Thời cuộc Văn hóa nơi cửa phật

Văn hóa nơi cửa phật

Người ta vẫn nói, tháng Giêng là tháng ăn chơi - tháng có hàng triệu lượt người trong Nam ngoài Bắc tới cửa Phật, lễ chùa. Dân gian gọi đó là những cuộc hành hương, thưởng ngoạn “cảnh đẹp đất - trời” khi mùa Xuân gõ cửa. Và đó cũng là văn hóa tâm linh của người Việt, đến cửa Phật, lễ chùa làm cho lòng người trở nên thư thái, tâm an tịnh. Thực tế này tồn tại bao đời nay, trở thành một tập quán, một bản sắc văn hóa của hàng triệu người trên dải đất hình chữ S thân yêu.

8

Nghi lễ dâng hoa Đức Phật đại lễ Phật đản 2018 tại chùa Long Sơn (TP. Nha Trang, Khánh Hòa). Ảnh: P.Linh

Rằm tháng Giêng, hàng chục ngàn người đổ về chùa Bà - Bình Dương. 17 trường học trên địa bàn Thủ Dầu Một đã phải cho học sinh nghỉ học, vì tắc đường, đề phòng tai nạn giao thông. Các miếu, chùa trên địa bàn BR-VT người dân cùng du khách nườm nượp đổ về dâng hương, cầu bình an, may mắn. Một trong những điểm tâm linh đông khách nhất tại TP. Vũng Tàu là miếu Hòn Bà; dọc đường Thùy Vân, ngã ba Hoàng Hoa Thám chật cứng ô tô, xe máy, khách tản bộ. Người BR-VT, Bình Dương, TP. HCM thì đổ về chùa Bà ở Châu Đốc, chùa Bà Núi Sam, Tây Ninh v.v… Có thể kể ra hàng vạn điểm hành hương nổi tiếng khắp ba miền.

Điều đáng nói, đáng quan tâm nhất là văn hóa nơi cửa Phật, lễ chùa. Đường đến cửa Phật, lễ chùa thật lắm nẻo. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đây đó văn hóa cửa chùa, lễ Phật đang bị bóp méo, biến tướng, trở nên phản cảm, phản văn hóa, mang màu sắc vụ lợi, mê tín dị đoan, trái với ý Phật và quy định của pháp luật.

Các phương tiện truyền thông và mạng xã hội trích lời một lãnh đạo địa phương ở TP. Nam Định cho rằng, lễ khai ấn đền Trần Kỷ Hợi, đêm 18 rạng ngày 19.2.2019 “trật tự và ngăn nắp hơn”. Nhìn bề nổi, đúng là có chuyện này, nhưng vẫn nguyên vẹn hình ảnh hàng vạn người từ mọi vùng miền dồn đến, vạ vật, thức thâu đêm suốt sáng để được xin ấn, làm méo mó một quan niệm vốn rất đẹp “Tích phúc vô cương”. Xin ấn ngày nay là để được các vua Trần ban tước, thăng quan, tiến chức, tiến tài tiến lộc(!). Hàng trăm người - nếu không muốn nói nhiều hơn giữa đêm trắng vật vờ, tả tơi, mỏi mệt, khát khao một đức tin méo mó là được sờ vào lá ấn sớm nhất, được vãi tiền vào kiệu và cướp lộc trên kiệu ấn… Họ đã ngồi chầu chực giữ chỗ kín trước… các hàng song sắt, từ 3-4 giờ sáng, trước thời điểm phát ấn, rước kiệu ấn…

Lại có chuyện biển người không thể đếm hết chờ chực, chen chúc xô lấn, tràn ra cả hè phố khu vực chùa Phúc Khánh, thủ đô Hà Nội để đưa lễ vật, tiền bạc, tờ sớ “dâng sao giải hạn” cho mình và con cháu tai qua nạn khỏi, mọi sự an lành. Dù cho không có trong Phật pháp, trên đất nước ta, ở hàng trăm ngôi chùa lớn bé, nhiều vị sư trụ trì vẫn tổ chức “dâng sao giải hạn”. Và người ta chen lấn, chực chờ để cầu xin an lành nơi cửa Phật. Số tiền thu được ở nhiều chùa thật khủng, liệu ai dám chắc không có yếu tố trục lợi trong các hoạt động này nơi cửa Phật, thời điểm này?

Việc “dâng sao giải hạn” đã là sự biến tướng lớn, không có trong đạo Phật. Trong tinh thần Phật dạy, tất cả chúng sinh phải tự thay đổi ý thức, hành vi của mình để chuyển nghiệp chứ không “dâng sao giải hạn”. Kể cả cầu an, điều chính yếu vẫn là ở mình, không lệ thuộc vào Đức Phật. Do vậy, như ý kiến của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã đến lúc nhà chùa cần truyền đạt cho người dân hiểu rõ về giáo lí nhà Phật, biết cách tu tập để giúp đời, giúp người, hướng người dân làm việc thiện- dần bỏ đi các ý niệm sai lệch về cúng bái, lệ thuộc “dâng sao giải hạn”, hoặc cúng lễ nhiều tiền của để giải nạn, tập trung làm việc từ thiện, tích phước. Khi phước tăng thì nghiệp xấu giảm, từ đó mà bình an. Cần xua tan quan niệm đến chùa là để cầu xin, mà là cần học hỏi để sửa mình, rèn luyện, tìm được cho mình ý tưởng sống tốt đẹp. Phật có trong mỗi chúng ta, ở những hành vi được sửa đổi từng ngày để chính mình tiến bộ, tốt đẹp hơn chính mình của ngày hôm qua và giúp cộng đồng chung quanh cũng tốt đẹp lên.

Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có các giải pháp khắc phục sự méo mó, biến tướng, sai lạc khi đi lễ chùa. Tâm linh lớn nhất vẫn là tự mình; văn hóa lớn nhất cũng là tự mình. Nhận thức và sự tự giác - trên tầm cao văn hóa của người dân, của cộng đồng, của tăng ni phật tử về văn hóa tâm linh là yếu tố quyết định sự lành mạnh văn hóa nơi cửa Phật, khi đi lễ chùa.

PHẠM QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment