Tiếp tục công việc của “Năm văn hóa giao thông”, năm mới 2018, Thủ đô Hà Nội đang triển khai quyết liệt chung quanh việc lập lại trật tự đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Điều đáng lưu ý liên quan đến vỉa hè trên các tuyến phố ở thủ đô, qua phóng sự truyền hình vừa phát trên sóng truyền hình quốc gia: Vỉa hè đang bị chiếm dụng làm bãi trông giữ xe ô tô. Mỗi ngày ở nội ô Hà Nội có ít nhất thêm 200 xe ô tô, 300 xe gắn máy được đăng ký mới, trong khi nhà giữ xe, bãi trông xe không có, tất nhiên người ta phải cho xe lên vỉa hè. Có cầu ắt có cung, một số chủ tịch phường đành tặc lưỡi ngấm ngầm bật đèn xanh “bán vỉa hè” kiếm thêm thu nhập từ tiền các bãi giữ xe.
Lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, đỗ xe sai quy định trên phố Lý Thường Kiệt (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội)- Ảnh: tuoitre.vn
TP. HCM, trung tâm đô thị lớn nhất nước cũng đang đối mặt với nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Số lượng ô tô đăng ký mới hằng ngày còn nhiều hơn ở Hà Nội. Chỉ riêng xe công nghệ Uber, Grab năm 2017 đã gia tăng cả vạn xe, càng làm gia tăng nạn ùn tắc, kẹt xe. Có ra quân có khá hơn, lòng đường vỉa hè thông thoáng hơn, nhưng lực lượng “dẹp” vỉa hè vừa rời đi thì đâu lại vào đấy. Lòng đường tràn ô tô, vỉa hè trở thành địa điểm buôn bán, người đi bộ chỉ còn cách… chào thua. Ông Đoàn Ngọc Hải, người phụ trách quản lý trật tự đô thị quận 1 cho biết: Trên địa bàn quận 1 có 48 bãi giữ xe do các phòng, ban, đoàn thể trong quận đứng tên. Vậy thì làm sao dẹp? Tiền thu mỗi tháng, mỗi năm từ các bãi xe này là bao nhiêu, ai hưởng lợi?
Tại Hội nghị Tổng kết công tác trật tự an toàn giao thông năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018 trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, ngày 10.1.2018, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, vỉa hè như đất vàng, sơ hở là bị chiếm ngay. Ảnh: Tá Lâm
Ngày 10.1, tại hội nghị tổng kết trật tự an toàn giao thông năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Vỉa hè là đất vàng, sơ hở là chiếm, người tại chỗ, người nơi khác, thậm chí người tỉnh khác về chiếm. Cứ đổ đồng cho thuê 5 triệu đồng/mét vuông vỉa hè - có kiểm soát thì thành phố sẽ có nguồn thu thêm rất lớn. Năm 2018, TP. Hồ Chí Minh sẽ sắp xếp cho phép sử dụng một phần vỉa hè theo tinh thần tính toán kỹ, cam kết đầy đủ, giám sát chặt chẽ. Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: “Cơ quan nhà nước chỉ cần giám sát người sử dụng vỉa hè sẽ khả thi hơn là phải giám sát cả lực lượng đông đảo bao vây vỉa hè khi mà chúng ta không thể xuống đường kiểm tra mỗi ngày được”.
Bãi xe trên đường Công xã Paris ngay cạnh UBND quận 1 của Văn phòng UBND quận 1 nay đã bị dẹp. Ảnh: Tùng Tin
Thành phố Vũng Tàu là đô thị trẻ, lưu lượng người và xe tham gia giao thông ít hơn nhiều đô thị khác, càng không thể so sánh với Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, quan sát kỹ tình hình giao thông và số lượng xe gắn máy, xe ô tô đăng ký trong hai năm gần đây đều tăng đột biến. Vào các ngày nghỉ lễ tết; giờ cao điểm, lúc tan sở, tan trường, một số tuyến đường trong nội ô TP. Vũng Tàu đã xuất hiện nạn ùn ứ giao thông, tắc đường cục bộ. Không ít tuyến phố, xe gắn máy, xe ô tô cũng đã tràn lên vỉa hè, tràn xuống lòng lề đường. Trước nhiều tiệm cà phê, tiệm ăn uống, điểm sửa xe… vỉa hè bị chiếm dụng công khai. Bài học “được” và “thua” liên quan nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe, làm nơi kinh doanh buôn bán ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh rất đáng suy ngẫm cho công tác quản lý đô thị của TP. Vũng Tàu năm 2018 và các năm tiếp sau.
