(PQT- 15.9.2019) Đó là đầu đề bài tham luận tại một cuộc hội thảo báo chí quốc tế của nhà báo kỳ cựu Thái Lan - ông Bandhit Rajavatanadhanin, Chủ tịch danh dự Liên đoàn Báo chí ASEAN; Chủ tịch danh dự, Cố vấn cao cấp Liên đoàn Báo chí Thái Lan. Ông từng giữ cương vị Tổng Biên tập Nhật báo Bangkok Post - tờ nhật báo uy tín hàng đầu ở Thái Lan. Ông còn là Chủ tịch Câu lạc bộ uy tín các phóng viên kinh tế Thái Lan; người bạn có công kết nối quan hệ báo chí Việt Nam - Thái Lan, đồng nghiệp thân thiết với báo chí Việt Nam suốt mấy chục năm qua.
Nb Pham Quôc Toàn (trái), 50 năm trước - 1969.
Tổng Biên tập, họ là ai? Theo nhà báo Bandhit Rajavatanadhanin, Tổng Biên tập là “Người cai quản, coi sóc, chỉ huy, là linh hồn của một ấn phẩm báo chí. Họ chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung, hình thức, xu hướng chính trị của ấn phẩm báo chí đó ”. Cuối tham luận, nhà báo Bandhit Rajavatanadhanin khẳng định: “Tổng Biên tập quyết định hết thảy nội dung thể hiện trên ấn phẩm. Tổng Biên tập như thế nào, ấn phẩm báo chí sẽ như thế ấy”.
Thái Lan (cũng như Hoa Kỳ và các nước phương Tây) có thể chế chính trị khác Việt Nam, do vậy bản chất và những đặc trưng cơ bản của nền báo chí các nước đó có những điểm khác biệt so với báo chí Việt Nam hiện nay. Báo chí Thái Lan, báo chí Hoa Kỳ và châu Âu là báo chí tư nhân, của tư nhân. Với các tập đoàn báo chí ở Thái Lan, Hoa Kỳ, phương Tây, chủ báo và Tổng Biên tập trong nhiều trường hợp không phải là một, mà là hai cá thể, hai chủ thể khác nhau. Người đứng đầu các tập đoàn báo chí ở Thái Lan, Hoa Kỳ, phương Tây là chủ báo, là các chủ tư bản, chủ tài phiệt. Họ xây dựng nên các đế chế báo chí - truyền thông hùng mạnh, to lớn, dễ dàng phát động, làm khuynh đảo đảng phái đối lập, thậm chí cả một đế chế chính trị. Đối với họ, làm báo là để kinh doanh, kiếm lời. Lẽ đương nhiên, họ cũng có mục tiêu chính trị, mục đích chính trị, đó là bảo vệ chế độ tư hữu – nền tảng của thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa mà đất nước đó lựa chọn. Chủ báo - ông chủ tuyển chọn các Tổng Biên tập giỏi nghề, phụ trách nội dung tờ báo, với những tiêu chí khắt khe về nghề, về khả năng và trình độ, các mối quan hệ xã hội. Với các Tổng Biên tập báo chí ở các nước tư bản – báo chí tư nhân, như nhà báo Bandhit Rajavatanadhanin đã nêu, có những nét chung nhất như bất cứ nền báo chí nào, đó là “người cai quản, coi sóc”, “linh hồn của một ấn phẩm báo chí”.
Nghề Tổng Biên tập
Nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động báo chí đặt dưới sự quản lý của Nhà nước Việt Nam cũng như sự giám sát của nhân dân. Các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay là cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, chính quyền, của các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Nhà báo lão thành cách mạng Hoàng Tùng, người có hơn 1/3 thế kỷ làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, lúc sinh thời đã khẳng định trên tờ Nội san nghiệp vụ của báo Nhân Dân: Đã nói đến nghề báo, nghề văn thì chúng ta phải đối xử với nó như một nghề - nghề phóng viên, nghề biên tập viên, nghề xướng ngôn viên, nghề phát thanh viên, đương nhiên là có nghề Tổng Biên tập. Đã là nghề thì phải học – chí ít cũng phải tự học, phải được đào tạo thì mới có Tổng Biên tập giỏi.
