CHÍNH KHÁCH, HỌ LÀ AI ?
Mấy bữa nay, trước Têt Độc Lập 2 tháng 9, đây đó báo chí bàn chuyện các chính khách. Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khóa XIV cũng đã luận bàn về chính khách, nhân phóng viên Báo Lao Động hỏi ông. Nhà sử học trả lời, đại ý như sau:
- Mới thấy làm chính khách thật khó. Khi có sự cố, có bộ trưởng, thứ trưởng của ta trả lời báo chí và dư luận xã hội, về sự kiện đó còn thiếu tầm chính khách.
Chính khách, họ là ai ? Theo Đại Từ điển tiếng Việt, chính khách được định nghĩa ngắn gọn: “Người hoạt động chính trị có danh tiếng”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
Các phóng viên báo chí phỏng vấn thứ trưởng và bộ trưởng Bộ Y Tế chung quanh vụ án Tổng công ty VN Pharma nhập thuốc giả chữa bệnh ung thư; rằng có phải em chồng bộ trưởng là Phó Tổng giám đốc công ty này nên được ưu ái? Chuyện chỉ có vậy, nhưng bộ trưởng và thứ trưởng bộ này trả lời còn thuyết thiếu phục, dễ làm cho người ta cảm thấy có cái gì đó “loanh quanh”. Sự trả lời đó như dư luận đã bày tỏ: “chẵng khác gì đổ ô xy – thêm dầu vào đám cháy, làm cho lửa càng bùng to”. Thà rằng, lãnh đạo bộ Y tế cứ huỵch toẹt ra đúng như sự thật vốn có, đại thể như thế này: “Đúng là em chồng bộ trưởng làm phó tổng giám đốc VN Pharma, nhưng bộ không có ưu ái gì. Hơn thế nữa, khi phát hiện công ty này sai phạm, nhập thuốc giả, bộ đã chính thức đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc giúp sức đưa ra ánh sáng, kịp thời ngăn chặn sự làm ăn gian trá. Chuyện đúng, sai như thế nào, cơ quan điều tra sẽ công bố, không có vùng cấm. Ai sai sẽ bị xử lý nghiêm, kể cả lãnh đạo bộ Y Tế …”. Rõ ràng, minh bạch như thế là xong, không cần nói dài, cũng chẳng cần thanh minh, thanh nga gì nữa. Là chính khách phải đối diện với sự thật, không loanh quanh dễ làm cho dư luận cảm thấy ngụy biện.
***
Thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, trong cuộc họp báo chiều 17.8 về vụ trạm thu phí BOT giao thông Cai Lậy, khi các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên hỏi về cách xử lý của bộ, trước sự phản ứng của dư luận, ông thứ trưởng tuyên bố rất hách, đại thể:
- Trạm thu phí Cai Lậy không sai, chúng tôi không di dời, không có lợi ích nhóm(!).
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo
Ảnh: VĂN DUẨN
Lập tức, làn sóng phán ứng càng dấy lên. Giá như chính khách này lý giải có đầu có đuôi, BOT Cai Lậy nếu có sai thì nhận lỗi, đưa ra biện pháp xử lý, khắc phục, cái nào BOT Cai Lậy đúng thì lý giải cho ra cái sự đúng và bảo vệ. Nhưng ông thứ trưởng không lắng nghe, quay lưng với dư luận, thậm chí còn dọa đòi xử lý lái xe sắp tới còn đưa tiền lẻ để mua vé qua trạm BOT thì công an địa phương sẽ vào cuộc. Người ta có cảm giác, lãnh đạo bộ Giao thông Vận tải chưa lắng nghe dân; một loạt sai phạm, khuất tất chung quanh các trạm thu phí giao thông BOT được báo chí và các chuyên gia phân tích đưa ra công luận, thế là sinh chuyện to. Chỉ vì cách lý giải, thái độ và cách nhìn, chính khách không những không dẹp yên dư luận mà còn phát sinh nghịch lý - lôi thôi to.
***
Ngày 30 tháng 8. 2017, trong một cuộc họp báo khác, nữ chính khách thứ trưởng bộ Tài Chính Vũ Thị Mai trả lời các báo, đại loại:
- Việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) không ảnh hưởng đến cuộc sống người nghèo, nếu có thì ảnh hưởng cũng rất ít (!)
Thứ trưởng Bộ Tài chính: Vũ Thị Mai.
Ô hay, sao lại có thể lý giải thuế VAT tăng mà người nghèo lại vô can (?). Hãy nghe một chuyên gia lý giải công khai trên một tờ báo có uy tín, như sau:
- Rau, cá, thịt, gạo … bán ngoài chợ khi đến tay người tiêu dùng, VAT tăng sẽ tác động đến giá bán. VAT đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, giá bán đều tăng theo là một tất yêu. Cách phân tích của thứ trưởng rất phiến diện …
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bội chi của ngân sách, phải nghĩ ngay giải pháp tiết kiệm chi hợp lý, sao cứ phải tăng thuế VAT …? Sự giải thích không đầy đủ, phiến diện, lập tức bị dư luận phản bác.
Quả là làm chính khách, tầm nhìn xa trông rộng, kiến thức và sự mẫn cán chính trị gia, khó lắm thay ! P.Q.T
< Lùi | Tiếp theo > |
---|