Nhà báo “Mây phủ Giăng Màn”

“Mây phủ Giăng Màn” là tên sách - tập tự truyện của Bùi Thanh Liêm. Sách Địa chí viết: “Núi Giăng Màn (Khai Trướng) nằm trên dãy Trường Sơn vùng Hà Tĩnh, cao lớn ngang trời trông tựa như tấm màn giăng ngang. Trên cái nền xanh thẳm ấy, một dải trắng rủ xuống, cao đến vài trăm trượng. Đó là suối Vũ Môn của núi Giăng Màn. Núi Giăng Màn hiểm trở, nhiều nơi của chốn ấy chưa có dấu chân người. Tương truyền đó là nơi cá chép mở hội thi vượt Vũ Môn hóa rồng”. Ngôi làng Phù Việt, huyện Thạch Hà - quê hương của Bùi Thanh Liêm, mùa hè sau trận mưa rào trời quang mây tạnh phóng tầm mắt qua dãy núi Trà Sơn vẫn nhìn thấu ngọn Giăng Màn lừng lững giữa trời.

May_phu_1

Nhà báo Bùi Thanh Liêm (hàng đầu bên trái) và vợ là Ngọc Yến (hàng đầu bên phải) ấm áp trong tình yêu gia đình trong một lần về thăm quê - Phù Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Bùi Thanh Liêm tự bạch: “Sách viết ra chẳng để phát hành, chẳng để quảng bá, chẳng để khoe khoang, vì thế không cần nắn nót câu chữ, chải chuốt văn từ”. Nói vậy, nhưng vốn là học sinh giỏi văn, nên tự truyện anh viết thật hay, văn chương mộc mạc, dung dị mà lãng mạn, lôi cuốn, hấp dẫn đến lạ lùng, chuyện nhà  nhưng cũng là chuyện của đất nước, dân tộc.

Bùi Thanh Liêm viết về tuổi thơ của mình bao nỗi nhọc nhằn. Củ khoai, củ sắn nuôi anh lớn dần. Rời lưng trâu đi bộ hơn 200km để vào giảng đường đại học. Cũng như sau này, rời giảng đường, Bùi Thanh Liêm cùng đồng nghiệp, đồng đội hành quân bộ 2.000km vượt núi cao vực thẳm để vào chiến trường.

Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, vào chiến trường Đông Nam bộ làm phóng viên TTX Giải Phóng. Cha anh, - cụ Bùi Đoàn, thường gọi là Ba Nghệ, Mười Thanh, cán bộ cao cấp của Trung ương cục miền Nam gặp con trai tại Hà Nội, nhân dịp Trung ương gọi ông ra họp. Ông nói, để cha can thiệp cho con ở lại Hà Nội. Bùi Thanh Liêm khẩn khoản: “Cho con đi, con lại gặp cha tại chiến trường”. Thế là có thời điểm hai cha con cùng trên một cung đường hành quân chiến đấu. Cụ Ba Nghệ, xa gia đình từ năm 1948, khi Liêm mới 2 tháng tuổi, được tổ chức bí mật cử vào Nam rất sớm chuẩn bị cho cuộc đánh lớn. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cả nhà không thấy ông về, cứ như ông mất tích đâu vậy.

Mẹ anh ở quê, cô gái xứ Nghệ rất thuộc Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, am tường sự tích 99 ngọn núi Hồng Lĩnh, điệu ví dặm quê nhà… trong cải cách ruộng đất bị đấu tố - nhà có Việt gian phản động, do cha anh đi kháng chiến mà không trở về với gia đình, chẳng lý do. Đội cải cách tịch thu nhà, phải đi ở nhờ, mẹ đi làm mướn, việc của anh là chăn trâu cắt cỏ cho nhà người ta, chị gái và em trai sống cơ cực… Một ngày nọ, chú Hai Sô, từ Nam ra Bắc họp, tranh thủ về quê Phù Việt. Và gia đình Bùi Thanh Liêm được minh oan, cuộc sống trở lại bình thường như bao gia đình khác, rồi anh học hành tiến tới, làm báo, đi chiến trường đánh Mỹ.

May_phu_2

Mùa đông ấm áp bên bếp lửa hồng của nhà báo Bùi Thanh Liêm nơi quê nhà, Phù Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Những trang tự truyện về tuổi thơ cơ cực, tủi nhục; cuộc hành quân bộ từ Hà Tĩnh ra Bắc học đại học; cái tết đầu tiên xa nhà tìm đến nhà ông bác họ ở Hà Nội xin tá túc, nửa đêm bác gái to tiếng cằn nhằn bác trai vì có thêm thằng cháu xa quê không gọi mà đến, sáng 30 Tết bác trai tiễn cháu rời Hà Nội, Liêm lủi thủi cuốc bộ lên Thái Nguyên, nơi trường sơ tán… Bùi Thanh Liêm, anh viết từ trái tim, chân thực, sống động, lôi cuốn, người đọc không kìm nổi nước mắt.

***

Tháng 6/1972, Bùi Thanh Liêm cùng 20 tân cử nhân khoa Sử và một số tân cử nhân khoa Văn trở thành phóng viên - nhà báo chiến trường, sau một khóa bổ túc nghiệp vụ ngắn hạn tại TTXVN.

Hành quân ra trận, Bùi Thanh Liêm nhớ mãi một kỷ niệm mà anh gọi là ngày định mệnh - ngày 2/4/1973. Khi chiếc xe chở Bùi Thanh Liêm và các đồng đội đổ xuống cao nguyên Boloven, phía trước là con đường thẳng đá sỏi lởm chởm, thuộc tỉnh Atopeu của nước bạn Lào. Cặp bạn thân học cùng lớp, cùng quê (Thạch Hà và Cẩm Xuyên, cách nhau 20km),Trần Viết Thuyên và Bùi Thanh Liêm ngồi cuối thùng xe. Bỗng một tiếng rít kinh người, tiếng động ào ào, xen tiếng la hét thất thanh, xe bị nạn. Bùi Thanh Liêm bị hất tung lên rồi rơi xuống một hố nhỏ lấp xấp bùn nước bị ngất xỉu nhưng rồi tỉnh lại, sờ nắn khắp người, biết mình không hề hấn gì. Chung quanh nằm la liệt các đồng đội máu me bê bết. Trần Viết Thuyên bị co giật, sùi bọt mép, hơn 1 tiếng sau đó cũng ra đi.

Cùng đi vào chiến trường, Trần Viết Thuyên còn có người yêu tên Nguyễn Thị Phương Thảo. Thảo là sinh viên ngoại ngữ khoa tiếng Pháp. Hai bạn đều trở thành phóng viên TTXVN, Thuyên phóng viên tin, Thảo phóng viên ảnh, cùng hành quân vào chiến trường trên một đoàn xe. Họ chính thức báo cáo với tổ chức, công khai tình yêu của mình. Hôm đó Thảo đi xe sau nên may mắn thoát chết. Giữa đại ngàn, Thảo khóc cạn nước mắt, nhưng số phận đã an bài, không còn cách nào khác. Cũng không biết Thảo đã có phép màu gì mà giữa rừng sâu vẫn tìm được 1 bát cơm nén chặt cùng 12 quả trứng luộc để cúng cho Trần Viết Thuyên, tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Anh là một trong số hơn 300 nhà báo liệt sỹ của TTXVN.