Thiếu tướng Trần Công Mân, có hơn 20 năm làm Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, 10 năm làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam (thời kỳ đó gọi là Phó Tổng thư ký Thường trực), một nhà báo sắc sảo, tài năng, bản lĩnh từng viết trên Tạp chí Người Làm Báo - Tạp chí lý luận nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam: Tổng Biên tập là một nghề, có đầy đủ tiêu chí của nghề; đã là nghề thì phải được đối xử như một nghề vậy – chỉ huy tác chiến báo chí, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, của quân đội và nhiều lĩnh vực khác.
Nhà báo Lưu Quý Kỳ, thời kỳ chống Mỹ, cứu nước là Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan tham mưu chiến lược về lĩnh vực tư tưởng - văn hóa - báo chí của Đảng, trong một bài giảng bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý báo chí cho lãnh đạo các cơ quan báo chí đã ví von nhắc nhớ trách nhiệm của các Tổng Biên tập: chỉ huy làm báo chẳng khác nào chỉ huy tác chiến, bày binh bố trận ra sao, xuất quân đánh địch theo hướng nào, phương thức tác chiến như thế nào vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Một Tổng Biên tập giỏi, biết tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật và mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh tối cao (sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng), sẽ tự biết mình phải đánh trận như thế nào, tiến thoái ra sao, nã đạn vào thời điểm nào.
Nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương (người tiền nhiệm là nhà báo Lưu Quý Kỳ); nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin; nguyên Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam; nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhiều năm làm việc dưới quyền Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Hoàng Tùng, cũng nêu rõ trong một cuộc tọa đàm báo chí: Tổng Biên tập đòi hỏi rất khắt khe các tiêu chí về chính trị và về nghề nghiệp. Sự nhạy bén, mẫn cán, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp là tiêu chí hàng đầu, tiêu chí số một của bất kỳ Tổng Biên tập nào, báo Trung ương hay báo địa phương, báo Đảng hay báo Đoàn thể chính trị - xã hội… Nhà báo Phan Quang, mỗi khi nhắc đến các nhà lãnh đạo tiền bối - những nhà báo lớn bậc thầy, xuất chúng như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Xuân Thủy đều tâm niệm: Làm báo là làm chính trị; Làm Tổng Biên tập, đòi hỏi trước hết, trên hết là bản lĩnh, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhân dân, trước bạn đọc.
Nhận xét về nghề Tổng Biên tập của các nhà báo cách mạng tiền bối, dưới nhiều góc độ khác nhau đều cho thấy nhiệm vụ nặng nề, trách nhiệm lớn lao, vai trò quyết định của Tổng Biên tập đối với sự phát triển của tờ báo, của một cơ quan báo chí, bất kể tờ báo đó trực thuộc ai, ai là cơ quan chủ quản. Theo đó, lao động Tổng Biên tập được coi là loại “lao động bác học”, “thường xuyên động não”, “quyết đoán mau lẹ”, “dám chịu trách nhiệm”, “sắc sảo và mẫn cán chính trị - thời cuộc”.
Lao động Tổng Biên tập có những đặc trưng và đòi hỏi gì?
