Thời cuộc Ăn ngủ cùng… facebook?

Ăn ngủ cùng… facebook?

(PQT- 23.3.2018) -Không biết có quá lời khi có ai đó đã nhận xét, thời nay, nhiều cậu ấm, cô chiêu gần như “Họ cùng ăn, cùng ngủ với facebook”? Đúng là trong xã hội đương đại, có hiện tượng “nghiện” facebook, không chỉ giới trẻ mà cả lớp tuổi trung niên. Trên tàu xe, quán cà phê, tiệm ăn, phòng trà, cả nơi hội họp nghiêm túc, sau bữa cơm tối ở gia đình không ít người lại dán mắt vào màn hình chiếc điện thoại thông minh, vào mạng xã hội săn tìm tin hót; đăng hình ảnh chia sẻ, bình luận với bạn bè chuyện nhà chuyện cửa, chuyện ga đình, xã hội. Dịp này, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, giới trẻ các trường đại học, cao đẳng, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, trong đó có các cuộc tọa đàm, hội thảo, trò chơi công nghệ thông tin “Ứng xử với Facebook - mạng xã hội”, với những ý kiến đưa ra thật xác đáng. Thế giới ngày nay, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mọi người sống chung với mạng xã hội và rất cần cách ứng xử thích hợp với nó.

Facebook_1

Bằng cách cung cấp những tiện ích để chúng ta liên kết bạn bè đã giúp Facebook trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới chỉ trong vòng 1 thập niên. Dĩ nhiên, nó cũng đã thu thập được lượng thông tin khổng lồ về người dùng. 

Trước hết, đó là phương pháp tiếp cận thông tin. Lê Diệp Kiều Trang, “cô gái vàng” trường chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh một thời, được đào tạo bài bản tại đại học danh tiếng Oxford ở Anh, học viện công nghệ Massachusettes (MIT) ở Mỹ, vừa được bổ nhiệm làm giám đốc Facebook Việt nam, tâm sự với giới trẻ trong một cuộc giao lưu về cách sống chung với Facebook. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển rất nhanh về Internet và mạng xã hội. Năm 2018, có hơn 60 triệu người Việt Nam sử dụng Facebook và các mạng xã hội khác. Lớp trẻ có xu hướng “nghiền” Facebook . Facebook có nhiều tiện ích, làm cho thế giới không còn khoảng cách, xóa nhòa biên giới hành chính, giúp người dùng biết thêm nhiều thông tin, thu lượm thêm tư liệu, kiến thức, chia sẻ cởi mở mọi điều. Facebook là tổ chức mềm đầy quyền lực, nó có thể làm lung lay, khuynh đảo cả một đế chế, làm thay đổi kết quả bầu cử một quốc gia. Xin chớ coi thường mặt trái của Facebook. Mặt trái, mặt tiêu cực, độc hại của mạng xã hội không ít. Như vậy, rốt cuộc “tốt” hay “xấu” vẫn là do chính người sử dụng; vẫn là thái độ ứng xử, bản lĩnh - sự thông minh trong cách sử dụng mạng xã hội của từng người. Kỹ năng sống chung với cộng đồng mạng, tiếp nhận thông tin hữu ích từ mạng xã hội, trong một số trường hợp quyết định thành công hoạt động khởi nghiệp của giới trẻ - điều mà các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh không thể coi nhẹ, bỏ qua.

qqq

Thông tin cá nhân – tài sản riêng cũng là tiền. Ảnh: pcworld

Thực tế đã cảnh báo những biểu hiện vì những động cơ không lành mạnh đã lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng công nghệ để lan truyền thông tin xấu, độc hại, phản văn hóa, thậm chí lồng ghép hình ảnh, cắt dán thông tin để ngụy tạo, xuyên tạc, đả kích lẫn nhau, bịa đặt ác ý, gây nhiễu loạn thông tin. Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có “bồ nhí”. Người trong cuộc đã lên tiếng phản ứng gay gắt, cho rằng đó là sự bịa đặt ác ý, bôi nhọ danh dự, uy tín, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ sự thật. Trước đó, trên mạng xã hội cũng đã không ít lần, kẻ này người khác bịa đặt thông tin, gây nhiễu loạn đã bị cơ quan an ninh đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm khắc. Năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã có các cuộc thảo luận nghiêm túc với Chủ tịch, Tổng giám đốc Facebook đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn thông tin độc hại, chống phá nhà nước Việt Nam trên mạng Facebook.

Sống chung với mạng xã hội, bao gồm cả việc rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ chính mình. Với câu chuyện lùm xùm vừa xảy ra, trong đó Công ty phân tích dữ liệu chính trị Cambridge Analytica, sau scandal rò rỉ thông tin của 50 triệu người sử dụng Facebook. Dữ liệu cá nhân của người sử dụng Facebook được coi là “món hàng” đem ra trao đổi làm cho Facebook lâm vào khủng hoảng lòng tin và khủng hoảng an toàn mạng. Từ Mỹ, ông chủ Facebook đã phải lên tiếng thừa nhận sự yếu kém của chính mình đã không kiểm tra, không giám sát được hoạt động của Facebook, hứa tìm giải pháp khắc phục lỗ hổng chết người. Sự kiện này đã là sự cảnh tỉnh, nhắc nhở sự cẩn trọng cần thiết của người “chơi” mạng xã hội - không để cho những thông tin và hình ảnh cá nhân của mình và người thân bị lợi dụng, thậm chí gây ra bao hệ lụy, phiền toái. Người chơi Facebook, khi nhập cuộc bao giờ cũng bị yêu cầu khai báo thông tin cá nhân, như họ và tên, nghề nghiệp, ngày tháng năm sinh, đến từ đâu… Và thế là các nhà mạng mặc nhiên quản lý trong hồ sơ một bản lý lịch trích ngang của người chơi. Chưa kể các thanh công cụ nhà mạng còn có các nội dung lai dắt, tương tác, bình luận, chia sẻ, bày tỏ thái độ về một vấn đề, sự kiện nào đó. Chính bằng cách này, các nhà mạng hoặc có chủ đích, hoặc chính họ cũng bị lợi dụng. Không thể kiểm soát các thông tin của mình, người dùng mạng trở thành “vật tế thần”. Các chuyên gia mạng xã hội, chuyên gia công nghệ đã đưa ra nhiều chỉ dẫn về kỹ năng công nghệ, người sử dụng Facebook không bị lợi dụng. Lời cảnh báo từ các chuyên gia đã đưa ra: Chơi Facebook là cần nhưng “chơi” đến mức cùng ăn cùng ngủ với nó - quá nghiền Facebook là điều rất không nên(!).

Facebook_2

Giới hạn lượng thông tin cá nhân mà bạn cung cấp trên mạng xã hội, cố gắng hạn chế công khai các thông tin có tính liên kết, xâu chuỗi với nhau. 

Mạng xã hội, cũng như các hoạt động truyền thông - công nghệ cao bao giờ cũng có hai mặt tích cực, tiêu cực; tốt và xấu… đòi hỏi người “sống chung” phải có thái độ tiếp cận và hành xử đúng mực, khoa học, làm chủ kỹ năng sử dụng. Làm chủ công nghệ, làm chủ bản thân trong mọi cuộc chơi là một thử thách nghiệt ngã, đòi hỏi tri thức và bản lĩnh chính trị, bản lĩnh xã hội - kỹ năng sống.

PHẠM QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment