NIỀM VUI TỪ SÁCH
Ngày hôm nay là một ngày vui.
Là bạn bè gần gũi, nhưng tôi lại ít biết Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên một địa phương ở Nam bộ, nhà giáo Hồ Đình Khai là một người yêu sách, đam mê đọc sách. Đầu tháng 8 năm 2017, anh tặng tôi 3 cuốn sách quý: Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, bản in mới nhất của Nhà Xuất bản Trẻ, kèm bộ sách 2 tập gần 2.000 trang in “Kiều học tinh hoa” do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học biên soạn; sách xuất bản nhân dịp kỷ niệm 250 năm – năm sinh Nguyễn Du (1765 – 2015), cũng là dịp UNESCO tôn vinh Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới. “Kiều học tinh hoa” tuyển những bài viết, tư liệu, khảo luận của nhiều học giả, chính khách, nhà nghiên cứu tên tuổi luận bàn vè Truyện Kiều dưới nhiều góc độ khác nhau, giúp cho người đọc một cách nhìn khách quan, biện chứng về một kiệt tác văn học bất hủ của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Chẳng có món quà nào quý và tao nhã đến vậy, khi người ta biếu tặng nhau những cuốn sách quý – có tiền, nhiều khi cũng chẳng mua được.
Nhà giáo Hồ Đình Khai kể cho tôi nghe thú vui đọc sách. Cao hơn thế, đọc sách không chỉ là thú vui mà còn là niềm đam mê tự học, học trong sách vở - nguồn tri thức vô tận của nhân loại. Nhiều năm trước, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, cựu giáo chức Nguyễn Hồng Sanh đã là người đam mê đọc sách, sưu tầm sách nổi tiếng. Sau này, ông Nguyễn Hưng Nam, ông Trần Văn Tư, ông Trần Trọng Thiện (và nhiều người khác) là những cựu giáo chức yêu sách, đam mê đọc sách, tủ sách của họ có nhiều bản sách xưa và nay rất quý. Khi có một cuốn sách hay xuất hiện trên thị trường sách, họ báo cho nhau biết, cùng đọc và luận bàn; họ mua sách làm quà tặng cho những người bạn yêu sách. Đó cũng chính là nét đẹp của văn hóa đọc, niềm vui bất tận của tuổi già – sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời. Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương có văn hóa đọc phát triển, hệ thống thư viện – tủ sách từ tỉnh đến huyện, thành phố tỏa khắp nhiều phường xã, thôn ấp.
Mới đây, tôi có dịp đến ngõ số 6, phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, Hà Nội gặp gỡ nhà văn, nhà báo, dịch giả nổi tiếng Phan Quang. Bao quanh căn nhà riêng của ông chỉ là sách, trên sách, dưới sách, trong sách, ngoài sách. Điều rất tuyệt vời, một kho sách đồ sộ như vậy, nhưng nếu ai hỏi đến cuốn sách nào, , một lát sau là ông lục ra ngay; ai hỏi bất cứ tư liệu đông tây, kim cổ nào, ông cũng có ngay – nói có sách mách có chứng. Phan Quang – tác giả của hơn 40 bộ sách quý, thuật lại trong tác phẩm “Thương nhớ vẫn còn” (Nhà Xuất bản Văn học, 2011), ông ngưỡng mộ học giả Nguyễn Hiến Lê về khả năng tự học và đọc sách. Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, Phan Quang tìm đến nhà riêng Nguyễn Hiến Lê trong một con hẻm hẹp ở Sài Gòn, nhưng ông ấy từ chối gặp “sĩ phu Bắc Hà”. Xin nói thêm, Nguyễn Hiến Lê cũng xuất thân từ sĩ phu Bắc Hà, nguyên quán làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây – nay là thủ đô Hà Nội. Lần thứ 2, Phan Quang đề nghị, Nguyễn Hiến Lê mới nhận lời tiếp ông và sau lần đó họ trở nên gần gũi, thân thiết cho đến khi Nguyễn Hiến Lê tạ thế năm 1984 tại Long Xuyên, tỉnh An Giang, bắt đầu từ thú vui chơi sách, đọc sách. Nguyễn Hiến Lê tặng sách quý cho Phan Quang và chỉ nói gọn một câu: “Trong sách chi chi cũng có” – có ý dặn người được tặng sách: “hãy gằng đọc, kiến thức, tư liệu quý năm gọn trong sách cả đấy”. Phan Quang nhận xét: “Nguyễn Hiến lê là hiện tượng hiếm thấy ở Việt Nam, một tấm gương sáng tự học, đọc sách mê say. Chỉ 20 năm (1955 – 1975), Nguyễn Hiến Lê cho ra đời 100 tác phẩm, trong đó có nhiều cuốn 3-4 tập dày cộp rất có giá trị. Đọc và viết, tự học từ sách là nếp sống hàng ngày của nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê.
Nhà văn, nhà báo Trần Công Tấn, Trần Thanh Phương, giáo sư Mai Quốc Liên … ở TP. Hồ Chí Minh (và nhiều nhà văn, nhà báo, học giả, chính khách khác) đều là những tấm gương sáng tận tụy đọc sách, học từ sách, họ thông kim bác cổ bắt đầu từ đọc sách. Tủ sách của Trần Công Tấn, Trần Thanh Phương có lượng sách khá.
Văn hóa đọc cả nước, các quốc gia trên thế giới đang chịu tác động tiêu cực trước sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện truyền thông điện tử, sách điện tử. Nhưng không phải ví thế mà văn hóa đọc bị mai một, người đọc sách ít đi. Các đợt triển lãm sách, hội sách, trưng bày sách, tổ chức đường phố sách tại Hà Nội, TP. HCM, các đô thị khác, có hàng chục ngàn bạn đọc, trong đó có đông đảo bạn đọc trẻ đến đây tìm sách, mua sách – doanh thu các nhà sách tăng cao.
Một học gỉa cho rằng: Một xã hội không có sách là xã hội ngu dốt. Vấn đề là nên đọc sách như thế nào, phương pháp chọn sách và kỹ năng đọc sách ra sao để học, thu lượm được nhiều kiến thức từ sách. Các nhà làm sách, cơ quan quản lý sách, các thư viện, giảng viên bộ môn văn học rất cần tổ chức các cuộc giao lưu, tọa đàm, hội thảo về thú vui đọc sách, để có định hướng cho sự phát triển lành mạnh, đúng hướng của văn hóa đọc, theo đó văn hóa đọc không ngừng phát triển.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|