Tản mạn CHÙA TRONG LÒNG MÌNH

CHÙA TRONG LÒNG MÌNH

Sau Tết Giáp Thìn, nhóm sinh viên đại học đi trẩy hội Chùa Hương. Tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi học mà chứng kiến cảnh mấy ông, mấy bà thành tâm đội mâm quả, gà luộc, heo quay lạy lục, khấn vái, cầu tài xin lộc. Nữ sinh viên Nguyễn Thanh An lên tiếng:

Anh_bai_3-1

Chùa Hương Tích, xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh

- Mà sao lạ vậy. Tớ học triết học, đọc các trường phái lý luận từ kim chí cổ, Đông - Tây - Nam - Bắc, làm gì có sự vất vả vái lạy cầu xin khi lên chùa như thế?

Nam sinh viên Đặng Hùng Dũng:

- Lười học mà muốn cầu tài xin lộc để thi đâu, điểm cao thì có mà trời sập.

Một cụ bà đi cạnh chăm chú lắng nghe, coi các sinh viên như là các cháu nội, cháu ngoại ở nhà, tủm tìm cười:

- Bà nghe ra thì các con đang đi học. Bà cũng có đứa cháu ngoại đang học đại học năm cuối. Cứ phải học cho giỏi, chăm chỉ, chuyên cần. Đi chùa thì cứ đi, đức tin của tín ngưỡng, nhưng ngôi chùa đẹp nhất, tin cậy nhất chính là từ trong lòng ta…

Đoàn người đi trẩy hội Chùa Hương kèm theo mỗi người một cây gậy trúc cứ nườm nượp rảo bước trên từng bậc đá như vậy. Mỗi người một cách đi chùa, một quan niệm về đức tin. Tôi có mặt trong đoàn Phật tử trẩy hội Chùa Hương hôm đó, đi cạnh các em sinh viên, lại được nghe cụ bà giảng giải, tuy ngắn gọn mà thật thấm thía. Buổi tối hôm đó, khi tôi theo lời bạn rủ rê đã về tỉnh Bắc Giang, bên dòng sông Thương, để hôm sau cùng đi thăm viếng ngôi chùa cổ, chùa gốc Vĩnh Nghiêm và ngược lên Tây Yên Tử linh thiêng. Lật mở điện thoại, vô tình gặp ngay trang Facebook của nhà báo Hoàng Trường Giang.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, Hoàng Trường Giang kể lại câu chuyện cảm động về đội ngũ người thầy thuốc mà sự cống hiến của họ nhiều khi rất thầm lặng. Hoàng Trường Giang viết: “Ngày 27/2, ngày tôn vinh những thầy thuốc, với tôi họ là những tiên bụt giữa đời. Hai ông bà đã ngoài 90 tuổi, họ đang sống gần chùa Hương và tôi vẫn thường đến thăm ông bà. Gần 40 năm trước bà là nữ hộ sinh khoa sản, bệnh viên đa khoa tỉnh Lai Châu. Bà đã cứu một thằng bé viêm phổi nguy kịch trong ngày không phải ca trực, không khoa nào tiếp nhận … thằng bé đó chính là tôi. Ngày ấy bà đã cứu nhiều sinh linh để được làm người. Có đứa bé sinh non 6 tháng bị mẹ bỏ đi, người ta đem vứt, bà nhặt về giấu nuôi trong thùng trấu. Đứa bé ấy nay đã gần 60 tuổi, con cháu đề huề, thành đạt. Nay nhà bà ở gần Chùa Hương, nhưng thi thoảng mới lên chùa. Và lên chùa bà cũng không cầu xin tài, xin lộc, khấn vái gì cả. Bà nói, ngôi chùa lớn nhất là trong LÒNG mình. Cháu mang ơn và rất kính trọng bà, người nữ hộ sinh khoa sản năm xưa miền biên ải đã cứu mạng tôi”…

Đọc trang vá nhân của Hoàng Trường Giang, tôi như sực tỉnh, chợt nghĩ hình như bà cụ hòa vào dòng người đi trẩy hội Chùa Hương đã có mấy lời chia sẻ với nhóm sinh viên và với bà cụ, người nữ hộ sinh khoa sản năm nào ở Lai Châu mà Hoàng Trường Giang đã sẻ chia là một? Một người, hoặc hai người riêng biệt cũng chẳng sao. Ở họ có một quan niệm khi lên chùa là chuẩn, chuẩn không cần chỉnh.

Thật là tuyệt vời, mùa xuân đang về, mùa trẩy hội Chùa và những tấm lòng nhân ái giữa đời thường. Tâm hồn của họ thánh thiện, đẹp như hoa xuân, trong sáng đến vô cùng…

Tháng 3/2024

PHẠM QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment