Thời cuộc Lưu lại hay về quê ?

Lưu lại hay về quê ?

(PQT- 20.9.2019) Chuyện trong nhà của vợ chồng người bạn xứ Nghệ cùng quê, vợ của bạn tôi nói, nên “đậy” nó lại, tiếng Nghệ nghĩa là che lại, giấu đi, không khoe ra ngoài. Còn tôi thì cho là chuyện này nên “phô” ra, có ai đọc hiểu ra sao thì tùy, không nhằm ám chỉ ai, nhưng lan tỏa nó cũng có ích cho xã hội, cho những ai cứ như “Trên trời rơi xuống”, “Người từ hành tinh khác” mau tỉnh ngộ.

sp_mam_non

Sinh viên lớp 44M, Trung cấp Mầm non M, Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa -Vũng Tàu trong giờ học múa. Ảnh: TUYẾT MAI (Ảnh mang tính chất minh họa)

Chuyện của bạn tôi, đại loại như sau:

Chúng tôi đánh Đông dẹp Bắc, cuối cùng định cư và lập nghiệp một địa phương phía Nam. Bạn tôi cần mẫn, lo toan, tốt bụng, dám nghĩ dám làm, trưởng thành từ thấp lên cao, tuổi tứ tuần đã trở thành cán bộ đứng đầu ngành một tỉnh lớn. Ông bạn có cô cháu gái tên Trần, chăm ngoan, hiền thục, học giỏi, xinh đẹp, tốt nghiệp khoa Sư phạm một trường đại học ở Bắc miền Trung loại giỏi. Ngoại ngữ tiếng Anh, chứng chỉ C - nói lưu loát, dịch thuật chuẩn, thuộc loại học thiệt, làm thiệt - thóc tươi, tiền thật. Chị gái của bạn tôi dặn bạn: “Cậu giúp cho cháu vô trỏng đi dạy học, ổn định sự nghiệp, kiếm cho cháu tấm chồng, thế là anh chị ơn cậu mợ lắm”.

Sau khi địa phương thông báo có đợt thi công chức sư phạm. Cháu Trần vào Nam bằng xe lửa, có hẳn một tuần ôn tập, chuẩn bị thi theo đề cương gợi mở của ngành. Trước ngày thi, bạn tôi điện thoại cho Phó Chủ tịch thành phố trực thuộc tỉnh, đồng thời là chủ tịch hội đồng thi về việc cô cháu dự thi, nhờ Phó chủ tịch nâng đỡ, xem xét, chiếu cố. Bà vợ bạn tôi dù rất thương cháu đã mắng yêu đức ông chồng, chua chát:

- Ông là dân hưu trí, không ai người ta giúp nữa đâu, đừng gọi mà tốn cước điện thoại.

Bạn tôi thúc thắc ho, giọng mềm oằn chùng xuống:

- Thì phải có niềm tin vào bạn bè, em út chứ bà.

Bà vợ bạn tôi không chịu thua:

- Thì ông cứ ở đó mà chờ, mà tin, cháu tôi giỏi vậy chứ giỏi mười, giỏi trăm cũng là đạn đi...ăn sim (thi trượt). Rồi mà xem.

Bạn tôi im lặng, không nói gì thêm, nhưng bụng dạ vẫn ấm ức bà vợ thiếu lòng tin, nhìn vào đâu cũng đen tối.

Hai tuần sau cuộc vượt Vũ môn, kết quả được công bố công khai trên mạng, cháu Trần trượt...củ chuối. Vậy là xôi hỏng bổng không. Mặt bạn tôi buồn thiu, bởi không hoàn thành nhiệm vụ với bà chị gái ở quê. Bạn tôi đành liên hệ xin cho bé Trần vào làm tạm ở một Trung tâm giáo dục tư thục ở thành phố này, lương hợp đồng mỗi tháng 3 triệu đồng. Đúng 3 tháng sau, địa phương tổ chức thi vét đợt cuối của năm. Bé Trần từ Trung tâm về thưa với cậu:

- Cậu ơi, cháu giảng dạy ở Trung tâm, có 2 đứa cũng đi thi với cháu đợt rồi, đều trượt. Chúng nó rỉ tai: Muốn thi đậu, mỗi suất phải chạy mất 200 triệu đồng.

