(PQT- 20.9.2019) Nhà văn, nhà báo Trần Công Tấn có nhiều năm làm việc trong ngành cao su, kể lại chuyện một trợ lý là phó văn phòng công ty cao su nọ chuyên nịnh bợ cấp trên, đến mức thành giai thoại “bố láo - bố lếu!”.
Hà Giang họp báo ngày 17/7/2018 về hiện tượng điểm thi cao bất thường, kết luận có 330 bài thi được nâng ít nhất từ 1,0 đến 8,75 điểm (Ảnh: Kiên Trung).
Chuyện rằng, trong chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đã xuất hiện nhiều chiến sĩ quân đội nhân dân dũng cảm, anh hùng, những tấm gương sáng rất đáng được học tập, noi theo. Trong số đó có anh hùng Bế Văn Đàn, quê tỉnh Cao bằng, trên đường truy kích địch tháo chạy khỏi Mường La về Trung tâm Điện Biên Phủ đã dũng cảm lấy thân mình làm giá súng để đồng đội dùng súng trọng liên khạc lửa vào đầu thù, góp phần chặn đứng đường tháo chạy của chúng, làm nên chiến thắng. Đó là chuyện xưa, lấy thân làm giá súng, trở thành tấm gương dũng cảm, kiên trung, bách chiến bách thắng, đề tài của nhiều bài thơ, bản nhạc rầm rập khí thế đường ra trận, khí thế chiến thắng huy hoàng.
Chuyện ngày nay, cứ vào cuối tuần sếp công ty cao su nọ lại vác súng săn vào rừng săn bắn thú. Bữa nọ, thấy sếp đánh xe đi săn, trợ lý phó văn phòng cũng lếch thếch đánh xe theo sau để “lo” hậu cần chu toàn cho sếp. Nhập nhoạng tối, phía trước có con nai vàng... ngơ ngác - giai thoại văn chương của nhà thơ nổi tiếng Lưu Trọng Lư cùng quê Bình - Trị - Thiên khói lửa với Trần Công Tấn, sếp đang loay hoay tìm chỗ gác súng lên chỗ nào đó có điểm tì để nhả đạn. Lão “nịnh” phó văn phòng nọ, có lẽ cũng là học cách của Bế Văn Đàn xưa, lập tức chạy lên phía trước cúi người lom khom, đưa thân làm giá súng, lấy vai làm bệ tì cho sếp gác súng “đoàng” chú nai vàng... ngơ ngác. Chú nai vàng... ngơ ngác thấy động vù chạy tháo thân. Mất miếng mồi ngon, sếp mắng xối xả lão phó “nịnh”:
- Rách việc, “bố láo - bố lếu”! Mày cút đi cho rảnh!
Trong tác phẩm “Khôn dại - Dại khôn”, nhà xuất bản Công An Nhân Dân 2014, Trần Công Tấn kể lại chuyện lão “nịnh”, với những chi tiết đắt giá, cười chảy nước mắt.
Vài năm gần đây, với hàng chục trạm thu phí mọc lên trên nhiều cung đường ngang dọc. Trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang năm trước nhiều lần xả trạm, do cánh lái xe phản ứng sự vô lý của trạm này. Đến nay, Cai Lậy xả trạm vẫn hoàn xả trạm. Mới đây, tháng 5.2019, lại trạm thu phí T2 trên quốc lộ 91 ở Cần Thơ, một nhánh nối với cầu Vàm Cống vừa khánh thành cũng lại phải liên tục xả trạm, bởi sự phản ứng của cánh lái xe - do sự bất hợp lí của nó. Một cán bộ trạm thu phí bực tức chửi đổng:
- Rách việc, “bố láo - bố lếu”! Đường tốt, cầu đẹp mà tiền thì không chịu đóng, kỳ cục quá xá!
Một bác tài mạn miệt vườn tỉnh An Giang lập tức nổ ngay:
- Này ông, chưa biết ai “bố láo - bố lếu!” đấy nha! Xe người ta chạy dăm ba trăm mét mà bắt phải đóng dăm bảy chục cây số là chuyện làm sao? Ông thử nói coi, để xem ai “bố láo - bố lếu!” nhá!
Rốt cuộc, hạ tuần tháng 5.2019, trạm thu phí T2 đã được lệnh từ Tổng cục đường bộ: “Hãy xả trạm, cho đến khi có lệnh mới”.
Chưa hết, vụ gian lận thi cử kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ở vùng Tây Bắc Việt Nam - khi vụ án gian lận thi cử chuyển qua giai đoạn 2, chị nhà báo điện thoại hỏi thăm một lãnh đạo sở “Trồng người” tận Sơn La. Vị lãnh đạo này nóng mặt choảng luôn nữ nhà báo:
- Tôi không can dự, cha nào dám vu oan giá họa tôi là “bố láo - bố lếu”!
Sau này chóe hoe ra có tới 90 người ở tỉnh này liên quan đến vụ gian lận thi cử. Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La nhận kỷ luật cảnh cáo.
Ở Hà Giang, năm 2018, cơ quan bảo vệ pháp luật đã “lôi” ra ánh sáng danh sách cả trăm người “chạy điểm” liên quan gian lận thi cử…
Thì ra “bố láo - bố lếu” đâu còn hiếm gặp, hiếm thấy. Nhà văn, nhà báo Trần Công Tấn tham gia cách mạng tháng 12 năm 1945, là con nuôi của ông “Hoàng Đỏ” - Hoàng thân Xuphanuvong xứ Triệu Voi. Năm 2019 này ông đã 90 tuổi hơn, vẫn ngày ngày viết đều, viết khỏe, sống mái trên từng trang sách, con chữ. Lãnh đạo phường Hiệp Phú, Quận 9 - nơi ông cư ngụ xếp ông Tấn vào loại cán bộ cựu trào - Lão thành cách mạng, đã có hơn 20 đầu sách đủ các thể loại: Tiểu thuyết, Truyện ngắn, Bút ký, Truyện ký, với hàng chục ngàn trang in...
Khi cuốn sách này lên khuôn, đồng nghiệp điện thoại hỏi nhà văn Trần Công Tấn chuyện “bố láo - bố lếu” xưa và nay. Ông cười sảng khoái:
- “Bố láo - bố lếu” thời tôi ở ngành cao su là vậy! “Bố láo - bố lếu” thời nay - thời có gian lận thi cử cũng là vậy, mà thời của thì tương lai chắc cũng còn khối chuyện, nếu ta ngăn chặn nó không hiệu quả - tiêu cực vẫn vô thiên lủng, bạn ơi!
Chuyện “Bố láo - Bố lếu” trong gian lận thi cử năm học 2018-2019, những ai vi phạm pháp luật, tòa án xét xử quý IV năm 2019; người vi phạm sẽ bị tuyên phạt, tùy theo mức độ nặng nhẹ. Các bậc cha mẹ trong guồng chạy điểm - mua điểm cho con cái - số đông là cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật, ít nhất là trách nhiệm nêu gương, mà Quy định của Đảng và Nhà nước đã ban hành
< Lùi | Tiếp theo > |
---|