Ở Việt Nam, Luật Báo chí quy định, Tổng Biên tập là người đứng đầu cơ quan báo chí, là người đứng đầu - có quyền hành lớn nhất trong tòa soạn báo, hay tạp chí, đài phát thanh - truyền hình. Làm Tổng Biên tập, đòi hỏi trước hết phải là một nhà báo, hơn thế nữa phải là nhà báo giỏi. Tổng Biên tập vừa làm công việc của người viết báo, vừa làm công việc của người phụ trách báo - quản trị tòa soạn. Đó là một nghề - nghệ thuật để tập hợp, quy tụ và phát huy được tài năng, sở trường của những người làm báo trong tòa soạn. Phải có nghệ thuật quản lý, nhất là quản lý những phóng viên vốn tự do đi tác nghiệp một mình ở cơ sở. Làm công việc biên tập, đương nhiên phải biết nghề. Không thể làm người quản lý tòa báo tốt, nếu người đó không phải là nhà báo giỏi. Có một đồng nghiệp từng phát biểu trong một cuộc tọa đàm bàn tròn do Tạp chí Người Làm Báo tổ chức: “Tổng Biên tập không hẳn là người viết báo. Điểm mấu chốt của Tổng Biên tập là biết quản lý tòa soạn báo”. Nói như vậy là phiến diện. Và đó chỉ là sự ngụy biện.
Thông thường, nhiều anh chị em phóng viên, biên tập viên trong tòa soạn vẫn hỏi nhau, hoặc tự hỏi: Tổng Biên tập của báo mình có viết được bài không? Sự thật, điều này có liên quan đến uy tín của Tổng Biên tập. Tổng Biên tập là linh hồn, là xương sống của bất cứ cơ quan báo chí nào. Nếu chỉ làm quản lý thuần túy mà không viết được báo sẽ gặp nhiều khó khăn, không hiểu, không chia sẻ và không giúp đỡ được phóng viên, cộng tác viên; khó khăn trong việc chỉnh sửa - biên tập bài vở của phóng viên, cộng tác viên gửi tới. Tổng Biên tập phải viết báo, làm báo giỏi, đặc biệt có khả năng viết tốt thể loại nghị luận, bình luận. Có nhận thức được điều này thì công tác tổ chức cán bộ mới có những quyết sách phù hợp, mới chọn được Tổng Biên tập chuẩn về nghề, mới tránh được việc chọn cán bộ chính trị, cán bộ tuyên huấn đơn thuần sang cơ quan báo chí làm Tổng Biên tập. Bản thân các Tổng Biên tập không dễ dãi - lười viết, mới chịu khó rèn luyện, học tập để thực sự là người viết báo, làm báo uy tín. Rất đáng tiếc, những năm qua một số người được tổ chức điều động, giao nhiệm vụ làm Tổng Biên tập (chủ yếu là ở địa phương), chỉ mới chú trọng đến yếu tố chính trị, ít quan tâm đến nghề. Bổ nhiệm người chưa phải là nhà báo làm Tổng Biên tập, dù có biện minh bằng cách nào, công việc quản trị tòa soạn của họ sẽ phải mò mẫm, uy tín nghề nghiệp thấp, dẫn đến công việc của họ không được thuận chèo mát mái, tờ báo mà họ phụ trách ít cải tiến, ít người đọc (đối với báo in); ít người nghe và xem đài (đối với phát thanh – truyền hình).
Bên dưới Tổng Biên tập là các Phó Tổng Biên tập, các Trưởng, Phó Trưởng phòng biên tập, là đông đảo các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, các nhân viên trị sự, hành chính, quảng cáo, phát hành. Bên cạnh Tổng Biên tập còn có đội ngũ cộng tác viên đông đảo, tâm huyết – nếu như biết tranh thủ, biết tận dụng chất xám của họ thì tòa báo đó lợi đơn, lợi kép. Trong thực tế, việc lãnh đạo, điều hành đội ngũ phóng viên, biên tập viên – đưa họ vào quy củ, khuôn phép để làm ra một ấn phẩm báo chí đổi mới, sáng tạo, một chương trình phát thanh, truyền hình sinh động, hấp dẫn không dễ dàng chút nào. Đối với các phóng viên, đội ngũ gắn với cơ sở, giàu vốn sống thực tiễn, họ đều có quan điểm, cách phân tích, nhìn nhận các sự kiện, vấn đề. Không phải lúc nào cách nhìn nhận vấn đề giữa phóng viên và Tổng Biên tập cũng đều thống nhất. Lúc đó, đòi hỏi Tổng Biên tập biết tôn trọng ý kiến của phóng viên, lắng nghe, thảo luận dân chủ, tuyệt đối không võ đoán, không áp đặt quan điểm của mình cho phóng viên. Chỉ khi nào dân chủ thảo luận, cùng tìm ra chân lý, từ đó Tổng Biên tập đưa ra quyết định thì phóng viên mới tâm phục khẩu phục và tuân theo.
Chức phận Tổng Biên tập
Với cương vị người đứng đầu tòa soạn, Tổng Biên tập phải làm tốt ba việc lớn:
Một là, quản lý tốt tờ báo và tham gia công việc biên tập tờ báo. Quản lý tốt bao gồm cả công việc tập hợp, quy tụ đội ngũ; giữ nghiêm kỷ cương kỷ luật, kế hoạch trong tác nghiệp, trong công tác xuất bản nhưng lại phải “thông thoáng”, nêu cao tính tự giác, không làm thui chột sự sáng tạo của người viết. Đối với các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay, quản lý tốt còn bao gồm cả việc có quan hệ tốt với cấp trên, với cơ quan chủ quản. Quan hệ tốt ở đây hoàn toàn khác với sự xu nịnh, lấy lòng, cơ hội chủ nghĩa, tạo lập “nhóm lợi ích”. Quan hệ tốt nhằm nắm bắt nhanh ý đồ tuyên truyền, quan điểm chủ đạo xử lý các sự kiện, vụ việc với góc nhìn toàn cục, không xa rời tôn chỉ mục đích của tờ báo, dù đó là báo in, báo nói, báo hình hay báo điện tử.
Tổng Biên tập đòi hỏi sự quyết đoán và có dũng khí chiến đấu, nhạy bén, dám tổ chức phát động phóng viên có các tuyến bài đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực - khi bản lĩnh của mình cảm nhận tình hình đã chín muồi, tài liệu đã thu thập đầy đủ, chuẩn xác, bối cảnh chính trị - xã hội cho phép. Tổng Biên tập cần quyết đoán ngay, không chần chừ, không chịu bất cứ sức ép nào. Xin nêu một trường hợp khẳng định bản lĩnh, sự quyết đoán của Tổng Biên tập một tờ báo tỉnh, thường bị mang tiếng “không dám viết” chuyện tiêu cực nơi địa phương mình.
Một tờ báo Đảng địa phương cho đăng loạt bài phóng sự 3 kỳ, nêu rõ thực trạng ô nhiễm môi trường bãi tắm, chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị. Một lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh đến tòa soạn phản ứng bài viết trên báo và yêu cầu ngừng các loại bài viết tương tự, chớ “vạch áo cho người xem lưng”, Tỉnh sẽ mất đi nguồn khách du lịch. Tổng Biên tập đã đưa ra các lập luận, tài liệu xác đáng và bảo vệ bài viết của phóng viên. Rằng “Bài báo mang tính xây dựng, rất cần thiết, không phải vạch áo cho ai xem lưng”; rằng “nếu bài báo viết sai, Tổng Biên tập xin chịu kỷ luật; nếu bài báo viết đúng, đề nghị Tỉnh tiếp thu phê bình trên báo”… Không khí đối thoại khá căng thẳng, nhưng Tổng Biên tập với đầy đủ các tài liệu trong tay, điềm tĩnh, vững tin ở công việc mình đã làm. Và sau đó bài báo tiếp tục được công bố các kỳ tiếp theo, bao gồm cả những bài phản hồi đồng tình, ủng hộ của dư luận. Nhân dịp kỷ niệm Ngày báo chí Việt Nam 21/6 năm đó, phóng sự Rác gây ô nhiễm bãi tắm được trao Giải A, Giải báo chí của tỉnh.
