(P.Q.T.15.6.2018)-Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng với 86,86 % đại biểu tán thành. Luật An ninh mạng quy định về An ninh & An toàn (hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội) trên không gian mạng. Điều đó khẳng định sự cần thiết ra đời của Luật An ninh mạng, trong bối cảnh đất nước ta đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới về nhiều mặt; Tình hình chính trị thế giới - tác động trực tiếp đến nước ta - có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường.
Ông Võ Trọng Việt (bìa phải), Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh, cơ quan thẩm tra dự án Luật An ninh mạng cùng các đại biểu tại phiên làm việc của Quốc hội sáng 12/6. Ảnh: Hoàng Phong
Luật An ninh mạng trước lúc được Quốc hội thông qua ngày 12.6.2018 đã có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Có người nhầm lẫn cho rằng, ban hành Luật An ninh mạng là “Hạn chế quyền tự do dân chủ”, “Hạn chế quyền được bày tỏ chính kiến của công dân”, “Đi ngược lại xu thế cuộc cách mạng 4.0”, “Can thiệp vào quyền tự do cá nhân”, “Lọt và lộ bí mật riêng tư của công dân”; rằng Luật An ninh mạng là “gây khó”, “thêm gánh nặng hành chính” cho doanh nghiệp … Những ý kiến này đều đã được luận bàn trong các cuộc hội thảo, tọa đàm. Một số tổ chức hội, đoàn – trong đó có Hội nhà báo Việt Nam được Chính phủ trưng cầu ý kiến cũng đã trình bày quan điểm của mình về An ninh mạng – kể cả những điểm còn băn khoăn trong dự thảo Luật, nửa năm trước đây. Ban soạn thảo đã lắng nghe, tiếp thu chính sửa nhiều lần, cho đến sát ngày khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vẫn tiếp tục được tiếp thu, chỉnh sửa. Bước vào kỳ họp, các đại biểu Quốc hội khóa XIV đã dành thời gian thảo luận, phản biện dưới nhiều góc độ; Một số điểm ghi trong dự thảo Luật được cho là chưa rõ, hiểu cách nào cũng được đã được Ban soạn thảo ghi nhận, biên tập, chỉnh sửa, hoàn thiện bản dự thảo cuối cùng, trước khi các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, góp ý, bổ sung, hoàn thiện và bấm nút biểu quyết.
Các đại biểu Quốc hội nhất trí cao và cho rằng, trong bối cảnh của tình hình hiện nay, khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, mạng Internet thâm nhập sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế - văn hóa -xã hội ở đô thị và nông thôn, miền xuôi và miền ngược, biên giới và hải đảo; khi các thế lực thù địch ra sức lợi dụng mạng xã hội để tiến công, phá hoại cuộc sống an lành của nhân dân, không gian mạng liên tục bị tấn công, không thể không có Luật An ninh mạng. Các cơ quan có trách nhiệm đã thống kê được, năm 2017, cả nước xảy ra 15.000 cuộc tấn công mạng, theo đó có 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 cuộc cài phần mềm độc hại, 4.500 cuộc tấn công thay đổi giao diện. 5 tháng đầu năm 2018, ở nước ta đã xẩy ra 4.035 sự cố tấn công mạng; 637.400 máy tính bị kiểm soát, nằm trong mạng máy tính bị nhiễm độc. Không gian mạng liên tục bi tấn công, việc bảo đảm an ninh - an toàn không gian mạng đã trở thành một yêu cầu bức bách, không thể chậm hơn. Luật An ninh mạng ra đời và vận hành, trong quá trình đó, nếu quy định nào của dự luật chưa phù hợp, Quốc hội sẽ lại xem xét để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống và thực tiễn hoạt động không gian mạng đặt ra. Chính đó là thái độ, cách ứng xử khoa học, bởi sẽ khó có một điều gì hoàn hảo ngay từ đầu, trong bối cảnh “Báo chí công dân” sôi động, thực tiễn luôn vận động không ngừng.
Theo Luật An ninh mạng, Facebook, Google phải di chuyển máy chủ ảo về Việt Nam. Ảnh: news.zing.vn
Nhìn rộng ra thế giới, dù có Luật hay chưa có Luật An ninh mạng, mọi quốc gia đều có các quy định, chế tài quản lý, bảo vệ không gian mạng. Năm 2017, 18 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã có các cuộc làm việc“Xiết lại trật tự”, “Xiết lại kỷ cương” quản lý trên lãnh thổ đối với các nhà mạng hàng đầu: Google, Facebook, Amazon, Apple. Các nhà mạng xã hội về bản chất, họ là những ông chủ kinh doanh từ phương tiện truyền thông cộng đồng đặc thù, đặc biệt. Đã là kinh doanh, với họ lợi nhuận luôn được coi trọng, đặt lên hàng đầu. Do vậy, họ không thể đứng ngoài, thoát li sự quản lí, sự điều chỉnh về luật pháp của các nhà nước sở tại. Cuối năm 2017, trong cuộc tiếp xúc làm việc với lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông Việt Nam, Chủ tịch hãng Facebook – nhà mạng lớn có hàng tỉ người sử dụng, truy cập từng giờ, từng phút đã thừa nhận việc lan truyền các tin tức xấu – độc hại nằm ngoài tầm kiểm soát liên quan đến việc chống phá Việt Nam; Họ cam kết sẽ có các giải pháp khắc phục tình trạng này.
Luật An ninh mạng được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12.6.2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019, có 07 chương, 43 điều quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi tổ chức, hoạt động cấu kết, xúi dục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CH XHCN Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích của người khác… Nghiêm cấm các hoạt động tấn công mạng dưới mọi hình thức; Làm tổn hại an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; Nghiêm cấm hoạt động phá hoại cuộc sống an lành của nhân dân, đi ngược lại quyền lợi của đất nước; Bảo vệ bí mật riêng tư, bảo vệ tự do cá nhân trong khuôn khổ pháp luật. Mọi công dân, những người hoạt động trong không gian mạng, liên quan đến không gian mạng đều bị điều chỉnh của Luật An ninh mạng.
Cần lắm An ninh – An toàn không gian mạng. Nghiêm chỉnh chấp hành Luật An ninh mạng vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm, vừa là quyền lợi của mọi công dân, của cộng đồng và toàn xã hội.
PHẠM QUỐC TOÀN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|