Thời cuộc Thiên tai & nhân tai

Thiên tai & nhân tai

Năm 2017, cả nước gồng mình hứng chịu và ứng phó với thiên tai đặc biệt khắc nghiệt. Đầu năm, Nam bộ, Nam Trung bộ đón nhận một mùa khô bất thường. Đỉnh điểm là ngày 1.4, cơn mưa trắng trời, kéo dài nhiều giờ, TP. HCM, Biên Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ… đường phố biến thành sông, có nơi ngập hơn 1 mét nước, đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân.

31-12_1

Cơn mưa trái mùa ở TP.HCM vào chiều 1/4/2017  gây ngập nặng nhiều khu vực ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: sggp.org.vn

Thủ đô Hà Nội, vùng Đông Bắc, qua Tây Bắc, kéo dài vào đến Phú Yên hứng chịu 15 đợt đợt nắng nóng lịch sử. Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, với cái nắng oi nồng của vùng gió Tây cháy bỏng, nhiều nơi nhiệt độ ngoài trời trong bóng râm đạt đỉnh 42, 43 độ C, nhiều người say nắng, phải cấp cứu. Chiếc áo tơi xứ Nghệ được dịp phô trương về tính ưu việt chống nắng nóng. Ngày 3 và 4.6.2017, 30 trạm khí tượng phía Bắc đồng loạt đo được mức nhiệt 40 độ C, nắng nóng đặc biệt gay gắt.

31-12_8

Nhiệt độ ngoài trời tại Hà Nội vào ngày 5.6.2017 có nơi lên tới gần 60 độ C. Ảnh: vietnamnet

Năm 2017, nước ta còn hứng chịu mưa bão dồn dập, lũ chồng lên lũ, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất hiếm có. Từ tháng 6 đến tháng 10 có 13 đợt lũ, đỉnh lũ các sông, hồ đập báo động cấp 2-3. Trận lũ quét ở Mường La (Sơn La) ngày 3.8 làm 15 người chết; lũ lớn dịch chuyển khoảng 1 triệu m3 đất đá đi nơi khác, ước tính phải cần 5 triệu m3 nước mới dịch chuyển được ngần ấy đất đá. Cùng ngày, lũ quét xóa sổ gần như toàn bộ cụm dân cư Mù Căng Chải (Yên bái), 8 người chết, 6 người mất tích. Từ ngày 9 đến 12.10.2017, mưa lũ tại khu vực Trảm Tẩu, Yên Bái làm 9 người chết. Tại Phù Yên và Vân Hồ (Sơn La và Nghĩa Lộ, lũ cuốn trôi nhiều người. Thủy điện Hòa Bình, trưa 6.10.2017, nước đổ về đạt vận tốc 16.000 m3/s, buộc phải mở 8/12 cửa xả đáy, lịch sử chưa tầng có, làm ngập lụt nhiều vùng hạ du.

31-12_4

Lũ ống, lũ quét ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Nam Trung bộ, từ tháng 6 đến tháng 12 chịu 8 đợt lũ lớn kỷ lục, đỉnh lũ thường ở mức báo động 2-3, nước sông Hương dâng cao làm ngập TP. Huế. Năm 2017 có 16 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới nhiều nhất trong vòng 5 năm nay. Cơn bão 12 ( Damrey) càn quét 2 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, gần 100 người chết, mất tích. Lũ lớn, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam ngập sâu cả mét nước, đúng thời điểm diễn ta tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng 2017. Hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng xắn cao quần lội bùn, lội nước kiểm tra việc khắc phục hậu quả lũ lụt tại các khu phố cổ Hội An, chuẩn bị đón các nguyên thủ quốc gia, đón các phu nhân, phu quân tham quan phố Hội, cho đến nay vẫn in đậm trong ký ức nhiều người.

31-12_5

Cây cầu Nậm Păm ở Mường La - Sơn La bị trận mưa lũ đầu tháng 8.2017 làm hỏng 2 bên đầu cầu.Ảnh: Báo Công thương

Cuối tháng 12.2017, cơn bão số 16 (Tembin) sau khi vào biển Đông đã hướng thẳng vào Nam bộ. Thời điểm này các địa phương từ Nam Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau, huy động tổng lực các lực lượng gồng mình chuẩn bị ứng phó với cơn bão mạnh dị thường này. Rất may, khi bão đã gần bờ thì suy yếu và hơi chệch xuống phía Nam, giảm thiểu thiệt hại cho vùng đất Nam bộ. Bão chưa vào, nhưng bầu không khí khẩn trương chuẩn bị đón bão 16, ứng phó với bão Tembin; hàng vạn người dân gồng gánh hành trang sơ tán, với sự trợ giúp của chính quyền, các chiến sĩ công an, quân đội cho thấy “chống bão như chống giặc ngoại xâm” - một cuộc tổng diễn tập phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu thật khẩn trương.

31-12_6

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng chống bão số 16 (Tembin) tại Cà Mau. Ảnh: anninhthudo

Thiên tai dồn dập do tác động của biến đổi khí hậu, nhưng không thể không nói đến yếu tố “nhân tai” - con người góp phần tàn phá môi trường, tàn phá rừng đại ngàn, rừng phòng hộ. Nước lũ tràn về, không còn vật cản, cứ thế mà càn quét khủng khiếp, sạt lở đất đá, tàn phá các khu dân cư, bản làng. Hậu quả của “nhân tai” nhãn tiền, hiện hữu không thể chối cãi. Năm 2017, thiên tai làm 325 người chết, 61 người mất tích, 600 người bị thương; 8.000 ngôi nhà bị đổ sập, 350.000 ngôi nhà khác hư hỏng, tàn phá hàng chục ngàn ha lúa, màu, cây trái, hàng trăm tấn thủy hải sản nuôi trồng bỗng chốc trôi ra sông ra biển; hư hại hàng ngàn tàu thuyền đánh bắt hải sản, vùi lấp hàng trăm km đường sắt, đường bộ, đê biển, sạt lở nhiều hồ đập thủy lợi, thủy điện… gây thiệt hại hơn 60.000 tỉ đồng, tương đương 26 tỉ USD.

S_ch_c_xut_khu__ca_Cng_ty_CP_Ch_bin_v_xut_nhp_khu_thy_sn_BR-VT_Baseafood_nh_THNH_HUY

Sơ chế cá xuất khẩu  của Công ty CP Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood). Ảnh: Thành Huy

Trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt, năm 2017, đất nước ta tiếp tục đứng vững phát triển. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2008 - được coi là cú hat-trick ngoạn mục. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 400 tỉ USD; giá trị xuất khẩu nông, lâm, hải sản đạt tỷ 36 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay; Du khách quốc tế đổ vào việt Nam cán mốc kỷ lục 13 triệu lượt du khách, mức tăng chưa từng có. Thành công rực rỡ của năm APEC mà đỉnh điểm là tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng, đưa vị thế Việt Nam lên tầm cao mới.

Du_khch_quc_t_tham_quan_Bch_Dinh_nh_M_LNG

Du khách quốc tế tham quan Bạch Dinh - Vũng Tàu. Ảnh: Mỹ Lương

Năm 2018, dự báo thời tiết, khí hậu ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều bất thường. Cần hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của “Nhân tai”. Bài học phòng chống thiên tai năm 2017, cùng với đà phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, công tác phòng chống thiên tai năm 2018 còn quyết liệt nhưng chắc chắn sẽ phải tốt hơn, hạn chế thấp nhất mọi thiệt hại có thể xảy ra.

DSC_0625b_copy

Cụm mỏ Bạch Hổ. Ảnh: baobariavungtau


 

QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment