Bầu trời Hà Nội trong xanh. Gió nhẹ. Hương hoa sữa từ đường Thợ Nhuộm, Hai Bà Trưng, Quang Trung, Nguyễn Du… thoang thoảng bay. Dãy cây cổ thụ trên đường Quán Sứ như cao hơn, to hơn, cành lá như càng xum xuê, xanh thẫm hơn mọi ngày. Đàn chim trời trên những cành cây ken dày lá, từ sáng sớm đã vỗ cánh tung trời… Nhà báo Phan Quang, người con yêu quý của quê hương Quảng Trị “90 tuổi đời & 70 tuổi nghề, như là một phúc phận trời ban vậy!
(P.Q.T – 5.12.2018).Tòa nhà 58. Quán Sứ, Hà Nội, trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), ngày 6 tháng 9 năm 2018 rộn ràng hơn thường lệ. Nhiều lẵng hoa, giỏ hoa đẹp được mang tới từ các shop trung tâm hoa nội thành, ngoại thành: Mừng sinh nhật “Tiếng nói Việt Nam” 73 năm lên sóng quốc gia & mừng “lão tướng” cựu Tổng Giám đốc, cựu Tổng Biên tập, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Phan Quang ra mắt tập sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” (Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia, 2018). Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nguyễn Thế Kỷ có mặt ở cơ quan sớm hơn mọi ngày. Ông nói: “Hôm nay Đài có nhiều khách quý. Ngày mới, nhiều sự kiện, nhiều việc rất vui, tôi đến cơ quan từ 6 giờ sáng”.
Một ngày giữa tuần đầu tháng Tám năm 2018, trời Hà Nội “bảng lảng heo may” – cụm từ mà Phan Quang vẫn dùng. Hà Nội đã vào thu, mùa đẹp nhất xứ Tràng An. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gắn cuộc đời với Huế yêu thương, man mác nhớ mùa thu Hà Nội: Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu. Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, mùa hoa sữa về thơm lừng ngọn gió, mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua…
Ngồi một mình ở phòng làm việc, Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, nhẹ nhàng hát, lưu luyến mà da diết “Nhớ mùa thu Hà Nội”. Rồi chị điện thoại cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng giám đốc, Tổng biên tập VOV Nguyễn Thế Kỷ:
- Anh ơi, mùa thu Hà Nội rất tuyệt, nơi em đang đứng đây “có cây cơm nguội vàng, có cây bàng lá đỏ”. Nếu sáng nay, anh không bận, em đăng ký gặp anh có chút việc, nhưng chỉ liên quan chút xíu mùa thu Hà Nội thôi. Việc chính lại liên quan tới nhà báo, nhà văn, cựu Tổng Giám đốc, cựu Tổng Biên tập Phan Quang của các anh đấy!
Từ phía bên kia, Nguyễn Thế Kỷ trả lời ngay:
- Trời đất, hôm nay Trường Giang “yêu” Trịnh Công Sơn “Nhớ mùa thu Hà Nội” quá ta! Cô giáo đến ngay đi, chiều nay và cả ngày mai tôi đi họp, vắng nhà!
Một mình đánh xe từ “Cây bàng lá đỏ”, Trường Giang phóng tới phố Quán Sứ, con phố nằm ở trung tâm thủ đô, phía xa xa là hàng cây hoa sữa “thơm từng ngọn gió”. Nửa giờ sau, Trường Giang gõ cửa phòng làm việc của nhà thơ, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập VOV:
- Rất cảm ơn anh đã nhận lời tiếp em, dù anh rất bận, sắp đến ngày kỷ niệm 73 năm đài ta lên sóng, có biết bao nhiêu việc đang chờ đợi anh. Về nghĩa tình và cũng là trách nhiệm, em muốn anh tư vấn và quyết đoán cho việc liên quan đến bác Phan Quang... (cười)
Nguyễn Thế Kỷ lấy chai nước lọc rót vào ly thủy tinh mời khách, giọng xứ Nghệ điềm đạm:
- Trường Giang ngâm thơ hay lại mê nhạc Trịnh thật tuyệt. Mà hôm nay Trường Giang có vẻ rất thơ, rất nhạc. Để hôm nào ta giao lưu văn nghệ nhé. Nào, có chuyện gì liên quan bác Phan Quang ta cùng bàn. Ông là bậc tiền bối, người có nhiều công xây dựng Đài.
