Nhật ký Phạm Quốc Toàn: Nhật ký ngày 7.9.2017

Phạm Quốc Toàn: Nhật ký ngày 7.9.2017

3 người kê khai không trung thực ?

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc 2 ngày họp (ngày 5 & 6.9) nhằm thẩm tra Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong kỳ họp tháng 10.2017, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay. Các thành viên Ủy ban Tư pháp bàn thảo và tranh luận thẳng thắn về những  nội dung liên quan cuộc đấu tranh  phòng chống tham nhũng. 

pham_quoc_toan-luat-chong-tham-nhung

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ bảy.Ảnh: Báo Nhân Dân


Rất đáng lưu tâm các ý kiến tâm huyết từ các thành viên Ủy ban Tư pháp được đặt lên bàn nghị sự: “Anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả”; “Cán bộ xây biệt phủ tòa ngang dãy dọc hoành tráng lại giải thích “tài sản có được nhờ chạy xe ôm, bán chổi đót, đi buôn gà, như là một sự khinh nhờn pháp luật, thách thức dư luận, dân đâu có mù mà tin những giải thích như vậy”; “hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản mà chỉ có 3 người không trung thực, dân tin sao được với cách làm hời hợt, qua loa quá”, trong khi “tham nhũng tràn lan, dân có thể đếm cán bộ huyện, cán bộ xã, thậm chí công chức bình thường ai tham nhũng, nhưng xử lý thì quá ít” … Các ý kiến này được phát ngôn công khai tại phiên họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, được dư luận đồng tình.  


Một trong các giải pháp hữu hiệu phòng chống tham nhũng là việc kê khai tài sản, giám sát kê khai tài sản thực chất, công khai. Và điều  cần ghi vào Luật, ai là người có thẩm quyền xác minh tài sản các quan chức? Khi tài sản được kê khai, bắt buộc phải công khai, để xã hội, người dân, báo chí giám sát. Một lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: “Chi bộ có thể không biết, nhưng  dân thì biết hết quan chức nào tham nhũng, của cải đang cất dấu ở đâu”. Nhân dân là tai mắt của Đảng và chính quyền, như Bác Hồ đã dạy: “Với đồng bào, không gì là họ không biết, kể cả bọn tham ô, hủ hóa, ăn cắp của công”.  


Một tài liệu của Thanh tra Chính phủ công bố mà Việt Nam có thể tham khảo, cho thấy, công khai là vũ khí  đắc sách cho phòng chống tham nhũng, bao gồm cả việc kê khai tài sản, giám sát kê khai tài sản quan chức. Tại Hàn Quốc và các quốc gia Bắc Âu quy định: Mọi công chức nhà nước đều có quyền và trách nhiệm cung cấp các thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan mình cho phóng viên báo chí và không ai được phép điều tra, tìm hiểu để xác minh nguồn của các thông tin đã được đăng trên báo chí. Hàn Quốc  ban hành luật về công khai thông tin nhằm mục đích minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như của công chức, kể cả việc kê khai tài sản.


Tại phiên họp tháng 8 năm 2017 của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò của báo chí, biểu dương báo chí đã có nhiều cố gắng trong việc công khai – phanh phui các vụ việc tham nhũng nơi này nơi kia. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Công khai là thanh bảo kiếm lợi hại, góp phần quan trọng vào thành công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Chuyện đã rõ như ban ngày, vấn đề là tổ chức thực hiện sao cho tốt, trong đó có việc không ngừng nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của báo chí, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  nhắc nhở.  

 QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment