Năm 1968, chia tay lớp 10C, kết thúc 3 năm đèn sách trường cấp 3 (Trung học phổ thông) Hương Khê, Hà Tĩnh. Chiến tranh ác liệt nhưng thi cử khá nghiêm ngặt; tỷ lệ tốt nghiệp lớp 10C chưa được 40%, cả lớp không vui. Tôi và Trần Trường Sơn tốt nghiệp loại giỏi. Một tháng sau, Ty Giáo dục xem xét đơn phúc khảo, tỷ lệ đạt 68%, những ai chưa tốt nghiệp đành lưu ban thêm một năm.
Minh họa: Hoàng Đặng
Hai tháng sau, tôi và nhiều bạn bè vào bộ đội. Điều kiện chiến tranh, thầy trò ít có điều kiện gặp nhau. Giáo viên chủ nhiệm 3 năm trung học phổ thông là thầy Vũ Trọng Huỳnh. Tình cảm thầy trò sâu nặng, thời gian trong quân đội, nhiều lần tôi viết thư thăm hỏi thầy theo địa chỉ 42 phố Lạch Tray, thành phố Hải Phòng nhưng đều không có hồi âm.
Sau này, về Hà Nội học đại học, tôi và hai người bạn cùng lớp đi Hải Phòng thăm thầy. Sáng sớm chủ nhật, chúng tôi nhảy tàu “chợ” Hà Nội - Hải Phòng. Tàu chật như nêm cối, đã vậy khi gần đến thị xã Hải Dương bị tai nạn, tàu trật bánh khỏi đường ray, gần 8 giờ đêm chúng tôi mới đến được phố Lạch Tray. Tại căn nhà 42 Lạch Tray, địa chỉ của thầy, chủ nhà là một cụ ông cho chúng tôi biết gia đình thầy Huỳnh đã chuyển đi nơi khác, bây giờ ở đâu cụ không biết. Không tìm được thầy – buồn lắm, sáng sớm hôm sau chúng tôi nhảy xe đò trở về Hà Nội.
Không thầy đố mày làm nên! Truyền thống tôn sư trọng đạo ngàn đời của dân tộc ta. Tình nghĩa thầy trò những năm cấp 3 trường huyện, thời chiến tranh, đạn bom luôn rình rập, sâu nặng vô cùng, khắc sâu trong tâm khảm chúng tôi những ký ức mãi mãi không thể quên. Thời kỳ đó, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt – đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; có thời điểm bom ném sát lán học, nhà trường liên tục phải sơ tán. Tôi không sao quên được ngày bom Mỹ giết hại gần 30 học sinh vô tội trường cấp 2 Hương Phúc đúng vào tiết học đầu tiên, cách trường chúng tôi không đến 10 km.
Thời gian của cuộc đời càng ngắn lại, người ta càng nhớ nhiều đến bè bạn, thầy cô giáo của mình. Năm 1965, năm đầu trung học phổ thông. Nhà trường sơ tán về xã Phú Phong, lán học đào sâu dưới lòng đất, thầy Vũ Trọng Huỳnh đón học trò từ sáng sớm. Ngày tựu trường, thầy giới thiệu về mình ngắn gọn, quê thầy ở thành phố cảng Hải Phòng. Và thầy tốt nghiệp Khoa Sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi vào tuyến lửa. Tất cả chỉ có vậy.
Từ Hải Phòng vào Hà Tĩnh làm công tác giảng dạy, xa gia đình, môi trường văn hóa có phần khác biệt, chiến tranh ác liệt, đời sống nhiều thiếu thốn. Thầy nhanh chóng hòa nhập với hoàn cảnh mới, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu. Những học sinh vì hoàn cảnh khó khăn, không thể đến trường, thầy đi bộ hàng chục cây số đến nhà bàn tính với các bậc phụ huynh, tìm cách hỗ trợ giúp đỡ các em tới trường. Một lần, thầy tìm đến nhà học trò TK, 3 chiếc máy bay Mỹ ào đến ném bom, thầy bị thương trong lúc nhào mình che chắn cho em nhỏ dẫn đường. Sau lần đó, hàng tháng thầy trích một phần định suất gạo của mình hỗ trợ cho TK đến lớp.
Sau này, chúng tôi được biết thầy tốt nghiệp đại học loại giỏi, trở thành giảng viên dạy môn lịch sử của Đại học Sư phạm Hà Nội. Trước khi là sinh viên sư phạm, thầy có nguyện vọng tòng quân đánh Mỹ, góp sức mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Thời ấy, cả nước ra trận, lớp lớp thanh niên cắt máu ăn thề xung phong vào bộ đội – xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Nguyện vọng tòng quân của thầy không được chấp nhận chỉ vì một lý do đơn giản: mắt bị cận. Sau đó, thầy xung phong về giảng dạy tại trường cấp 3 Hương Khê, huyện tuyến đầu của Hà Tĩnh – trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, tuyến đường vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngày ấy thầy rất ít nói về mình, mà lớp học trò chúng tôi cũng vô tâm nên rất ít biết về thầy. Sau này tôi mới biết thầy Vũ Trọng Huỳnh là con trai của cụ Vũ Trọng Khánh, nhân sĩ yêu nước nổi tiếng từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cụ tốt nghiệp tú tài trường tây Albert Sarraut; tốt nghiệp Khoa Luật, Đại học Đông Dương năm 1936 – cử nhân luật, làm báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Và cụ được Bác Hồ chọn làm Bộ trưởng Tư Pháp của Chính phủ Lâm thời thành lập ngày 2-9-1945, Chính phủ Liên hiệp Lâm thời từ ngày 1-1 đến ngày 2-3-1946. Chỉ trong 181 ngày làm Bộ trưởng, cụ Vũ Trọng Khánh đệ trình 2 sắc lệnh, đặt nền móng – về pháp luật trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền; Cụ là 1 trong 7 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thầy Vũ Trọng Huỳnh có tính cách hệt cha mình: hay cười, ít nói - nói nhỏ nhẹ, chậm rãi, khiêm nhường và rất hiếu thảo. Thầy học giỏi cả toán và văn, rất mê lịch sử. Hai người em trai của thầy là tiến sĩ vật lý Vũ Trọng Hùng; Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Trọng Khải đều là bậc trí thức thông tuệ, uy tín.
Còn mẹ của thầy Vũ Trọng Huỳnh là bà Trịnh Thị Ngọc Lan – một trí thức tiêu biểu. Bà là em gái cố luật sư Trịnh Đình Thảo, trí thức yêu nước nổi tiếng thời chính quyền Sài Gòn. Đỗ tiến sĩ luật khoa tại Pháp, về nước năm 1929, làm luật sư tại tòa thượng thẩm Sài Gòn, tham gia phong trào yêu nước. Đầu năm 1968, ông bí mật ra vùng giải phóng tham gia thành lập và được bầu làm Chủ tịch Liên minh Các lực lượng Dân chủ, hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Hai năm sau ngày tôi đến Hải Phòng tìm thầy không thành, tôi lại đi tìm thầy lần thứ hai. Tôi tìm gặp các đồng nghiệp của thầy và được biết năm 1994, thầy đã qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo ở tuổi 59. Đầu năm 2012, từ trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, thành phố Hải Phòng tôi được biết vợ của thầy, cô giáo Vũ Thị Thanh Nhàn đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh cùng hai con gái Vũ Minh Anh, Vũ Minh Thu. Minh Anh, Minh Thu bây giờ đã thành đạt, giống bố như tạc, cả về hình thức và cá tính – nhỏ nhẹ, khiêm nhường nhưng bản lĩnh, quyết đoán, tự lập.
Tôi tìm gặp cô giáo Thanh Nhàn tại con hẻm nhỏ ¼ đường D3, quận Bình Thạnh. Hôm đó, bầu trời mây đen vần vũ, bất chợt cơn mưa rào kéo đến, câu chuyện chân tình giữa cô Nhàn, Minh Thu và tôi đầy ắp những kỷ niệm về thầy. Chuyện cổ tích một thời chiến tranh ở mái trường cấp 3 Hương Khê. Chuyện chàng trai thành phố cảng thư sinh mắt cận ngày ấy lọ mọ đi nhặt phân chuồng để trồng rau mỗi tháng góp đủ 50kg cải thiện đời sống bếp ăn tập thể. Chuyện bố Huỳnh hè nào cũng vượt mưa bom bão đạn, đạp xe cả ngàn km từ Hà Tĩnh về Hải Phòng thăm nội; rồi chuyện nội thúc bố lấy vợ, bố chỉ cười trừ làm bà giận suốt tuần. Chuyện thầy hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm phê bình thầy mặc áo bà ba trong giờ làm việc, cá tính cương trực, thẳng thắn, thầy cãi lại: “Bác Hồ vẫn mặc áo bà ba đó thôi, sao hiệu trưởng không phê bình”. Chuyện đi vào tuyến lửa, thầy đón nhận vui vẻ, nhẹ tênh. Lệnh hôm trước, hôm sau thầy nhẹ nhõm thu xếp lên đường.