Cô giáo, nhà báo Trường Giang vào chuyện luôn:
- Thưa anh, tháng Tám này, bác Phan Quang tròn 90 tuổi đời và cũng tròn 70 tuổi nghề. Tuổi cao nhưng sức làm việc của bác ấy vẫn dẻo dai lắm. Nhân dịp này, đồng nghiệp tuyển chọn, tập hợp 99 bài viết về nhà báo, nhà văn Phan Quang in thành tập sách hơn 600 trang. Em nghĩ việc tổ chức ra mắt sách và mừng thượng thọ bác Phan Quang là rất có ý nghĩa trong đời sống báo giới, ta nên làm ở Đài hay ở bên Học viện, một trung tâm đào tạo nghề truyền thông, để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ nhà báo trẻ.
Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập VOV vốn rất sắc sảo, nói ngay:
- Tổ chức ở Đài là phù hợp nhất, bởi đây cũng là dịp Đài kỷ niệm hơn 7 thập niên thành lập. Chúng ta kết hợp luôn, bởi ba lẽ: Một, Phan Quang là cựu Tổng Giám đốc, cựu Tổng Biên tập của Đài vào giai đoạn kế tiếp cây đại thụ báo chí Trần Lâm, người tiền nhiệm khai sinh Đài. Hai, Phan Quang đặt nền móng hiện đại hóa và đổi mới “báo nói” vì sự nghiệp đổi mới đất nước. Ta kết hợp luôn hai sự kiện với nhau sẽ rất có ý nghĩa. Phan Quang là cây đại thụ của báo chí xuyên suốt hai thế kỷ sôi động và đổi mới và là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hai nhiệm kỳ (1989 – 2000), việc giới thiệu tập sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” rất có ý nghĩa và cũng rất xứng tầm. Ba, Đài có đủ điều kiện vật chất, điều kiện nhân lực, bộ máy để vận hành cùng lúc hai sự kiện đó. Nghĩa tình của anh chị em ở Đài dành cho bác Phan Quang nhiều năm nay là sự tin yêu, nể trọng…
Mọi chi tiết cả về tinh thần và vật chất - việc in ấn sách, tổ chức ngày kỷ niệm, ngày ra mắt sách được hai người thống nhất chóng vánh. Nguyễn Trường Giang chào tạm biệt Nguyễn Thế Kỷ mà trong lòng rất vui. Vui vì gặp người tri âm, tri kỷ, có trước có sau đối với thế hệ đàn anh đi trước. Nguyễn Thị Trường Giang đã có nhiều lần gặp gỡ thân tình Nguyễn Thế Kỷ trong công việc, trong những cuộc hội thảo, sinh hoạt thơ ca - văn nghệ, nhưng chưa lần nào hai người gặp nhau trong bối cảnh phải quyết đoán một công việc liên quan đến tiền bạc, chi phí cho một sự kiện mang nhiều ý nghĩa.
Buổi sáng hôm sau, khi nghe lại nội dung cuộc trò chuyện - làm việc của hai Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ và Nguyễn Thị Trường Giang tại tòa nhà phố Quán Sứ, nhà báo, nhà văn Phan Quang rất vui, xúc động. Buổi tối, nhân có việc trao đổi tư liệu cho một bài báo với Triêu Dương, một đồng nghiệp lớp sau đang ở thành phố Hồ Chí Minh, là Tổng biên tập một ấn phẩm của cộng đồng doanh nghiệp có số lượng phát hành khá. Ông tâm sự với Triêu Dương, vẫn theo bản tính lịch lãm, khiêm nhường vốn có nơi ông:
- Tôi đã vào mùa đông cuộc đời, dự định không làm phiền ai điều gì nữa, nhưng rồi vẫn được bạn bè đồng nghiệp yêu quý. 85 tuổi, ra sách : “Phan Quang – bạn và nghề”, do Tạp chí Người Làm Báo chủ xướng. Nay, 90 tuổi tổ chức ở Đài. Đó là phần thưởng vô giá, không gì có thể sánh được, cũng không tiền bạc nào có thể mua được. Đành xin cúi đầu tri ân nhà Đài và tất cả!
Nhà báo, nhà văn Phan Quang chất Quảng Trị khí khái, thẳng băng nhưng lại nho nhã, bình dị, trí tuệ, thâm hậu. Ở ông là cả một pho truyện đồ sộ về đời và nghề; về bao nhiêu sự kiện, câu chuyện cảm động và cả cười chảy nước mắt về đòn bút - ngọn bút! Giảng viên báo chí Nguyễn Thị Trường Giang, người chủ biên, tuyển chọn và giới thiệu « Phan Quang – 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề » coi nhà báo Phan Quang là người thầy lớn, tấm gương sáng đam mê nghề báo, nghiệp văn:
- 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề, Phan Quang đã đến tuổi cần nghỉ ngơi, nhưng bác ấy chẳng bao giờ ngưng nghỉ. Sức làm việc, sự sáng tạo trên từng trang viết của Phan Quang tràn đầy năng lượng tuổi thanh xuân. Dù có ai đó có “đối nhân xử thế” không phải đạo, bác ấy cũng không mấy quan tâm, không một lời phàn nàn. Không ai nghe bác nói nửa lời về điều gì đó không vui. Với Phan Quang, nghĩa tình bao la với đời, với nghề, với người, bạn bè, đồng nghiệp mọi lứa tuổi, sâu nặng với quê hương, gia đình.
Phan Quang không là Giáo sư, Phó Giáo sư, cũng không là Tiến sĩ, nhưng trí tuệ, sự uyên bác, tầm văn hóa của ông còn gấp bội phần so với không ít Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khác. Tuổi thanh xuân của Phan Quang là chàng trai thông minh, học giỏi xuất sắc trường Tây, nhưng chàng thanh niên sinh ra và lớn lên bên bến sông Nhùng và dòng Thạch Hãn đã đi theo Cách mạng tháng Tám, nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, xếp bút nghiên lên căn cứ. Hòa bình lập lại, công việc cuốn hút, phóng viên trẻ Phan Quang theo học hai lớp đại học Kinh tế, Đại học Nông nghiệp ban đêm, học vào cuối tuần - thứ bảy và chủ nhật. Phan Quang nói: “Học cốt cho biết, nâng cao tri thức để làm việc”. Ông từng coi học giả Nguyễn Hiển Lê là tấm gương sáng tự học. Và chính ông, như một chính khách coi sự tìm kiếm kiến thức là mãi mãi. Một đồng nghiệp đã viết trên một tờ báo: “Phan Quang có thể coi là học giả Nguyễn Hiển Lê thứ hai về tinh thần tự học. Đó là Đi - Nghĩ - Đọc - Viết. Học không bao giờ dừng, cho đến khi giã từ trần thế! (Tên một tập sách của Phan Quang, Nhà Xuất bản Phụ Nữ, 2011)”.
