Thời cuộc LẠY ÔNG TÔI Ở BỤI NÀY!

LẠY ÔNG TÔI Ở BỤI NÀY!

- Chuyện xưa: Lạy ông tôi ở bụi này là câu thành ngữ quen thuộc đã truyền tụng lâu đời. Câu thành ngữ bắt nguồn từ một truyện dân gian thú vị. Gốc gác thành ngữ này có các dị bản khác nhau nhưng chuyện sau đây được nhắc đến nhiều nhất, rằng xưa có tên trộm khi tuổi về già muốn tìm đệ tử để truyền nghề. Có anh chàng ngu ngơ gần đó hay tin mang mâm xôi gà đến dâng thầy xin học. Hai thầy trò bàn nhau vào một đêm tối mò vô nhà nọ ăn trộm vải đem bán kiếm tiền tiêu xài.

Untitled-1

Muốn cho đệ tử luyện tập nên gã trộm chỉ nép ngoài tư vấn còn mặc cho trò hành sự. Anh chàng khờ loay hoay thế nào đó bị chủ nhà phát hiện, túm lấy búi tóc toan giải lên quan. Chàng khờ sợ quá la toáng lên:

- Cứu con với, nó túm tóc con rồi.

Gã trộm nghe vậy hét từ ngoài vào:

- Đừng lo, bị túm mũi mới sợ, bị túm tóc lấy kéo cắt phứt đi là xong.

Chủ nhà nghe vậy đành buông tóc ra túm mũi anh khờ. Nhân lúc đó anh khờ bỏ chạy. Thế nhưng do bản tính khờ nên trong lúc bị rượt đuổi chàng quýnh quá chạy luôn vào bụi tre. Gia chủ thấy bụi tre với một đống gai như thế, tên trộm không dại gì vào đó ẩn, bèn đi tìm chỗ khác. Chàng khờ nhờ vậy mà thoát thân, nhưng lại bị dính vào đống gai chẳng thế nào chui ra được, đành nằm im chờ tới sáng.

Hôm sau, anh chàng mở mắt đúng lúc thầy của mình đi qua liền hét lên:

- Lạy thầy con ở bụi này!

Tên trộm đến gần, thấy đệ tử mắc vào đống gai không biết phải cứu làm sao lòng tự nhủ lòng: “Hôm qua vì nó quýnh quá nên chui được vào đây, vậy nay cho nó quýnh thêm lần nữa mới chui ra được”. Thế là tên trộm la làng:

- Bớ làng nước ơi có trộm.

Dân làng nghe được bèn đổ xô tới bụi tre gai. Quả nhiên chàng khờ sợ xanh mặt, bất chấp gai đâm chi chít, nhào ra khỏi bụi gai mà chạy trốn. Nhiều người do không rõ sự tình, thấy anh khờ kêu cứu rồi lại thấy lão trộm già hô người đến bắt nên mới dùng câu nói: “Lạy ông tôi ở bụi này” để nêu việc xấu xa của ai đó muốn che dấu, rốt cuộc vẫn lòi ra.

Chuyện nay: Chuyện thời nay mà lúc trà dư tửu hậu, quán xá thiên hạ đàm tiếu; rằng có một vị quan đầu huyện nọ tiền bạc bao la bát ngát. Cấp trên chỉ lệnh hằng năm phải kê khai, báo cáo nguồn của cải tăng giảm ra sao, có sao khai vậy, trung thực, không được che đậy. Cuối bản kê khai có câu cam kết như đinh đóng cột: “Xin cam đoan bản khai tài sản như trên là trung thực, nếu gian dối xin chịu kỷ luật, xử lý theo pháp luật!”.

Thời đại truyền thông số, công nghệ 4.0 phát triển vũ bão. Trò lừa đảo nhan nhản trên không gian mạng. Một ngày nọ, vị quan huyện bỗng nhận cú điện thoại lạ của nhóm lừa đảo sử dụng công nghệ cao tự xưng là cơ quan bảo vệ pháp luật, rằng cần mở tài khoản để chuyển tiền. Sau đó, nhóm này xâm nhập vào tài khoản chiếm đoạt khoản tiền lớn tương đương mấy chục căn biệt thự xịn sò bị bọn lừa đảo thó luôn.

Tiếc của, vị quan huyện nọ cậy nhờ cơ quan bảo vệ pháp luật chính hiệu ra tay, hy vọng thu hồi được vốn lớn. Chuyện mấy lâu nay ém nhẹm, tài sản không kê khai bung bét, mạng xã hội và báo chí lề phải lên tiếng. Tội của vị quan là không trung thực trong kê khai tài sản và thu nhập theo quy định; lại còn thêm tội quanh co đối phó che giấu nguồn gốc tài sản khủng chưa kê khai.

Thiên hạ bôi nhọ nồi vào mặt, cháy nhà ra mặt chuột - lạy ông (lạy bà, lạy thầy, lạy con) tôi ở bụi này! Chuyện vẫn chưa hạ màn, hồi một là cách chức, hết đi xe biển số xanh, đuổi gà thả vườn cho trẻ. Hồi hai đang chờ…

Một quan huyện ém nhẹm tài sản, quanh co đối phó khi lộ bài. Tại sao quan lại im ỉm che dấu tiền khủng để phải chui vào bụi tre gai, y chang tên trộm vải. Cơ chế thị trường, thời buổi còn có những vị quan chưa thanh liêm kiểu như vị quan đầu huyện nọ, có còn là câu chuyện hi hữu cá biệt?

Chuyện xưa tên trộm chui bụi tre gai và chuyện nay quan che dấu tài sản, gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho bao người ?...

QUỐC TOÀN

 

 

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment