháng bố cháu làm việc tại Thanh Hóa, sau đó đi Campuchia”. Mười năm nay, sau khi kết thúc gần 40 năm làm việc, cống hiến tại Báo Quân đội Nhân dân, bước vào tuổi lục tuần, Đại tá, nhà báo Lê Liên tiếp tục làm việt tại Hội Người Cao tuổi Việt Nam, với nhiệm vụ Phó Chánh văn phòng Hội, Thư ký giúp việc Chủ tịch Hội. Anh còn được cấp trên giao nhiệm vụ làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc Cựu chuyên gia Việt Nam giúp nước bạn Campuchia, sau thảm họa diệt chủng; Thực hiện Đề án cấp Nhà nước tổng kết công tác chuyên gia giúp bạn; Biên tập sách Hồi ký; các công trình - sự kiện của các chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế… Trong bao bộn bề công việc, có những phần việc thầm lặng, bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi  nghiên cứu nghiêm túc, trí tuệ, cẩn trọng, hết mình, nhà báo Lê Liên đều hoàn thành xuất sắc.

Phóng viên nhiếp ảnh, Đại tá, nhà báo Trần Hồng vào tuổi 70 như đồng nghiệp Lê Liên vẫn rong ruổi trên những chặng đường dài, chụp ảnh, làm phim, triển lãm ảnh báo chí trong nước và ngoài nước; cuộc trước chưa xong, anh đã đăng ký cuộc tiếp theo, rất đắt khách. Những tấm ảnh về Mẹ Việt Nam Anh hùng “rong ruổi” theo Trần Hồng trên mọi nẻo đường. Không ủ rũ ngồi ở nhà nói chuyện tiêu cực, đàm tiếu trên mạng xã hội, Trần Hồng vẫn đi và viết, làm ảnh đều đặn. Cuộc đời ký giả như vậy thật là vui.

Những đồng nghiệp tôi vừa kể chỉ là số rất ít trong vài trăm đồng nghiệp quen biết thuộc dạng “càng già gừng càng cay”. Họ đã lớn tuổi, có người tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, luôn cháy sáng lửa nghề - “Hưu đời mà không hưu... chữ!” là vậy.

***

ĐỂ LỬA NGHỀ CHÁY SÁNG. Nhà báo, nhà văn Phan Quang là một trong những tấm gương sáng “Lửa nghề cháy sáng”. Ông sinh năm 1928, năm 2019 này đã bước qua tuổi 91, nhưng ông vẫn rất thông tuệ, trí nhớ tuyệt vời. Năm 2018 và 2019, ông xuất bản 3 cuốn sách. Thêm một cuốn mới, cuốn thứ 4 trong 2 năm qua, cuốn sách thứ 50 trong 70 năm làm nghề của ông sẽ trình làng vào tháng 9.2019. Ông khiêm nhường tâm sự với các nhà báo trẻ: “Để ngọn lửa nghề không bao giờ tắt, bạn hãy đọc và ghi chép mỗi ngày, hãy viết mỗi ngày. Làm nghề chớ bao giờ bỏ viết. Một ngày không viết, một tuần bỏ bút, một tháng không sờ đến bài viết nào, nghề sẽ lụt, bút lực sẽ mai một, cho đến một ngày, bạn sẽ phất cờ trắng đầu hàng. Bạn viết hay thì xã hội đón nhận; nếu viết chưa hay thì bạn bè, người thân đọc; nếu viết dở thì chí ít có mình đọc… vậy là có viết, tốt lắm rồi.” (Phan Quang, 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi nghề, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2019).

Trong tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng”, tác giả đã đặc tả nhân vật - ký giả PHAN HOÀNG, nhân vật ngoài đời chính là nhà báo Phan Quang, cây đại thụ của báo chí Việt Nam đương đại: “Bài học lớn của nhà báo Phan Hoàng là ĐI và VIẾT, VIẾT và VIẾT. Viết đều, viết mãi, viết không ngơi nghỉ. Ấy mới là nhà báo đích thực... ” (Từ Bến sông Nhùng, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 2019). Trên mọi nẻo đường đất nước, ngoài Bắc, vào Trung, xuôi về Nam, tung tẩy dọc triền sông Tiền, sông Hậu, lên cao nguyên, dọc dãy Trường Sơn đại ngàn, ra đảo xa, thời trẻ trung ngập tràn năng lượng, không nơi nào Phan Hoàng không đặt chân tới. Ở mọi vùng miền của các châu lục: Âu, Á, Phi, Bắc Mỹ, châu Đại Dương, như miêu tả trong tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” không có xứ lạ nào thiếu bước chân đi, thiếu vắng nụ cười, hay một cái nheo mày suy tư về thế sự, cuộc sống còn quá nghèo nàn nơi đó của Phan Hoàng