Ông cậu như trên trời rơi xuống, chưng hửng:

- Mần chi có chuyện đó, cháu nói bậy nha

Cô cháu Trần cự cãi yêu ông cậu, giọng như một người lớn thực thụ và trưởng thành:

- Thiệt đó cậu, nhưng là cháu méc với cậu vậy thôi. Nhà ta không có tiền, nhưng nếu có cũng quyết không chạy đâu cậu, hư hỏng.

Bà vợ bạn tôi ngồi cạnh, tủm tỉm cười:

- Bây giờ ông mới hiểu nha, cứ như sống trên mây trên mưa. Hưu trí không ai người ta giúp đâu, cứ là tiền, tiền, rất nhiều tiền. Cô cháu của mợ rất giỏi, không được đi dạy học thì đi bán cà phê, bán cơm trưa văn phòng, tháng dăm bảy triệu dễ ợt, ngu gì mà chạy với chọt.

Cô cháu gái vui vẻ, rất đồng tình với ý kiến của mợ.

Và kết quả kỳ thi, như đã được báo trước, thi lần hai, dù cho bài làm tốt, môn thực tập đứng lớp xuất sắc, không cháy giáo án, cô cháu Trần vẫn trượt... củ chuối.

Nhận điện thoại của con gái, bà chị bạn tôi cắp nón ra ga ra xe lửa, mua tấm vé tàu ngồi, ghế cứng vào Nam thăm gia đình đứa em, nhân thể bàn chuyện tương lai cho bé Trần. Khi đã hội tụ đông đủ, bàn đi tính lại để trả lời một câu hỏi... mang tính chiến lược: Cho bé Trần lưu lại đất phương Nam hay cho cháu lui về quê hương bản quán? Hội nghị thượng đỉnh phán quyết: Cháu Trần trở lại quê hương vẫn làm nghề dạy học, gần cha mẹ, dù là phận gái vẫn có thể thay cậu phụ giúp thêm chuyện thờ tự ông bà. Quyết định được chính cháu Trần cấp báo cho ông bố đang... canh chùa ở quê, ông vui vẻ duyệt luôn: “Chuyện ni, bố đã nói từ đầu”, ông cười khà khà, chúc con gái trưởng thành, bản lĩnh, chân cứng đá mềm!

Hai tháng sau, cháu Trần điện thoại cho cậu, rằng cháu đã nộp đơn thi tiếp công chức sư phạm ở tỉnh nhà. Nhưng lại vẫn có bọn “Cò”, gợi ý mỗi suất thì sẽ hết 250 triệu đồng, bảo đảm đậu trăm phần trăm, không đậu sẽ hoàn trả lại tiền. Chà, chà!, đúng là chuyện mua bán y chang như ngoài chợ, hết nói. Ý chí của bé Trần báo cáo với cậu: “Quyết không chạy”. Cả nhà, bao gồm cha mẹ của bé nơi quê nhà và cậu mợ xứ trời Nam y chỉ lệnh cũ: Quyết không chạy. Rốt cuộc cả hai lần thi ở quê, bé Trần vượt Vũ môn đều rớt.

Năm học 2019 - 2020, cháu gái tên Trần của bạn tôi, sau khi nhẹ nhàng nộp đơn vào một Trường quốc tế Liên cấp, hai môn thi đạt 18, 5 điểm; ngoại hình sư phạm đạt điểm 9,5 - xếp loại giỏi, coi như đậu toàn phần, sẽ là giáo viên đứng lớp chính thức của trường, không mất một xu cắc nào tiền chạy. Theo hợp đồng đã ký, lương mỗi tháng 8 triệu, sau này tùy theo năng lực đứng lớp và khả năng của nhà trường, chắc chắn sẽ tăng thêm.

Chuyện của bạn tôi, không thêm bớt, không bịa, càng không có ý xúc xiểm, ám chỉ ai, có hơn chục nhân chứng chứng giám. Được bạn tôi đồng ý, xin chép chuyện này ra sách, có ai đọc, hiểu sao thì tùy. Thiển nghĩ cũng khá bổ ích cho công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục nước nhà

Chia sẻ liên kết này...

Add comment