Hai là, Tổng Biên tập phải làm tốt công việc biên tập, duyệt bài. Khi làm công việc biên tập, cần luôn luôn tôn trọng phong cách của người viết. Một Tổng Biên tập giỏi, cần hết sức tránh việc biên tập quá nhiều, càng không nên biên tập thô bạo vào bài viết của phóng viên, cộng tác viên, nhất là với các phóng viên giỏi, các cộng tác viên là chuyên gia đầu ngành. Sự Biên tập thô bạo sẽ chẳng còn phong cách riêng, không cẩn thận còn làm sai lệch ý diễn đạt của người viết. Tôn trọng phong cách là tôn trọng nghệ thuật thể hiện của người viết, đó cũng là một tiêu chí cần có của Tổng Biên tập. Cách viết cho nhật báo khác với cách viết cho tạp chí, khác với viết cho tuần báo, đặc san; nghệ thuật viết bút ký, phóng sự khác với viết tiểu phẩm, càng khác với nghệ thuật viết chuyên luận, bình luận, xã luận. Tổng Biên tập mà không có nghề, không giỏi viết báo, làm báo, khó lòng biên tập hay và trúng. Ngày nay, khi xu hướng phát triển ngày càng nhanh phương thức tòa soạn báo hội tụ - đa phương tiện, đòi hỏi lao động Tổng Biên tập càng phải toàn diện, không ngừng học hỏi để tiếp cận và làm chủ cả nghiệp vụ lẫn công nghệ làm báo tiên tiến.
Ba là, trong bối cảnh hiện nay, Tổng Biên tập còn đóng vai như một giám đốc doanh nghiệp – doanh nghiệp đặc thù, tức là phải lo kinh tế báo chí. Dù rằng, Tổng Biên tập đã phân công một Phó Tổng Biên tập phụ trách kinh tế - tài chính cho tờ báo, nhưng dứt khoát Tổng Biên tập không thể là người đứng bên lề, mà phải cùng vào cuộc, quán xuyến, lo toan và đương nhiên phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng.
Báo chí không thể sống mãi với nguồn kinh phí bao cấp từ ngân sách nhà nước, trừ một số ít tờ báo là công cụ chính trị, tư tưởng của Đảng. Báo chí sống dựa vào bao cấp, nếu không cố gắng phấn đấu, nhiều khi tin tức, bài vở cũng bao cấp theo, ít sáng tạo, ít tính chiến đấu, bạn đọc đúng nghĩa của nó sẽ quay lưng, xa dần tờ báo. Để không còn bao cấp, tờ báo phải sống dựa vào nguồn thu quảng cáo, nguồn thu từ số lượng phát hành lớn, nguồn thu từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh khác. Như vậy, hoạt động của một cơ quan báo chí không bao cấp cũng gần như hoạt động của một doanh nghiệp – doanh nghiệp đặc thù, phải có nguồn thu lớn từ lãi ròng để bù đắp chi phí hoạt động xuất bản. Điều này đòi hỏi Tổng Biên tập đóng vai như một Tổng Giám đốc doanh nghiệp đặc thù, mà đặc trưng cơ bản của nó là không xa rời nhiệm vụ tư tưởng - văn hóa; sản phẩm của nó món ăn tinh thần không thể thiếu của công chúng báo chí, của nhân dân.
Đủ thấy, nhiệm vụ nặng nề, trọng trách lớn lao, vai trò hết sức quan trọng của Tổng Biên tập. Đủ thấy lao động của Tổng Biên tập nặng nhọc, vất vả đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới đến mức nào.