Lời tâm sự của nhà báo, nhà văn, chính khách, nhà văn hóa Phan Quang là đủ để làm cẩm nang cho đồng nghiệp trẻ và cả đồng nghiệp trung niên, cao niên trong nghề viết. Bài học lớn nhất - sự rút ruột tổng kết cho cả cuộc đời cầm bút là: HÃY VIẾT MỖI NGÀY, đầu óc thêm mẫn tuệ. Đó là niềm vui mỗi ngày. Chớ nên bỏ bút, không lười biếng, hưu đời mà chẳng hưu... chữ là vậy.

ĐI VÀ VIẾT. Các nhà báo Lê Quốc Trung, Trần Gia Thái, Hà Minh Huệ và tôi mà nhà báo Trần Bá Dung gọi là “bộ tứ” có chung một địa chỉ “nhóm Zalo” trên điện thoại thông minh, đều đã đóng vai Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, 1 hay 2 nhiệm kỳ. Chúng tôi đi đâu, tham gia sự kiện gì, mừng sinh nhật của nhau đều cho lên zalo “bộ tứ”. Chúng tôi vẫn đi, vẫn tác nghiệp - nhiều cách khác nhau mỗi ngày, mỗi tuần. Đi đây đó để tìm cảm hứng, làm được cái gì cho đời cho nghề thì làm. Một mẩu tin ngắn; một tấm ảnh đẹp nơi biên cương, hải đảo; một bài thơ tình tứ; một trang bút ký, ghi chép, tản mạn; một buổi giảng bài trên cao nguyên. Cái sự ĐI của chúng tôi là vậy. Triết lý làm nghề của nhà văn, nhà báo lão thành Phan Quang, tổng kết gọn lại trong bốn từ: ĐỌC, ĐI, NGHĨ, VIẾT. Nếu nói gọn hơn, chỉ có thể tóm rất gọn trong hai từ: ĐI & VIẾT, bởi lẽ tự nhiên là muốn ĐI có hiệu quả, VIẾT hiệu quả, đương nhiên là phải ĐỌC, phải SUY NGHĨ, để từ đó, mỗi con chữ hiển hiện mới ắp đầy hơi thở cuộc sống, lung linh chất “ngọc” của đời (Phan Quang, Nghề báo - Nghiệp văn, Nhà xuất bản Thông Tấn, 2005).

Với cố nhà báo Hữu Thọ, ông chân thành mà thẳng thắn: “Nhà báo mà không đi, không gắn với cơ sở, không sống trong lòng nhân dân là tự kết liễu nghề. Nghề báo gắn với cái mới, gắn với những chuyến đi, đi nhiều thì viết hay, viết sống động; đi ít thì viết nhạt; không đi mà vẫn viết thì câu chữ càng nhạt, bí quá thì viết liều, viết bịa, coi như hỏng nghề” (Hữu Thọ, Công việc của người viết báo, nhà NXB Đại học Quốc gia, 2000).

Người ta vẫn thường nói: có bột mới gột nên hồ. Với tác phẩm báo chí, “bột” chính là chất liệu, tài liệu, bối cảnh, sự việc, con người... do nhà báo thu thập được. “Hồ” chính là tác phẩm báo chí, là bài viết. Những chuyến đi để thu thập, khai thác tài liệu như cố nhà báo Hữu Thọ đã khẳng định, được coi là “xương sống”, “điều cốt lõi”, “khung sắt - thép” rường cột xây nên tòa nhà, làm nên tác phẩm báo chí. Tôi vừa có chuyến “rong chơi” tới vùng quê của nhà báo Mai Sông Bé, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai 10 năm, từ năm 2005 đến 2015; nguyên Phó TBT Báo Đồng Nai & Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai ngót nghét 20 năm. Vùng quê đó là Cù Lao Rùa, nằm lọt giữa 2 nhánh con sông Đồng Nai, thuộc Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Với nhà báo Mai Sông Bé năng nổ, say nghề, dũng khí, dám làm, dám chịu, khí chất Nam bộ và mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Cù Lao Rùa có thể tạo nên một tác phẩm báo chí hay, hơn thế là đề tài cho một cuốn truyện ký, bút ký báo chí dày dạn. Tác phẩm báo chí đó có thể là bút ký chân dung, bút ký báo chí, chuyện nghề, chuyện đời và nghề, ghi chép về đất và người trên Cù Lao Rùa v.v…