“Phan Quang – 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề”, mừng thượng thọ Phan Quang, đồng nghiệp ở Đài tổ chức thật mỹ mãn. Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, các đồng nghiệp, bạn bè, học giả, nhà nghiên cứu, sinh viên và gia đình nhà báo Phan Quang... có mặt đông đủ, nồng ấm. Cảm động, nhà lãnh đạo cao nhất của quê hương Quảng Trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Hùng bay ra Hà Nội từ chiều hôm trước. Ông đến hội trường từ sớm, kèm theo một bó hoa đẹp tự ông tìm chọn. Nhà lãnh đạo Quảng Trị lên sân khấu giao lưu, trích dẫn nhiều đoạn văn Phan Hoàng miêu tả về cái đẹp của biển Cửa Tùng, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ, địa đạo Vĩnh Mốc, dòng sông Nhùng, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, những cái đẹp tỏa sáng lung linh của cỏ lau Thành cổ… Từ sân khấu, nhà lãnh đạo của Quảng Trị bước xuống, Phan Quang bước qua. Họ ôm chặt lấy nhau, cảm động về nghĩa tình quê hương “Gió Lào cát trắng”. Xúc cảm dâng trào, nhận bó hoa của quê hương, nhà báo Phan Quang nghẹn ngào: “Cảm ơn Gió Lào cát trắng đã trui rèn tôi nên người!”; “Rất cảm ơn Anh - lời vàng, ý ngọc từ cái nôi tôi đã sinh thành!”.
Hơn 600 trang sách, 99 bài viết của nhiều bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo, nhà nghiên cứu với ước nguyện mà người sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu: “Ngọc trong có thể mờ, hoa tươi rồi sẽ tàn, sẽ lụi”. Đúng vậy! Nhưng với Phan Quang, như nữ đồng nghiệp, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang ý thức được: “Có những ý ngọc lời hoa mãi mãi đẹp trong, có nó tâm hồn ta thêm tươi, cuộc đời ta thêm đẹp”. Nhà báo, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học - nghệ thuật Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, người luôn “Giữ lửa nghề” đến dự ngày vui ra mắt tập sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề”, xúc động về một người Anh, người đồng nghiệp lớn - trải bao năm tháng gian khó cùng nhau trên một con tàu “Cây đa cổ thụ Hàng Trống” đã cảm tác tại chỗ, đọc tặng nhà báo, nhà văn Phan Quang:Trước mắt tôi/ Hàng ngàn trang sách/ Chắt ra từ vạn vạn trang đời/ Của chín mươi năm cuộc người/ Bảy mươi năm đời bút! …Tằm nhả tơ/ Sáng óng từng con chữ! Ấm nóng/ Tình đời, Tình bạn …
Nhiều sinh viên ngữ văn, sinh viên báo chí, nhà báo trẻ; có cả những người “ngoại đạo” từ Hà Đông, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định … dù không có thư mời, nghe tin nhà báo, nhà văn Phan Hoàng mừng thượng thọ, đón sách mới là đến dự, mang theo những bó hoa tươi thắm. Thạc sĩ Dương Thanh Hoài, chuyên gia văn hóa và ngôn ngữ đang làm việc tại một viện nghiên cứu của Hàn Quốc tại thủ đô Hà Nội, dịch giả của nhiều tập sách dày dạn được chuyển ngữ từ tiếng Hàn qua tiếng Việt đến chia vui với bác Phan Quang, dù chưa một lần gặp ông, nhưng kính trọng, nể phục sức lao động thanh xuân và sáng tạo của dịch giả “Ngàn lẻ một đêm”. Dương Thanh Hoài mang đến tặng ông một giỏ hoa đẹp, mang về từ Hàn Quốc: “Biết tin, sáng sớm nay và cháu phóng xe từ Hà Đông, ghé văn phòng ở phố Kim Mã lấy giỏ hoa xứ Hàn bạn cháu vừa mang về Hà Nội chiều qua. Cháu chỉ kịp đến đây để kính chúc bác sức khỏe và hạnh phúc, mãi mãi “Sức sáng tạo thanh xuân” như anh Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã cảm nhận trong bài viết mang số thứ tự “99” của tập sách được giới thiệu sáng nay”. Dứt lời, Dương Thanh Hoài vù ra xe, kịp chuyến bay Hà Nội - Bangkok đi dự cuộc hội thảo “Văn hóa xứ Kim Chi”.
Mùa thu Hà Nội bảng lãng heo may, mùa đẹp nhất thành phố ven bờ sông Hồng, Phan Quang càng thêm nồng ấm tình bè bạn, đồng nghiệp, tình quê hương - tình đời, thật hạnh phúc
Phạm Quốc Toàn
< Lùi | Tiếp theo > |
---|