Tiếp tục câu chuyện với cô giáo Vũ Thị Thanh Nhàn, tôi càng cảm phục lý tưởng sống cao đẹp của thầy. Nhân vật Paven Coocsaghin trong Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky - nhà văn nghị lực phi thường; chính là thần tượng của thầy để nỗ lực và phấn đấu trên mỗi bước đường đời. Với ý chí tự lập rất cao, hình ảnh của Paven Coocsaghin luôn tiếp sức cho thầy: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Sinh ra ở thành phố, nhưng cuộc đời thầy gần như lại rất gắn bó với những làng quê Việt còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Hơn 9 tuổi, thầy theo gia đình lên vùng chiến khu Việt Bắc kháng chiến, theo tiếng gọi của Bác Hồ. Thời thanh niên sức khỏe yếu, với những cống hiến lớn cho đất nước của một gia đình trí thức yêu nước – cả bên nội và bên ngoại, việc thầy được miễn xông pha vào nơi tuyến lửa là đương nhiên. Hoàn toàn ngược lại, thầy xem đó là điều không bình thường của tuổi trẻ. Và thầy đã tìm mọi cách để được ra trận, được làm công việc giảng dạy ở những nơi gian khổ nhất, chấp nhận mọi hy sinh, thử thách. Thầy đã “không sống hoài sống phí”, như cách mà Paven Coocsaghin đã sống. Mọi người rất trân trọng mỗi khi nhắc đến tấm lòng nhân ái, tận tình giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp, hết lòng vì học sinh thân yêu, bằng những nghĩa cử cao đẹp từ thầy. Thời đấy được đi đào tạo ở nước ngoài là cả một quá trình học tập, phấn đấu, cống hiến, vinh dự và xét chọn nghiêm ngặt. Vậy mà thầy đã rất vui vẻ, tự nguyện nhường cho đồng nghiệp suất đi nghiên cứu, học tập tại Liên bang Xô Viết. Khi đồng nghiệp khó khăn hơn mình, thầy sẵn sàng nhường cái xe đạp loại tốt. Ngay cả việc xét lên lương, thầy cũng sẵn sàng chia sẻ, nhường cho đồng nghiệp khác có khó khăn hơn mình.
Thật thú vị, nếu đem so sánh, thần tượng của thầy – Paven Coocsaghin – có ba mối tình với những cô gái xinh đẹp của nước Nga – Xô Viết. Thầy Vũ Trọng Huỳnh của chúng tôi, tình yêu duy nhất, trọn vẹn nhất là dành cho cô giáo Thanh Nhàn. Nhớ lại câu chuyện tình cảm của Q, bạn học cùng lớp chúng tôi, người con gái gốc Quảng Trị nhỏ nhắn, xinh đẹp bên dòng Ngàn Sâu với chiếc nón bài thơ xứ Nghệ, từ cảm mến tài năng, đức độ đã thầm yêu trộm nhớ thầy khi nào không hay biết! Q đã lặn lội về Hà Nội gặp thầy, tìm cách để được chăm sóc thầy, đỡ đần thầy từng xô nước - cái thời mà nước sinh hoạt còn quý hơn cơm gạo bây giờ. Lúc đó thầy đã yêu cô giáo Thanh Nhàn. Và cô giáo Thanh Nhàn là người duy nhất để thầy tâm sự về Q. Tình yêu của Thầy ngày đất nước đầy gian khó, nhiều đạn bom mới đẹp làm sao!
Kết thúc câu chuyện, tôi thành kính thắp cho thầy nén nhang. Trên bức tường lớn, tấm ảnh chân dung của thầy đẹp lồng lộng, vầng trán cao, cặp kính cận ngày nào, bóng dáng của thầy hiện về trong tâm trí tôi. Bên góc trái tủ sách là chân dung cụ Vũ Trọng Khánh, thân phụ của thầy thời trẻ đang trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh sắc lệnh về luật của Bộ Tư Pháp - Chính phủ Cách mạng lâm thời, mà ông là vị bộ trưởng đầu tiên. Thay mặt tập thể lớp 10C gần 45 năm trước, tôi kính cẩn báo với thầy về những đứa học trò cưng chăm ngoan, nhưng có lúc ngỗ nghịch dám giấu chiếc kính cận của thầy để được nghỉ học xả hơi, làm thầy giận. Tôi báo ngắn gọn với thầy tên tuổi từng người, ai còn ai mất – ai đã trưởng thành và ai có cuộc sống còn khó khăn, lận đận. Lúc thầy lâm chung, từ biệt thế giới này, chúng tôi mỗi người một hoàn cảnh đã không thể có mặt tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ cuối cùng.
Thầy Vũ Trọng Huỳnh, người thầy lớn rất đỗi kính trọng dù đã đi xa, nhưng suốt cuộc đời này, hình ảnh thầy mãi khắc sâu trong tim các thế hệ học trò chúng tôi.
3. Tác phẩm
- Tản mạn về đời - Bút ký
- Đời và nghề - Tiểu phẩm
(Nhà Xuất bản Văn học, 2012 – 2013)
- Đi một ngày đàng - Du Ký
- Tôi nói bằng mồm tôi - Tiểu phẩm
(Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2014)
- Xứ sở Chùa Vàng - Ký sự
(Nhà Xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 2015)
- Ký Giả - Bút ký Chân dung
(Nhà Xuất bản Văn học, 2015)
- ĐẤT VÀNG - Ký sự
(Nhà Xuất bản Bangkok, Thái Lan - tiếng Thái - 2016
- Phi Thường - Truyện ký
(Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2016)
- Lốc xoáy Thời cuộc (Bút ký chính luận)
(Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2016)
- Búp sen hồng (Truyện ký)
(Nhà Xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 2016)
< Lùi |
---|