Thay lời kết & kiến nghị
Tổng Biên tập, họ là ai? Họ là những người hội đủ hai yếu tố phẩm chất và năng lực, và lẽ đương nhiên là phải có nghề. Nhân nói về lao động Tổng Biên tập, về vai trò, vị trí, trọng trách của Tổng Biên tập báo chí, xin bàn thêm một khía cạnh không thể coi nhẹ, đó là ph ẩm chất chính trị, đạo đức, nhân cách của Tổng Biên tập. Sản phẩm báo chí có quyền lực không nhỏ về thông tin, công luận – dẫn dắt dư luận xã hội, dù là báo in, báo nói, báo hình hay báo điện tử; hoặc có một vài loại hình, hoặc có đủ cả 4 loại hình báo chí - trong một tòa soạn hội tụ, đa phương tiện. Một bài báo có thể thúc đẩy sự thăng hoa, phát triển của một cá nhân hay một tập thể, một tổ chức, doanh nghiệp. Một bài báo cũng có thể tác động tiêu cực làm khuynh gia bại sản, làm sụp đổ thanh danh một con người, tan nát hạnh phúc một gia đình, hay làm tổn hại uy tín một tập thể, đơn vị, doanh nghiệp, hệ lụy (nếu có) khó có thể lấy gì để bù đắp.
Nói vậy để thấy trong một đơn vị báo chí, Tổng Biên tập là xương sống, là linh hồn, trụ cột của đơn v ị báo chí đó. Nếu phẩm cách Tổng Biên tập có vấn đề, hậu quả tai hại đem đến cho xã hội thật khôn lường. Tổng Biên tập (và các cán bộ dưới quyền) đòi hỏi sự trung thực, xây dựng, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Nhà báo nói chung, Tổng Biên tập nói riêng càng không được lợi dụng nghề nghiệp để vòi vĩnh, trục lợi, vụ lợi. Tổng Biên tập càng phải gương mẫu, nêu tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp để phóng viên noi theo, không sa vào cạm bẫy của “nhóm lợi ích”, “chống lưng” cho những kẻ xấu làm ăn bất chính. Tổng Biên tập lao động không mệt mỏi, trực nội dung các trang báo cho đến tận cùng. Lao động của Tổng Biên tập đòi h ỏi sự không ngơi nghỉ đêm ngày, minh bạch, trong sáng, không để mình hay tờ báo do mình đứng đầu - tập thể dưới quyền bẻ cong ngòi bút, vì tiền, vì những thứ bổng lộc không trong sạch.
Bàn về trách nhiệm Tổng Biên tập cơ quan báo chí, xin đề xuất mấy kiến nghị. Trên thực tế, quan sát hoạt động báo chí đất nước ta nhiều năm qua, thẳng thắn mà nói chưa thấy sự quan tâm đúng mức việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề Tổng Biên tập. Số đông các Tổng Biên tập báo chí ở nước ta là tự học, tự rèn luyện - tự trui rèn từ thực tế công việc. Đã đến lúc, các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí, các trung tâm đào t ạo báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam cùng phối hợp tham gia công tác quy hoạch, đào t ạo, bồi dưỡng nghiệp vụ làm nghề Tổng Biên tập. Đã là một nghề (nghề Tổng Biên tập) như các nhà báo bậc tiền bối - lão thành từng khẳng định, cần được đối xử như một nghề vậy. Việc tuyển chọn, bổ nhiệm Tổng Biên tập, trong thực tế một số cơ quan chủ quản báo chí chưa coi trọng yếu tố nghề, do vậy một số cán bộ chưa phải là nhà báo vẫn được cất nhắc, bổ nhiệm làm Tổng Biên tập. Thực trạng này nên sớm được xem xét, rút kinh nghiệm. Các Tổng Biên tập, sau khi được bổ nhiệm, càng phải yêu nghề, không ngừng học hỏi, tự học, tự rèn cả phẩm chất và năng lực, đặng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trọng trách được giao phó
* Bài viết cho sách “Tổng Biên tập: Chuyện người trong cuộc” (NXB Trẻ, 2019)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|