Một kỷ niệm nhớ đời khác mà anh viết “Ơn chùa! Suýt bị Khơ-me Đỏ bắt”. Lần đó, từ căn cứ Bùi Thanh Liêm được phân công cùng một đồng nghiệp cũng là phóng viên thông tấn qua đất bạn Campuchia mua hom khoai mì về trồng tăng gia sản xuất chống đói. Hai anh em đi 2 chiếc xe thồ không phanh, không gardebou trần trụi như hai con trâu ghẻ. Từ năm 1970 đến năm 1975 và cả những năm sau đó, khu vực biên giới phía Tây bọn Khơ-me Đỏ chơi trò bẩn chống phá Việt Nam từ sau lưng, phục kích chém giết bộ đội ta. Lấy được hom khoai mì, trên đường trở về, trời tối đi đường rừng lại sợ bọn “áo đen” phục kích, hai anh em phát hiện một ngôi chùa trong khu vườn rất rộng. Sau khi nghe trình bày, các sư chùa rất lo sợ, chần chừ, cuối cùng sư cả chấp nhận. Hai anh em được các sư đưa lên căn phòng nhỏ tối tăm trên nóc chùa. Khoảng 3 giờ sáng nhóm người áo đen chắc đã dò la theo dõi chúng tôi từ chiều sục sạo vào chùa lùng sục, truy xét mọi ngóc ngách. May thay, hai cái xe ghẻ cùng hom khoai mì đã được cất giấu kỹ. Gần sáng, không tìm kiếm được gì, chúng biến luôn. May mắn, các sư chùa đã cưu mang, bao bọc, cứu mạng.

Vào chiến trường miền Đông Nam bộ, anh được TTX phân công làm tổ trưởng phóng viên và kỹ thuật. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tổ phóng viên của anh theo mũi tiến công của quân đoàn 232 tiến vào giải phóng Sài Gòn từ hướng Tây Nam. Nhiệm vụ được giao, Bùi Thanh Liêm luôn hoàn thành xuất sắc. Anh nhớ mãi bài báo đầu tiên anh viết ở chiến trường là tường thuật trận đánh của một đại đội pháo cao xạ 37 ly bắn rơi chiếc máy bay phản lực F5 của quân đội Sài Gòn. Bài báo được Đài Tiếng nói Việt Nam - Hà Nội đưa lên sóng nhiều lần.

Sau ngày đất nước thống nhất, thay vì ở lại Sài Gòn hoặc lên Sông Bé cách Sài Gòn vài chục km, Bùi Thanh Liêm xung phong đi Thuận Hải, tỉnh lỵ đóng tại Phan Thiết. Trong một lần, nhà báo Bùi Thanh Liêm đi cơ sở, có thêm mấy cô gái trẻ xinh đẹp, hát hay làm việc tại Sở Văn hóa - Thông tin. Cô gái có tên Ngọc Yến trong nhóm bị cảm từ trước đó, trời lại đổ mưa. Ứng xử tự nhiên, Bùi Thanh Liêm “ép” Ngọc Yến lên xe của nhóm phóng viên, anh lấy xe đạp của Ngọc Yến guồng hơn chục cây số về Phan Thiết. Việc làm bình thường, cử chỉ nam nhi, tình cảm của Ngọc Yến với anh lớn dần. Họ yêu nhau từng ngày sâu nặng, để rồi họ nên vợ nên chồng.

Bùi Thanh Liêm không giàu về tiền bạc, nhưng trọn vẹn một mái ấm hạnh phúc, viên mãn,  hiếu đạo - dù cuộc đời bể dâu, bao biến cố. Dấu ấn biển đẹp Phan Thiết, dòng sông Cà Ty trắng mờ rung rinh hàng phượng vĩ ven bờ, đất và người Bình Thuận nghĩa hiệp thấm đậm trong trái tim của Bùi Thanh Liêm và Ngọc Yến. Sau Thuận Hải, Bùi Thanh Liêm là trưởng phân xã TTXVN tại Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, nặng nghĩa tình ở thành phố biển phương Nam.

Cô con dâu của mẹ - Ngọc Yến, nắng gió, sự gian khổ của miền cực Nam Trung bộ đã rèn dũa nên một nàng dâu, vợ hiền trên cả tuyệt vời… để núi Giăng Màn - thác Vũ Môn lừng lững giữa nền trời cao, tỏa sáng đất Nam bộ kiên trung, giàu tình thương yêu…

Nhà báo Phạm Quốc Toàn

Chia sẻ liên kết này...

Add comment