Ông Đoàn Ngọc Hải cảm thấy như mình bị bất lực khi nạn lấn chiếm vỉa hè ở TP. Hồ Chí Minh tái diễn. Ảnh: vovgiaothong.vn
Đầu năm mới 2018, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, ông Đoàn Ngọc Hải, 49 tuổi đã viết đơn từ quan - từ chức. Ông Đoàn Ngọc Hải xin thôi chức Phó Chủ tịch UBND quận, thôi đại biểu Hội đồng nhân dân, thôi Ủy viên Thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ quận. Nghĩa là ông Đoàn Ngọc Hải xin thôi đảm đương mọi chức vụ trong Đảng và chính quyền. Lý do ông Đoàn Ngọc Hải đưa ra để xin từ quan là: “Không thực hiện được lời hứa trước nhân dân là giải quyết dứt điểm tình trạng trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn quận”. Ngày 20.2.2017, ông Đoàn Ngọc Hải nói: “Từ đây đến cuối năm không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi để nổi tiếng”. Đơn từ chức của ông Phó Chủ tịch Quận 1 đang được các cấp có thẩm quyền của TP. Hồ Chí Minh xem xét quyết định.
TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Sự kiện ông Đoàn Ngọc Hải từ chức nói lên rất nhiều điều chung quanh việc lập lại trật tự kỷ cương quản lí đô thị, trả lại lòng đường, vỉa hè cho người đi bộ, làm đẹp cảnh quan đô thị văn minh hiện đại. Thông điệp mà ông Đoàn Ngọc Hải đưa ra: Đã rất cố gắng, làm hết mình vì nhiệm vụ nhưng lực bất tòng tâm. Ông Đoàn Ngọc Hải có được từ quan hay không, đó là việc của công tác cán bộ. Có một điều rất đáng quan tâm mà các chuyên gia kinh tế, chuyên gia quản lý trật tự đô thị và người dân đã và đang bàn tới: “Có một nền kinh tế vỉa hè ở nước ta?”. Định nghĩa về vỉa hè khác hẳn với định nghĩa trong đại từ điển tiếng Việt, vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ. Vỉa hè ở các đô thị Việt Nam, từ nhiều năm nay đã trở thành nguôn thu lớn - như các chuyên gia đã chỉ ra là nguồn thu lên hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm cho “nhóm lợi ích” có quyền lực. Đụng tới vỉa hè là đụng đến quyền lợi - túi tiền, đụng đến rất nhiều tiền của “nhóm lợi ích” quyền lực đó. Rất dễ hiểu, khi người ta thấy ông Đoàn Ngọc Hải cùng lực lượng chức năng đi dẹp vỉa hè, ông ấy bị phản ứng ngầm quyết liệt, tính mạng của ông và vợ con bị đe dọa, khủng bố; Ông Đoàn Ngọc Hải cảm thấy như mình bị bất lực khi thực thi công vụ - một công vụ đàng hoàng, rất hợp lòng dân. Phải chăng, phương án sắp xếp, cho sử dụng một phần vỉa hè mà TP. Hồ Chí Minh dự định triển khai trong năm 2018, là bài toán cho “nền kinh tế vỉa hè” và sẽ là cuộc “giải cứu vỉa hè” khả thi(!).
Đường phố TP. Vũng Tàu. Ảnh: Đức Hợp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phương châm 10 chữ của Chính phủ và chính quyền các cấp trong năm 2018: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Kỷ cương, phép nước được đưa lên hàng đầu. Trong chương trình công tác năm 2018, nhiệm vụ lập lại trật tự quản lý đô thị, dành lại vỉa hè cho người đi bộ, được chính phủ và các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm. Thiết nghĩ, điểm mấu chốt trong việc giải phóng lòng đường, vỉa hè, cần lý giải cho ra “Nền kinh tế vỉa hè”, triệt tiêu “Nhóm lợi ích” vỉa hè, để từ đó mà có giải pháp hành động kiên quyết, đồng bộ, hiệu quả. Chỉ hô to về khẩu hiệu mà không bắt mạch trúng bệnh, sẽ không có toa thuốc hữu hiệu trị bệnh cứu người.
PHẠM QUỐC TOÀN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|