Tôi gọi chuyến đi về Cù Lao Rùa “rong chơi”, nhưng thực ra là để “làm”; nghề viết - dù là viết văn hay viết báo là vậy. Chỉ ngồi lai rai bên ly rượu quê với Thị ủy viên Tân Uyên, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hội (Cù Lao Rùa) Phan Chí Nhân và nhà báo Mai Sông Bé, bên dòng sông Đồng Nai, nghe các anh tự tình mà bao chất liệu sống động cho bài viết đã ngồn ngộn, sống động. Giá như tôi không đến với Cù Lao Rùa thì làm sao có được những chất liệu tươi mới và tạo cho chính mình nhiều cảm xúc tự nhiên từ đáy lòng để có tác phẩm báo chí hay. Đúng như nhà báo Phan Quang, cố nhà báo Hữu Thọ đã tỏ bày, trong hai cuốn sách vừa dẫn: “Muốn viết thì phải đi. Mà đi cũng năm bảy cách đi, có người đi về, túi và đầu sống động căng chật chất liệu viết. Có người đi về, trong túi và trong đầu vẫn cứ trống rỗng. Đi chính là để nạp năng lượng, để cảm về sự kiện, con người - nhận biết tận chân tơ kẽ tóc về nó thì câu chữ mới có hồn, câu chữ mới nhảy múa, mới có thể dào dạt tuôn ra”.

Sau chuyến “rong chơi” (từ dùng của PQT), tôi đã tạo nên một tác phẩm báo chí sống động, phản ánh cuộc sống của nhà báo Mai Sông Bé sau những năm tháng chinh chiến, nay trở về cuộc sống thanh tịnh chốn quê nhà. Qua chuyến “rong chơi”, tôi càng thấu hiểu, cảm nhận hết chuyện ĐI VÀ VIẾT, nói thật đầy đủ như nhà báo Phan Quang tổng kết: ĐỌC, ĐI, NGHĨ, VIẾT - thật chí lý.

Một số nhà báo trẻ, mặc dù chỉ mới dăm bảy năm vào nghề đã có biểu hiện ngại đi, lười biếng di chuyển. Người ta vẫn gọi họ là “nhà báo sa lông”, quen lối tác nghiệp “ngồi một chỗ”. Họ tụ tập tại quán cà phê tán gẫu, khai thác tài liệu qua chiếc điện thoại thông minh, mạng xã hội, “cuỗm” tài liệu gián tiếp từ đồng nghiệp, khai thác dăm ba số liệu trên các trang tin điện tử hoặc trên báo địa phương để phóng tác cho báo ngành này, báo đoàn thể nọ. Lười biếng “rong chơi”, thay vào đó là họ lắp ghép, nhào nặn, thậm chí bịa thêm số liệu, chi tiết, cẩu thả tạo dựng nên tin tức, liều lĩnh hơn còn dám ghi bên dưới bài xào xáo là bút ký, ghi chép, phóng sự. Kiểu làm báo “sa lông” như vậy hoàn toàn xa lạ với ĐI VÀ VIẾT, nói đầy đủ là ĐI, ĐỌC, NGHĨ, VIẾT; xa lạ với cung cách tác nghiệp của người làm báo chân chính, phương pháp tác nghiệp của nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp.

Một tác phẩm báo chí có giá trị, làm lay động bao trái tim, lay động lòng người, không có cách nào khác là nhà báo phải dấn thân, gần dân, sát cơ sở, yêu nghề và gắn với những chuyến đi nhiều cảm xúc, được chuẩn bị công phu, chu đáo và hiệu quả

Chia sẻ liên kết này...

Add comment